Nhà chung cư diện tích tối thiểu bao nhiêu thì được cấp sổ hồng? Điều kiện về diện tích tối thiểu đối với nhà chung cư theo quy định mới nhất.
Căn hộ chung cư là một hình thức nhà ở rất phổ biến hiện nay. Với lợi thế về vị trí thuận tiện, cũng như là giá cả phù hợp với nhiều đối tượng của mình, càng ngày càng nhiều người lựa chọn mua căn hộ chung cư để làm nhà ở. Tuy nhiên thì dù là căn hộ chung cư, hay căn hộ mặt đất thì việc sở hữu giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản là nhà ở của mình cũng là điều hết sức quan trọng và cần được lưu ý. Đặc biệt đối với căn hộ chung cư, căn hộ chung cư phải có diện tích bao nhiêu mới được cấp sổ hồng?
Luật sư
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về diện tích tối thiểu nhà chung cư được cấp sổ hồng theo quy định mới nhất. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật nhà ở khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Thứ nhất, về diện tích tối thiểu đối với nhà chung cư
Trước đây, khi Luật nhà ở 2005 còn hiệu lực diện tích tối thiểu của nhà chung cư là 45m2, nhưng hiện nay khi Luật nhà ở 2014 đang có hiệu lực thì quy định này đã được bãi bỏ.
Căn cứ vào Luật Nhà ở 2014 và
Đối với trường hợp căn hộ chung cư là nhà ở thương mại thì Bộ xây dựng đã có công văn trả lời về diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư của dự án nhà ở thương mại là 25m2 đối với trường hợp xây dựng nhà chung cư giá rẻ để bán, cho thuê trong đó có các đối tượng là người nghèo, người có thu nhập thấp. Đồng thời diện tích của căn hộ này phải phù hợp với quy mô dân số theo đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu vực dự án được xây dựng.
Như vậy diện tích tối thiểu của căn hộ chung cư là 25m2.
Ngoài ra còn có quy định về diện tích tối thiểu của căn hộ chung cư để được xếp hạng nhà chung cư theo quy định như sau:
– Đối với nhà chung cư hạng A: Diện tích tối thiểu bằng 35m2 , bình quân diện tích sử dụng căn hộ trên số phòng ngủ lớn phải lớn hơn hoặc bằng 35m2.
– Đối với nhà chung cư hạng B: Diện tích tối thiểu bằng 30m2, bình quân diện tích sử dụng căn hộ trên số phòng ngủ lớn lớn hơn hoặc bằng 30m2.
– Đối với nhà chung cư hạng C: Bằng với diện tích tối thiểu của nhà chung cư là 25m2.
Thứ hai, điều kiện về diện tích tối thiểu để được cấp sổ hồng đối với căn hộ chung cư
Sổ hồng là cách gọi phổ thông của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” hiện nay. Nếu một người hoặc hộ gia đình sở hữu căn hộ chung cư nhưng không ở hữu đất thì giấy chứng nhận được cấp sẽ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng và sở hữu nhà ở, đây chính là sổ hồng chung cư.Căn hộ chung cư để được cấp sổ hồng cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện về tiêu chuẩn và chất lượng nhà ở của cá nhân, hộ gia đình, cũng như phải chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở của mình.
Theo quy định của pháp luật hiện hành tại Điều 9 Luật Nhà ở 2014, đối với nhà ở thương mại được đầu tư xây dựng theo dự án để bán hoặc cho thuê thì không cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư mà cấp Giấy chứng nhận cho người thuê mua, người mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư chưa cho thuê mua, hoặc chưa bán nhà ở đó nên có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận; trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê thì được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó. Như vậy, người trực tiếp sở hữu sổ hồng của căn hộ chung cư sẽ là hộ gia đình, cá nhân người mua căn hộ chung cư đó.
Trên thực tế hiện nay, khi hai bên đã thực hiện đầy đủ các bước mua bán theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư, hay bên bán căn hộ chung cư là bên có trách nhiệm lập hồ sơ và làm các thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho bên mua.
Về điều kiện cấp sổ hồng thì hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị khi xây dựng ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín thì phải đáp ứng điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật nhà ở 2014 bao gồm:
– Tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ.
– Tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, sở hữu chung của nhà chung cư.
Nếu đáp ứng được các điều kiện trên thì Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.
Diện tích sàn tối thiểu của căn hộ chung cư như đã trình bày ở trên là phải đạt tối thiểu 25m2 đối với cả căn hộ chung cư là nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại, và nếu căn hộ chung cư được xếp hạng thì cần phải tuân thủ diện tích tối thiểu của hạng đó.
Như vậy, diện tích tối thiểu của căn hộ chung cư để được cấp sổ hồng là 25m2, nhỏ hơn diện tích này sẽ không được cấp sổ hồng.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia để trả lời cho câu hỏi “Nhà chung cư diện tích tối thiểu bao nhiêu thì được cấp sổ hồng?”. Bạn cũng có thể tham khảo các dịch vụ khác của Luật Dương Gia liên quan đến căn hộ chung cư như sau:
1. Khi diện tích căn hộ chung cư trên thực tế không khớp với hợp đồng
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có mua một căn hộ chung cư. Chủ đầu tư đưa ra bản vẽ của căn hộ chung cư đó với tổng diện tích là 75m 2 (diện tích phủ bì kể cả tường chung….). Chúng tôi đồng ý kí hợp đồng với tổng số diện tích như trên. Hiện tôi đã thanh toán 40% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, khi tôi đi thăm công trình thực tế và đo đạc lại diện tích thì phát hiện diện tích thực tế chỉ có 70m2.
Vậy luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này tôi có thể yêu cầu chủ đầu tư tính lại giá trị hợp đồng hay không? Nếu chúng tôi yêu cầu mà chủ đầu tư không đồng ý thì có sai phạm gì không? Và hướng giải quyết tốt nhất cho chúng tôi là gì?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xác định diện tích trên bản vẽ mà chủ đầu tư cung cấp cho bạn sai lệch 5m2 so với diện tích đo đạc trên thực tế của căn hộ chung cư. Do vậy, có hai trường hợp xảy ra. Một là chủ đầu tư cố tình cung cấp sai thông tin về diện tích căn hộ cho bạn. Hai là, cách xác định diện tích căn hộ của bạn và phía chủ đầu tư không giống nhau.
Điều 21, Thông tư 16/2010/TT-BXD hướng dẫn chi tiết
Cách thứ nhất là tính từ tim tường (gồm cả một phần tường bao, sàn có cột, hộp kỹ thuật) và cách thứ hai là tính diện tích thông thủy (không gồm tường, cột). Kết quả của hai cách tính này chênh nhau từ 3-8% diện tích căn hộ (tùy căn hộ lớn hay nhỏ). Cả hai cách tính trên đều được phép áp dụng. Như vậy, có thể khi đưa bản vẽ cho bạn, chủ đầu tư đã lựa chọn cách tính thứ nhất để tăng diện tích căn hộ. Còn ở đây, bạn đã lựa chọn cách tính thứ hai nên mới có sự thiếu hụt về diện tích như vậy. Như vậy, căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư 16/2010/TT-BXD thì không có cơ sở để cho rằng chủ đầu tư đã bán cho bạn căn hộ thiếu diện tích so với diện tích ghi trên hợp đồng của hai bên, do vậy cũng không có căn cứ xác định chủ đầu tư có sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng với bạn.
Nếu không thuộc trường hợp chúng tôi vừa đề cập ở trên hoặc trong hợp đồng của bạn và chủ đầu tư đã thoả thuận rõ ràng về cách tính diện tích căn hộ mà vẫn có sự sai lệch thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu phía chủ đầu tư tính lại giá trị của hợp đồng theo đúng với diện tích thực tế. Nếu chủ đầu tư không tính lại giá trị hợp đồng, bạn có thể làm đơn khởi kiện chủ đầu tư ra Toà án về hành vi bán căn hộ không đúng diện tích trên hợp đồng. Tuy nhiên, trước khi gửi đơn khởi kiện bạn nên cân nhắc thật kỹ và nghiên cứu lại hợp đồng xem những điều khoản trong hợp đồng đã thực sự rõ ràng hay chưa. Bạn cũng có thể thoả thuận với phía chủ đầu tư tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng để thống nhất cách tính diện tích căn hộ, như vậy mới có căn cứ để Toà án giải quyết vụ việc của bạn.
