Nhãn hiệu tập thể ngày nay không còn trở nên xa lạ với nhiều người và ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của mình, qua nhãn hiệu tập thể thể hiện sự uy tín của nhà sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng. Cùng bài viết tìm hiểu quy định về trình tự thủ tục bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Mục lục bài viết
1. Nhãn hiệu tập thể là gì?
Trước khi giải thích nhãn hiệu tập thể là gì? Cần hiểu nhãn hiệu hàng hóa là gì?
Theo Khoản 1, Điều 15 Hiệp định TRIPS quy định: Bất kỳ một dấu hiệu, hoặc tổ chức các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hóa dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa. Các dấu hiệu đó, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình họa và tổ hợp các màu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó, phải có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu hàng hóa. Như vậy, nhãn hiệu hàng hóa theo TRIPS được hiểu dựa vào dấu hiệu và mục đích của nhãn hiệu.
Theo
Để trở thành nhãn hiệu bắt buộc phải có các điều kiện cơ bản như là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc; Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Nhãn hiệu tập thể được ghi nhận tại Điều 7bis, Công ước Pari năm 1883, tuy nhiên Công ước này không đưa ra khái niệm về nhãn hiệu tập thể, cũng không quy định về cách thức bảo hộ.
Ở Việt Nam, trước khi Luật sở hữu trí tuệ 2005 ra đời, Nghị định 63/CP cũng đã đưa ra một khái niệm về nhãn hiệu tập thể: Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu hàng hóa được tập thể các cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác cùng sử dụng, trong đó mỗi thành viên sử dụng một cách độc lập theo quy chế do tập thể đó quy định. Tuy nhiên định nghĩa này lại bộc lộ nhiều hạn chế, vì vậy Luật sở hữu trí tuệ đã quy định lại rằng: Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
2. Nhãn hiệu tập thể mang những đặc điểm:
– Nhãn hiệu tập thể phải là một nhãn hiệu có tính phân biệt. Nhưng tính phân biệt này không phải là giữa cá nhân với cá nhân đơn thuần hay giữa cá nhân với tổ chức như nhãn hiệu thông thường, tính phân biệt của nhãn hiệu tập thể được hiểu là giữa thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể với tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
– Chủ sở hữu của nhãn hiệu tập thể phải là một tổ chức: một câu hỏi là tại sao không quy định và “tập thể” mà là “tổ chức”, điều này được giải thích bởi giữa tập thể và tổ chức có sự khác nhau, tổ chức là một nhóm người làm việc chung với nhau nhằm mục đích điều hành hoặc quản lý một công việc nào đó chứ không phải là một nhóm chính thức có tổ chức, thống nhất thực hiện mục đích chung dựa trên cơ sở thỏa mãn và kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung như đối với tập thể. Tổ chức ở đây có thể là hợp tác xã, hiệp hội, công ty,..
– Việc sử dụng nhãn hiệu tập thể của các thành viên của tổ chức phải tuân theo một quy định chung được thể hiện trong quy chế sử dụng của nhãn hiệu tập thể. Các quy định này thường là các quy định về tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức là chủ sở hữu của nhãn hiệu tập thể, điều kiện sử dụng nhãn hiệu tập thể, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể,…
– Lợi ích của một thành viên trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể gắn liền với lợi ích của tập thể. Nhãn hiệu tập thể thường mang lại giá trị kinh tế cho một nhóm người là thành viên của tổ chức sở hữu nhãn hiệu trí tuệ đó.
Nhãn hiệu tập thể trong Tiếng Anh là: “Collective brand”.
3. Quy định về trình tự thủ tục bảo hộ nhãn hiệu tập thể:
– Xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể: (hay xác lập quyền sở hữu công nghiệp):
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. (Điểm a, Khoản 3, Điều 6, Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019)
– Quyền đăng ký nhãn hiệu (Khoản 3, Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019): Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;…
– Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu: Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
+ Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.
Hàng hóa, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thỏa ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố.
– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể
Bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên, địa chỉ, căn cứ thành lập và hoạt động của tổ chức tập thể là chủ sở hữu nhãn hiệu;
+ Các tiêu chuẩn để trở thành thành viên của tổ chức tập thể;
+ Danh sách các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng nhãn hiệu;
+ Các điều kiện sử dụng nhãn hiệu;
+ Biện pháp xử lý hành vi vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu.
Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;
+ Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;
+ Các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;
+ Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;
+ Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.
4. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu gồm có:
1. Tờ khai đăng ký; mẫu nhãn hiệu tập thể và danh mục hành hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; bản thuyết minh về bản chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
2. Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);
3. Văn bản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương;
4. Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác (ví dụ như hợp đồng);
5. Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên; Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ) ( Quyết định 3675/ QĐ-BKHCN về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ).
– Cơ quan tiếp nhận đơn:
Cục sở hữu trí tuệ (nộp trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện); Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng, Văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tại Thành phố Hồ Chí Minh (nộp trực tiếp)
– Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên:
Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ
– Văn bằng bảo hộ ghi nhận chủ sở hữu nhãn hiệu (chủ văn bằng bảo hộ), văn bằng bảo hộ sẽ có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm (Khoản 6, Điều 93).
Như vậy, để được bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể, tổ chức sở hữu nhãn hiệu tập thể tiến hành đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và được cấp văn bằng bảo hộ, thời điểm được cấp văn bằng bảo hộ, nhãn hiệu chính thức được bảo hộ trong thời hạn luật định.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
–
– Quyết định 3675/QĐ-BKHCN về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.