Nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm hai loại là nguồn pháp luật quốc gia và nguồn pháp luật quốc tế. Trong đó, nguồn pháp luật quốc gia giữ vai trò chủ yếu.
Mục lục bài viết
1. Nguồn luật điều chỉnh:
Nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm hai loại là nguồn pháp luật quốc gia và nguồn pháp luật quốc tế. Trong đó, nguồn pháp luật quốc gia giữ vai trò chủ yếu.
(i) Nguồn pháp luật quốc gia
Nguồn pháp luật quốc gia bao gồm tất cả các quy định của pháp luật quốc gia liên quan đến vấn đề điều chỉnh pháp lý quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng. Nguồn pháp luật quốc gia ở mỗi nước có thể là nguồn thành văn nếu thuộc hệ thống Civil Law cũng có thể là nguồn không thành văn nếu thuộc hệ thống Common Law hoặc có thể gồm cả nguồn thành văn và không thành văn.
Các quy định nói trên ở Việt Nam được quy định chủ yếu trong các văn bản pháp luật sau đây:
Hiến pháp: Quyền của công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói chung và hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng bao gồm cả lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài là một trong những quyền cơ bản được Hiến pháp khẳng định. Đó là nhân quyền – quyền tối cao của công dân được Nhà nước và pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Do vậy, trong các bảnHiến pháp của Việt Nam: Hiến pháp năm 1946; Hiến pháp năm 1960; Hiến pháp năm 1980; Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là bản Hiến pháp năm 2013 đều quy định rất rõ quyền này.
Đây là những quy định có tính nguyên tắc và trên tinh thần của các quy định này, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã ban hành các bộ Luật, đạo luật và một hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật nhằm điều chỉnh lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói chung và hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài nói riêng, bao gồm cả lĩnh vực ly hôn có yếu tố nước ngoài,
Bộ Luật Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành: Đều có những quy định liên quan đến vấn đề hôn nhân gia đình nói chung và vấn đề ly hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng.
(ii) Nguồn pháp luật quốc tế điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Điều ước quốc tế: Về mặt lý luận, nguồn quốc tế điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó có quan hệ ly hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng là các Điều ước quốc tế toàn cầu, Điều ước quốc tế khu vực và Điều ước quốc tế song phương. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay mới chỉ có các Điều ước quốc tế khu vực và song phương giữa các quốc gia có quy định về vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài. Song các Điều ước quốc tế loại này không điều chỉnh cụ thể mà chỉ quy định nguyên tắc chọn pháp luật để áp dụng khi giải quyết vấn đề ly hôn có yếu tố nước ngoài. Ví dụ như Công ước La Haye về tư pháp quốc tế năm 1902, công ước Bustamante năm 1928 và nhiều Điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp.
Tập quán quốc tế: Về mặt lý luận, tập quán quốc tế cũng là nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó có quan hệ ly hôn và ly hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên cho đến nay chưa có công trình nào hệ thống hóa hay tổng hợp được các tập quán quốc tế cụ thể đã và đang được áp dụng khi giải quyết vấn đề này trên thực tế. Nó chủ yếu được vận dụng với tính chất tập quán quốc gia trong khuôn khổ loại nguồn quốc gia và do từng quốc gia tự xác định.
2. Đối tượng điều chỉnh:
Cũng như các quan hệ khác mà ngành luật Tư pháp quốc tế điều chỉnh, thì đối tượng điều chỉnh của quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài là những quan hệ phát sinh trong quá trình ly hôn, có yếu tố nước ngoài.
Về chủ thể của quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Trong một quan hệ pháp luật, chủ thể đóng một vai trò quan trọng bởi vì: nó sẽ xác định xem ai có quyền tham gia vào quan hệ đó. So với chủ thể của quan hệ ly hôn trong nước, thì chủ thể của quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài không chỉ là công dân Việt Nam, mà có thêm chủ thể là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài. Chính điều này, đã tạo nên nét riêng và phản ánh sự phức tạp của cho quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài, khi trong cùng một quan hệ lại có sự tham gia của nhiều dạng chủ thể khác nhau.
Công dân Việt Nam là một trong những chủ thể cơ bản của quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Theo khoản 1 Điều 17 Hiến pháp 2013 thì: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Với quy định này, để xác định chủ thể đó có phải là công dân Việt Nam hay không, người ta căn cứ vào quốc tịch mà người đó được hưởng. Căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), người có quốc tịch Việt Nam bao gồm:
– Người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.
Căn cứ xác định người có quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 15 Luật quốc tịch Việt Nam như sau: “Người được xác định là có quốc tịch Việt Nam, nếu có một trong những căn cứ sau đây: Do sinh ra theo quy định tại các điều 16, 17 và 18 của Luật này; Được nhập quốc tịch Việt Nam; Được trở lại quốc tịch Việt Nam; Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia; Các căn cứ quy định tại các điều 19, 28 và 30 của Luật này.”
Công dân Việt Nam khi tham gia vào quan hệ ly hôn với người nước ngoài phải có quyền năng chủ thể, tức là phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Công dân Việt Nam khi tham gia quan hệ sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, mà cụ thể là quy định trong Bộ luật dân sự 2005 về năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Nhìn chung, những quy định về năng lực của chủ thể đối với công dân Việt Nam khi tham gia quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài tương tự như đối với quan hệ ly hôn trong nước.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm là công dân Việt Nam và người có gốc Việt Nam nên việc xác định năng lực của chủ thể có điểm khác biệt so với chủ thể là công dân Việt Nam. Trường hợp là công dân Việt Nam thì năng lực chủ thể sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam; còn đối với trường hợp là người có gốc Việt Nam thì năng lực chủ thể trước tiên là phải tuân theo pháp luật mà người đó mang quốc tịch [30], một số trường hợp thì năng lực chủ thể còn được xác định theo pháp luật Việt Nam. Như vậy, đối với người có gốc Việt Nam khi tham gia quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài, họ có thể chịu sự điều chỉnh song song của pháp luật của nước mà mình có quốc tịch và pháp luật Việt Nam về năng lực chủ thể khi tham gia quan hệ.
Chủ thể cuối cùng tham gia vào quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài là người nước ngoài:
Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 không có định nghĩa cụ thể như thế nào là người nước ngoài, nhưng có đề cập đến quốc tịch nước ngoài “Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam”. Bên cạnh đó, Luật quốc tịch năm 2008 (sửa đổi năm 2014) cũng nói đến người nước ngoài cư trú ở Việt Nam: “Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam”.
Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài có giải thích về “người nước ngoài” như sau: “Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm công dân nước ngoài và người không quốc tịch”.
Nói chung, chủ thể là người nước ngoài sẽ bao gồm hai dạng: là công dân nước ngoài; hoặc là người không quốc tịch. Do đó, khi tham gia vào quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài thì việc xác định năng lực của chủ thể cũng sẽ khác nhau.
Đối với công dân nước ngoài, tương tự như trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi tham gia vào quan hệ ly hôn việc xác định năng lực chủ thể trước tiên sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật của nước mà người đó mang quốc tịch, sau đó họ có thể tiếp tục chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.
Đối với người không quốc tịch khi họ tham gia vào quan hệ ly hôn thì năng lực chủ thể của họ sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật nơi người đó cư trú, nếu người đó không có nơi cư trú thì áp dụng pháp luật Việt Nam?”. Như vậy, nếu người không quốc tịch cư trú ở một nước khác không phải là Việt Nam, thì năng lực chủ thể của họ sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước đương sự đang cư trú và có thể chịu sự điều chỉnh thêm của pháp luật Việt Nam; nếu nước đương sự cư trú là Việt Nam thì pháp luật điều chỉnh chỉ là pháp luật Việt Nam.
Tóm lại, chủ thể tham gia vào quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài đa dạng và việc xác định năng lực của chủ thể khi tham gia vào quan hệ phức tạp hơn so với quan hệ ly hôn trong nước. Cùng nằm trong một loại chủ thể (người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài) nhưng năng lực của chủ thể lại chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, chính điều này đã tạo nên nét riêng của chủ thể trong quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài mà quan hệ ly hôn trong nước không có được.
Khách thể của quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Cũng như quan hệ ly hôn trong nước khách thể của quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng bao gồm quyền nhân thân và tài sản.
Khách thể là quyền nhân thân là sự mong muốn của các bên về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân đang tồn tại, trả hai người về tình trạng độc thân. Điều này tương tự như quan hệ ly hôn trong nước, nhưng thay vì đối với quan hệ hôn nhân trong nước pháp luật điều chỉnh chỉ là pháp luật Việt Nam còn quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài thì có thể là pháp luật Việt Nam, pháp luật nơi thường trú chung của vợ chồng vào thời điểm xin ly hôn. Nói chung, pháp luật điều chỉnh đa dạng hơn so với quan hệ trong nước.
Đối với khách thể là tài sản, do chủ thể đa dạng nên việc tạo lập tài sản trong thời kỳ hôn nhân giữa hai người có thể ở một quốc gia, hai quốc gia hoặc nhiều quốc gia khác nhau. Theo thông lệ chung, việc định danh tài sản sẽ theo quy tắc luật nơi có tài sản. Chính vì thế, cùng một loại tài sản nhưng tùy theo pháp luật của mỗi quốc gia nó có thể là động sản hoặc bất động sản, điều này làm cho việc phân chia khối tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn trở nên phức tạp hơn nhưng lại là một nét đặc trưng của quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam có các quyền, nghĩa vụ như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế.
Cụ thể, việc áp dụng pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
(i) Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật hôn nhân gia đình thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
(ii) Trong trường hợp có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình, bao gồm:
– Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng;
– Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ;
– Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, không phân biệt đối xử giữa các con;
– Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình;
– Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.
(ii) Trong trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.
(iv) Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng.
Xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài
Cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại
Việt Nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết việc xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp:
– Trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con;
– Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình;
– Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ;
– Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con;
– Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ;
– Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con;
– Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ.
Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật này và Bộ luật dân sự.
Nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài
– Nghĩa vụ cấp dưỡng tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú. Trường hợp người yêu cầu cấp dưỡng không có nơi cư trú tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng là công dân.
– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu cấp dưỡng là cơ quan của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú.
Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Trong trường hợp có yêu cầu giải quyết việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; quan hệ nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các quy định của Luật này và các luật khác có liên quan của Việt Nam để giải quyết.
Yếu tố cư trú của các bên đương sự
Bên cạnh những đặc trưng về chủ thể, khách thể thì một đặc trưng nổi bật nhất giúp phân biệt quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài với quan hệ ly hôn trong nước đó là nơi cư trú của đương sự. Nếu như quan hệ ly hôn không có yếu tố nước ngoài các bên đương sự thường cư trú trên cùng một lãnh thổ, thì trong quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài các bên đương sự có thể cư trú nhiều nơi khác nhau như:
Trường hợp công dân Việt Nam ly hôn với người nước ngoài, thì lúc này cả hai đương sự có thể đang cung cư trú ở Việt Nam; hoặc cùng đang cư trú ở nước ngoài; hoặc một người đang ở Việt Nam còn người kia đang ở nước ngoài.
Trường hợp hai bên là người nước ngoài xin ly hôn thì có thể cả hai bên thường trú tại Việt Nam; hay một bên thường trú ở Việt Nam còn người kia đang ở nước ngoài; hoặc cả hai đang cùng ở nước ngoài nhưng tài sản liên quan đến quan hệ đang ở Việt Nam.
Trường hợp hai bên là công dân Việt Nam xin ly hôn thì có thể một bên đang ở Việt Nam còn một bên đang ở nước ngoài; hoặc cả hai đang ở nước ngoài.
Do các đương sự có thể cư trú ở nhiều nước khác nhau nên pháp luật áp dụng để giải quyết quan hệ trong môi trường hợp cũng khác nhau. Điển hình như trường hợp công dân Việt Nam ly hôn với người nước ngoài, nếu hai bên cùng cư trú ở Việt Nam thi pháp luật Việt Nam sẽ điều chỉnh; nếu cả hai cùng nước ngoài thì pháp luật điều chỉnh quan hệ ly hôn lúc này là luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng.
Nói tóm lại, khi có thêm yếu tố nước ngoài quan hệ ly hôn trở nên đa dạng và phức tạp hơn so với quan hệ ly hôn trong nước. Với sự tham gia của nhiều dạng chủ thể kéo theo sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khi một quan hệ ly hôn phát sinh đã tạo nên những đặc trưng cho quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài.