Khái niệm pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Nguồn pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính:
Theo lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, pháp luật được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và mang tính bắt buộc thực hiện với mọi chủ thể trong xã hội nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội với mục đích duy trì trật tự và ổn định xã hội vì sự phát triển bền vững của xã hội. Từ đó, pháp luật về hợp đồng nói chung được hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ hợp đồng. Trong nền kinh tế thị trường, pháp luật về hợp đồng đóng vai trò là công cụ chính đảm bảo cho những hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ… diễn ra trong trật tự.
Ở Việt Nam hiện nay, pháp luật điều chỉnh các quan hệ về hợp đồng được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Ngoài những quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, còn có thể tìm thấy nhiều quy định liên quan đến hợp đồng trong các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành như: Điện lực, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, vận chuyển, đầu tư, chuyển giao công nghệ, đất đai, bưu chính, viễn thông… Tuy nhiên, trong hệ thống các văn bản pháp luật về hợp đồng, Bộ luật Dân sự chứa đựng những quy định chung, áp dụng cho mọi quan hệ hợp đồng, trong đó có hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
Với cách hiểu và phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính như sau: “Pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành điều chỉnh các vấn đề liên quan đến cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính có tính bắt buộc áp dụng hoặc hướng dẫn áp dụng đối với các chủ thể, được bảo đảm bởi cơ chế thực thi của Nhà nước”.
Với tư cách là lĩnh vực pháp luật về hợp đồng chuyên ngành, pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính cũng quy định rõ về bản chất của hợp đồng và các nguyên tắc giao kết hợp đồng; điều kiện và thủ tục giao kết hợp đồng; các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và các trường hợp hợp đồng vô hiệu; đại diện và uỷ quyền ký kết hợp đồng; sửa đổi, bổ sung, chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng, chấm dứt, thanh lý hợp đồng; các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; thực hiện hợp đồng; trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng…
2. Nguồn pháp luật về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính:
Nguồn chủ yếu của pháp luật về hợp đồng tại Việt Nam bao gồm Bộ luật Dân sự, Luật chuyên ngành áp dụng cho các hợp đồng trong những chuyên ngành riêng biệt, các điều ước quốc tế, án lệ và lẽ công bằng. Vai trò của luật thành văn là nguồn pháp luật chính của hợp đồng. Ngoài ra, chủ trương, chính sách của Nhà nước, quan điểm hướng dẫn của các cơ quan nhà nước, án lệ, điều ước quốc tế…. cũng là nguồn được sử dụng để áp dụng cho các loại hợp đồng có tính đặc thù.
Đối với hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng loại này cũng rất đa dạng, tồn tại trong nhiều dạng thức khác nhau:
Thứ nhất, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính trước tiên được điều chỉnh bởi các văn bản chung về hợp đồng, đó là Bộ luật Dân sự – Bộ luật điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến giao dịch và thỏa thuận dân sự. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ…, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính còn chịu điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005 quy định chung về hợp đồng dịch vụ thương mại, luật doanh nghiệp quy định chung về hoạt động doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn về thương mại điện tử và
Thứ hai, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành về bưu chính. Pháp luật điều chỉnh lĩnh vực bưu chính hình thành từ rất sớm tuy nhiên trong các văn bản quy phạm pháp luật bưu chính trước Luật Bưu chính 2010 đều chưa xuất hiện quy định về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính do thời kỳ đầu, dịch vụ bưu chính chủ yếu dịch vụ công ích do Bưu chính Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên, chỉ khi Luật Bưu chính năm 2010 được ban hành, Nhà nước mới cơ bản hoàn thiện các quy định điều chỉnh riêng về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính và có văn bản hướng dẫn (
Thứ ba, trong trường hợp vận chuyển các hàng hóa bưu chính qua đường bộ, đường thủy, đường hàng không liên quan đến các quy định về giao thông, thì Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng có quy định liên quan… Trường hợp hợp đồng được thực hiện bằng phương thức dữ liệu điện tử còn được điều chỉnh bằng những quy định về công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Ngoài ra, văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hải Quan, Tòa án nhân dân có liên quan đến hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính cũng được xem xét coi như nguồn của pháp luật Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
Thứ tư, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính còn có thể được điều chỉnh bởi các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực bưu chính, cụ thể:
– Đối với hàng hóa vận chuyển qua đường bưu chính quốc tế chiều đi, nguồn luật điều chỉnh gồm các điều ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên và các cam kết quốc tế khác của Việt Nam, pháp luật quốc gia của nước đến về bưu chính như: Công ước Bưu chính quốc tế (2019); các quy định liên quan đến nhập khẩu, Luật bưu chính của các nước nhận; Công ước Quốc tế buôn bán các loại động thực vật hoang dã (Quy ước Cites); Công ước Warsaw (1929), Công ước Montreal (1999); Công ước CMR (1956); Công ước Liên Hợp quốc (1980)…
– Đối với hợp đồng vận chuyển hàng hóa đường biển ngoài các nguồn luật điều chỉnh là pháp luật quốc gia, điều ước quốc tế, tập quán, thói quen hàng hải, các bên cũng có thể sử dụng hợp đồng theo mẫu được các tổ chức quốc tế, các hiệp hội khuyến nghị sử dụng, ví dụ như: Công ước vận chuyển hàng hóa bằng đường biển (1978); Hiệp định vận tải qua biên giới (1999); Hiệp định khung vận tải đa phương thức ASEAN (2005)…
+ Đối với hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không, có Công ước thống nhất vận chuyển (1929); Nghị định thư (1955); Công ước Vacsava (1975) và Công ước Montreal (1999); Công ước quốc tế vận tải đa phương thức (1980); Công ước thống nhất thủ tục hải quan Kyoto (1973) …
Thứ năm, tập quán, án lệ, lẽ công bằng cũng được xem như nguồn pháp luật về hợp đồng Việt Nam và được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005,
Một số tập quán quốc tế thông dụng chủ yếu áp dụng chung với hợp đồng như quy tắc và thực hành chung về tín dụng chứng từ (UCP), các điều khoản INCOTERMS về điều khoản thương mại quốc tế của ICC, chưa có nhiều tập quán liên quan đến lĩnh vực bưu chính, chủ yếu được áp dụng trong hợp đồng logistic. Như vậy, với nguồn pháp luật chủ yếu của hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính tại Việt Nam chủ yếu là văn bản pháp luật và điều ước quốc tế liên quan trong lĩnh vực bưu chính.