Nhập sữa xách tay từ Đức về có thể bán được không? Điều kiện kinh doanh sữa.
Nhập sữa xách tay từ Đức về có thể bán được không? Điều kiện kinh doanh sữa.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có nhập 1 lô hàng sữa xách tay từ Đức về có giấy tờ đầy đủ. Nhưng khi tôi tìm hiểu thì đã có người đăng kí bán độc quyền chính hãng tại Việt Nam. Tôi có thể bán món hàng đó được không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trong trường hợp của bạn, nếu mặt hàng sữa đó được bán độc quyền tại Việt Nam thì không phải là bảo hộ nhãn hiệu độc quyền, vì bảo hộ nhãn hiệu là bảo hộ với sản phẩm do công ty đó sản xuất, việc đăng ký bán độc quyền chính là việc công ty đó có ký kết hợp đồng với công ty sữa tại Đức nhận làm một công ty phân phối độc quyền sản phẩm sữa đó tại Việt Nam, tức là công ty nước ngoài chỉ cung cấp sữa cho duy nhất một công ty tại Việt Nam để bán và ngoài ra không phân phối cho bất kì một công ty nào khác. Việc bạn mua một số sữa tại Đức và xách tay về Việt Nam, nếu bạn có nhu cầu muốn bán cho người khác thì hoàn toàn có thể vì sữa không phải là mặt hàng bị cấm kinh doanh. Căn cứ quy định tại Điều 25 Luật thương mại 2005:
"1. Căn cứ vào điều kiện kinh tế – xã hội của từng thời kỳ và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh hàng hóa đó.
2. Đối với hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện, việc mua bán chỉ được thực hiện khi hàng hoá và các bên mua bán hàng hóa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Bạn cần lưu ý vì mặt hàng sữa nếu bạn mua trực tiếp từ nước ngoài và mang về Việt Nam thì sẽ phải có nhãn phụ nếu muốn bán trên thị trường vì hàng hóa đó không có chú thích bằng tiếng Việt, căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP:
"1. Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hoá phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
2. Hàng hoá được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.
3. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
4. Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:
a) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;
b) Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hoá học, công thức cấu tạo của hoá chất;
c) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hoá trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;
d) Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhượng quyền sản xuất hàng hoá."