Việc nhận diện các rủi ro thường gặp trong quá trình thực hiện hợp đồng sẽ giúp cho các bên nâng cao được ý thức trách nhiệm của mình khi thực hiện hợp đồng, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra trên thực tế. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung phân tích làm rõ những rủi ro thường gặp trong quá trình thực hiện hợp đồng và trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị về phương thức kiểm soát rủi ro khi soạn thảo hợp đồng.
Trong quá trình xã hội phát triển hiện nay, việc phải giao kết nhiều loại hợp đồng là điều thường thấy. Khi thực hiện hợp đồng, nếu hợp đồng được vận hành thuận lợi, đạt được mục đích, các bên thành công thì sẽ mang lại lợi nhuận lớn, nhưng ngược lại, nếu có rủi ro xảy ra thì tổn thất cũng sẽ không nhỏ. Trên thực tế, rất nhiều hợp đồng được tạo ra rất sơ sài và thiếu đi những nội dung quan trọng là nền tảng cơ bản của hợp đồng. Những điều khoản quan trọng được đề cập đến có thể là điều khoản về đối tượng của hợp đồng, điều khoản về giá và phương thức thanh toán, điều khoản về chất lượng của tài sản, điều khoản về thời hạn và phương thức giao hàng. Chính vì vậy, việc nhận diện và thiết lập một cơ chế để kiểm soát rủi ro trong suốt quá trình thực hiện là điều thực sự cần thiết. Nhận diện rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng:
Mục lục bài viết
- 1 1. Những vấn đề chung về hợp đồng và thực hiện hợp đồng:
- 2 2. Nhận diện những rủi ro thường phát sinh khi thực hiện hợp đồng:
- 2.1 2.1. Rủi ro về hợp đồng vô hiệu:
- 2.2 2.2. Rủi ro về việc một bên không có khả năng thực hiện hợp đồng:
- 2.3 2.3. Rủi ro khi một hoặc các bên không thực hiện các cam kết hay tiến hành một số hành vi ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của bên còn lại:
- 2.4 2.4. Rủi ro do thực hiện không đúng, không đầy đủ, vi phạm hợp đồng:
- 2.5 2.5. Rủi ro về các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý, chưa dự liệu rủi ro:
- 2.6 2.6. Rủi ro từ việc soạn thảo các điều khoản không chặt chẽ, không rõ ràng, chưa dự liệu được các tình huống có thể xảy ra:
1. Những vấn đề chung về hợp đồng và thực hiện hợp đồng:
Từ xa xưa, nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu của mình trong các giao dịch của đời sống, khái niệm hợp đồng vì thế mà cũng dần hình thành. Khác với định nghĩa về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự (BLDS) của Canada “Hợp đồng là sự thỏa thuận của các ý chí mà bởi nó một hoặc một số người tự ràng buộc mình với một hoặc một số người khác để thực hiện một cam kết” hay trong BLDS Pháp, định nghĩa: “Hợp đồng là sự thỏa thuận theo đó một hoặc nhiều người cam kết với một hoặc nhiều người khác chuyển giao một vật, làm hoặc không làm một việc nào đó”, thì pháp luật Việt Nam quy định như sau: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, có thể nhận thấy rằng yếu tố thỏa thuận trong giao kết hợp đồng được đề cao. Tuy nhiên, được xem là hợp đồng khi thỏa thuận thực sự phù hợp với ý chí của các bên. Hợp đồng phải là giao dịch hợp pháp, do vậy sự thỏa thuận phải hợp lẽ công bằng, đúng pháp luật đạo đức xã hội. Hợp đồng có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Theo Từ điển Luật học: “Thực hiện hợp đồng là những hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng nhằm làm cho điều khoản, nội dung đã cam kết trong hợp đồng trở thành hiện thực”. Theo đó, bản chất của việc thực hiện hợp đồng chính là việc các bên chủ thể tiến hành theo đúng như những gì đã cam kết về đối tượng, thời hạn, địa điểm, phương thức thanh toán… nhằm đáp ứng quyền cho đối tác. Thực tế, khách hàng luôn mong muốn sau khi xác lập thì có thể “êm xuôi” thực hiện và “vận hành”. Tuy nhiên, khó có thể có một hợp đồng nào được soạn thảo sẽ hoàn hảo ngay vì rất nhiều lý do khác nhau trên thực tế. Khi thực hiện hợp đồng, nếu không tỉnh táo trước những điều tưởng chừng đơn giản, các bên có thể phải gánh chịu hậu quả nặng nề, những rủi ro pháp lý không mong muốn.
