Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa chủ yếu dựa vào dấu hiệu hay nhãn hiệu hay tên thương hiệu hàng hóa của các cơ sở kinh doanh sản xuất gắn trên sản phẩm, hàng hóa khi đưa ra thị trường. Vậy Nhãn hiệu là gì?
Mục lục bài viết
1. Nhãn hiệu là gì?
Hiện nay nhãn hiệu dường như là một khái niệm khá mới mẻ với các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Chúng ta thường chỉ quan tâm đến tên gọi và những biểu tượng logo hay gặp mà ít biết đến với cái tên nhãn hiệu. Theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu được định nghĩa như sau:
“Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”
Như vậy, nhãn hiệu là một dấu hiệu đặc trưng giúp cho người tiêu dùng phân biệt được hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp với nhau.
- Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ như sau:
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
2. Thương hiệu là gì?
- Theo một chuyên gia nổi tiếng thế giới về Marketing, ông Philip Kotler cho rằng thương hiệu có thể có thể được hiểu như là tên gọi, thuật ngữ, biểu tượng, hình vẽ hay sự phối hợp giữa chúng được dùng để xác nhận sản phẩm của người bán và để phân biệt với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
- Một định nghĩa khác của thương hiệu được WIPO (tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) thì thương hiệu (Brands) có thể là dấu hiệu hữu hình và vô hình, đặc biệt là để nhận biết một sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó được sản xuất hay cung cấp bởi cá nhân hoặc một tổ chức thứ 3 khác.
Như vậy theo quan điểm của tác giả về định nghĩa thương hiệu như sau: “Thương hiệu là tập hợp các dấu hiệu vô hình và hữu hình nhằm mục đích phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau, bên cạnh đó còn giúp cho doanh nghiệp truyền tải được các nội dung về doanh nghiệp của mình, giúp người tiêu dùng phân biệt được với các doanh nghiệp khác.”
Mục đích của thương hiệu thực chất là tác động phần lớn lên nhận thức và quyết định mua hàng của người tiêu dùng vì nó liên quan đến mối quan hệ giữa người dùng và thương hiệu, niềm tin, sự trung thành,.. Do đó, một thương hiệu mạnh thành công đánh dấu một sản phẩm là có lợi thế cạnh tranh bền vững.
3. Phân biệt giữa thương hiệu và nhãn hiệu:
Thứ nhất, cách tiếp cận và bảo hộ
Nhãn hiệu là thuật ngữ được sử dụng trong luật và là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập thông qua thủ tục đăng ký (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng) và sau khi đăng ký, nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ.
Trong khi đó, thương hiệu lại không phải đối tượng điều chỉnh của luật pháp và không được luật pháp bảo hộ. Chủ thể tạo ra thương hiệu cho một sản phẩm không phải người tạo ra sản phẩm đó, cũng không phải là cơ quan nhà nước mà chính là người tiêu dùng thông qua quá trình họ sử dụng và đánh giá sản phẩm. Thái độ và cảm nhận tích cực của một lượng đủ lớn người tiêu dùng đối với sản phẩm tạo nên thương hiệu cho sản phẩm đó.
Do đó, các hiệu quả để phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu chính là tham khảo sự khác nhau giữa cách tiếp cận và bảo hộ của hai thuật ngữ này.
Thứ hai, sự hình thành
Trong nhiều trường hợp, chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thì một dấu hiệu nào đó có thể được công nhận là nhãn hiệu. Còn để tạo dựng được thương hiệu, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Có không ít những doanh nghiệp hoạt động rất lâu năm nhưng vẫn không thể tạo dựng được thương hiệu cho mình. Đó chính là một yếu tố đơn giản để phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu.
Thứ ba, tính hữu hình
Tính hữu hình là một trong những yếu tố đầu tiên khi bàn về sự khác biệt phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu. Nhãn hiệu là những dấu hiệu nhận biết được bằng các giác quan thường là thị giác, đó có thể là chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Luật một số nước, như Hoa Kỳ, còn công nhận nhãn hiệu sản phẩm trong marketing bằng mùi hương.
