Nhà thầu xây dựng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tạo nên sự thành công của một dự án xây dựng. Vì vậy, quản lý nhà thầu thi công xây dựng nói chung và nhà thầu nước ngoài nói riêng là một vấn đề quan trọng và then chốt. Vậy nguyên tắc quản lý hoạt động đối với nhà thầu nước ngoài được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài:
Trước hết, nhà thầu nước ngoài có yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sự thành công của một công trình xây dựng bên cạnh nhiều yếu tố khác. Theo quy định của pháp luật hiện nay, nhà thầu nước ngoài là các tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng đầy đủ điều kiện về năng lực pháp luật dân sự, riêng đối với cá nhân thì còn phải có năng lực hành vi dân sự trong quá trình tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng. Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của nhà thầu nước ngoài sẽ được xác định theo pháp luật mà nước nhà thầu đó mang quốc tịch. Đồng thời, nhà thầu nước ngoài có thể là tổng thầu, nhà thầu chính, nhà thầu phụ hoặc các nhà thầu liên danh.
Pháp luật hiện nay có quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 102 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có quy định về nguyên tắc quản lý hoạt động của các chủ thể là nhà thầu nước ngoài. Theo đó, nhà thầu nước ngoài cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc quản lý hoạt động như sau:
– Nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật chỉ được phép tiến hành hoạt động xây dựng trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau khi được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tiến hành thủ tục cấp giấy phép hoạt động xây dựng hợp pháp;
– Hoạt động của các nhà thầu nước ngoài trên lãnh thổ của Việt Nam bắt buộc phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về đấu thầu, đầu tư và các nội dung trong điều ước quốc tế có liên quan mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên ký kết hoặc gia nhập.
Như vậy, nhà thầu nước ngoài trong quá trình hoạt động cần phải tuân thủ đầy đủ theo nguyên tắc quản lý hoạt động nêu trên.
Tuy nhiên, nhà thầu nước ngoài để được cấp giấy phép hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam thì cần phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định. Căn cứ theo quy định tại Điều 103 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có quy định về điều kiện xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng. Bao gồm:
– Nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi nhà thầu đó có quyết định trúng thầu hoặc có quyết định lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư/các nhà thầu chính;
– Nhà thầu nước ngoài cần phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc có sử dụng nhà thầu phụ mang quốc tịch Việt Nam trong hoạt động đấu thầu, ngoại trừ trường hợp nhà thầu trong nước không có đầy đủ năng lực và điều kiện tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu. Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam thì nhà thầu nước ngoài cần phải phân định rõ nội dung, giá trị công việc, khối lượng do nhà thầu Việt Nam trong liên danh thực hiện;
– Nhà thầu nước ngoài cần phải cam kết thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan trực tiếp tới hoạt động nhận thầu trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 107 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu nước ngoài. Theo đó:
(1) Nhà thầu nước ngoài có các quyền cơ bản sau đây:
– Có quyền yêu cầu cơ quan chức năng hướng dẫn trong quá trình thực hiện thủ tục lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng, hướng dẫn các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động của nhà thầu nước ngoài theo quy định của pháp luật;
– Có quyền thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo đối với những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện công việc;
– Được quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ của Việt Nam theo nội dung ghi nhận trong giấy phép hoạt động xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp.
