Quy định về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên? Quy định về thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên?
Để nhận biết được một người là công dân của nước nào và thuộc quyền quản lý của quốc gia nào thì đa phần dựa vào quốc tịch mà người đó mang trong mình. Bởi vì mỗi quốc gia sẽ có một quốc tịch riêng dành cho công dân của nước đó, tuy nhiên, trong một số trường hợp thì công dân của một nước có thể mang nhiều quốc tịch khác nhau việc mang một hay nhiều quốc tịch còn tùy thuộc vào các quy định của quốc gia khác nhau. Đối với Việt Nam cũng thế, khi cá nhân chưa có quốc tịch Việt Nam những muốn nhập quốc tịch Việt Nam thì cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật hiện hành quy định. Đông thời về nhập quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên cũng phải thực hiện theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định. Vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành đã quy định về nội dung nhập quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên như thế nào? Trong nội dung bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ gửi tới quý bạn đọc về nội dung này.
Cơ sở pháp lý: Luật Quốc tịch Việt Nam 2008
Mục lục bài viết
1. Quy định về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên:
Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành thì đối với những người có quốc tịch Việt Nam sau khi kết hôn và sinh con tại nước ngoài và có nhu cầu về Việt Nam sinh sống muốn nhập quốc tịch Việt Nam cho con thì cần phải tuân thủ các quy định về điều kiện và trình tự thủ tục để được nhập nhập quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, theo như quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định về điều kiện được nhập quốc tịch:
“1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;
d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép”.
Từ quy định nêu ra ở trên có thể thấy rằng đối với những người có nguyện vọng, mong muốn xin nhập quốc tịch Việt Nam mà đã đáp ứng đủ các điều kiện thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam thì có thể thực hiện việc nộp đơn và hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam. Đồng thời nếu người này đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam và được trình Chủ tịch nước xem xét việc cho nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài.
2. Quy định về thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi kết hôn với chồng tôi, quốc tịch Mỹ, tại Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình. Khi sinh một con gái chung, bé chỉ mang quốc tịch Hoa Kỳ. Nay chúng tôi ly dị, tôi nuôi con gái. Xin hỏi, tôi có thể làm đơn xin cho con tôi được nhận quốc tịch Việt Nam không?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu bạn muốn con gái mình có quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam cho cháu. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý điều kiện để cháu được nhập quốc tịch Việt Nam là phải cư trú tại Việt Nam, có nghĩa là cháu đã về Việt Nam sinh sống. Trường hợp cháu là con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) thì bạn sẽ là người đứng tên trong Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con
Trình tự thực hiện:
Bước 1: Cá nhân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định. Nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp.
Bước 2: Sở Tư pháp kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ, yêu cầu bổ sung hoàn chỉnh nếu hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ.
Bước 3:Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh tiến hành xác minh nhân thân người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Bước 4:Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh.
Bước 5:Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
Bước 6: Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì gửi
Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Bước 7: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Bước 8: Cá nhân nộp lệ phí và nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp.
Cách thức thực hiện:
– Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp nơi cư trú
3. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên:
– Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
– Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế; (Giấy tờ khác có giá trị thay thế Giấy khai sinh, Hộ chiếu của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là những giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch nước ngoài của người đó); Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì còn phải nộp văn bản thoả thuận của cha mẹ về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho con;
– Bản khai lý lịch;
– Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
– Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt; (Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau đây: bản sao bằng tốt nghiệp sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam; bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chứng nhận trình độ tiếng Việt do cơ sở đào tạo tiếng Việt của Việt Nam cấp. Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam khai báo biết tiếng Việt đủ để hoà nhập. (Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó), nhưng không có một trong các giấy tờ nêu trên, thì Sở Tư pháp tổ chức phỏng vấn trực tiếp để kiểm tra trình độ tiếng Việt của người đó theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Kết quả phỏng vấn phải được lập thành văn bản; người trực tiếp phỏng vấn căn cứ vào tiêu chuẩn quy định (Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó) để đề xuất ý kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình;
– Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam (Bản sao Thẻ thường trú);
– Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam. (Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm một trong các giấy tờ sau: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy xác nhận mức lương hoặc thu nhập do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc cấp; giấy xác nhận của cơ quan thuế về thu nhập chịu thuế; giấy tờ chứng minh được sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người xin nhập quốc tịch Việt Nam về khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người đó).
Số lượng hồ sơ: 03 bộ
Thời hạn giải quyết: 115 ngày ( thời gian giải quyết thực tế tại các cơ quan có thẩm quyền)
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp cấp tỉnh
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: quyết định
Lệ phí (nếu có): 3.000.000 đồng/trường hợp
Như vậy, để có thể tiến hành nhập quốc tịch Việt Nam cho con gái thì chị muốn con nuôi con gái và muốn con gái mang quốc tịch Việt Nam thì cần phải tuân thủ quy định của pháp luật và tiến hành việc chuyển đổi quốc tịch theo một trình tự cụ thể được tác giả nêu trên theo như quy định của pháp luật hiện hành. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ giúp quá trình tiến hành việc con gái chị có Quốc tịch Việt Nam được nhanh chóng, thuận lợi, chính xác và đảm bảo tốt đa nhất quyền lợi của con gái chị khi thực hiện việc nhập quốc tịch Việt Nam cho con chưa thành niên này theo như quy định của pháp Luật Quốc tịch hiện hành.