2. Suất tái định cư tối thiểu là bao nhiêu mét vuông?
Theo quy định của Khoản 4 Điều 86 của Luật Đất đai 2013:
“4. Trường hợp người có đất thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu.
Chính phủ quy định cụ thể suất tái định cư tối thiểu cho phù hợp với điều kiện từng vùng, miền và địa phương.”
Suất tái định cư tối thiểu được hướng dẫn chi tiết tại Điều 27 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014:
“Điều 27. Suất tái định cư tối thiểu
1. Suất tái định cư tối thiểu quy định tại Khoản 4 Điều 86 của Luật Đất đai được quy định bằng đất ở, nhà ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền để phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư.
2. Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở thì diện tích đất ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương và diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng nhà ở thì diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được tính bằng tiền thì khoản tiền cho suất tái định cư tối thiểu tương đương với giá trị một suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, nhà ở tại nơi bố trí tái định cư.
3. Căn cứ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này và tình hình cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở nhà ở, bằng nhà ở và bằng tiền.”
Ví dụ: Suất tái định cư tối thiểu trên địa bàn Thành phố Hà Nội được quy định tại Điều 23 Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó:
“1. Suất tái định cư tối thiểu theo quy định tại khoản 4, Điều 86 Luật Đất đai và khoản 1, Điều 27 Nghị định 47/2014/NĐ-CP trên địa bàn thành phố Hà Nội bằng đất ở là 30m2 và bằng nhà ở chung cư là 30m2.
Giá trị suất tái định cư tối thiểu được xác định theo diện tích suất tái định cư tối thiểu nhân với giá đất ở hoặc giá nhà ở cụ thể tại nơi bố trí tái định cư của hộ gia đình, cá nhân.
2. Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận đất ở, nhà ở tái định cư theo quy định này mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này thì được Nhà nước hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất.”
3. Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung của nhà chung cư
Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Như vậy, trong nhà chung cư có phần sở hữu chung và phần sở hữu riêng nên những hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhà chung cư phải bảo vệ và gìn giữ những phần sở hữu này.
Theo quy định tại Điều 100 Luật nhà ở năm 2014 quy định về những phần sở hữu riêng và những phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư, bao gồm:
Thứ nhất, phần diện tích bên trong căn hộ bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó.
Thứ hai, phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà chung cư.
Thứ ba, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng.
Phần sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm:
Thứ nhất, phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật nhà ở năm 2014; nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư.
Thứ hai, không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư bao gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hỏa và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư.
Thứ ba, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó, trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt.
Thứ tư, các công trình công cộng trong khu vực nhà chung cư nhưng không thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được duyệt bao gồm sân chung, vườn hoa, công viên và các công trình khác được xác định trong nội dung của dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt.