(2) Nhà thầu nước ngoài có các nghĩa vụ cơ bản như sau:
– Thành lập văn phòng điều hành tại nơi có dự án đầu tư kinh doanh sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng, thực hiện thủ tục đăng ký địa chỉ, số điện thoại, email, con dấu, tài khoản, mã số thuế của văn phòng điều hành đó. Đối với quá trình thực hiện hợp đồng lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát, thiết kế thi công công trình, thì các nhà thầu nước ngoài có thể thành lập văn phòng điều hành tại nơi đăng ký trụ sở của chủ đầu tư hoặc có thể không thành lập văn phòng điều hành trên lãnh thổ của Việt Nam. Riêng đối với hợp đồng thực hiện thi công công trình xây dựng, hợp đồng giám sát công trình xây dựng tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì nhà thầu nước ngoài có thể thành lập văn phòng điều hành tại một địa phương có công trình đi qua để dễ dàng thực hiện công việc giám sát. Văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài chỉ tồn tại trong thời gian thực hiện hợp đồng và văn phòng điều hành đó sẽ bị giải thể khi hợp đồng hết hiệu lực;
– Có nghĩa vụ đăng ký, hủy con dấu/nộp lại con dấu khi kết thúc hợp đồng theo quy định của pháp luật. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng các con dấu này trong quá trình thực hiện công việc theo hợp đồng trên lãnh thổ của Việt Nam;
– Có nghĩa vụ đăng ký, nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, mở tài khoản thanh toán theo hướng dẫn của Ngân hàng thương mại Việt Nam để phục vụ cho hoạt động kinh doanh theo hợp đồng;
– Thực hiện hoạt động tuyển dụng lao động, sử dụng lao động Việt Nam, lao động là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về lao động, chỉ được phép đăng ký đưa vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế kĩ thuật và những người có tay nghề cao khi Việt Nam không có khả năng đáp ứng;
– Thực hiện thủ tục suất nhập khẩu các loại vật tư máy móc, trang thiết bị liên quan tới hợp đồng nhận thầu tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Thực hiện hợp đồng liên doanh đã ký kết với các nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam đã được xác định cụ thể trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng;
– Phải có trách nhiệm mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện đầy đủ thủ tục đăng kiểm chất lượng đối với các loại vật tư thiết bị nhập khẩu cung cấp theo hợp đồng nhận thầu;
– Thực hiện nghĩa vụ đăng kiểm an toàn đối với các trang thiết bị thi công xây dựng và phương tiện giao thông có liên quan đến hoạt động kinh doanh của các nhà thầu nước ngoài;
– Tuân thủ đầy đủ theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng xây dựng công trình, đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường theo các văn bản quy phạm có liên quan, thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định trong giấy phép hoạt động xây dựng;
– Khi đã hoàn thành công trình xây dựng, các nhà thầu nước ngoài cần phải tiến hành thủ tục lập đầy đủ thành phần hồ sơ hoàn thành công trình, chịu trách nhiệm bảo hành đối với công trình xây dựng, quyết toán vật tư và các trang thiết bị nhập khẩu, xử lý vật tư và các trang thiết bị còn dư trong hợp đồng thi công công trình xây dựng, thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về việc kết thúc hợp đồng hoặc chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành.
3. Trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc chủ dự án đối với nhà thầu nước ngoài:
Căn cứ theo quy định tại Điều 108 của Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, có quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư và chủ dự án đối với nhà thầu nước ngoài. Theo đó, chủ đầu tư hoặc chủ dự án cần phải có trách nhiệm như sau:
– Chỉ được ký hợp đồng giao nhận thầu khi đã có đầy đủ giấy phép hoạt động xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp cho các nhà thầu nước ngoài, hướng dẫn các nhà thầu nước ngoài tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, hỗ trợ các nhà thầu nước ngoài trong quá trình chuẩn bị giấy tờ tài liệu có liên quan đến công trường nhận thầu và nhà thầu nước ngoài cần phải kê khai trong thành phần hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép và các thủ tục khác có liên quan theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cùng với nhà thầu nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký việc suất nhập khẩu các loại trang thiết bị vật tư máy móc có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng thuộc trách nhiệm của nhà thầu nước ngoài;
– Giám sát nhà thầu nước ngoài thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, xem xét khả năng cung cấp thiết bị thi công công trình xây dựng;
– Xem xét khả năng cung cấp lao động kĩ thuật tại Việt Nam khi thỏa thuận với các nhà thầu nước ngoài về danh mục dân sự nước ngoài làm việc cho nhà thầu nước ngoài xin nhập cảnh vào lãnh thổ của Việt Nam để thực hiện các công việc theo hợp đồng;
– Xác nhận quá trình quyết toán vật tư, trang thiết bị máy móc nhập khẩu của nhà thầu nước ngoài khi hoàn thành công trình;
– Khi sử dụng nhà thầu nước ngoài để thực hiện hoạt động tư vấn cho quá trình quản lý dự án, sử dụng nhà thầu nước ngoài để giám sát chất lượng công trình xây dựng, chủ đầu tư hoặc chủ dự án cần phải thông báo bằng văn bản cho các nhà thầu khác hoặc thông báo cho các cơ quan quản lý chất lượng xây dựng biết về chức năng, nhiệm vụ của các nhà thầu được quyền thực hiện thay mặt cho chủ đầu tư/chủ dự án đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
– Luật Đấu thầu năm 2023.
THAM KHẢO THÊM: