Vũ khí nổ không có đầu đạn. Cấu tạo chung thường gồm: một vỏ kim loại, thuốc có sức phá lớn và hạt nổ. Ngày nay người ta có thể cho thêm những mảnh kim loại hoặc viên bi, mũi tên ,v.v... nên có tên gọi khác nhau.
Mục lục bài viết
1. Thương tích do vũ khí nổ:
– Vũ khí nổ không có mảnh (bộc phá)
– Vũ khí có vỏ kim loại đơn thuần.
– Vũ khí trong có các viên bi.
– Vũ khí chứa các mảnh kim loại không có hình thù nhất định.
– Vũ khí chứa các mũi tên.
Vũ khí nổ thông thường là bom, mìn, thuỷ lôi, bộc phá v.v… Đối với vũ khí nổ có 2 yếu tố gây sát thương, đó là mảnh nổ và
1.1. Hình thái sát thương của vũ khí nổ:
Mảnh nổ: vết thương có các mảnh kim loại của vỏ vũ khí nổ không có hình thù nhất định, không có lỗ trung tâm. Các mảnh của vũ khí văng ra gặp sức cản không khí nên đường đi không bao giờ ổn định như đạn thẳng (bom bi) Vết thương do mảnh nổ thường nham nhở. Trong trường hợp mảnh lớn sắc cạnh văng mạnh có thể cắt cụt một phần của cơ thể.
Sóng nổ: tuỳ theo khoảng cách với trung tâm nổ có các sóng dồn khác nhau, gây thương tích khác nhau:
– Áp suất 0.35/1cm không gây tổn thương.
– Áp suất 1 kg/1cm làm thủng màng nhĩ.
– Áp suất 10 kg/1cm’gây ngã.
– Áp suất 10 đến 20 kg/1cm làm thủng hoặc vỡ tạng rỗng
– Áp suất 30 kg/1cm làm chết tại chỗ.
Khám bên ngoài không có thương tích. Chủ yếu hay gặp thương tích ở phổi và ống tiêu hoá.
– Phổi: dập vỡ mao mạch, ở vách các phế nang gây chảy máu toàn bộ nhu mô phổi.
– Ống tiêu hoá: chảy máu niêm mạc ruột, thủng hoặc vỡ ruột, hay thấy ở vùng hỗng – hồi manh tràng.
Sát trung tâm nổ. Cơ thể bị phá huỷ một phần, hay tan rã từng mảnh và bay mất. Nếu chỉ mất một phần cơ thể, phần còn lại thấy hơi nổ xé rách phần mềm, và có vệt xướt da xuôi chiều với sóng nổ, và ám khói.
Gần sát: trung tâm nổ có thể thấy bỏng, ám khói, nhiều vết thương chấn động cơ thể.
Tầm xa: có nhiều vết thương đa dạng.
2. Tổn thương do phương tiện giao thông:
Tổn thương do phương tiện giao thông gặp khá phổ biến trong giám định Y pháp ở những nước kinh tế phát triển, phương tiện giao thông ngày càng tăng, lưu lượng vận chuyển ngày càng lớn và tai nạn giao thông ngày cũng càng nhiều và đang trở thành hiểm hoạ đối với các quốc gia trên thế giới, ước tính hiện nay trên toàn cầu có khoảng 300 triệu ô tô các loại, gần 1 tỷ mô tô xe máy với nhiều chủng loại khác nhau góp phần làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông nói chung và tai nạn ô tô nói riêng. Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 1997 toàn cầu xảy ra 6.500.000 vụ làm chết và bị thương khoảng 1, 6 triệu người; năm 1998 số vụ tai nạn 6 giao thông tăng lên 6.900.000 vụ. ở Việt Nam, theo số liệu của Uỷ ban an toàn quốc gia năm 1998 cả nước xảy ra 19.723 vụ; năm 1999 tăng lên 20.733 vụ làm chết 6.670 người chết và 23.911 người bị thương.
