Nguyên tắc đối xử quốc gia là một trong những nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế nhằm thúc đẩy giao thương giữa các nước, đảm bảo sự công bằng bình đẳng giữa các chủ thể. Bài viết này sẽ tìm hiểu những vấn đề liên quan đến nguyên tắc đối xử quốc gia.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc đối xử quốc gia là gì?
Nguyên tắc đối xử quốc gia là quy chế yêu cầu các quốc gia thực hiện những biện pháp nhằm đảm bảo cho sản phẩm nước ngoài và cả nhà cung cấp những sản phẩm đó được đối xử trên thị trường nội địa không kém ưu đãi hơn các sản phẩm nội địa và nhà cung cấp nội địa.
Nguyên tắc đối xử quốc gia tiếng Anh là: “National Treatment”.
2. Mục đích của nguyên tắc đối xử quốc gia:
Thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia – NT trong hệ thống thương mại đa phương nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội cạnh tranh giữa các nhà sản xuất kinh doanh nước ngoài với nhà sản xuất kinh doanh trong nước.
3. Các ngoại lệ trong nguyên tắc đối xử quốc gia:
Các ngoại lệ của nguyên tắc đối xử quốc gia được áp dụng trong hệ thống thương mại đa phương.
Nhằm đảm bảo lợi ích của các thành viên trong quan hệ kinh tế thương mại không gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, trong khuôn khổ hệ thống thương mại đa phương, thực hiện nguyên tắc đãi ngộ quốc gia có một số ngoại lệ sau:
– Có sự phân biệt đối xử trong mua sắm (hàng hóa) bởi các cơ quan chính phủ.
Mua sắm chính phủ còn gọi là mua sắm công cộng, là việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ cho mục đích sử dụng. Ở nhiều nước, việc mua sắm chính phủ ước tính chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội GDP.
GATT – WTO không bắt buộc các nước thành viên tham gia hiệp định về mua sắm của chính phủ. Nếu một nước thành viên không tham gia hiệp định về mua sắm của chính phủ sẽ không có nghĩa vụ thực hiện chế độ đãi ngộ quốc gia về lĩnh vực này. Nhà nước có thể dành ưu đãi, đối xử thuận lợi hơn cho hàng hóa và các nhà cung cấp trong nước hoặc nước ngoài.
– Ngoại lệ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà nước áp dụng biện pháp dành cho các nhà đâu tư nước ngoài những ưu đãi hơn hẳn so với các nhà đầu tư trong nước nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
– Ngoại lệ dành cho các nhà đầu tư trong nước.
Nhà nước áp dụng biện pháp dành cho các nhà đầu tư trong nước những ưu đãi hơn hẳn so với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo hộ một phần sản phẩm và các nhà sản xuất trong nước. Nhà nước áp dụng các biện pháp tại biên giới đối với sản phẩm nhập khẩu hoặc các hạn chế định lượng riêng đối với hàng hóa nhập khẩu.
4. Nội dung của nguyên tắc đối xử quốc gia:
Nguyên tắc này được hiểu là dựa trên cam kết thương mại, một nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước khác những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó dang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình.
Điều này có nghĩa là nước nhập khẩu không được đối xử phản biệt giữa sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp trong nước với sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp nước ngoài về thuế và các khoản lệ phí trong nước cũng như về điều kiện cạnh tranh.
Thông qua các cam kết nhượng bộ về cắt giảm thuế quan, và dựa trên nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, sản phẩm nhập khẩu từ các nước thành viên được đối xử bình đẳng với nhau trên thị trường của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu như nước nhập khẩu tùy tiện áp dụng thuế nội địa và các quy định mang tính phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu với sản phẩm trong nước nhằm mục dích bảo hộ ngành sản xuất trong nước thì hiệu quả của việc tự do hóa thương mại kể trên sẽ không còn ý nghĩa. Chính vì thế hai nguyên tắc này được áp dụng kết hợp nhằm bảo đảm điều kiện canh tranh bình đẳng không chỉ giữa sản phẩm nhập khẩu từ các nước thành viên mà còn giữa sản phẩm nhập khẩu với sản phẩm nội địa của nước nhập khẩu. Cũng với lí do đó mà hai nguyên tắc này được coi là hòn đá tảng của GATT/WTO nhằm thực hiện mục tiêu không phân biệt đối xử và tự do hóa thương mại giữa các nước thành viên.
5. Quy định về nguyên tắc đối xử quốc gia:
5.1. Quy định của pháp luật Việt Nam:
Nguyên tắc áp dụng
Nhà nước Việt Nam áp dụng Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, có đi có lại và cùng có lợi.
Ngoại lệ áp dụng
– Không áp Đối xử quốc gia trong trường hợp cần thiết để bảo đảm lợi ích quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.
– Không áp dụng Đối xử quốc gia đối với những nước tiến hành hoặc tham gia tiến hành các hoạt động chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Việc mua sắm của Chính phủ Việt Nam nhằm mục đích tiêu dùng của Chính phủ;
– Các khoản trợ cấp dành cho nhà sản xuất trong nước, các chương trình trợ cấp thực hiện dưới hình thức Chính phủ Việt Nam mua lại hàng hóa sản xuất trong nước;
– Các quy định hạn chế thời lượng phim ảnh trình chiếu;
– Các khoản phí vận tải trong nước được tính trên cơ sở các hoạt động mang tính kinh tế của phương tiện vận tải.
