Lần đầu đi nhập ngũ, các tân binh cũng như người thân lo lắng và không biết được mang theo những đồ vật gì và mang đồ vật theo như thế nào cho phù hợp. Bài viết dưới đây giải đáp thắc mắc nhập ngũ được mang theo những gì và cần chuẩn bị những gì khi đi nghĩa vụ quân sự?
Mục lục bài viết
1. Những đồ được mang theo khi đi nhập ngũ:
1.1. Đồ dùng khi đi nhập ngũ được đơn vị cấp phát:
Khi tân binh lên đường đi nghĩa vụ quân sự sẽ được cấp phát những đồ dùng, vật dụng thiết yếu như là:
– Hai bộ quân phục thường dùng trong quân đội;
– Một nón cối quân đội;
– Một ba lô dùng hành quân trong quân đội;
– Một đôi giày;
– Một đôi tất (vớ);
– Một bộ tiết kết hợp;
Ngoài ra những quân tư trang, vật dụng cần thiết khác cho quân đội thì khi tân binh chính thức vào trong đơn vị huấn luyện tân binh sẽ được cung cấp đầy đủ. Chằng hạn quần đùi, áo thun, áo ấm, khăn mặt, gối, chăn, … sẽ được quân đội cấp phát phục vụ cho sinh hoạt của tân binh. Vậy nên đến ngày gọi đi nhập ngũ thì tân binh chỉ cần ăn mặc đơn giản, mang theo một vài những vật dụng cá nhân trong túi.
1.2. Vật dụng cá nhân mà tân binh cần chuẩn bị:
Mặc dù khi đi nghĩa vụ quân sự bạn sẽ được nhà nước cung cấp cho những tư trang cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng được cung cấp đầy đủ. Chính vì vậy, tân binh phải chuẩn bị cho bản thân mình thêm những vật dụng cần thiết, thuận tiện, không bị thiếu thốn. Bởi lẽ khi đến địa chỉ mới, tân binh còn lạ với địa điểm chưa biết nơi mua các vật dụng, tư trang. Hơn nữa thời gian trong quân đội rất nghiêm ngặt, địa điểm thực hiện nghĩa vụ quân sự có khi còn xa khu dân cư, nên việc ra ngoài mua rất khó khăn và giá cả đắt đỏ hơn. Nên tân binh cần chuẩn bị thêm những vật dụng cần thiết sau:
– Mang theo vật dụng ở dạng gói, chỉ cần đủ dùng cho 1 tháng là được, không nên mang chai, cồng kềnh mà nặng, Như bàn chải đánh răng (không cần mang kem đánh răng), dầu gội, … Không cần mang khăn tắm, khăn mặt vì đến đơn vị sẽ được cấp phát;
– Đồ lót trong thì không được phân phát, và khi mang theo cũng không bị thu giữ, nên mang khoảng chừng 05 cái để có đồ thay khi tắm giặt;
– Dao cạo râu: nên mang theo dao dưới dạng lưỡi truyền thống để có thể sử dụng phù hợp với bất kỳ môi trường quân đội nào, thậm chí ngay cả những khi hàng quân hay đóng quân ở trong rừng, mang dao cạo râu dạng máy nếu không có điện sẽ bất tiện sử dụng;
– Bột giặt: Nên mang theo bột giặt, vài nước xả vải gói hoặc đóng chai nhỏ tiện bảo quản, tiện xếp balo;
– Những buổi luyện tập và huấn luyện mệt mỏi, đau nhức cơ bắp là điều không tránh khỏi, nên mang theo dầu gió, salonpas dạng gel, vỉ panadol, thuốc tiêu chảy, các loại viên nén Vitamin, viên sủi Vitamin C, …Đây có thể coi là những dược liệu bổ ích của tân binh. Nếu tân binh có mùi hôi chân thì có thể chuẩn bị thêm băng vệ sinh để những ngày hành quân chặng đường dài sẽ cảm thấy thoải mái;
– Vật dụng giải trí:
+ Mới ngày đầu nhập ngũ tâm trạng sẽ không thoải mái như ở nhà, việc tập luyện giờ giấc sinh hoạt theo khuôn khổ, kỷ luật chung của quân đội có thể nhiều tân binh chưa kịp thích ứng, dễ bị stress, căng thẳng, mệt mỏi nên tâm lý bị ảnh hưởng rất lớn. Để có thể tranh thủ thời gian nghỉ ngơi để giải trí thì có thể mang theo máy nghe radio, một vài cuốn sách ý nghĩa, dụng cụ chơi nhạc yêu thích, …
+ Một số đồ dùng khác:
+ Bút xóa (để đánh dấu đồ của mình, tránh bị thất lạc), đồ bấm móng tay, đèn pin.