Sự gia tăng về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương cùng với sự tổn thất nặng nề về kinh tế do tai nạn giao thông đã trở thành vấn đề bức bách của toàn xã hội. Chính phủ, các cơ quan chức năng đã ban hành các chủ trương chính sách, các giải pháp như thành lập Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, các chương trình giáo dục về an toàn giao thông ở các trường học, trên các phương tiện thông tin đại chúng vv… nhằm làm giảm bớt tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng thấy rõ tầm quan trọng của công tác giám định Y pháp đối với các nạn nhân bị tai nạn giao thông, thể hiện bằng Thông tư 02/TTLN ngày 7/1/1999 của Bộ Công an – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Toà án nhân dân tối cao quy định bắt buộc phải khám nghiệm tử thi tất cả các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. Điều 260, Bộ luật hình sự 2017 tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Tất cả đều nhằm mục đích làm giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần giữ gìn trật tự và an toàn xã hội.
Phương tiện giao thông cơ giới có nhiều loại: mô tô, ô tô, xe hoa, xe điện, máy bay và phương tiện vận chuyển đường thuỷ, nhưng tai nạn do ô tô và tàu hoả là phổ biến hơn cả. Trong phạm vi chương này chủ yếu đề cập đến hai loại tai nạn đó.
2.1. Tổn thương do tai nạn ô tô:
Trong tai nạn ô tô người ta thường nghĩ đến thương tích do ô tô chẹt qua người, ít khi chú ý đến thương tích do va chạm với phần bên ngoài xe, các thương tích do những bộ phận bên trong xe gây nên như vô lăng, ghế ngồi, cánh cửa xe hoặc do ngã từ trên xe xuống. Tổn thương do ô tô gây nên thường là tổn thương tổng hợp do:
– Bộ phận của xe tác động vào cơ thể.
– Bị ngã văng xuống nền đường.
– Bị bánh xe lăn lên người.
* Tổn thương nguyên phát (trực tiếp):
Tổn thương do các bộ phận bên ngoài của ô tô gây ra thường thuộc đầu xe hoặc phần sau xe hoặc hai bên thành xe. Bộ phận đầu xe, bộ phận chắn bùn, đèn pha v.v… Chắn sốc của xe con tác động trực diện thường làm gãy 1/3 trên hay ở giữa xương cẳng chân, chắn sốc của xe tải làm gãy xương đùi. Hình ảnh xương gãy thường đa dạng: Gãy làm hai mảnh, làm nhiều mảnh, có hoặc không kèm theo thương tổn phần mềm. Đôi khi chỉ rạn xương không có hình nhất định, cá biệt có khi gãy xương cả hai chi dưới. Phần mềm ngang chỗ gãy xương có khi chỉ xướt da hoặc bầm tím, có khi giập nát.
Nếu thấy vùng đùi có vết bầm tím hình tròn hoặc bán nguyệt thường là dấu ấn của đèn pha. Ngoài ra còn có thể gây rạn vỡ xương mu, xương chậu. Đối với loại xe tải, xe ca cỡ lớn khi tác động trực diện gây nên các tổn thương vùng bụng, ngực làm dập vỡ các tạng bên trong như: gan, lách, thận, tim phổi, v.v…(kèm gãy xương sườn). Đặc biệt có trường hợp đứt rời cuống tim. Đáng chú ý là khám xét bên ngoài có khi không thấy tổn thương hoặc dấu vết gì, nhất là khi nạn nhân mặc quần áo dày hoặc mặc nhiều quần áo, mà tổn thương các tạng bên trong rất nặng (vỡ gan, lách…)
Trong trường hợp chấn thương sọ não, thường thấy bầm tím hoặc rách da đầu, rạn vỡ xương sọ, tụ máu trong sọ, dập não tại nơi bị tác động trực tiếp. Ngoài ra ở vùng đối diện với lực tác động có thể gây dập não, tụ máu ngoài hoặc dưới màng cứng (tổn thương contre – coup) (Xem hình 2). Tổn thương xương bên đối diện cũng gặp trong các trường hợp ngã ngửa, vùng chẩm đập mạnh vào vật cứng đồng thời làm vỡ cả xương trần hố mắt do lực tác động lan truyền qua mô não với xương trần hố mắt mỏng. Những loại tổn thương này giúp cho việc đánh giá, nhận định của giám định viên về hướng, lực tác động. Các tổn thương nội sọ như tụ máu ngoài màng cứng, tụ máu dưới màng cứng, dập não, chảy máu lan tỏa dưới màng mềm vv… hậu quả là phù não, tụt hạch nhân tiểu não dẫn đến tử vong. Nguyên nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông có 3 yếu tố: vật tác động trực tiếp vào đầu – đầu bị va đập vào vật – đầu bị rung lắc mạnh ( tăng, giảm tốc độ đột ngột).