2. Nhận diện những rủi ro thường phát sinh khi thực hiện hợp đồng:
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, rủi ro là vấn đề không tránh khỏi, gây thiệt hại cho các bên tham gia ký kết. Các dạng rủi ro phát sinh khá phức tạp khi các bên không có một thỏa thuận chặt chẽ trước khi thực hiện. Cụ thể những rủi ro thường phát sinh khi thực hiện hợp đồng như sau:
2.1. Rủi ro về hợp đồng vô hiệu:
Hợp đồng vô hiệu là một dạng rủi ro thường gặp khi thực hiện hợp đồng. Hợp đồng có thể bị vô hiệu khi không đảm bảo về mặt hình thức và nội dung. Trong quy định về hợp đồng vô hiệu tại BLDS và luật khác có liên quan của Việt Nam không có một giải nghĩa cụ thể nào về “hợp đồng vô hiệu”. Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định pháp luật về hợp đồng vô hiệu tại BLDS và các văn bản pháp luật khác liên quan, có thể xác định được như thế nào là hợp đồng vô hiệu.
Theo quy định tại Điều 131 BLDS về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, Giao dịch dân sự (bao gồm Hợp đồng dân sự) vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Theo quy định nêu trên, hợp đồng vô hiệu làm cho các quyền và nghĩa vụ mà các bên tham gia mong muốn đạt được khi xác lập hợp đồng không thực hiện được. Điều này đi ngược lại ý chí của tất cả các bên khi xác lập hợp đồng, do đó được xem là một trong những rủi ro lớn nhất trong quá trình thực hiện hợp đồng và gây ra những hậu quả pháp lý vô cùng bất lợi. Hợp đồng có thể bị vô hiệu toàn bộ hoặc chỉ bị vô hiệu một phần. Hợp đồng vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của hợp đồng vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại. Hợp đồng vô hiệu có thể gây ra những hậu quả pháp lý không mong muốn. Các bên khi đó sẽ không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
Theo đó, một số rủi ro có thể khiến cho hợp đồng vô hiệu như sau: (i) Vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; (ii) do giả tạo; (iii) do bị hạn chế năng lực hành vi hoặc không có năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; (iv) do bị nhầm lẫn; (v) do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; (vi) do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; (vii) do không tuân thủ quy định về hình thức. Tuy nhiên, cần lưu ý hợp đồng không mặc nhiên vô hiệu mà rủi ro vô hiệu chỉ tồn tại dưới dạng nguy cơ và chỉ vô hiệu khi bị tuyên vô hiệu theo thủ tục quy định. Được tuyên vô hiệu bởi chủ thể có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu, theo yêu cầu của chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong thời hiệu cho phép.
2.2. Rủi ro về việc một bên không có khả năng thực hiện hợp đồng:
Trường hợp bên có nghĩa vụ có khả năng không thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thì bên có quyền có thể tạm ngừng hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp một bên không có khả năng thực hiện hợp đồng sẽ dẫn đến không thể thực hiện hợp đồng theo như ý chí các bên khi giao kết là một rủi ro thường gặp. Việc hủy bỏ hợp đồng này có thể không xuất phát từ sự vi phạm của các bên, mà xuất phát từ việc bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ như không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan… Khi đó, để bảo đảm sự phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, bên có quyền phải tạo mọi điều kiện giúp đỡ bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ. Trong khả năng của mình, bên có quyền không vì một bên vi phạm mà bỏ mặc hậu quả xảy ra mà phải khắc phục hậu quả một cách thiện chí, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại 3 Tuy nhiên, đối với dạng rủi ro này, việc tiếp tục thực hiện sẽ gây tốn nhiều thời gian và thiệt hại là có thể xảy ra. Do đó, trước khi tiến hành ký kết hợp đồng nên thẩm định năng lực của đối tác một cách cẩn trọng.
