Nguyên tắc tổ chức và hoạt động Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Cơ cấu tổ chức của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Lịch sử hình thành và phát triển của Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về Mặt trận tổ quốc Việt Nam:
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội đã có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc động viên, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đấu tranh thống nhất nước nhà; trong sự hình thành, xây dựng và củng cố Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCHTW (khóa XI) đã chỉ rõ:
Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình cụ thể của từng giai tầng xã hội, trong từng giai đoạn cách mạng.
Từ những định nghĩa nêu trên, có thể thấy được đặc trưng của Mặt trận Tổ quốc đó là một liên minh chính trị, được tổ chức trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng về địa vị và độc lập về tổ chức giữa các tổ chức thành viên. Là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa có tính chính trị, vừa mang tính nhân dân sâu sắc.
Là một tổ chức liên minh chính trị, Mặt trận thực hiện sự liên kết các lực lượng với nhau thành một khối thống nhất để thực hiện mục tiêu chính trị chung, là giành, xây dựng và bảo vệ chính quyền, sử dụng chính quyền để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Việc xác định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị phản ánh bản chất của tổ chức Mặt trận: việc thành lập Mặt trận là vì lợi ích của cách mạng, lợi ích của dân tộc và cũng vì lợi ích của quần chúng nhân dân. Vấn đề Mặt trận là vấn đề đoàn kết, tập hợp để tạo nên một liên minh của giai cấp công nhân. Chính đảng của giai cấp công nhân muốn làm cách mạng thì không thể tự mình chiến thắng kẻ địch, mà phải biết liên minh với các giai tầng khác trong xã hội có liên hệ mật thiết với mình, phải biết tập hợp tất cả các lực lượng có thể tập hợp được, để có càng nhiều bạn đồng minh càng tốt.
Như vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước ta hiện nay. Sự quy định này là do yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, là xuất phát từ thể chế chính trị, nước ta là nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Đây là vấn đề lịch sử, vấn đề truyền thống. Vai trò của Mặt trận không phải tự Mặt trận đặt ra mà là do chính nhân dân, chính lịch sử thừa nhận. Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, một sự nghiệp đầy khó khăn gian khổ, càng đòi hỏi phải tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Do vậy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể thành viên càng quan trọng. Nâng cao vai trò, tác dụng của Mặt trận trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động Mặt trận tổ quốc Việt Nam:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, được hình thành theo nguyên tắc tự nguyện và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, nhằm đáp ứng những lợi ích đa dạng của các thành viên, thu hút đông đảo nhân dân vào tham gia quản lý các công việc nhà nước, công việc xã hội, nâng cao tính tích cực của mỗi công dân. Trong xã hội ta, nhân dân thực hiện quyền lực chính trị của mình không chỉ bằng nhà nước mà còn thông qua các đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức xã hội.
Theo đó, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định trong Điều 4 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên.
Hiệp thương dân chủ là nguyên tắc hoạt động xuyên suốt, trung tâm và mang tính đặc thù của Mặt trận, khác với nguyên tắc “tập trung dân chủ” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu của nguyên tắc hiệp thương dân chủ là tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động của các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc trước tình hình và nhiệm vụ đặt ra. Bản chất của Mặt trận là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, Mặt trận không chỉ đạo các tổ chức thành viên của mình, do đó tính chất của hiệp thương dân chủ chính là tự do tư tưởng, tôn trọng lẫn nhau, thống nhất trên cơ sở nhận biết và tôn trọng sự khác biệt giữa các tổ chức thành viên. Các thành viên cùng nhau trao đổi hướng tới đồng thuận vì lợi ích chung. Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam có thể lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên trong hệ thống Mặt trận hay các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhưng trong quy trình hiệp thương, Đảng Cộng sản Việt Nam và các thành viên đều bình đẳng và độc lập thể hiện chính kiến của mình và khi biểu quyết các vấn đề thì quyền biểu quyết của các bên là như nhau. Cốt lõi của hội nghị hiệp thương trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thực hành dân chủ, phát huy trí tuệ, đề cao trách nhiệm đại diện của mọi thành viên, thuyết phục lẫn nhau, hướng tới sự đồng thuận, thống nhất ý chí và hành động vì lợi ích chung. Hiệp thương dân chủ mang tính xã hội, tập hợp đông đảo mọi lực lượng, giai tầng xã hội trong vai trò liên minh chính trị, do liên minh mà cần phải hiệp thương, hiệp thương dân chủ mới giữ được sự tồn tại của liên minh một cách thực chất.
Bên cạnh đó, các thành viên gia nhập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tán thành Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp xem xét công nhận. Quan hệ giữa các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hợp tác, bình đẳng, đoàn kết chân thành, tôn trọng lẫn nhau để cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các chương trình của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong sinh hoạt, các thành viên được tự do bày tỏ chính kiến của mình, cùng nhau bàn bạc, hiệp thương dân chủ để đạt tới sự nhất trí, không dùng mệnh lệnh, áp đặt. Nếu có những ý kiến khác nhau trên những vấn đề cụ thể thì cùng nhau trao đổi, thuyết phục, giúp nhau giải quyết. Khi phối hợp và thống nhất hành động, các thành viên phải thoả thuận với nhau về chương trình hành động chung và có nghĩa vụ phối hợp giúp đỡ nhau để thực hiện chương trình hành động đã được thỏa thuận, đồng thời các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình.
3. Cơ cấu tổ chức của Mặt trận tổ quốc Việt Nam:
Cơ cấu tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại điều lệ của Mặt trận. Theo đó, tại Điều 1, Chương 1 của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quy định:
Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bao gồm tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong đó, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp là cơ quan hiệp thương cao nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại hội tiến hành hiệp thương dân chủ cử ra Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục hiệp thương dân chủ cử ra Ban Thường trực. Riêng đối với Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương cử ra Đoàn Chủ tịch, Đoàn Chủ tịch tiếp tục hiệp thương cử ra ban Thường trực.
Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc có đại diện của mình lãnh đạo của tổ chức trong Mặt trận, từ đó kết hợp lại tạo thành Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp thông qua các kỳ Đại hội 5 năm một lần.
Đại hội tuy là cơ quan hiệp thương cao nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu dự đại hội lại do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đương nhiệm hiệp thương, thỏa thuận. Trong thành phần Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đương nhiệm lại có đủ đại diện của các tổ chức thành viên, do đó thành phần đại biểu dự đại hội thông thường sẽ phải đảm bảo cơ cấu tổ chức thành viên nào cũng có đại biểu.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức theo đơn vị hành chính với 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Ở thôn, bản, tổ dân phố,… không tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc mà thay vào đó là Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Tuy nhiên, khác với hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc các cơ quan nhà nước khác, mối quan hệ của các cấp Mặt trận Tổ quốc. Vì bản chất của Mặt trận là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu, mỗi một cấp Mặt trận sẽ có những thành viên khác nhau, do đó mối quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp trên và cấp dưới mang tính hướng dẫn, kiểm tra chứ không có quan hệ chỉ đạo, điều hành. Mặt trận Tổ quốc cấp trên không chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc cấp dưới nhằm đảm bảo sự độc lập, minh bạch trong quá trình hoạt động.
4. Lịch sử hình thành và phát triển của Mặt trận tổ quốc Việt Nam:
Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ban hành Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh – hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay). Trong suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ở mỗi thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là quá trình hình thành, hoàn thiện và phát triển về lý luận, phong trào và tổ chức. Dưới ngọn cờ của các tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nhân dân ta đã đoàn kết tiến hành các phong trào đấu tranh cách mạng, mà sự ra đời của Mặt trận Việt Minh ngày 19/5/1941 là bước trưởng thành vượt bậc của Mặt trận về cả đường lối, tổ chức và hoạt động, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (năm 1945) lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 2/9/1945), mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) được thành lập – đây là bước phát triển mới của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến, sát cánh bên nhau, đẩy mạnh mọi hoạt động, xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng nhằm mục tiêu chung là kháng chiến thắng lợi, giành độc lập dân tộc. Việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt trở thành yêu cầu khách quan của kháng chiến và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nhằm củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh – Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) được tiến hành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Liên Việt đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất. Quá trình kháng chiến toàn dân, toàn diện làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất không ngừng lớn mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh to lớn, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi cuối cùng.
Bước vào giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập MTTQ Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. MTTQ Việt Nam đã ra sức vận động các tầng lớp nhân dân thi đua yêu nước, tham gia khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam, từ cao trào đấu tranh của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, ngày 20/12/1960, Mặt Trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời và Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam được thành lập ngày 20/4/1968 đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc và mọi người dân yêu nước.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), từ ngày 31/1 – 4/2/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là MTTQ Việt Nam. Đại hội đã thông qua chương trình chính trị và điều lệ mới nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong Nhân dân, phát huy nhiệt tình cách mạng và tinh thần làm chủ, động viên nhân dân hăng hái tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, xây dựng Hiến pháp chung của cả nước; tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục thiên tai, phát triển kinh tế…