Ghi nhãn hàng hoá là quy định bắt buộc đối với sản phẩm khi lưu thông trên thị trường và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Vậy câu hỏi đặt ra: Nhãn hàng hoá là gì? Vị trí và kích thước ghi nhãn hàng hóa được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nhãn hàng hoá là?
Bất cứ hàng hóa được sản xuất và đưa vào thị trường tiêu thụ đều phải được kiểm định và dán nhãn hàng hóa. Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi
Ghi nhãn hàng hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng, hoạt động này thể hiện nội dung cơ bản và phản ánh những thông tin cần thiết của hàng hóa trên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng có thể nhận biết và lựa chọn sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Qua đó, chỉ cần hàng hóa thể hiện và phản ánh được thông tin cũng như các nội dung cơ bản về sản phẩm bên trong thì bằng hình thức thực hiện nào đó cũng sẽ được xem là nhãn hàng hóa. Nhìn chung thì nhãn hàng hóa phải được gắn tên hàng hóa và bao bì sản phẩm của hàng hóa ở vị trí dễ quan sát và dễ dàng nhận thấy. Nhãn hàng hóa không phải là đối tượng được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Việc ghi nhận nhãn hàng hóa chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể khi lưu thông hàng hóa.
Vì thế nhãn hàng hóa là một khái niệm hoàn toàn khác so với nhãn hiệu. Đặt ra nhu cầu cần phải phân biệt được giữa nhãn hàng hóa và nhãn hiệu. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp khác. Từ những nhãn hiệu đầu tiên mang tính truyền thống như từ ngữ hay biểu tượng, phạm vi dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu không ngừng được mở rộng. Nhãn hiệu có vai trò phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác. Ngoài ra, nhãn hiệu có vai trò cung cấp thông tin về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Vai trò cung cấp thông tin về sản phẩm của nhãn hiệu được thể hiện thông qua chức năng phân biệt của nhãn hiệu. Thông qua Nhãn hiệu quen thuộc, người sử dụng có thể dễ dàng nhận biết được công dụng, giá trị sử dụng, đặc tính hay nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ, qua đó, người sử dụng hàng hóa, dịch vụ không cần đọc hết các thông tin của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng có thể hiểu được các đặc tính, nguồn gốc … qua việc nhận biết Nhãn hiệu. Những thông tin này được gắn với Nhãn hiệu quen thuộc trong tiềm thức của khách hàng. Vai trò cung cấp thông tin về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Nhãn hiệu dần trở thành một phương tiện quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc tạo lập và giữ gìn, phát triển thị phần kinh doanh của mình.
2. Quy định về vị trí và kích thước ghi nhãn hàng hóa:
2.1. Quy định về vị trí của nhãn hàng hóa:
Doanh nghiệp cần làm đúng nguyên tắc dán nhãn hàng hóa khi căn cứ Điều 4 của Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, quy định vị trí nhãn hàng hóa được xác định theo quy trình sau:
Đối với nhãn hàng hóa thì phải được thể hiện trên hàng hóa và bao bì của sản phẩm, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí dễ dàng quan sát và dễ dàng nhận biết, dễ dàng nhìn thấy tránh trường hợp khuất mắt khách hàng. Bởi nhãn hàng hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng phản ánh những thông tin cơ bản của sản phẩm đem trưng bày. Nhãn hàng hóa phải đặt ở vị trí có khả năng phản ánh đầy đủ các nội dung quy định của nhãn hàng hóa mà không phải tháo rời các chi tiết và các thành phần khác của hàng hóa. Ngoài ra đối với trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì bên ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn hàng hóa và nhãn hàng hóa này phải trình bày đầy đủ các nội dung bắt buộc và các thông tin cơ bản của hàng hóa đó. Do đó đối với trường hợp mà hàng hóa được đóng gói nhiều bao bì bên ngoài mà không thể tiến hành mở bên trong ra xem được thì gói bao bì bên ngoài cũng phải được thể hiện bằng nhãn hàng hóa nhất định.
2.2. Quy định về kích thước ghi nhãn hàng hóa:
Kích thước ghi nhãn hàng hóa được quy định tại Điều 5 của Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP như sau: Đối với các chủ thể là tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa sẽ phải tự xác định kích thước của nhãn hàng hóa sao cho phù hợp, kích thước chữ và kích thước số được thể hiện trên nhãn hàng hóa phải đảm bảo được các yêu cầu cơ bản sau đây:
Thứ nhất, phải phản ánh được đầy đủ nội dung bắt buộc của sản phẩm đem đi trưng bày và mua bán;
Thứ hai, kích thước của chữ và kích thước của số phải đảm bảo đủ để đọc được bằng mắt thường và phải đáp ứng được các yêu cầu nhất định theo quy định của pháp luật: đó là kích thước của chữ và kích thước của số phải thể hiện đại lượng đo lường thì khi đó sẽ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đo lường. Đối với trường hợp hàng hóa là phụ gia thực phẩm hoặc thực phẩm hoặc các chất hỗ trợ để chế biến thực phẩm bao gói sẵn thì chiều cao chữ của các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn không được thấp hơn 1,2 mm. Ngoài ra đối với trường hợp một mặt của ba gói dùng để ghi nhãn nhỏ hơn 80 cm2 thì chiều cao của chữ sẽ không được thấp hơn kích thước đó là 0,9 mm.
3. Nội dung trên nhãn hàng hóa yêu cầu những gì?
Về nội dung yêu cầu trên nhãn hàng hóa, theo Điều 10 Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa phải có các nội dung sau đây:
– Tên hàng hóa;
– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
– Xuất xứ hàng hóa;
– Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, trường hợp hàng hóa chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi nội dung. Trường hợp do kích thước của hàng hóa quá nhỏ, dẫn đến tình huống không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì khi đó, các chủ thể có thẩm quyền sẽ phải ghi những nội dung về: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa. Còn những nội dung khác sẽ được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó, để tạo điều kiện cho người dùng dễ quan sát và tiếp cận.
4. Mức phạt hành chính đối với hàng hóa không dán nhãn:
Căn cứ khoản 4 Điều 31 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử, quy định mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, hoặc bị thay đổi được quy định như sau:
– Phạt 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng nếu hàng hóa có giá trị đến dưới 05 triệu đồng;
– Phạt 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng nếu hàng hóa có giá trị từ 05 triệu – dưới 10 triệu đồng;
– Phạt 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10 triệu đồng – dưới 20 triệu đồng;
– Phạt 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20 triệu đồng – dưới 30 triệu đồng;
– Phạt 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30 triệu đồng – dưới 50 triệu đồng;
– Phạt 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng – dưới 70 triệu đồng;
– Phạt 35 triệu đồng đến 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng;
– Phạt 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị 100 triệu đồng trở lên.
– Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt theo quy định tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử, trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Như vậy, nhãn hàng hóa được đánh giá là một trong những công đoạn rất quan trọng khi xuất ra thị trường vì nó đảm bảo được các yếu tố thông tin cơ bản về hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm. Việc các chủ thể không thực hiện việc dán nhãn có thể bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 60 triệu đồng tùy thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả thiệt hại nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 126/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử;
– Nghị định 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.