Tổn thương Contre-coup
Tổn thương của những người trong xe khi gặp tai nạn bất ngờ: (xe chạy với tốc độ lớn gặp chướng ngại vật không phanh kịp đổ xe hoặc đâm vào thân cây, vào xe đi ngược chiều…) người lái xe thường bị vô lăng đập mạnh vào ngực làm bầm tím, tụ máu dưới da, gãy xương ức, đập vỡ phổi, tim. Mặt khác phanh gây đột ngột, những người ngồi trong xe bị chấn thương ngực do va đập vào thành ghế phía trước, đập đầu vào thành trong xe và có thể bị chấn thương cột sống do quán tính lao về phía trước khiến khớp đốt sống giãn đột ngột, đĩa đệm cột sống đẩy ra sau gây thoát vị đĩa đệm. Nếu ở vùng lưng có thể gây liệt hai chi dưới, ở vùng cổ có thể gây chết người. Đối với nạn nhân ngã từ trên xe xuống thường bị chấn thương sọ não, chấn thương ngực, bụng và các chi.
* Tổn thương thứ phát (gián tiếp):
Tổn thương thứ phát hình thành sau khi nạn nhân bị bộ phận của ô tô xô ngã xuống nền đường hoặc va vào các vật khác. Tổn thương gồm chấn thương sọ não kín hoặc hở, chấn thương ngực bụng ít gặp hơn. Trường hợp bị xe kéo lê trên đường thì ngoài da có những vết xây xát song song tạo thành mảng. Căn cứ vào chiều hướng trên mảng xây xát ta phán đoán được chiều xe chạy.
2.2. Đặc điểm thương tích do bánh xe lăn qua:
Tổn thương do bánh xe lăn qua ít gặp hơn thương tích do va quệt và thường do xe tải gây nên. Cơ chế hình thành thương tích do bánh xe là vật tròn nặng với tốc độ lớn vừa lăn vừa ép rất mạnh trên cơ thể sau khi nạn nhân ngã trên mặt đường. Mức độ và đặc điểm của tổn thương do bánh xe lăn qua tuỳ thuộc vào tốc độ, trọng lượng, hướng bánh xe lăn và bộ phận của cơ thể bị đè ép, .v.v…
Tìm dấu vết lốp xe: dấu ấn của lốp xe in trên cơ thể nạn nhân là hình ảnh đặc trưng của loại tổn thương này. Dấu vết ấy có thể thấy ở trên quần áo, những chỗ bị bụi đất bám là những phần lõm của lốp xe, còn những phần không thấy hoặc có ít, bụi đất bám là phần lồi lên của lốp xe . định được vết lốp xe hình dạng, kích thước các vân lốp xe giúp ta truy tìm đúng loại xe gây tai nạn được nhanh chóng kịp thời.