4. Điều kiện tối thiểu đối với một căn nhà ở xã hội khi bán, cho thuê
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi trong các quy định về nhà ở xã hội thì điều kiện tối thiểu đối với một căn nhà (căn hộ) để bán, cho thuê mua hiện nay được quy định như thế nào? Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định Thông tư 08-2014-TT-BXD nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua ngoài việc phải tuân thủ các quy định về phòng ở, còn phải đảm bảo các quy định sau đây:
Thứ nhất: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở xã hội tại khu vực đô thị từ 02 (hai) tầng trở lên mà tại mỗi tầng có từ 02 (hai) căn hộ được thiết kế xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) thì diện tích sử dụng mỗi căn hộ tối thiểu là 30 m2 và phải đáp ứng các quy định theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành;
Thứ hai: Nhà phải có kết cấu vững chắc, chống được gió bão; mỗi phòng ở phải có lối ra vào và cửa sổ riêng biệt;
Thứ ba: Nền nhà phải được lát gạch hoặc láng vữa xi măng. Độ cao của nền nhà phải cao hơn mặt đường vào nhà tối thiểu là 0, 3m và cao hơn mặt sân, hè tối thiểu 0,15m;
Thứ tư: Tường bao che và tường ngăn các phòng phải được làm bằng vật liệu bền chắc, bảo đảm yêu cầu phòng cháy, cách âm, cách nhiệt và chống thấm; mặt tường trong phòng nếu xây bằng gạch thì phải trát phẳng và quét vôi hoặc sơn;
Thứ năm: Mái nhà không được lợp bằng vật liệu dễ cháy và phải đảm bảo không bị thấm dột. Trường hợp lợp bằng tôn hoặc fibrô xi măng phải có trần chống nóng, chống ồn;
Thứ sáu: Về cấp điện: Đường dây cấp điện phải đảm bảo an toàn theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định của cơ quan chuyên ngành ban hành; phải có đèn chiếu sáng ngoài nhà đảm bảo đủ ánh sáng khi đi lại;
Thứ bảy: Về cấp nước sinh hoạt: Bảo đảm cung cấp nước sạch tối thiểu 75 l/ng/ngày đêm. Trường hợp dùng nước giếng khoan phải có bể lọc bảo đảm tiêu chuẩn nước sạch hợp vệ sinh do cơ quan chuyên ngành ban hành;
Thứ tám: Về nước thoát: Phải có đường ống thoát nước kết nối với hệ thống thoát nước chung của khu vực; mương, rãnh thoát nước phải có nắp đậy;
Thứ chin: Về phòng chống cháy nổ: Phải có bể chứa nước phục vụ cứu hỏa và các thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định;
Cuối cùng: Về vệ sinh môi trường: Mỗi nhà ở (căn hộ) phải có chỗ nấu ăn, chỗ giặt và chỗ phơi quần áo.
Trường hợp xây dựng nhà ở xã hội liền kề thấp tầng để bán hoặc cho thuê mua thì bắt buộc phải có khu vệ sinh riêng.
Đối với trường hợp cho thuê thì có thể sử dụng khu vệ sinh chung, nhưng phải có khu vệ sinh riêng (bao gồm xí, tắm) cho nam và nữ. Mỗi khu vệ sinh tối đa phục vụ cho 8 người. Chất thải từ xí, tiểu phải qua bể tự hoại được xây dựng theo đúng quy cách.
5. Xác định diện tích tối thiểu của suất tái định cư
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư, gia đình tôi nằm trong khu quy hoạch – giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án quốc lộ 19. Diện tích nhà tôi là 36,9m2, gia đình tôi có 4 người (2 hộ khẩu – anh trai của tôi đã tách hộ khẩu riêng). Khu đất tái định cư chỉ định cho gia đình tôi 4*11 = 44m2. Tôi mong muốn được biết quy định Nhà nước về việc cấp đất tái định cư (hạn mức giao đất ở). Rất mong sớm nhận được sự giúp đỡ từ Luật sư, gia đình tôi chân thành cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Điều 79 Luật Đất đai 2013 và Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định:
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận khi bị thu hồi đất nếu thu hồi hết phần đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau khi nhà nước thu hồi mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn cấp xã nơi có đất thu hồi đất ở thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư, hoặc trong trường hơp còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi và nếu địa phương có điều kiện về quỹ đất thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
Nếu trong trên đất bị thu hồi có nhiều hộ cùng có chung quyền sử dụng một thửa đất thì về nguyên tắc, ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.
Suất tái định cư tối thiểu theo quy định của Điều 27 Nghị định 47/2014/NĐ-CP được xác định bằng đất ở, nhà ở thì diện tích không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương và diện tích nhà tái định cư tối thiểu bằng diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định về nhà ở.
Việc xác định suất tái định cư tối thiểu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, gia đình bạn nằm trong khu quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bị thu hồi đất, diện tích nhà là 39,9m2, có 4 người và 2 hộ khẩu, trong đó anh trai bạn đã tách hộ khẩu, khu tái định cư chỉ định cho gia đình bạn là 44m2, do bạn không nói rõ bạn ở địa phương nào, nên trong trường hợp này, để xác định việc cấp đất tái định cư cho gia đình bạn đã đúng hay chưa, bạn tham khảo quy định nêu trên và quy định của địa phương bạn để xác định về diện tích đất tái định cư đền bù.