Trường hợp áp dụng Đối xử quốc gia
Nhà nước Việt Nam áp dụng một phần hay toàn bộ Đối xử quốc gia trong các trường hợp:
– Pháp luật Việt Nam có quy định về áp dụng Đối xử quốc gia;
– Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định áp dụng Đối xử quốc gia;
– Quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thực tế đã áp dụng Đối xử quốc gia đối với Việt Nam;
– Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.
Phạm vi áp dụng Đối xử quốc gia
Đối xử quốc gia được áp dụng đối với các đối tượng thuộc Điều 2 của Pháp lệnh này theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh này trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế có liên quan đến Đối xử quốc gia mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Nội dung quản lý nhà nước Đối xử quốc gia
Nội dung quản lý nhà nước về Đối xử quốc gia bao gồm:
– Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Đối xử quốc gia;
– Quyết định việc áp dụng hoặc không áp Đối xử quốc gia;
– Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến Đối xử quốc gia;
– Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về Đối xử quốc gia;
– Tổ chức thu thập, xử lý, cung cấp thông tin liên quan đến Đối xử quốc gia;
– Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách liên quan đến Đối xử quốc gia;
– Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Đối xử quốc gia;
– Giải quyết khiếu nại và xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến Đối xử quốc gia.
Cơ quan quản lý nhà nước về Đối xử quốc gia
– Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Đối xử quốc gia.
– Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về Đối xử quốc gia.
– Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thương mại thực hiện việc quản lý nhà nước Đối xử quốc gia trong lĩnh vực được phân công phụ trách.
– Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc phối hợp với Bộ Thương mại thực hiện quản lý nhà nước về Đối xử quốc gia.
5.2. Quy định của pháp luật quốc tế:
GATT 1994:
Theo khoản 1 Điều 3 đối tượng áp dụng nguyên tác đối xử quốc gia gồm có:
– Thuế và lệ phí trong nước:
Các nước thành viên không được phép đánh thuế và các lệ phí đổi với sản phẩm nhập khẩu cao hơn so với sản phẩm nội địa cùng loại. Mặt khác, các nước thành viên cũng không được phép áp dụng thuế và lệ phí trong nước đối với sản phẩm nhập khẩu hoặc sản phẩm nội địa theo phương pháp nào đó nhằm bảo hộ cho sản xuất trong nước (khoản 2 Điều 5).
– Quy chế mua bán:
Pháp luật, quy định và các yêu cầu khác ảnh hưởng đến mua bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nước không được phép đối xử với sản phẩm nhập khẩu kém ưu đãi hơn so với sản phẩm nội địa cùng loại. Trong đó “ảnh hưởng” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả các điểu kiện cạnh tranh giữa sản phẩm nhập khẩu với sản phẩm nội địa cùng loại (khoản 4 Điều 3).
– Quy chế số lượng:
Các nước thành viên không được phép đặt ra hoặc duy trì quy chế trong nước về số lượng liên quan đến sự pha trộn, chế biến hoặc sử dụng các sản phẩm theo một số lượng hoặc tỉ lệ nhất định, trong đó yêu cầu rằng số lượng hoặc tỉ lệ pha trộn của sản phẩm là đối tượng của quy chế này phải được cung cấp từ nguồn trong nước, hay áp dụng quy chế số lượng này theo cách thức nhằm bảo vệ sản xuất trong nước (Khoản 8 Điều 3).
Theo quy đinh trên thì các yêu cầu của chính phủ về chính sách nội địa hóa, trong đó yêu cầu sản phẩm sản xuất ra phải sử dung một tỷ lệ hoặc số lượng nhất định phụ tùng trong nước sẽ là vi phạm nguyên tác đối xử quốc gia.
Tuy nhiên, cũng giống như nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, nguyên tắc đối xử quốc gia không phải là nguyên tắc tuyệt đối mà nó cũng có những ngoại lệ nhất định.
Theo quy định của GATT 1994 thì hiệp định này chấp nhận những ngoại lệ sau đây của nguyên tắc này:
– Cung cấp các khoản tiền trợ cấp đối với người sản xuất trong nước (điểm b khoản 8 Điểu 3)
– Phân bố thời gian chiếu phim
– Mua sắm của chính phủ.
GATS (Điều 6): Trong thương mại dịch vụ, các nước phải dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp của nước khác thuộc các lĩnh vực ngành nghề đã được mỗi nước đưa vào danh mục cam kết cụ thể của mình những ưu đãi không kém hơn những ưu đãi mà nước đó dành cho dịch vụ và nhà cung cấp nước mình.
TRIPs (Điều 3): Trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các nước sẽ phái danh cho công dân của nước khác những ưu đãi không kém hơn ưu đãi mà nước đó dành cho công dân nước mình.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Hiệp định GATT 1994;
– Hiệp định TRIPS;
– Pháp lệnh số 41/2002/PL-UBTVQH10.