2.3. Rủi ro khi một hoặc các bên không thực hiện các cam kết hay tiến hành một số hành vi ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của bên còn lại:
Đối tác không thực hiện hay thậm chí thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến thực hiện hợp đồng có thể dẫn đến hậu quả pháp lý là tạm ngừng thực hiện hợp đồng như tạm ngừng thanh toán tiền, tạm ngừng việc giao hàng, nhận hàng, tạm ngừng quảng cáo… Những hành vi vi phạm của phía đối tác có thể là hành vi cố ý làm cho bên còn lại hiểu sai lệch về chủ thể tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng. Ví dụ như đồ giả cổ nhưng lừa là đồ cổ để bán cho bên mua với giá thanh toán tương đương với đồ cổ thật, hay là lừa dối bán tranh giả thay vì tranh gốc; … Những hành vi này đã gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến việc thực hiện hợp đồng, có thể dẫn đến hậu quả pháp lý là tạm ngừng thực hiện hợp đồng theo Điều 308
2.4. Rủi ro do thực hiện không đúng, không đầy đủ, vi phạm hợp đồng:
Hợp đồng có hiệu lực pháp luật trở thành cơ sở pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Do đó, hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ hay vi phạm hợp đồng phải gánh chịu những hậu quả bất lợi. Quá trình thực hiện có thể gặp phải các rủi ro như: (i) Bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ mà mình có trách nhiệm phải thực hiện; (ii) bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng thực không phải nghĩa vụ các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng; (iii) bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng không hết phần nghĩa vụ thuộc trách nhiệm của mình. Các chế tài có thể được áp dụng là: (i) Buộc thực hiện đúng hợp đồng; (ii) phạt vi phạm; (ii) buộc bồi thường thiệt hại; (iv) tạm ngừng thực hiện hợp đồng; (v) hủy bỏ hợp đồng… Hậu quả bất lợi mang tính chất tài sản thể hiện ở việc một bên có hành vi vi phạm phải nộp một khoản tiền phạt vi phạm hoặc tiền bồi thường hay các khoản chi phí cần thiết. Bởi lẽ, riêng trong
2.5. Rủi ro về các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý, chưa dự liệu rủi ro:
Hợp đồng được giao kết hợp pháp và đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực thì có giá trị ràng buộc các bên phải thực hiện. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản khi thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, những nguyên tắc này không là tuyệt đối, khi có sự kiện bất ngờ dẫn đến sự thay đổi cơ bản dẫn mất cân bằng giữa các nghĩa vụ trong hợp đồng thì có thể phát sinh ngoại lệ. Khi đó, bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng không phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận hoặc theo luật. Bên bị vi phạm sẽ phải chịu thiệt hại nhưng không được bồi thường.
Theo quy định của BLDS, khi một bên vi phạm hợp đồng, bên còn lại có quyền phạt cọc theo quy định tại Điều 328, buộc thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 409 và 410, đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 428, hủy bỏ hợp đồng theo quy định tại Điều 423, Điều 427. Ngoài ra, bên vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại các Điều 351, 364, 419 và chịu phạt vi phạm (nếu các bên có thỏa thuận) theo quy định tại Điều 418 và chịu lãi suất chậm trả theo Điều 357, Điều 468 BLDS. Nếu là hợp đồng thương mại, các chế tại được quy định trong LTM sẽ được áp dụng, bao gồm buộc thực hiện đúng hợp đồng (Điều 297), phạt vi phạm (Điều 300), bồi thường thiệt hại (Điều 302), lãi chậm thanh toán (Điều 306), tạm ngừng thực hiện hợp đồng (Điều 308), đình chỉ thực hiện hợp đồng (Điều 310), và hủy bỏ hợp đồng (Điều 312).
Theo quy định pháp luật, trong hợp đồng trong kinh doanh, thương mại, bên vi phạm nghĩa vụ còn được miễn trách nhiệm khi: (i) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; (ii) hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (iii) hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Trong trường hợp, nhà nước thay đổi chính sách là một sự kiện độc lập, khách quan làm cho các chủ thể trong hợp đồng không thể biết được khi giao kết hợp đồng”. Đây có thể xem là một rủi ro vô cùng lớn và khó có thể dự liệu trước khi soạn thảo. Khi thực hiện hợp đồng trong thực tiễn, do điều kiện kinh tế – xã hội của từng thời kỳ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có sự thay đổi mà Chính phủ quy định danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện như kinh doanh xăng dầu, thuốc nổ công nghiệp… Tuy nhiên, không phải cứ có sự kiện bất khả kháng là được miễn trách nhiệm hợp đồng, chỉ được miễn trách nhiệm khi dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Hiểu một cách cơ bản, các trường hợp bất khả kháng có thể bao gồm: Thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh, đình công, sự thay đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấm vận quốc tế, hiệp hội khu vực hoặc nhóm quốc gia…
Thực tiễn hiện nay, dịch bệnh Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng để dẫn đến miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hay không là một vấn đề pháp lý nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo TS. Cấn Văn Lực, sự bùng phát của Covid-19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có, diễn biến dịch bệnh phức tạp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nhóm ngành kinh tế, đặc biệt là nhóm ngành kinh doanh thương mại, dịch vụ, lữ hành, du lịch,…. Như vậy, có quá nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và số hợp đồng bị ảnh hưởng cũng không kém. PGS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng: “Nếu cứ viện dẫn dịch Covid-19 để được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ không còn quan hệ hợp đồng nào nữa được thực hiện; dịch Covid-19 không đồng nghĩa với sự kiện bất khả kháng”.? Trong thực tế, mặc dù có dịch Covid-19 và thậm chí có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về giãn cách xã hội, một số công trình xây dựng vẫn tiếp tục được thi công (khi đáp ứng điều kiện về y tế) nên khi đó các bên trong
Trong hợp đồng, các bên thường ít khi thỏa thuận về dự liệu các tình huống miễn trách nhiệm pháp lý có thể xảy ra trong thực tế mà chỉ dựa vào quy định pháp luật. Do đó, các bên tham gia hợp đồng thường gặp phải rủi ro khi xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý mà họ đã không dự liệu trước, không thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng.
2.6. Rủi ro từ việc soạn thảo các điều khoản không chặt chẽ, không rõ ràng, chưa dự liệu được các tình huống có thể xảy ra:
Việc sử dụng hợp đồng mẫu hay việc tự soạn thảo hợp đồng mà không nắm rõ các quy định của pháp luật sẽ dẫn đến hậu quả là quyền và nghĩa vụ của các bên không được quy định rõ trong hợp đồng, nhiều trường hợp làm giảm tính khả thi của hợp đồng khi thực hiện trên thực tế, thậm chí dẫn đến tranh chấp sau này.
Một trong những khó khăn khi thực hiện hợp đồng đó là những điều khoản trong hợp đồng có thể mập mờ, không rõ ràng hoặc ngôn từ khó hiểu. Điều đó dẫn đến việc một trong các bên chủ thể hợp đồng không biết phải thực hiện như thế nào. Thực tế, nội dung hợp đồng không chính xác và đầy đủ không những gây ra khó khăn cho việc diễn giải để thực hiện đúng hợp đồng mà còn là cơ hội để các bên lách các nghĩa vụ của mình và thoái thác trách nhiệm khi các nghĩa vụ hợp đồng không được thực hiện đầy đủ, do đó cũng cần được kiểm soát, khắc phục trong quá trình soạn thảo hợp đồng.