Để pháp luật trở thành một công cụ đích thực trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và quản lý nhà nước thì xây dựng pháp luật được coi là vấn đề vô cùng quan trọng. Vậy, chính sách xây dựng pháp luật ở Việt Nam cần tuân thủ những nguyên tắc nào?
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc của chính sách xây dựng pháp luật ở Việt Nam:
1.1. Nguyên tắc xây dựng pháp luật là gì?
Xây dựng pháp luật là khái niệm để chỉ quá trình hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó thì xây dựng pháp luật là hoạt động của tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền tuân thủ theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định nhằm ban hành ra các văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích và định hướng của nhà nước. Vì thế có thể nhìn nhận, xây dựng pháp luật là một quá trình hoạt động, vì nó bao gồm nhiều hoạt động và nhiều giai đoạn khác nhau của một hệ thống cơ quan có thẩm quyền, từ việc thừa nhận các quy phạm xã hội có sẵn trong thực tế, thừa nhận các án lệ đến việc sửa đổi hoặc bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và ban hành ra các quy phạm pháp luật mới.
Nguyên tắc xây dựng pháp luật là hệ thống các tư tưởng và quan điểm mang tính chỉ đạo, nguyên tắc xây dựng pháp luật phản ánh khái quát những sự việc khách quan liên quan đến quá trình xây dựng văn bản pháp luật trên thực tế đòi hỏi các nhà làm luật phải tuân thủ. Nguyên tắc xây dựng pháp luật chính là cơ sở quan trọng của toàn bộ quá trình xây dựng chính sách pháp luật ở Việt Nam đòi hỏi tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình ban hành hoặc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy phạm pháp luật đều phải nghiêm chỉnh tuân thủ. Việc đáp ứng các nguyên tắc trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật là yêu cầu cơ bản và đầu tiên, là yếu tố cốt lõi trong hoạt động xây dựng chính sách pháp luật nhằm hướng cho việc xây dựng nên một hệ thống pháp luật chuẩn mực và hiệu quả.
1.2. Các nguyên tắc của chính sách xây dựng pháp luật ở Việt Nam:
Hiện nay pháp luật đã quy định cụ thể về các nguyên tắc trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật ở Việt Nam. Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 thì có liệt kê một số nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sau:
– Phải đảm bảo tính hợp hiến và tính hợp pháp, phải đảm bảo tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam;
– Xây dựng chính sách pháp luật phải tuân thủ đúng thẩm quyền, tuân thủ về mặt hình thức, tuân thủ về trình tự và thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chính sách pháp luật;
– Đảm bảo tính minh bạch trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật;
– Đảm bảo tính khả thi trên thực tế, tính hiệu quả và tiết kiệm, kịp thời và dễ dàng tiếp cận của người dân, dễ dàng thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách pháp luật, bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật;
– Đảm bảo yêu cầu về quốc phòng và an ninh, bảo vệ môi trường và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
– Bảo đảm công khai và dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến và kiến nghị của người dân trong quá trình xây dựng và ban hành các chính sách pháp luật.
Tuy nhiên quá trình xây dựng chính sách pháp luật cũng phải xuất phát từ thực tế khách quan và đường lối chính trị của đất nước, vì vậy ngoài các nguyên tắc nói trên thì, quá trình xây dựng chính sách pháp luật còn phải đảm bảo: Nguyên tắc khách quan, đảm bảo nguyên tắc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên tắc khoa học, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc bảo đảm sự hài hòa và sự đồng thuận về lợi ích giữa các lực lượng trong xã hội với nhau, nguyên tắc đảm bảo tính khả thi của các chính sách pháp luật trên thực tế.
2. Vai trò của Chính phủ trong việc xây dựng chính sách pháp luật ở Việt Nam:
Nhìn chung thì có thể nói, chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật và xây dựng chính sách pháp luật trên lãnh thổ của Việt Nam. Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Luật tổ chức chính phủ năm 2019 hiện nay có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách và trình dự án luật, trình dự án pháp lệnh, cụ thể như sau:
– Đề xuất và xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch và kế hoạch, xây dựng chính sách và các chương trình cùng với một số dự án trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Quốc hội và ủy ban thường vụ Quốc hội để xem xét và quyết định trên thực tế;
– Quyết định chiến lược và quyết định quy hoạch kế hoạch, quyết định chính sách và các chương trình, dự án khác theo thẩm quyền;
– Xây dựng các dự án luật và xây dựng các dự thảo nghị quyết trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Quốc hội, xây dựng dự án pháp lệnh và dự thảo nghị quyết để trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban thường vụ Quốc hội;
– Báo cáo Quốc hội và báo cáo ủy ban thường vụ Quốc hội về ý kiến của Chính phủ trong quá trình xây dựng các dự án luật và pháp lệnh.
Như vậy có thể nói, chính phủ nước ta đóng vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề xây dựng hệ thống pháp luật và chính sách pháp luật của Việt Nam.
3. Giải pháp tuân thủ nguyên tắc của chính sách xây dựng pháp luật:
Dưới đây là một số giải pháp để nâng cao sự tuân thủ nguyên tắc trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật, như sau:
Thứ nhất, cần phải đảm bảo sự xác định của Đảng trong quá trình xây dựng các chính sách pháp luật, và đây là một trong những nguyên tắc mang tính quyết định trong hoạt động xây dựng pháp luật trên lãnh thổ của Việt Nam. Xuất phát từ vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội Việt Nam, có vai trò quan trọng đảm bảo tính chính trị và duy trì sự tồn tại cũng như phát triển của nhà nước, trong đó có hoạt động xây dựng pháp luật. Tuy nhiên theo như phân tích ở trên, căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 hiện nay chưa có đề cập đến nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật tại Việt Nam, do đó cần phải bổ sung nguyên tắc này theo hướng tôn trọng và duy trì đường lối chủ trương của Đảng.
Thứ hai, nâng cao ý chí và nguyện vọng của người dân trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Đồng thời phát huy quyền làm chủ của người dân trong quá trình xây dựng pháp luật, nâng cao cơ chế giám sát độc lập của người dân và các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Thích làm các phần mềm kết nối để các cơ quan và người dân có thể theo dõi toàn bộ tiến trình xây dựng chính sách pháp luật từ giai đoạn đầu tiên đến giai đoạn cuối cùng để đảm bảo tính dân chủ và công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng pháp luật.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia quá trình xây dựng chính sách pháp luật, bên cạnh đó cần nâng cao trình độ chuyên ngành của các cán bộ và công chức tại địa phương làm công tác xây dựng và soạn thảo, thẩm định chính sách pháp luật. Ngoài ra nhà nước cũng cần phải có một số giải pháp tuyên truyền và phổ biến pháp luật về xây dựng chính sách nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng pháp luật. Đó chính là sự chủ động tham gia xây dựng pháp luật của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Tóm lại, pháp luật ngày càng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là khi xã hội đang không ngừng phát triển và hội nhập với cuộc cách mạng khoa học công nghệ, do đó hoạt động xây dựng chính sách pháp luật cũng ngày càng được đẩy mạnh. Cần phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật nêu trên để pháp luật được phát huy tối đa vai trò và trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ cho việc quản lý xã hội của nhà nước.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.