Lồng ghép nhân quyền và dân chủ trong hợp tác phát triển và thúc đẩy chúng thông qua cách tiếp cận dựa trên quyền cũng giúp xây dựng xã hội có khả năng chống chịu và giảm thiểu các xung đột tiềm tàng, giúp thực hiện ưu tiên của EU về ngăn ngừa xung đột.
Mục lục bài viết
1. Tôn trọng nhân quyền cùng với các nguyên tắc tự do cơ bản, dân chủ và pháp quyền, là nền tảng của EU:
Điều 2 Hiệp ước về Liên minh châu Âu đã chỉ rõ:
Liên minh được thành lập dựa trên các giá trị tôn trọng nhân phẩm, tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền và tôn trọng các quyền con người, bao gồm cả quyền của những người thuộc các dân tộc thiểu số. Những giá trị này là chung cho các quốc gia thành viên trong một xã hội mà chủ nghĩa đa nguyên, không phân biệt đối xử, khoan dung, công bằng, đoàn kết và bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Điều 21 Hiệp ước về Liên minh châu Âu cũng quy định:
Hoạt động của Liên minh trên trường quốc tế sẽ được định hướng bởi các nguyên tắc đã truyền cảm hứng cho sự sáng tạo, phát triển và mở rộng của chính Liên minh và những nguyên tắc mà Liên minh tìm cách phát triển trong thế giới rộng lớn hơn: dân chủ, pháp quyền, tính phổ biến và không thể tách rời của quyền con người và các quyền tự do cơ bản, tôn trọng nhân phẩm, các nguyên tắc bình đẳng và đoàn kết, tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Trong Báo cáo nhân quyền hàng năm năm 2009, Liên minh châu Âu xác định: Một mình EU không thể thay đổi cách thức của thế giới, nhưng EU quyết tâm thực hiện vai trò của mình dựa trên quy mô, sự giàu có, lịch sử và địa lý. Đây không chỉ là lợi ích riêng của Liên minh châu Âu. Ngày nay, người ta thường nói về toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau, nhưng không thể phủ nhận rằng, “việc nhân rộng các mô hình quản lý hiệu quả, hỗ trợ cải cách chính trị và xã hội, đối phó với tham nhũng và lạm dụng quyền lực, thiết lập nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền con người là cách tốt nhất để củng cố trật tự quốc tế”.
Các quốc gia thành viên của EU tin rằng nhiệm vụ chính của cộng đồng quốc tế là thúc đẩy mối quan tâm chính đáng này. Vì lý do này, EU đặc biệt chú trọng đến việc tôn trọng nhân quyền cả trong và ngoài ranh giới của liên minh. Mọi quốc gia mong muốn gia nhập EU đều phải tuân thủ nhân quyền. Ngoài ra, tất cả các thỏa thuận hợp tác và thương mại của EU với các nước thứ ba đều có điều khoản đảm bảo rằng quyền con người là một khía cạnh quan trọng trong quan hệ giữa các bên. EU hỗ trợ các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy nhân quyền trên thế giới thông qua EIDHR (European Initiative for Democracy and Human Rights – Sáng kiến của châu Âu về Dân chủ và Nhân quyền, áp dụng từ năm 1999, đến năm 2007 đổi thành European Instrument for Democracy and Human Rights – Công cụ của Châu Âu về Dân chủ và Nhân quyền). Ngân sách của EIDHR trong giai đoạn 2007–2013 là 1,1 tỷ Euro. EU tham gia toàn diện vào các diễn đàn nhân quyền của Liên hợp quốc và đưa ra các sáng kiến nhân quyền quan trọng trong thúc đẩy các chủ đề nhân quyền quan trọng đối với mỗi người.
Liên minh châu Âu vẫn duy trì sự tiên phong trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng. EU tham gia vào các hoạt động trên toàn cầu phù hợp với các mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch hành động của EU về Nhân quyền và Dân chủ giai đoạn 2015-2019. Trong bối cảnh thế giới đang liên tục biến động và không thể đoán trước, Kế hoạch Hành động là công cụ để tiến tới các chương trình nghị sự về quyền con người.
