Nguyên tắc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam.
1. Cơ sở pháp lý:
– Nghị quyết 35/2016/NĐ-CP.
2. Luật sư tư vấn:
Trong bối cảnh Việt Nam sắp mở cửa thị trường một cách toàn diện theo cam kết khi gia nhập WTO cùng với việc ký kết, gia nhập các sân chơi kinh tế khu vực mà mới nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, thách thức đặt ra đối với nền kinh tế trong nước mà các doanh nghiệp làm đại diện là vô cùng lớn.
Nhận thấy những khó khăn phía trước với các doanh nghiệp khi đất nước hội nhập quốc tế cũng như những bất cập, hạn chế trong cơ chế quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/2016/NĐ-CP về Hỗ trợ và phát triển Doanh nghiệp đến năm 2020.
Nghị quyết nêu ra các nguyên tắc mà Chính phủ và hệ thống các cơ quan hữu quan sẽ thực hiện để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp bao gồm:
“a) Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
b) Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
c) Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.
d) Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.
đ) Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.
e) Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm.
g) Các quy định về Điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với Điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.
h) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm Mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.
i) Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.
k) Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.”
>>>
Trong những nguyên tắc được nêu ra, một số nguyên tắc nhận được sự hưởng úng, ủng hộ lớn từ phía các doanh nghiệp như: Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.
Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế; Nhà nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao; Các quy định về Điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với Điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Để thực hiện những nguyên tắc trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, Cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan hữu quan khác bằng những giải pháp hết sức cụ thể. Chẳng hạn, để đơn giản hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thì cần: tăng cường hiệu quả của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; Rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ và lý do; Quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.
Đây là những nguyên tắc được cho là rất thiết thực, sát sườn với doanh nghiệp trong cả nước mà nếu được thực hiện một cách hiệu quả thì sẽ đem lại chuyển biến lớn trong hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nền kinh tế Việt Nam nói riêng.