Thương hiệu thì khác, nó không hữu hình hay dễ nhận biết như nhãn hiệu. Khi nói: “Sản phẩm này có thương hiệu rồi”, người ta sẽ liên tưởng đến những yếu tố tạo nên danh tiếng cho sản phẩm đó, bao gồm cả hữu hình lẫn vô hình, như kiểu dáng, chất lượng sản phẩm, định hình nhãn hiệu của sản phẩm, giá cả, thái độ phục vụ của nhân viên bán hàng, cảm nhận của khách hàng…
Thứ tư, giá trị
Nhãn hiệu và thương hiệu khác nhau ở giá trị. Nhãn hiệu sau khi thực hiện thủ tục đăng ký trở thành tài sản và có thể được định giá, nhưng thương hiệu thì không thể được định giá một cách dễ dàng bởi nó là thành quả của cả một quá trình. Người ta có thể bắt chước một nhãn hiệu nổi tiếng nào đó để gắn lên sản phẩm của mình nhưng thương hiệu thì không thể bắt chước hay làm giả được bởi nó bao hàm nhiều yếu tố và được cảm nhận bởi chính mỗi người tiêu dùng.
Thứ năm, tính lâu bền
Sự khác nhau giữa nhãn hiệu và thương hiệu còn ở tính lâu bền. Nhãn hiệu có thể thay đổi hoặc không còn tồn tại do thị hiếu hay ý chí của doanh nghiệp; khi sản phẩm mang nhãn hiệu chấm dứt sự tồn tại thì nhãn hiệu sẽ đương nhiên chấm dứt tồn tại.
Nhưng thương hiệu thì có thể tồn tại mãi mãi ngay cả khi sản phẩm mang nhãn hiệu không còn tồn tại. Vì một sản phẩm có thương hiệu hay không là do đánh giá của người tiêu dùng nên chừng nào cảm nhận của người tiêu dùng đối với sản phẩm còn tích cực thì sản phẩm đó vẫn còn thương hiệu, ít nhất là đối với người tiêu dùng đó.
Thứ sáu, cách tiếp cận và bảo hộ
Nhãn hiệu là thuật ngữ được sử dụng trong luật và là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập thông qua thủ tục đăng ký và sau khi đăng ký, nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ.
Trong khi đó, thương hiệu lại không phải đối tượng điều chỉnh của luật pháp và không được luật pháp bảo hộ. Chủ thể tạo ra thương hiệu cho một sản phẩm không phải người tạo ra sản phẩm đó, cũng không phải là cơ quan nhà nước mà chính là người tiêu dùng thông qua quá trình họ sử dụng và đánh giá sản phẩm. Thái độ và cảm nhận tích cực của một lượng đủ lớn người tiêu dùng đối với sản phẩm tạo nên thương hiệu cho sản phẩm đó.
4. Tại sao phải bảo hộ nhãn hiệu độc quyền?
Như đã trình bày ở trên, nhãn hiệu chính là một cách thức chỉ dẫn cô đọng về sản phẩm, là một sự giới thiệu ngắn gọn về sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm và chất lượng của sản phẩm đó. Một khi nhãn hiệu được biết đến rộng rãi trên thị trường thì lượng tiêu thụ sản phẩm sẽ ngày càng lớn. Đồng thời, nhãn hiệu cũng tạo vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ dàng nâng cao giá thành sản phẩm của mình trên thị trường hoặc dễ dàng mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Một doanh nghiệp có vị thế trên thị trường thì nhãn hiệu ngày càng được biết đến rộng rãi, tăng lượng tiêu thụ sản phẩm sẽ thúc đấy nhà sản xuất ngày càng cải tiến trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế các rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp. Một nhãn hiệu hàng hóa có tiếng nếu được bảo hộ độc quyền sẽ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp từ việc li-xăng hoặc chuyển nhượng nhãn hiệu đó đo doanh nghiệp khác. Đồng thời tạo cho doanh nghiệp bạn một thương hiệu riêng trên thị trường và nhiều lợi ích khác.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã vì một vài lý do hoặc vì lý do chủ quan mà không tiến hành việc đăng ký nhãn hiệu dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.Việc không đăng ký nhãn hiệu chính là một lựa chọn sai lầm đối với các doanh nghiệp. Khi thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao thì khả năng cạnh tranh cũng ngày càng tăng, các đối thủ cạnh tranh sẽ lợi dụng việc doanh nghiệp của bạn chưa đăng ký nhãn hiệu để sử dụng nhãn hiệu đó bằng cách đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi đó việc sử dụng nhãn hiệu để thể hiện cho thương hiệu của doanh nghiệp xây dựng bao nhiêu năm sẽ bị mất đi và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, để phòng ngừa những hậu quả không đáng xảy ra, mỗi doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh nên đăng ký nhãn hiệu sớm nhất có thể, tránh trường hợp bị các doanh nghiệp khác lấy đi đăng ký và sử dụng.
Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết:
- Văn bản hợp nhất 07/VBHN –VPQH 2019 Luật Sở hữu trí tuệ;