EU ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở trung tâm của chủ nghĩa đa phương, điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm đã chứng kiến những xu hướng tiêu cực nghiêm trọng về nhân quyền và dân chủ trên thế giới. Những năm vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng các mối đe dọa và vi phạm đối với các nhà báo và những người đưa tin khác, khiến không gian báo chí tự do ngày càng bị thu hẹp. Theo các ưu tiên của Chiến lược Toàn cầu về Chính sách đối ngoại và
2. An ninh của Liên minh Châu Âu, EU tiếp tục kiên quyết phản đối bất kỳ hạn chế vô lý nào đối với quyền tự do hội họp hòa bình:
Tháng 7 năm 2012, Stavros Lambrinidis – luật sư, nhà hoạt động chính trị người Hy Lạp đã được bổ nhiệm là Đại diện Đặc biệt của EU về Nhân quyền. Nhiệm vụ chính của ông là đại diện cho EU trả lời các câu hỏi về nhân quyền với các quốc gia thứ ba cũng như trong các tổ chức quốc tế. Năm 2018 chứng kiến lần đầu tiên EU hợp tác với Tổ chức Hợp tác Hồi giáo để thông qua một nghị quyết trong Hội đồng Nhân quyền nhằm thiết lập một cơ chế giải trình quốc tế về Myanmar/Miến Điện. Năm 2018, EU cũng đã hành động để xác định và hỗ trợ các trường hợp tích cực về nhân quyền, xây dựng trên tầm nhìn của Chương trình nghị sự năm 2030 dựa trên quyền con người.
Trong các báo cáo nhân quyền hàng năm của mình, EU đã thể hiện sự quan tâm đến các lĩnh vực sau:
– Quản trị dân chủ
Vào tháng 10 năm 2019, lần đầu tiên sau một thập kỷ, các ngoại trưởng EU đã thông qua các kết luận của Hội đồng về Dân chủ. Với tuyên bố chính trị này, EU đã làm mới lại cam kết của mình đối với một trong các giá trị sáng lập của mình và tính phổ biến của nền dân chủ. Những kết luận này cung cấp một khuôn khổ toàn diện để thúc đẩy quản trị dân chủ. Ủng hộ dân chủ là lợi ích chiến lược của Liên minh, góp phần vào việc đạt được các mục tiêu chính của Chính sách Đối ngoại và An ninh Chung và là cơ sở ban hành Chương trình Nghị sự 2030, đặc biệt là thúc đẩy các thể chế trong việc giảm bất bình đẳng (Mục tiêu số 10) và tiến tới bình đẳng giới (Mục tiêu số 5). Kể từ khi có kết luận của Hội đồng về sự ủng hộ của Dân chủ năm 2009, bối cảnh toàn cầu đã thay đổi sâu sắc. Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị tấn công, nhân quyền ngày càng phải chịu áp lực trên toàn cầu, chất lượng dân chủ và không gian cho xã hội dân sự đang suy giảm. Trong thời đại kỹ thuật số, các cơ hội mới để tham gia vào con đường chính trị đã xuất hiện, nhưng cũng phải đối mặt với vô vàn thách thức lớn, bao gồm việc kích động bạo lực hoặc thù hận, các chiến dịch thông tin sai lệch, cũng như vi phạm và lạm dụng nhân quyền trên mạng Internet, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận.
Các kết luận mới kêu gọi các sự phản ứng kịp thời và thống nhất đối với những thách thức này, đồng thời cam kết EU và các quốc gia thành viên thực hiện một loạt các cam kết thiết một cách chi tiết nhất, bao gồm: các ưu tiên lâu nay như thúc đẩy các thể chế có sự tham gia, trách nhiệm giải trình và dân chủ; hỗ trợ các quy trình bầu cử minh bạch và tin cậy, thúc đẩy pháp quyền và tính độc lập của công lý; trao quyền cho xã hội dân sự. Ngoài ra, chúng còn bao gồm các cách tiếp cận mới hơn như: tăng cường hỗ trợ nghị viện và các đảng phái chính trị, xây dựng không gian chính trị công dân; hỗ trợ và bảo vệ các phương tiện truyền thông độc lập; giải quyết vấn đề không gian dân chủ trực tuyến đang bị thu hẹp, cũng như những thách thức đối với dân chủ do công nghệ kỹ thuật số đặt ra; nỗ lực hơn nữa trong việc tuân thủ các khuyến nghị của các phái đoàn quan sát bầu cử EU; và chống bất bình đẳng nhằm xây dựng lại lòng tin vào nền dân chủ và các thể chế dân chủ. Hành động cụ thể tập trung vào nhóm các nhà bảo vệ nhân quyền, nhà báo, phụ nữ và thanh niên. Sau khi thông qua kết luận của Hội đồng, EU lần đầu tham gia vào Diễn đàn Thế giới về Dân chủ do Hội đồng châu Âu tổ chức vào ngày 06 đến ngày 08 tháng 11 năm 2019 tại Strasbourg, Pháp. Hội thảo này là cơ hội để nâng cao nhận thức về công việc của Liên minh Châu Âu trong việc hỗ trợ dân chủ.
– Tạo không gian hoạt động cho xã hội dân sự
Trong năm 2019, EU tiếp tục theo dõi chương trình “Nguồn gốc của dân chủ và phát triển bền vững: Sự tham gia của Châu Âu với xã hội dân sự trong quan hệ đối ngoại cũng như kết luận của Hội đồng năm 2017 tái khẳng định rằng các thành viên của các tổ chức xã hội dân sự đều là những thành viên quản trị và các tác nhân phát triển theo đúng nghĩa của họ [17], là những đối tác quan trọng để thực hiện thành công Chương trình nghị sự năm 2030. EU (thông qua mạng lưới các phái đoàn và văn phòng của EU và thông qua tương tác và hỗ trợ cho các tổ chức xã hội dân sự) thường xuyên giải quyết các mối đe dọa đối với xã hội dân sự và không gian dân chủ. Tương tác và trao quyền cho xã hội dân sự vẫn là hành động hàng đầu của EU. EU đã phản đối, thông qua các lời nhắn công khai và riêng tư, những hạn chế vô cớ đối với không gian xã hội dân sự, chẳng hạn như hạn chế bởi pháp luật, giới hạn về đăng ký và về tài chính, các hành vi bôi nhọ và bất kỳ hành vi nào cản trở hoạt động của xã hội dân sự ở một số quốc gia.
EU tiếp tục thực hiện các cuộc thảo luận về xã hội dân sự sau các cuộc đối thoại về nhân quyền. Các đại diện xã hội dân sự thường xuyên tham gia với Ban Công tác của Hội đồng Nhân quyền (COHOM) và được thảo luận về các kết luận của Ban Công tác này.
– Hỗ trợ các nhà bảo vệ nhân quyền
EU luôn không ngừng hỗ trợ các nhà bảo vệ nhân quyền, tố cáo không gian xã hội dân sự đang bị thu hẹp, sử dụng hành động chính trị và tài chính để hỗ trợ những người đấu tranh cho nhân quyền, đặc biệt là khi họ gặp rủi ro. Sự hợp tác giữa các phái đoàn của EU và của các quốc gia thành viên EU tiếp tục là một trong những công cụ hiệu quả nhất để thực tế hóa Hướng dẫn của EU về người bảo vệ nhân quyền thành các hành động cụ thể. Những hành động như vậy bao gồm báo cáo thường xuyên hơn; tăng cường sự ủng hộ của công chúng đối với các nhà bảo vệ nhân quyền, trao các Giải thưởng cho những người bảo vệ nhân quyền mới; tăng cường sự hiện diện của EU trong quá trình quan sát, phản đối những hạn chế phi lý như cấm đi lại và phong tỏa tài sản của các cá nhân; tạo môi trường thuận lợi cho những người bảo vệ nhân quyền thông qua đối thoại chính sách và chính trị với các nước đối tác; lên tiếng chống lại các trường hợp đe dọa, sách nhiều hoặc trả thù; gửi thông điệp mạnh mẽ trong các chuyến thăm quốc gia và tăng cường bảo vệ các nhà bảo vệ nhân quyền bằng các dự án dành riêng cho quốc gia. Việc thực hiện cơ chế chia sẻ gánh nặng giữa các phái đoàn EU và các quốc gia thành viên đã giúp cho việc giám sát tình hình các nhà bảo vệ nhân quyền hiệu quả hơn.
– Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt
Trong năm 2019, một số hành động liên quan đã được thực hiện như một phần của Đồng thuận Châu Âu về Phát triển và Mục tiêu Phát triển bền vững [40]. Nguyên tắc của Liên minh Châu Âu về Tự do ngôn luận trực tuyến và ngoại tuyến đã được nhắc lại nhiều lần. Trong một số trường hợp, các tuyên bố địa phương đã được các phái đoàn EU với các quốc gia thành viên và các nước cùng chí hướng hưởng ứng. EU đã đưa ra các vấn đề về tự do ngôn luận và tự do báo chí một cách có hệ thống trong các cuộc đối thoại chính trị và nhân quyền với các nước đối tác; tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong các vấn đề này với OSCE, Hội đồng châu Âu và với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. EU ủng hộ công việc của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt.
– Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng
Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng vẫn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại liên quan đến nhân quyền của Liên minh Châu Âu, được dẫn đầu bởi Nguyên tắc khuyến khích và bảo vệ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
– Về xóa bỏ hình phạt tử hình
Trên bình diện thế giới, EU cũng thúc đẩy các vấn đề về nhân quyền như phản đối việc kết án tử hình và đề nghị loại bỏ khung hình phạt này trên khắp thế giới (việc loại bỏ khung hình phạt tử hình cũng là một điều kiện đối với quy chế thành viên EU). Khi Tuyên ngôn thế giới về quyền con người được thông qua vào năm 1948, chỉ có 08 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình, và khi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1966, số quốc gia bãi bỏ hình phạt tử hình là 26 nước [14]. Hiện tại, việc xoá bỏ hình phạt tử hình và khuyến khích bãi bỏ hình phạt tử hình đã trở thành một phong trào mang tính toàn cầu. Liên minh châu Âu liên tục khẳng định sự phản đối mạnh mẽ và dứt khoát của mình đối với án tử hình trong mọi hoàn cảnh và mọi trường hợp. Án tử hình là biện pháp không phù hợp với nhân phẩm con người. Nó còn là một sự đối xử phi nhân đạo và hèn hạ, không có bất kỳ một tác dụng răn đe nào đã được minh chứng, đồng thời khiến cho những quyết định sai lầm trong xét xử không thể rút lại và gây hậu quả chết người. Việc bãi bỏ án tử hình là một thành tựu đặc biệt tại châu Âu, tất cả Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu đều đã xóa bỏ án tử hình. Việc bãi bỏ án tử hình trong luật hoặc trên thực tế là một điều kiện tiên quyết cho tư cách thành viên của Hội đồng châu Âu và việc cấm hoàn toàn án tử hình trong mọi hoàn cảnh đã được nêu trong Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu. Việc tái áp dụng án tử hình ở bất kỳ một quốc gia thành viên nào sẽ đi ngược lại những giá trị và nghĩa vụ cơ bản của cả hai Tổ chức.
Liên minh châu Âu liên tục kêu gọi một cách mạnh mẽ các nước trên thế giới vẫn còn áp dụng án tử hình cần ngay lập tức thiết lập việc hoãn thi hành án và coi đây là bước đi đầu tiên hướng tới bãi bỏ án tử hình, đồng thời cần giảm những án tử hình còn lại xuống còn chung thân. Trong mọi trường hợp, tất cả các quốc gia này đều bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế và do đó cần phải tránh thi hành án tử hình đối với trẻ vị thành niên, những người bị tâm thần hoặc thiểu năng trí tuệ, hoặc trong các trường hợp không phải là những tội ác nghiêm trọng nhất (đáng chú ý như việc tử hình không thể được áp dụng đối với những người bị kết án các tội về kinh tế hoặc buôn bán ma túy). Bên cạnh đó, việc thi hành án cũng không nên diễn ra nếu không có sự thông tin liên lạc phù hợp với người thân và luật sư của cá nhân bị kết án. Liên minh châu Âu hoan nghênh xu hướng toàn cầu hiện nay hướng tới việc bãi bỏ án tử hình, dẫn tới kết quả là hơn hai phần ba số lượng các quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình trong luật pháp hoặc trên thực tiễn. Động lực toàn cầu này cần phải được nắm bắt nhằm thúc đẩy xóa bỏ án tử hình ở những quốc gia còn lại vẫn đang áp dụng. Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ cho xu hướng bãi bỏ trên toàn cầu này, triển khai tất cả những biện pháp hiện có nhằm đấu tranh với những sự tra tấn và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng có liên quan tới việc áp đặt và áp dụng án tử hình.
– Về chống tra tấn và các hình thức hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ thấp nhân phẩm
EU còn kêu gọi chấm dứt tra tấn dưới mọi hình thức và quan tâm tới cảnh ngộ của tất cả nạn nhân của việc làm khủng khiếp và tàn bạo này cũng như gia đình và những người thân của họ, dành sự quan tâm cho những người tích cực tham gia vào hoạt động chống tra tấn, tăng cường nhận thức và chăm sóc cho các nạn nhân, lắng nghe các nạn nhân của tra tấn để có thể về cách chống tra tấn. EU đã ban hành Hướng dẫn cho các quốc gia thứ ba chính sách của EU về chống tra tấn và các hình thức hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ thấp nhân phẩm, cung cấp cho EU một công cụ để sử dụng trong các cuộc tiếp xúc với các nước thứ ba ở mọi cấp độ cũng như trong các diễn đàn nhân quyền đa phương nhằm hỗ trợ và tăng cường các nỗ lực đang diễn ra để ngăn chặn và xóa bỏ nạn tra tấn và các hình thức hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ thấp nhận phẩm ở tất cả các nơi trên thế giới, củng cố chính sách về nhân quyền của EU nói chung. Ngày 26 tháng 6 năm 2018 (Ngày Quốc tế hỗ trợ nạn nhân của tra tấn), EU đã đưa ra tuyên bố thể hiện cam kết mạnh mẽ của EU trong việc ngăn chặn, lên án và xóa bỏ mọi hình thức tra tấn và hình phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, khẳng định rằng tất cả con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên tục hợp tác với các đối tác của EU ở cấp độ quốc tế và khu vực, cùng với xã hội dân sự để đạt được tiến bộ trong việc xóa bỏ loại tội phạm không thể bào chữa này. EU còn nhấn mạnh vai trò chủ chốt của các cơ chế quốc tế và khu vực cũng như các Tổ chức Nhân quyền Quốc gia và các cơ quan phòng ngừa quốc gia nhằm xóa bỏ tra tấn và thúc đẩy nhu cầu có các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn tra tấn trong mọi hoàn cảnh và hướng tới những người dễ bị tổn thương nhất, kể cả trong bối cảnh chống khủng bố, khủng hoảng và di cư. Một số phái đoàn của EU cũng đã tổ chức các sự kiện cụ thể để đánh dấu ngày ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn.
– Về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
Phù hợp với mục tiêu thứ 17 trong Kế hoạch Hành động của Liên minh Châu Âu về Nhân quyền và Dân chủ, EU đã đưa ra một Chương trình nghị sự toàn diện nhằm thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ESCR) vào năm 2019. Điều này được thực hiện thông qua cách tiếp cận ba hướng:
(i) tăng cường tập trung vào các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong hoạt động đối ngoại;
(i) xây dựng hướng dẫn hoạt động và chính trị về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho EU và các quốc gia thành viên thực hiện ở các quốc gia thứ ba;
(iii) đẩy mạnh các nỗ lực bảo vệ những người bảo vệ nhân quyền, những người đang làm việc để duy trì các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa kể cả trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo EU đã đặt vấn đề biến đổi khí hậu lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của EU. Các cuộc thảo luận tại Diễn đàn Nhân quyền EU NGO hàng năm ở Brussels, tập trung vào mối liên hệ giữa môi trường và nhân quyền, đã góp phần định hình chính sách đối ngoại của EU theo Thỏa thuận Xanh mới. Ở cấp độ đa phương, EU và các quốc gia thành viên đã liên tục ủng hộ các Nghị quyết theo mục thứ 3 (thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người, dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm cả quyền phát triển tại Hội đồng Nhân quyền và tại Ủy ban thứ ba của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Các nghị quyết đó bao gồm Nghị quyết hàng năm về quyền con người và môi trường, Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu, và các Nghị quyết về những người bảo vệ nhân quyền và những người bảo vệ nhân quyền về môi trường.