+ Kim chỉ trong trường hợp khi tập luyện mạnh có thể bị rách đồ.
– Đồ ăn: Cơm quân đội trong thời gian đầu có thể chưa quen thì mang thêm ít đồ hộp để được lâu như Cá hộp, thịt hộp, xúc xích, nước tương, … cơm quân đội cũng khá đầy đủ, dinh dưỡng nên dần cũng sẽ quen.
– Nhiều bạn chuẩn bị đi nhập ngũ băn khoăn có được mang theo đồng hồ, máy tính, điện thoại không. Pháp luật hiện hành không cấm việc mang theo những thiết bị này, tuy nhiên nên mang những vật dụng đáp ứng tiêu chí nhỏ gọn, dễ dàng cất balo, nhẹ để tránh bị mất. Đối với môi trường quân đội rất nghiêm ngặt và có những hình thức kỷ luật cứng rắn, và môi trường liên quan đến vấn đề an ninh, bí mật quân sự nên sẽ không được sử dụng các thiết bị máy tính, điện thoại hay đồng hồ thông minh khi tham gia nhập ngũ. Nếu tân binh có mang theo thì phải gửi chứ không được phép mang theo trên người để sử dụng. Tùy từng đơn vị mà cuối tuần thông thường tân binh, binh sĩ có thể được dùng điện thoại, laptop… Thời gian tân binh khi tham gia hoạt động trong quá trình nhập ngũ phải rèn luyện rất cực khổ và phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí, vì vậy để có sức khỏe tập luyện thì các tân binh nên thật sự dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, không nên sử dụng thiết bị điện tử làm ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Lưu ý: Dù mang gì đi chăng nữa thì cả đồ cá nhân mang theo và đồ được cấp phát đầy đủ quân tư trang, bạn đã phải vác trên vai balo hơn 13kg, vì vậy không nên đem theo quá nhiều vật dụng cồng kềnh, quá nặng. Bởi việc đi nghĩa vụ quân sự trong thời gian dài, khi tập huấn phải đeo những vật dụng cần thiết trên vai để tập luyện. Hơn nữa trường hợp mang theo nhiều không có nơi để cất giữ thì sẽ dễ bị mất hoặc bị đơn vị tịch thu vì bừa bộn.
Tân binh nên mang theo tiền mặt, để có thể mua sắm thêm vật dụng cần thiết khi cần. Tân binh vào quân đội 1 tuần thì được phụ cấp, nhưng mức phụ cấp ít, thường mọi người thường tiêu vượt quá số tiền được trợ cấp. Nhưng trong môi trường quân đội cũng được trang bị khá đầy đủ nên mang theo nhiều tiền cũng dễ mất.
Điều quan trọng tân binh cần chuẩn bị tâm lý vững vàng vì vào quân đội phải thực hiện kỷ cương, kỷ luật, giờ giấc trong quân đội nghiêm ngặt. Tinh thần thoải mái sẽ vững vàng vượt qua thời gian khó khăn mà không bị áp lực, mệt mỏi, ở trong môi trường quân đội các bạn sẽ được rèn tính kỷ luật, ý chí sắt thép có thể vượt qua được mọi khó khăn.
2. Các hành vi bị cấm khi tham gia nghĩa vụ quân sự:
Theo quy định của Điều 10 Luật nghĩa vụ quân sự thì những hành vi sau đây bị nghiêm cấm của binh sĩ:
– Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định;
– Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự;
– Sử dụng thủ đoạn gian dối trong khi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự;
– Lợi dụng quyền hạn, chức vụ để làm trái quy đinh về nghĩa vụ quân sự;
– Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái với quy định của pháp luật;
– Có hành vi xúc phạm xâm phạm sức khỏe, thân thể; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.
3. Đối tượng phải tham gia nghĩa vụ quân sự:
Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.
Quy định công dân đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự thì không phân biệt dân tộc, tôn giáo, không phân biệt thành phần xã hội, tín ngưỡng hay trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú nào, nếu thuộc các đối tượng quy định tại Điều 12
– Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
– Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự từ đủ 18 tuổi trở lên có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân.
Trường hợp các đối tượng không được đăng kí tham gia nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 13 Luật nghĩa vụ quân sự bao gồm:
– Đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị phạt cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích;
– Đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc được đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Đối tượng bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Các đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự trên nếu hết thời hạn áp dụng các biện pháp theo quy định về trách nhiệm hình sự hoặc biện pháp giáo dục như trên thì vẫn được đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Trường hợp người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật thì sẽ được miễn đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự.
Căn cứ pháp lý:
Luật nghĩa vụ quân sự 2015