Nguyên nhân cơ bản giúp kinh tế Tây Âu phát triển sau chiến tranh thế giới thứ 2 là tận dụng tốt cơ hội bên ngoài và áp dụng thành công khoa học kỹ thuật. Tây Âu đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, trở thành 1 trong 3 trung tâm kinh tế - tài chính của thế giới. Sau đây là bài viết cụ thể về nguyên nhân giúp kinh tế Tây Âu phục hồi sau chiến tranh!
Mục lục bài viết
1. Nguyên nhân giúp kinh tế Tây Âu phục hồi sau chiến tranh:
A. tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhân lực lao động dồi dào.
B. nguồn viện trợ của Mỹ thông qua kế hoạch Mácsan.
C. quá trình tập trung tư bản và tập trung lao động cao.
D. tận dụng tốt cơ hội bên ngoài và áp dụng thành công khoa học kỹ thuật.
Đáp án D
Nguyên nhân cơ bản giúp kinh tế Tây Âu phát triển sau chiến tranh thế giới thứ 2 là tận dụng tốt cơ hội bên ngoài (sự viện trợ của Mĩ) và áp dụng thành công khoa học kỹ thuật. Trong các nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế Tây Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai thì việc áp dụng những thành tựu khoa học – kĩ thuật hiện đại vào trong sản xuất để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy kinh tế phát triển là nguyên nhân cơ bản nhất. Nhờ việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất mà Tây Âu đã nhanh chóng vượt ra khỏi sự tàn phá của chiến tranh và phát triển mạnh mẽ, trở thành 1 trong 3 trung tâm kinh tế – tài chính của thế giới.
2. Khái quát kinh tế Tây Âu:
* Từ 1945 đến nửa đầu những năm 70 của thế kỉ XX
– Sự phát triển:
+ Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước châu Âu đều bị tàn phá nặng nề. Sau chiến tranh, với sự cố gắng của từng nước và sự viện trợ của Mĩ trong khuôn khổ của “Kế hoạch Mác-san”, tới năm 1950 nền kinh tế các nước Tây Âu cơ bản được khôi phục.
+ Từ đầu những năm 50 đến đầu những năm 70 (thế kỷ XX), nền kinh tế các nước Tây Âu ổn định và phát triển nhanh. Nước Đức trở thành nước công nghiệp thứ ba, Anh trở thành nước công nghiệp thứ tư, Pháp trở thành nước công nghiệp thứ năm trong hệ thống tư bản chủ nghĩa (sau Mĩ và Nhật Bản). Từ đầu thập kỉ 70, Tây Âu đã trở thành một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính lớn của thế giới.
+ Các nước Tây Âu có nền khoa học – kĩ thuật phát triển cao, hiện đại. Quá trình liên kết khu vực ở Tây Âu diễn ra mạnh mẽ với sự hình thành Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) năm 1957 và Cộng đồng châu Âu (EC) năm 1967.
– Những nhân tố của sự phát triển nền kinh tế Tây Âu là:
+ Áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại để nâng cao năng xuất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc quản lí và điều tiết, thúc đẩy nền kinh tế.
+ Tận dụng tốt cơ hội bên ngoài cho sự phát triển của đất nước như nguồn viện trợ Mĩ, tranh thủ giá nguyên liệu rẻ từ các nước đang phát triển, sự hợp tác có hiệu quả trong Cộng đồng châu Âu (EC).
* Từ năm 1973 đến năm 1991
Đến đầu thập kỉ 90, kinh tế Tây Âu lâm vào tình trạng không ổn định, suy thoái kéo dài. Tuy vẫn là một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính lớn của thế giới, nhưng kinh tế Tây Âu gặp không ít khó khăn: suy thoái, khủng hoảng, lạm phát và thất nghiệp. Quá trình liên hợp hóa trong khuôn khổ Cộng đồng châu Âu (EU) vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại.
* Từ 1991 đến năm 2000
– Đầu thập niên 90 (thế kỉ XX), Tây Âu lâm vào cuộc suy thoái ngắn. Từ năm 1994, nền kinh tế bắt đầu phục hồi và phát triển trở lại. Tốc độ tăng trưởng tăng từ 2,9 đến 3,4%.
– Tây Âu là một trong ba trung tâm kinh tế – tài chính lớn nhất thế giới. Đến giữa thập niên 90 (thế kỷ XX), 15 nước thành viên EU đã chiếm 1/3 tổng sản phẩm công nghiệp toàn thế giới. Có nền khoa học – kĩ thuật hiện đại.
Liên minh châu Âu (EU)
* Quá trình hình thành:
– Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với xu thế toàn cầu hoá, khuynh hướng liên kết khu vực diễn ra mạnh mẽ.