– Nhân quyền trong kinh doanh
Năm 2019, EU tiếp tục đề cập đến vấn đề tôn trọng nhân quyền của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của họ, hỗ trợ hoạt động của những người bảo vệ nhân quyền và tạo điều kiện tiếp cận các biện pháp khắc phục. EU kêu gọi các quốc gia và tất cả các doanh nghiệp kinh doanh, cả đa quốc gia và trong nước, thực hiện và tuân thủ các Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền (UNGP) và ba trụ cột của nó: “nghĩa vụ bảo vệ của nhà nước” (the state duty to protect); “Trách nhiệm tôn trọng của doanh nghiệp” (the corporate responsibility to respect) và “tiếp cận để khắc phục” (access to remedy).
Bên cạnh đó, EU còn dành nhiều sự quan tâm đến các chủ đề bình đẳng và không phân biệt đối xử, cụ thể là về bình đẳng giới, trẻ em gái và phụ nữ; quyền của trẻ em, thiếu niên, lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới) và Intersex (liên giới tính); người khuyết tật; phân biệt chủng tộc, tư tưởng bài ngoại...
Tuy nhiên, EU coi vấn đề người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn; thương mại và hợp tác phát triển là 03 nội dung chính khi thực hiện chính sách đối ngoại của mình. Cụ thể:
– Đối với vấn đề về người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn
Bảo vệ và duy trì quyền con người và các quyền tự do cơ bản vẫn là cốt lõi của các chính sách di cư và tị nạn của EU hàng năm, tuy nhiên, kể từ năm 2017, vấn đề này mới được EU đưa vào là nội dung chính bên cạnh nội dung thương mại và hợp tác phát triển trong các Báo cáo nhân quyền hàng năm của mình. EU tiếp tục bảo vệ và thúc đẩy các quyền này thông qua các chính sách và khuôn khổ lập pháp hiện có. EU tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên, các đối tác quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương để cứu mạng sống, cung cấp sự bảo vệ, chống lại hành vi buôn lậu người di cư, nhưng cũng mở ra con đường an toàn và hợp pháp cho mọi người đến châu Âu, giải quyết những nguyên nhân gốc rễ khiến mọi người phải rời bỏ quê hương của mình. EU nhấn mạnh sự cần thiết phải làm việc với tất cả các đối tác trên toàn thế giới, kể cả trong khuôn khổ Liên hợp quốc vì giải quyết vấn đề di cư đòi hỏi phải có sự liên minh hợp tác toàn cầu với các quốc gia xuất cảnh, quá cảnh và nhập cảnh, cũng như với các tổ chức quốc tế. Tháng 12 năm 2018, Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, trật tự và hợp pháp (the Global Compact for Safe, Orderly and Regular Migration) và Hiệp ước toàn cầu về người tị nạn (the Global Compact on Refugees) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, đây được coi là các khuôn khổ hợp tác quốc tế không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, có thể góp phần tăng cường dư luận quốc tế đối với các dòng di cư và các trường hợp tị nạn trên cơ sở tôn trọng đầy đủ chủ quyền của mỗi quốc gia. Tháng 12 năm 2019, các Ủy viên Liên minh Châu Âu về quản lý khủng hoảng, phụ trách khu vực lân cận và mở rộng, phụ trách về đối tác quốc tế đã tham dự Diễn đàn người tị nạn toàn cầu cấp Bộ đầu tiên. Sự kiện toàn cầu này thu hút sự tham gia của hơn 400 phái đoàn của các bang, khu vực tư nhân và đại diện của các tổ chức phi chính phủ và đã đưa ra hơn 840 cam kết trong các lĩnh vực giáo dục, năng lượng sạch, việc làm và sinh kế, quay về một cách tự nguyện và tái định cư.
Trong quan hệ giữa EU với các quốc gia đối tác, EU tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật tị nạn quốc tế, bao gồm nguyên tắc không bồi hoàn, tôn trọng luật nhân quyền, duy trì các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế để giải quyết nạn buôn bán người và bảo vệ người di cư, những người xin tị nạn và những người tị nạn, chống lại các hành vi khác như phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, không ủng hộ người ngoại quốc và vẫn kiên định với cam kết đảm bảo quyền được xin tị nạn.
– Chính sách về thương mại
Song song với các chính sách đối ngoại khác của EU, chính sách thương mại có thể giúp thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở các nước thứ ba rõ ràng hơn. Các công cụ chính sách thương mại bao gồm các ưu đãi thương mại đơn phương của EU, các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, đánh giá tác động thương mại, các dự án liên quan đến thương mại khác nhau, viện trợ thương mại, nỗ lực toàn cầu để đảm bảo thương mại không bị kìm hãm và chính sách kiểm soát xuất khẩu. Quy chế của Chương trình Ưu đãi Tổng quát (Generalised Scheme of Preferences – GSP) hiện tại của EU đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 và tiếp tục cung cấp các ưu đãi thương mại đơn phương được coi là hào phóng nhất trên thế giới để hỗ trợ phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển.
– Chính sách hợp tác phát triển
EU cũng lồng ghép cách tiếp cận dựa trên quyền để thúc đẩy nhân quyền, dân chủ và pháp quyền thông qua hợp tác phát triển. Bằng cách này, EU cùng với các quốc gia thành viên thực hiện cam kết tích hợp tất cả các quyền con người (dân sự và chính trị, cũng như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) vào hợp tác phát triển. Điều này phù hợp với các nguyên tắc hoạt động của Hiệp định Đối tác Toàn cầu về Phát triển Hiệu quả (đặc biệt là tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, quan hệ đối tác bao trùm và quyền sở hữu địa phương) và giúp EU thực hiện các nguyên tắc quy định trong các Hiệp ước, tức là tính không bị chia cắt của quyền con người, dân chủ, pháp quyền, tôn trọng nhân phẩm và bình đẳng. Cam kết của EU đối với cách tiếp cận dựa trên quyền được đổi mới và được củng cố trong bản đồng thuận châu Âu về phát triển mới nhất, được thông qua vào tháng 6 năm 2017.
Lồng ghép nhân quyền và dân chủ trong hợp tác phát triển và thúc đẩy chúng thông qua cách tiếp cận dựa trên quyền cũng giúp xây dựng các xã hội có khả năng chống chịu và giảm thiểu các xung đột tiềm tàng, giúp thực hiện ưu tiên của EU về ngăn ngừa xung đột, như được phản ánh trong Chiến lược toàn cầu, được thông qua năm 2016. Kinh nghiệm cho thấy yếu tố quan trọng để ngăn chặn từ suy thoái cho tới khủng hoảng xã hội là củng cố khả năng phục hồi của họ thông qua việc tôn trọng quyền con người và đầu tư vào phát triển đồng đều và bền vững. EU cũng giúp xây dựng các thể chế mạnh mẽ, minh bạch và có trách nhiệm giải trình, các Tòa án độc lập và khách quan, hỗ trợ việc cung cấp công lý, công bằng, tiếp cận hỗ trợ pháp lý và các sáng kiến để giải quyết tham nhũng. Đây được coi là những nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy quyền con người, dân chủ, pháp quyền, hòa nhập, tham gia, không phân biệt đối xử và bình đẳng giới. Các tổ chức xã hội dân sự là những đối tác không thể thiếu trong việc xây dựng các xã hội công bằng, bình đẳng và kiên cường, vừa là đối tác thực hiện, vừa đóng vai trò quan sát và ủng hộ những người bảo vệ nhân quyền, dân chủ và pháp quyền. EU và các quốc gia thành viên mở rộng hỗ trợ chính trị, tài chính và kỹ thuật đáng kể cho các tổ chức xã hội dân sự.