Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, các hoạt động công nghiệp, công trình xây dựng hay nhu cầu giải trí của con người cũng ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng, nhất là ở những thành phố, khu đô thị đông người. vậy nguồn nguy hiểm cao độ là gì? Quy định về nguồn nguy hiểm cao độ như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Nguồn nguy hiểm cao độ là gì?
Theo khoản 1 điều 601
“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự, ta có thể thấy, nguồn nguy hiểm cao độ hoàn toàn không được mô tả rõ ràng theo quy định này mà chỉ hướng dẫn chung chung về các khái niệm này.
Từ quy định nêu trên, ta có thể hiểu nguồn nguy hiểm cao độ là những hoạt động liên quan đến việc khai thác, quản lý, vận chuyển những đối tượng nhất định vốn có những thuộc tính đặc biệt tạo ra khả năng cao gây nguy hại lớn cho con người và môi trường xung quanh.
2. Trách nhiệm bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
2.1. Quy định về trách nhiệm bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
Quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một loại trách nhiệm đặc biệt bởi vì trên thực tế các thiệt hại xảy ra không phải do hành vi và do lỗi của con người mà là do hoạt động của những sự vật mà hoạt động của chúng luôn tiềm ẩn những khả năng gây thiệt hại đối với con người và môi trường xung quanh. Mặc dù chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu của những nguồn nguy hiểm cao độ có thể không có lỗi đối với thiệt hại của các chủ thể bị thiệt hại nhưng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật vẫn buộc họ có trách nhiệm bồi thường.
Việc bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hiện tại được quy định tại điều 601 bộ luật dân sự 2015 với nội dung cụ thể như sau:
“Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”
Như vậy, ta nhận thấy, thấy trách nhiệm bồi thường khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại có những lưu ý cụ thể như sau: Không có lỗi vẫn phải bồi thường (trừ những trường hợp lỗi cố ý bên bị thiệt hại hoặc bất khả kháng) và chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm với nguồn nguy hiểm cao độ đó.
2.2. Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại:
Các chủ thể là chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
– Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại,
– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Cần lưu ý rằng khi các chủ thể là chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại theo đúng quy định pháp luật.
Việc áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải xác định thiệt hại đó do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay do hành vi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra sẽ thuộc chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì những chủ thể này sẽ phải có trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Các khoản bồi thường trong trường hợp chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng cũng bao gồm bồi thường thiệt hại về vật chất và khoản bù đắp tổn thất về tinh thần tương ứng với thiệt hại thực tế xảy ra đối với người bị thiệt hại. Mức bồi thường và cách thức tính toán các khoản bồi thường được chấp nhận tương tự như các trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Để các chủ thể là chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Thứ nhất: Một điều kiện tiên quyết phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó là phải có thiệt hại xảy ra trên thực tế.
Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không bao gồm thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Bởi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại là do sự hoạt động của các phương tiện cơ giới, do vậy những thiệt hại gây ra cho người bị thiệt hại là tài sản, sức khỏe, tính mạng. Hơn nữa, do tính chất nguy hiểm của bản thân nó nên nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây thiệt hại cho bất kỳ ai thậm chí là chính chủ sở hữu, người đang chiếm hữu, vận hành hay cả những người không có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ đó. Chính bởi vì thế nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ được đặt ra khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho những chủ thể là những người khi xảy ra thiệt hại không có quan hệ đến nguồn nguy hiểm đó nhằm mục đích để bảo vệ quyền được bồi thường cho những người này theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
– Thứ hai: Thiệt hại do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Thiệt hại xảy ra trên thực tế phải là do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chứ không vì các nguyên nhân khác. Đối với phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp thì chỉ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ khi các phương tiện này đang hoạt động. Còn đối với trường hợp thiệt hại xảy ra khi nguồn nguy hiểm cao độ đang ở trạng thái ngừng hoạt động thì không thể coi là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
– Thứ ba: Cần phải có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra.
Hiện nay, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra có ý nghĩa pháp lý quan trọng đối với việc giải quyết bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra bởi vì nó là bằng chứng để xác định có hay không có trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ.
Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì hành vi trái pháp luật được coi là nguyên nhân và thiệt hại được coi là hậu quả. Nguyên nhân phải có trước mới dẫn đến hậu quả.
Như vậy, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì tự thân sự hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại. Đối với trường hợp các chủ thể là người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà có lỗi trong việc sử dụng chúng đã gây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
– Thứ tư: Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phát sinh ngay cả khi chủ sở hữu hay người sử dụng nguồn nguy hiểm không có lỗi.
Dấu hiệu quan trọng nhất nhằm để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chính là hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp, là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại trên thực tế.