Cơ quan lãnh sự là Cơ quan quan hệ đối ngoại của một nước tại nước ngoài thực hiện các chức năng lãnh sự trong khu vực lãnh thổ nhất định trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan. Các quy định về nhân viên và viên chức tại cơ quan lãnh sự được quy định cụ thể tại công ước Viên 1963 quy định về quan hệ lãnh sự.
Mục lục bài viết
1. Nhân viên lãnh sự là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản e Điểm 1 Công ước Viên 1961: Nhân viên lãnh sự có nghĩa là bất cứ người nào được tuyển dụng làm công việc hành chính hoặc kỹ thuật trong cơ quan lãnh sự.
Nhân viên lãnh sự tiếng Anh là : “Consular staff”.
2. Viên chức lãnh sự là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản d Điểm 1 Công ước Viên 1961: Viên chức lãnh sự có nghĩa là bất cứ người nào, kể cả người đứng đầu cơ quan lãnh sự, được ủy nhiệm thực hiện các chức năng lãnh sự trên cương vị đó.
Viên chức lãnh sự tiếng Anh là: “Consular officer”.
3. Quy định về viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự:
Quyền miễn trừ xét xử
– Viên chức lãnh sự và nhân viên lãnh sự không chịu sự xét xử của nhà chức trách tư pháp hoặc hành chính của Nước tiếp nhận về các hành vi thực hiện khi thi hành chức năng lãnh sự.
– Tuy nhiên, những quy định ở Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với một vụ kiện dân sự:
+ Xảy ra vì một hợp đồng do một viên chức lãnh sự hoặc một nhân viên lãnh sự ký kết mà không phải là rõ ràng hoặc hàm ý đứng trên danh nghĩa một người được ủy quyền của Nước cử để ký kết; hoặc
+ Do một bên thứ ba tiến hành về thiệt hại do một tai nạn xe cộ, tàu thủy hoặc tàu bay xảy ra tại Nước tiếp nhận.
Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ
– Thành viên một cơ quan lãnh sự có thể được mời tham gia quá trình tiến hành tố tụng về tư pháp hoặc hành chính với tư cách là nhân chứng. Nhân viên lãnh sự hoặc nhân viên phục vụ không được từ chối cung cấp chứng cứ, trừ các trường hợp ghi ở Khoản 3 Điều này. Nếu một viên chức lãnh sự từ chối cung cấp chứng cứ, thì không được áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc hình phạt đối với người đó.
Việc từ bỏ các quyền ưu đãi và miễn trừ
Khi một viên chức lãnh sự hoặc một nhân viên lãnh sự tiến hành khởi kiện về một vấn đề mà người đó có thể được hưởng quyền miễn trừ xét xử, thì người đó không được viện dẫn quyền miễn trừ xét xử nữa khi có sự phản kiện liên quan trực tiếp đến vụ kiện đó.
Miễn đăng ký ngoại kiều và giấy phép cư trú
– Viên chức lãnh sự, nhân viên lãnh sự và những thành viên gia đình họ cùng sống trong hộ được miễn mọi nghĩa vụ theo luật và các quy định của Nước tiếp nhận đối với việc đăng ký ngoại kiều và giấy phép cư trú.
– Tuy nhiên, những quy định này không áp dụng đối với bất cứ nhân viên nào không thuộc biên chế chính thức của Nước cử hoặc có hoạt động cá nhân sinh lợi ở Nước tiếp nhận hay đối với bất kỳ thành viên gia đình nào của nhân viên đó.
Miễn giấy phép lao động
– Đối với những công việc phục vụ cho Nước cử, thành viên cơ quan lãnh sự được miễn mọi nghĩa vụ về giấy phép lao động mà luật và quy định của Nước tiếp nhận đặt ra đối với việc sử dụng lao động nước ngoài.
– Nhân viên phục vụ riêng của viên chức lãnh sự và của nhân viên lãnh sự, nếu không có hoạt động cá nhân sinh lợi khác tại Nước tiếp nhận, thì được miễn các nghĩa vụ nói trên.
Miễn thuế
– Các viên chức lãnh sự, nhân viên lãnh sự và các thành viên gia đình họ cùng sống trong một hộ được miễn mọi thứ thuế và lệ phí về nhân thân hay tài sản do nhà nước, địa phương hoặc thành phố thu, trừ:
+ Thuế gián thu thuộc loại thường được gộp vào giá hàng hoá hay dịch vụ
+ Thuế và lệ phí đánh vào bất động sản của tư nhân trên lãnh thổ Nước tiếp nhận, trừ trường hợp:
Trụ sở cơ quan lãnh sự và nhà ở của người đứng đầu cơ quan lãnh sự là viên chức lãnh sự chuyên nghiệp, do Nước cử hoặc người thay mặt nước đó sở hữu hoặc thuê được miễn mọi thứ thuế và lệ phí của Nhà nước, địa phương hoặc thành phố, trừ những Khoản tiền trả cho các công việc phục vụ.
Việc miễn thuế nêu ở Khoản 1 Điều này không áp dụng cho những thứ thuế và lệ phí mà theo luật và quy định của Nước tiếp nhận, người ký hợp đồng với Nước cử hoặc với người thay mặt Nước đó phải trả.
+ Thuế do Nước tiếp nhận đánh vào tài sản thừa kế, việc thừa kế và việc chuyển nhượng tài sản, trừ các quy định ở Khoản (b) Điều 51 cụ thể:
” Sẽ không thu cá Khoản thuế về di sản, thừa kế và chuyển nhượng do Nhà nước, địa phương hoặc thành phố đánh vào các động sản sở dĩ có ở Nước tiếp nhận là do có sự có mặt của người chết ở nước đó với tư cách là một thành viên cơ quan lãnh sự hoặc là thành viên gia đình của một thành viên cơ quan lãnh sự.”
+ Thuế và lệ phí đánh vào thu nhập cá nhân, bao gồm thu nhập từ vốn đầu tư có nguồn gốc ở Nước tiếp nhận và thuế đánh vào Khoản vốn đầu tư trong những hoạt động thương mại hoặc tài chính ở Nước tiếp nhận;
+ Khoản thu đối với những dịch vụ riêng biệt;
+ Lệ phí đăng ký, lệ phí
Trụ sở cơ quan lãnh sự và nhà ở của người đứng đầu cơ quan lãnh sự là viên chức lãnh sự chuyên nghiệp, do Nước cử hoặc người thay mặt nước đó sở hữu hoặc thuê được miễn mọi thứ thuế và lệ phí của Nhà nước, địa phương hoặc thành phố, trừ những Khoản tiền trả cho các công việc phục vụ.
Việc miễn thuế nêu ở Khoản 1 Điều này không áp dụng cho những thứ thuế và lệ phí mà theo luật và quy định của Nước tiếp nhận, người ký hợp đồng với Nước cử hoặc với người thay mặt Nước đó phải trả.
Miễn thuế quan và miễn kiểm tra hải quan
Các nhân viên lãnh sự được hưởng các quyền ưu đãi và quyền miễn thuế quy định đối với những đồ dùng nhập khẩu để tạo lập nơi ở lần đầu, cụ thể:
Theo đúng luật và các quy định mà mình có thể đặt ra, Nước tiếp nhận cho phép nhập và miễn tất cả các loại thuế quan và lệ phí có liên quan, trừ phí bảo quản, cước vận chuyển và phí thu về những việc phục vụ tương tự, đối với:
+ Các đồ dùng chính thức của cơ quan lãnh sự;
+ Các vật dụng cá nhân của viên chức lãnh sự hoặc của các thành viên gia đình cùng sống trong một hộ với viên chức lãnh sự, kể cả những vật dụng để tạo lập chỗ ở của người đó. Những vật phẩm để tiêu dùng không được vượt quá số lượng cần thiết cho việc sử dụng tiếp của những người này.
Bắt đầu và chấm dứt các quyền ưu đãi và miễn trừ lãnh sự
Đối với những hành động của một viên chức lãnh sự hoặc một nhân viên lãnh sự trong khi thi hành chức năng thì quyền miễn trừ xét xử sẽ tiếp tục tồn tại mà không bị hạn chế về thời gian, cụ thể quy định về bắt đầu và chấm dứt quyền ưu đãi và miễn trừ lãnh sự như sau:
– Mọi thành viên cơ quan lãnh sự được hưởng những quyền ưu đãi và miễn trừ quy định trong Công ước này kể từ khi họ nhập cảnh vào lãnh thổ Nước tiếp nhận để nhận chức hoặc nếu họ đã ở trên lãnh thổ nước đó thì kể từ khi họ bắt đầu nhiệm vụ của mình ở cơ quan lãnh sự.
– Những thành viên gia đình một thành viên cơ quan lãnh sự cùng sống trong hộ và những nhân viên phục vụ riêng của người đó được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ quy định trong Công ước này kể từ ngày muộn nhất trong những ngày sau: ngày mà thành viên cơ quan lãnh sự được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ phù hợp với Khoản 1 Điều này; ngày những người đó nhập cảnh lãnh thổ Nước tiếp nhận; ngày họ trở thành thành viên gia đình hoặc nhân viên phục vụ riêng của thành viên cơ quan lãnh sự.
– Khi một thành viên cơ quan lãnh sự kết thúc chức năng của mình, thì quyền ưu đãi và miễn trừ của người đó, của các thành viên gia đình cùng sống trong hộ và của nhân viên phục vụ riêng thường là chấm dứt kể từ thời điểm sớm nhất trong những thời điểm sau: thời điểm khi thành viên cơ quan lãnh sự rời khỏi Nước tiếp nhận hoặc khi kết thúc một thời hạn hợp lý dành cho việc rời đi, nhưng những quyền ưu đãi và miễn trừ còn tồn tại cho đến thời điểm đó, ngay cả trong trường hợp có xung đột vũ trang.
Đối với trường hợp những người nói ở Khoản 2 Điều này, họ sẽ thôi không được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ, khi họ không còn là người trong hộ gia đình hoặc không còn giúp việc cho một thành viên cơ quan lãnh sự, tuy nhiên nếu sau đó những người này dự định rời khỏi Nước tiếp nhận trong một thời gian hợp lý, thì họ còn được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ cho đến lúc rời hẳn.
4. Quyền ưu đãi và miễn trừ dành cho cơ quan lãnh sự:
Quyền bất khả xâm phạm về trụ sở
– Nhà đương cục nước tiếp nhận lãnh sự không được xâm phạm về trụ sở của cơ quan lãnh sự trừ trường hợp:
+ Có sự cho phép của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao nước cử lãnh sự hoặc người đứng đầu cơ quan lãnh sự.
+ Có hỏa hoạn, thiên tai hoặc tai biến khác cần có biện pháp bảo vệ khẩn cấp.
– Nước tiếp nhận lãnh sự có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp thích hợp để bảo vệ trụ sở của cơ quan lãnh sự trước mọi sự tấn công, xâm chiếm hoặc gây thiệt hại đồng thời ngăn ngừa mọi hành vi phá hoại sự yên bình của cơ quan lãnh sự.
– Trụ sở, đồ đạc, tài sản và phương tiện đi lại của cơ quan lãnh sự không bị trưng dụng trừ trường hợp cần thiết nhưng nước tiếp nhận lãnh sự phải có biện pháp bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng.
Quyền bất khả xâm phạm về hồ sơ lưu trữ và tài liệu, bất kể thời gian và địa điểm.
Quyền tự do thông tin liên lạc
– Cơ quan lãnh sự có quyền tự do thông tin liên lạc với chính phủ, các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự khác của nước mình bất cứ nơi nào thông qua việc sử dụng mọi phương tiện hợp pháp, kể cả giao thông viên lãnh sự.
– Thư tín chính thức của cơ quan lãnh sự là bất khả xâm phạm.
Quyền được miễn trừ các thứ thuế và lệ phí
Trụ sở cơ quan lãnh sự và nhà riêng của người đứng đầu cơ quan được miễn trừ các thứ thuế và lệ phí (trừ tiền trả cho các dịch vụ cụ thể).
Quyền được treo quốc kỳ, quốc huy
Người đứng đầu cơ quan lãnh sự có quyền treo quốc kỳ, quốc huy tại trụ sở cơ quan lãnh sự, nhà riêng và phương tiện đi lại của họ.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Công ước Viên (Vienne) 1963 về quan hệ lãnh sự.