Tìm tổn thương lóc da: tổn thương lóc da là tổn thương đặc hiệu của bánh xe ô tô lướt lăn trên người: : ở mông, đùi, cẳng chân, cánh và cẳng tay. Phần da tách rời khỏi cơ hoặc da cơ tách rời khỏi xương trên diện rộng tạo ra những “ hồ máu” dưới da và trên phần giập nát. Khi khám nghiệm nếu rạch da ta luồn bàn tay vào ổ lóc da lấy ra nhiều máu và máu cục. Nếu da không rách thì chỉ thấy những vết xây xát, bầm tím thông thường nhưng mặt da phồng lên nắn thấy bùng nhùng, thực tế còn gặp nạn nhân đứng ở đầu xe quay ma-ni ven bị một đầu xe khách húc phải hoặc đít xe khác lùi chèn ép nạn nhân cũng gây lóc da ở mông. Tổn thương lóc da xác minh có bánh xe lăn qua cơ thể và riêng thương tích này có thể làm chết do choáng chấn thương mất máu. Bánh xe lăn qua đầu làm bẹp sọ, não thoát ra ngoài có khi khó nhận dạng nạn nhân. Bánh xe lăn qua người làm vỡ gan lách, giập vỡ phổi, tim… Trường hợp tai nạn ô tô làm chết hoặc bị cháy nhiều người nên khó nhận dạng, muốn nhận biết người lái xe cần kiểm tra khớp háng, nếu có trật khớp thường là người lái xe vì họ đạp phanh mạnh, gấp gây nên.
Hình vân hoa lốp xe – Tổn thương bánh xe lăn qua đầu
2.3. Tổn thương do tai nạn tàu hoả:
Tổn thương do xe hoả là loại tổn thương ít gặp hơn do ô tô. Hoàn cảnh dẫn đến tổn thương này cũng rất đa dạng (hai tàu đi ngược chiều đâm nhau, tàu trật bánh đổ, đứng sát đường ray, tàu chạy qua bị hút ngã vào đường ray bị tàu cán). Đứng ở bậc lên xuống, ngồi trên nóc tàu, nhảy tàu ngã xuống đất hoặc ngã vào đường ray, v.v… có một số trường hợp tự sát.
Trên cơ thể nạn nhân có thể thấy hình thái thương tích với mức độ khác nhau, từ sây sát bầm máu rách da phần mềm, gãy xương đến tổn thương nghiền nát. Chúng ta có thể chia ra làm hai nhóm tổn thương lớn.
* Tổn thương điển hình do tàu hoả:
– Tổn thương do bánh xe đè ép. Thương tích được hình thành do một phần cơ thể bị ép giữa bề mặt của bánh xe và bề mặt của đường ray. Phần mềm và xương bị nghiền đứt rời và giập nát, ngấm máu rộng kèm dầu mỡ, than bụi dính ngoài da.
– Các mảnh tổ chức có giập nát còn bị kéo lê và rải rác trên nhiều tà vẹt trên đất đá ở cạnh đường ray.
* Tổn thương không điển hình:
Ngoài những tổn thương đã mô tả trên đây, còn có những tổn thương do nạn nhân nhảy lên tàu, hay từ trên tàu nhảy xuống, hoặc đi lại trên nóc toa xe, đứng ở bậc lên xuống của toa xe bị rơi xuống cạnh đường ray lúc tàu đang chạy. Cũng có chấn thương sọ não kín hoặc hở, gãy xương, vỡ các nội tạng, giập nát, bầm máu, sây sát da, v.v… nếu bị kéo lê trên mặt đường quần áo nạn nhân rách nát và giập nát phần mềm. Những mảng sây sát da thường không bám dầu mỡ.
Tóm lại, đứng trước một nạn nhân bị thương tích do ô tô, tàu hoả gây nên cần tìm mọi tổn thương đặc hiệu do xe va chạm hay bị xe chẹt, tư thế của nạn nhân, nguyên nhân gây tử vong. Tổn thương trước hay sau chết? Để phân biệt chết thực sự do tai nạn giao thông với chết vì nguyên nhân khác (án mạng ngụy trang). Tai nạn giao thông do tàu hoả, máy bay, tàu thuỷ, ô tô chở khách v.v… gây tử vong nhiều người, ngoài việc giám định dấu vết chấn thương ngõ hầu xác định xe va phải ở bộ phận nào? Nguyên nhân chết? quan trọng hơn cả là nhận dạng nạn nhân để trả thi hài cho người nhà của họ.