– 6 nước Tây Âu (Pháp, CHLB Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Lúcxămbua) cùng thành lập Cộng đồng Than – Thép châu Âu (1951), sau là Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu và Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) (1957). Năm 1967, ba tổ chức trên hợp nhất thành Cộng đồng châu Âu (EC) và từ tháng 1/1993 đổi tên là Liên minh châu Âu (EU).
* Sự phát triển: Từ 6 nước ban đầu, đến năm 1995, EU đã phát triển thành 15 nước. Năm 2004, kết nạp thêm 10 nước Đông Âu, đến năm 2007 thêm 2 nước, nâng tổng số thành viên lên 27 nước. EU ra đời không chỉ nhằm hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực kinh tế, tiền tệ mà còn liên minh trong lĩnh vực chính trị.
3. Tình hình chung các nước Tây Âu:
– Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nước Tây Âu bị phát xít chiếm đóng và tàn phá rất nặng nề.
+ Năm 1944, sản xuất công nghiệp của nước Pháp giảm 38%, nông nghiệp giảm 60% so với trước chiến tranh. Ở I-ta-li-a, sản xuất công nghiệp giảm khoảng 30%, sản xuất nông nghiệp chỉ bảo đảm 1/3 nhu cầu lương thực trong nước.
+ Các nước đều bị mắc nợ, đến tháng 6 – 1945, nước Anh nợ tới 21 tỉ bảng Anh.
=> Để khôi phục kinh tế, năm 1948, 16 nước Tây Âu như Anh, Pháp, Tây Đức, I-ta-li-a… đã nhận viện trợ kinh tế của Mĩ theo “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (còn gọi là Kế hoạch Mác-san).
Nội dung kế hoạch Macsan
– Thực hiện từ năm 1948 đến năm 1951 với tổng số tiền khoảng 17 tỉ USD.
– Mĩ viện trợ cho các nước Tây Âu phục hồi nền kinh tế.
– Các nước Tây Âu phải tuân theo những điều kiện do Mĩ đặt ra như:
+ Không được tiến hành quốc hữu hoá các xí nghiệp; Hạ thuế quan đối với hàng hoá Mĩ nhập vào;
+ Phải gạt bỏ những người cộng sản ra khỏi chính phủ (như ở Pháp, I-ta-li-a…).
Chính sách đối nội
– Giai cấp tư sản cầm quyền ở các nước Tây Âu tìm cách thu hẹp các quyền tự do dân chủ;
– Xoá bỏ các cải cách tiến bộ đã thực hiện trước đây như: ngừng quốc hữu hoá các xí nghiệp tư bản và trả lại những xí nghiệp đã quốc hữu hoá cho các chủ cũ, giảm trợ cấp phúc lợi xã hội,…
– Ngăn cản các phong trào công nhân và dân chủ.
Chính sách đối ngoại
– Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều nước Tây Âu đã tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược nhằm khôi phục ách thống trị đối với các thuộc địa trước đây.
+ Hà Lan xâm lược trở lại In-đô-nê-xi-a (11 – 1945);
+ Pháp trở lại Đông Dương (9 – 1945);
+ Anh trở lại Mã Lai (9 – 1945).
=> Nhưng cuối cùng, các nước thực dân Tây Âu đều thất bại, phải công nhận quyền độc lập của các dân tộc ở những nước này.
– Trong thời kì Chiến tranh lạnh, các nước Tây Âu đã tham gia khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mĩ lập ra (4 – 1949) nhằm chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tình hình châu Âu trở nên căng thẳng, các nước đều chạy đua vũ trang và thiết lập nhiều căn cứ quân sự.
Tình hình nước Đức sau Chiến tranh
+ Sau khi nước Đức phát xít đầu hàng, bốn cường quốc Đồng minh là Liên Xô, Mĩ, Anh. Pháp đã phân chia lãnh thổ nước Đức thành bốn khu vực chiếm đóng và kiểm soát.
+ Trong sự đối đầu gay gắt giữa hai nước Liên Xô và Mĩ, các khu vực chiếm đóng của Mĩ, Anh, Pháp đã hợp nhất lại và thành lập Nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức (9 – 1949). Ở phía đông Đức, nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức được thành lập (10-1949).
+ Mĩ, Anh, Pháp đã tích cực giúp đỡ Cộng hoà Liên bang Đức khôi phục nền kinh tế và đưa Cộng hoà Liên bang Đức vào khối quân sự Bắc Đại Tây Dương. Nền kinh tế Cộng hoà Liên bang Đức được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Từ những năm 60 và 70 của thế kỉ XX, sản xuất công nghiệp của Cộng hoà Liên bang Đức đã vươn lên đứng thứ ba trong thế giới tư bản chủ nghĩa, sau Mĩ và Nhật Bản.
+ Ngày 3-10-1990, Cộng hoà Dân chủ Đức đã sáp nhập vào Cộng hoà Liên bang Đức thành một nước Đức thống nhất. Ngày nay, nước Đức là một quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh nhất Tây Âu.
THAM KHẢO THÊM: