Bất kỳ một quan hệ pháp luật nào cũng dựa trên những nguyên tắc nhất định, điều đó đảm bảo cho quan hệ được đi theo đúng hướng, công bằng. Vì vậy mà việc đặt ra các nguyên tắc là cực kỳ quan trọng, trong đó nguyên tắc có đi có lại được đánh giá là nguyên tắc tối ưu, đảm bảo được sự bình đẳng giữa các quốc gia.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc có đi có lại là gì?
Nguyên tắc có đi có lại là nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, theo đó quốc gia này sẽ dành chế độ pháp nhất định cho thể nhân và pháp nhân giống như chế độ pháp lý mà quốc gia khác đã dành cho thể nhân và pháp nhân của quốc gia đó, tức là “quốc gia này dành cho quốc gia khác một quyền thì quốc gia kia cũng phải dành quyền đó cho quốc gia đó”.
Nguyên tắc có đi có lại trong Tiếng Anh là “Principle of reciprocity”.
2. Nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ quốc tế:
2.1. Nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ tội phạm trong luật quốc tế:
– Nội dung của nguyên tắc này ghi nhận quốc gia được yêu cầu dẫn độ chỉ thực hiện dẫn độ theo yêu cầu nếu nhận được bảo đảm từ phía quốc gia yêu cầu dẫn độ rằng trong trường hợp tương tự, quốc gia này chắc chắn sẽ thực hiện dẫn độ tội phạm cho quốc gia đối tác hữu quan.
– Nguyên nhân cơ bản của việc xuất hiện nguyên tắc này là sự cần thiết phải tôn trọng quyền bình đẳng giữa các quốc gia, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, đồng thời không được cản trở quốc gia trong việc tự nguyện hạn chế chủ quyền của mình và thực hiện dẫn độ tội phạm trong trường hợp không có các điều kiện loại bỏ việc dẫn độ này. Trong trường hợp ngược lại, quốc gia có thể dựa trên cơ sở giải thích của mình về chủ quyền, cho phép tội phạm hình sự cư trú trên lãnh thổ nước mình.
– Nguyên tắc này được ghi nhận trong Luật quốc gia hoặc các điều ước quốc tế.
2.2. Nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Luật tương trợ tư pháp: “2. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.”
Đồng thời, theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Bộ Ngoại giao – Chánh án
Theo đó, Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể từ chối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Luật Tương trợ tư pháp trong những trường hợp sau đây:
– Khi có căn cứ cho thấy phía nước ngoài không thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho Việt Nam.
– Việc thực hiện tương trợ tư pháp đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
2.3. Nguyên tắc có đi có lại trong việc công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và quyết định của Trọng tài nước ngoài:
– Nguồn gốc của nguyên tắc có đi có lại xuất phát từ nguyên tắc thân thiện quốc gia. Nguyên tắc này cho rằng, mặc dù theo chủ quyền quốc gia, luật (hay bản án của nước ngoài) không có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ của quốc gia khác, nhưng xuất phát từ sự tiện lợi cho giao dịch dân sự giữa các nước nên có sự thỏa thuận giữa các nước trong việc công nhận hiệu lực pháp lý của pháp luật (bản án) của nước khác trên lãnh thổ một nước .
– Nguyên tắc thân thiện quốc gia đòi hỏi sự có đi có lại để có sự ngang bằng (equality) . Vì vậy, không bắt buộc nước này phải công nhận bản án của nước kia khi mà nước đó đã không công nhận bản án của nước mình. Nguyên tắc thân thiện quốc gia và nguyên tắc có đi có lại không trái với nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Vì vậy, chúng được chấp nhận và áp dụng một cách phổ biến. Tuy nhiên, những nguyên tắc này lại chú trọng quan hệ quốc gia, do đó xem nhẹ khía cạnh tư (quyền lợi của đương sự). Đặc biệt, trong hoàn cảnh quốc tế hóa hiện nay, khi mà sự giao lưu dân sự thương mại phát triển hơn bao giờ hết và đôi khi khó xác định được biên giới chủ quyền quốc gia thì cũng cần đánh giá lại vị trí của những nguyên tắc này.
– Nguyên tắc có đi có lại mang bản chất chính trị. Chính bản chất chính trị này làm lệch hướng công bằng đối với vấn đề công nhận . Bởi vì nó đối xử phân biệt giữa các bản án của các nước khác nhau và nhiều khi không quan tâm đến lợi ích của đương sự. Một hạn chế nữa của nguyên tắc có đi có lại là sự trì hoãn và gây tốn kém cho đương sự và nhà nước (vì nếu một bản án không được công nhận, đương sự buộc phải bắt đầu vụ việc lại ở Tòa án của nước được yêu cầu công nhận) .
– Các quốc gia hy vọng việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại là công cụ để buộc các quốc gia khác sẽ công nhận bản án của Tòa án quốc gia mình và vì vậy có thể bảo vệ quyền lợi của công dân và pháp nhân của mình ở nước ngoài . Tuy nhiên, không ai bảo đảm rằng mục tiêu này sẽ được thực hiện. Kể cả khi đạt được một thỏa thuận hoặc ngầm định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì các quốc gia cũng không hoàn toàn mặc nhiên công nhận và thi hành bản án của Tòa án nước ngoài mà vẫn xem xét đến các điều kiện công nhận (hoặc không công nhận) theo luật quốc gia. Sự khác biệt về các điều kiện công nhận cũng như những chuẩn mực công bằng trong luật quốc gia là trở ngại đối với thực hiện thỏa thuận có đi có lại trong việc công nhận và thi hành bản án nước ngoài Điều này làm cho nguyên tắc có đi có lại mang tính hình thức.
– Nguyên tắc này được thể hiện tại Điểm b, Khoản 1 Điều 423 Bộ luật tố tụng dân sự: “ Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;”