Lĩnh vực dịch vụ vận chuyển hành khách và hàng hoá đường hàng không đang rất phổ biến và phát triển mạnh mẽ. Đi kèm điều đó là những quy định nghiêm ngặt trong lĩnh vực này. Khi trường hợp vi phạm xảy ra thì áp dụng nguyên tắc xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm an ninh hàng không:
Căn cứ theo quy định tại Điều 83 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định về các nguyên tắc xử lý hành vi, vi phạm trong lĩnh vực an ninh hàng không như sau:
Thứ nhất: Mọi vụ việc vi phạm an ninh hàng không phải được xử lý kịp thời, nhanh chóng, không để vi phạm lan rộng và hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả xảy ra.
Thứ hai: Việc xử lý phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm do hành vi vi phạm gây ra và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ ba: Việc lên tàu bay của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không để trấn áp, cưỡng chế, áp giải đối tượng vi phạm được thực hiện theo yêu cầu của người chỉ huy tàu bay hoặc Cảng vụ hàng không trừ trường hợp đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
Thứ tư: Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không bố trí nơi xử lý, giải quyết vụ việc vi phạm; bảo đảm việc xử lý vi phạm nhanh chóng, an toàn, thuận tiện và hạn chế đến mức tối thiểu việc gây ách tắc làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cảng hàng không, sân bay và chuyến bay.
Thứ năm: Cảng vụ hàng không chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoạt động tại cảng hàng không, sân bay để thống nhất những vấn đề cụ thể trong phối hợp xử lý vi phạm về an ninh hàng không, trật tự công cộng tại cảng hàng không, sân bay và giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không phối hợp với công an, chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm về an ninh hàng không xảy ra tại khu vực nằm ngoài cảng hàng không, sân bay trong phạm vi quản lý của doanh nghiệp.
Thứ bảy: Cảng vụ hàng không, các đơn vị, doanh nghiệp có lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phải tổ chức trực ban 24 giờ trong ngày và trong cả tuần, công bố số máy điện thoại trực để tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời vụ việc vi phạm an ninh hàng không, trật tự công cộng.
Thứ tám: Hồ sơ, thủ tục, biên bản, quyết định xử lý vi phạm phải được lập và lưu giữ theo quy định của pháp luật.
Dựa trên những quy định trên, ta có thể thấy các nguyên tắc xử lý hành vi, vi phạm trong lĩnh vực an ninh hàng không chủ yếu tập trung vào việc xử lý nhanh chóng, kịp thời, và hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra.
2. Mức phạt tiền hành vi vi phạm về an toàn, an ninh hàng không:
Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Nghị định 162/2018/NĐ-CP thì mức phạt của một số hành vi phổ biến gây mất an toàn, an ninh hàng không cụ thể như sau:
– Đối với hành vi mang rượu, chất lỏng có cồn và chất lỏng khác vào khu vực cách ly, lên tàu bay không đúng quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng.
– Đối với hành vi không tuân theo sự chỉ dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, nhân viên hàng không tại cảng hàng không, sân bay thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
– Đối với hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng thì sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
– Đối với các hành vi như sau thì sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng:
– Người nào có hành vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác làm mất trật tự, an ninh trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;
– Người nào có hành vi đi vào khu vực hạn chế, lên tàu bay mà không khóa chốt cửa buồng lái tàu bay theo thời gian quy định trong thời gian tàu bay đang bay; vi phạm trật tự kỷ luật trong tàu bay;
– Người nào có hành vi tung tin hoặc cung cấp những thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học mà chưa gây ảnh hưởng đến những hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng;
– Người có hành vi đưa người, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư và các đồ vật khác chưa qua kiểm tra an ninh hàng không vào những khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay;
Và một số hành vi khác.
Đối với các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đồng :
– Người náo có hành vi xâm nhập trái phép vào các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và những nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; hành hung cán bộ công chức, viên chức, thành viên tổ bay, nhân viên hàng không, hành khách tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng
– Người nào có hành vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất trật tự an ninh trên tàu bay
– Người có hành vi trộm cắp, chiếm đoạt đồ vật, thiết bị hoặc tài sản trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay…
Đối với các hành vi sau đây sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng:
– Người có hành vi xâm nhập trái phép vào tàu bay
– Người có hành vi hành hung thành viên tổ bay, hành khách, người khác trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự
– Người có hành vi đưa công cụ hỗ trợ, chất dễ cháy, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn và các loại vũ khí, đồ vật khác có hình dạng, tính năng, tác dụng tương tự vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay trái quy định mà chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với các hành vi như thì sẽ bị phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng:
– Người có hành vi tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học
– Người có hành vi cung cấp những thông tin sai có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự
– Người có hành vi đưa chất nổ, vật liệu nổ, vũ khí quân dụng, chất cháy vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay trái quy định
Phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với các hành vi sau đây:
– Người có hành vi tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học hoặc các thông tin khác có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay, người trên tàu bay đang bay
– Người có hành vi đưa chất nổ, vật liệu nổ, vũ khí quân dụng, chất cháy lên tàu bay trái quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Các trường hợp hành khách bị cấm đi máy bay:
Khi hành khách rơi là một trong các trường hợp dưới đây sẽ bị cấm đi máy bay (cấm vận chuyển bằng đường hàng không):
Các trường hợp bị cấm đi máy bay có thời hạn từ 03 đến 12 tháng.
+ Hành khách có hành vi gây rối
+ Không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng
+ Có hành vi phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên tàu bay
+ Cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng
+ Sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay
+ Có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay.
Các trường hợp bị cấm đi máy bay có thời hạn trên 12 tháng đến 24 tháng:
+ Đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những hành vi bị cấm vận chuyển có thời hạn từ 03 tháng đến 12 tháng;
+ Người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng sau:
+ Xâm nhập trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;
+ Đưa vật phẩm nguy hiểm vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và khu vực hạn chế khác trái pháp luật.
Vật phẩm nguy hiểm bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, chất độc hóa học và sinh học, chất phóng xạ và các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm hoặc được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, an toàn của chuyến bay;
+ Cung cấp thông tin sai đến mức uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;
+ Cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật uy hiếp đến an toàn khai thác tàu bay; khai thác cảng hàng không, sân bay; bảo đảm hoạt động bay.
Các trường hợp bị cấm đi máy bay vĩnh viễn:
– Đối tượng có hành vi vi phạm đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những trường hợp bị cấm vận chuyển có thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng;
– Người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào các hoạt động hàng không dân dụng sau:
+ Người có hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay đang bay;
+ Người có hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay trên mặt đất;
+ Người có hành vi sử dụng tàu bay như một vũ khí;
+ Người có hành vi bắt giữ con tin trong tàu bay hoặc tại cảng hàng không, sân bay
– Người có hành vi chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay.
Trên đây là tư vấn của Luật sư Luật Dương Gia các nội dung mà liên quan đến nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm an ninh hàng không. Trường hợp quý bạn cần những hỗ trợ cụ thể hay những giải đáp hợp lý, cụ thể hơn thì quý bạn đọc có thể liên hệ qua số điện thoại hotline 1900.6568 thì sẽ được chúng tôi hỗ trợ tư vấn cho quý bạn đọc nhé.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định về các nguyên tắc xử lý hành vi, vi phạm trong lĩnh vực an ninh hàng không;
– Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng