"Truyện Kiều" được biết đến là một tác phẩm rất nổi tiếng của Nguyễn Du, tác phẩm nói lên số phận vô cùng éo le, bất hạnh, hồng nhan bạc phận của người phụ nữ dưới xã hội phong kiến. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin về nguồn gốc và hoàn cảnh sáng tác của Truyện Kiều. Mời các bạn cùng tham khảo nhé!
Mục lục bài viết
1. Nguồn gốc của Truyện Kiều:
Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã được lấy từ sườn của cốt truyện từ bộ truyện văn xuôi “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân với bối cảnh ở Trung Quốc từ năm 1521 đến năm 1567 vào thời vua Gia Tĩnh Đế đời nhà Minh. “Truyện Kiều” được viết theo thể thơ của dân tộc ta đó thể thơ lục bát dài 3254 câu thơ, mang màu sắc đậm đà Việt Nam. Lúc đầu tác phẩm “Truyện Kiều” có tên là “Đoạn trường tân thanh” mang ý nghĩa nói lên “tiếng kêu mới về nỗi đau lòng đứt ruột”, sau đó tác phẩm đã được đổi thành với cái tên “Truyện Kiều”.
2. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều:
a, Giá trị nội dung
– Truyện Kiều đã thể hiện tinh thần nhân đạo một cách độc đáo, có giá trị lên án, tố cáo xã hội hiện thực một cách sâu sắc.
– Tác phẩm xoay quanh số phận của người phụ nữ có tên là Thúy Kiều, nàng đã phải bán mình để chuộc cha cứu gia đình thoát cảnh tình cảnh khốn cùng và đã bị cả xã hội ruồng bỏ buộc làm với thân phận của một kỹ nữ ở chốn lầu xanh. Nguyễn Du đã vượt lên những định kiến xã hội nặng nề để ca ngợi vẻ đẹp hình thể, tài năng, đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Vương Thúy Kiều. Tác phẩm đã mượn câu chuyện về Thúy Kiều để từ đó vẽ lên một khung cảnh bức tranh về hiện thực giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX dưới chế độ xã hội phong kiến suy tàn, độc ác và đầy rẫy sự bất công ở xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng thể hiện niềm ước nguyện giải phóng con người, đòi lại công lý, quyền tự do, quyền sống và cả tình yêu và hạnh phúc.
b, Giá trị nghệ thuật
– Tác phẩm “Truyện Kiều” được coi là một công trình về nghệ thuật với thể thơ lục bát, ngôn ngữ thơ được Nguyễn Du vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo cùng với đó là bút pháp tả cảnh, tả người, diễn biến tâm trạng nhân vật,… đã trở thành bút pháp nghệ thuật vô cùng mẫu mực mang nét cổ điển và vô song.
– Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tài ba của mình để chắt lọc những gì tinh hoa nhất có trong cuộc sống đời thường của nhân dân, đặc biệt ông đã sử dụng ngôn ngữ văn học dân gian, qua cách vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt kết hợp với các ngoa ngữ, khẩu ngữ, ngoa ngữ, ca dao, tục ngữ và thành ngữ một cách dày đặc cùng với đó và một số thành ngữ mang Hán Việt đã được tác giả “thuần Việt” lại.
3. Hoàn cảnh sáng tác Truyện Kiều:
Có nhiều ý kiến nói về hoàn cảnh ra đời của Truyện Kiều. Nhà nghiên cứu văn học Hoàng Xuân Hãn cho rằng Truyện Kiều được Nguyễn Du viết sau khi đi Trung Quốc bởi ở đó ông được tiếp cận với Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
Học giả Đào Duy Anh cho rằng Truyện Kiều được Nguyễn Du viết trước khi đi Trung Quốc, thời gian vào khoảng cuối thời Lê và đầu Tây Sơn. Căn cứ vào những ghi chép trong Đại Nam liệt truyện do đó mà học giả Đào Duy Anh đã đưa ra nhận định của mình. Trong sách có đoạn viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều: “Ông giỏi thơ lại sành quốc âm, sau khi đi xứ về có Bắc hành thi tập và truyện Thúy Kiều còn lại đến ngày nay”. Học giả Đào Duy Anh phản bác lại: “Liệt truyện căn cứ vào khẩu truyền thiếu chính xác nên đã ghi là Bắc hành thi tập và truyện Thúy Kiều như nhân gian thường gọi chứ không ghi chính xác là Bắc hành tạp lục và Đoạn trường tân thanh đúng tên gốc của nó”.
Giả thuyết sau vẫn được nhiều sự chấp nhận của mọi người hơn. Với việc nghiên cứu tài liệu ở trong và ngoài nước, các học giả vẫn tiếp tục tìm kiếm để đưa ra chính xác về nguồn gốc ra đời của Truyện Kiều. Qua đó có thể khẳng định rằng Nguyễn Du có tiếp cận với Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và sau đó đã biến tấu cốt truyện để viết Thúy Kiều. Còn về thời gian ông viết Thúy Kiều khi nào thì vẫn chưa tìm ra.
4. Tóm tắt Truyện Kiều:
Phần 1: Gặp gỡ và dính ước: Thúy Kiều đã gặp Kim Trọng ở trong buổi đi chơi xuân, chàng Kim là một người có dáng vẻ thư sinh. Hai người đã bắt đầu chớm nở một mối tình sâu sắc đẹp đẽ, sau đó Kim Trọng và Thúy Kiều đã đính ước với nhau.
Phần 2: Gia biến và lưu lạc: Gia đình Thúy Kiều bị mắc oan, Kiềi đã phải bán mình chuộc cha và rơi vào con đường lưu lạc đầy bi kịch đau khổ.
Phần 3: Đoàn tụ: Kim Trọng vẫn còn lưu luyến mối tình với Thúy Kiều Mặc dù chàng đã kết duyên với Thúy Vân. Chàng Kim đã tìm kiếm Thúy Kiều, cuối cùng gặp lại nàng và gia đình đã được sum họp, đoàn tụ.
5. Giá trị nhân đạo trong truyện Kiều:
Trong nền văn học trung đại “Truyện Kiều” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất với đỉnh cao của tiếng Việt, tác phẩm chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm “Truyện Kiều” vượt qua khỏi mảnh đất của hiện thực từ đó ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn đã bị khuất lấp ở bên trong con người. Tác phẩm là biểu hiện tinh thần nhân đạo cao nhất.
a, Tác phẩm đả kích hiện thực một cách sâu sắc
Nhân đạo là tình yêu thương giữa con người với nhau, bởi Nguyễn Du đã quá thương yêu mà căm phẫn xã hội hiện thực dưới chế độ phong kiến thối nát. Chính cái xã hội ấy là nguyên nhân chính đã chà đạp đẩy những người mà nhà thơ thương yêu vào bước đường cùng của cuộc sống. Xã hội hiện thực trong tác phẩm chủ yếu là sự lên án, đả kích, phê phán, tố cáo dựa trên sự phản ánh của hiện thực. Đặc biệt là phê phán sự chi phối của đồng tiền một cách gay gắt. Bởi chính nó đã trở thành một thế lực có sức chi phối mọi mối quan hệ có trong xã hội. Vì đồng tiền mà con người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau:
“Trong tay sẵn có đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì.”
Chỉ có trong kiệt tác “Truyện Kiều” thì giá trị của đồng tiền mới được tác giả nâng thành một nhân vật thực sự. Song hành nó là các thế lực quan lại, nhận được sự sai khiến bởi những đồng tiền đã là nguyên nhân chính đã chà đạp Kiều và đẩy nàng vào “đoạn trường tân thanh”. Gia đình của Thúy Kiều đang hạnh phúc yên ấm mà vì chúng gia đình phải thất tán. Một người con gái vô cùng tài hoa, xinh đẹp như Kiều đã bị vùi dập chua xót, không thương tiếc. Trong suốt quãng thời gian mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều, nàng đã phải chịu đựng biết bao nỗi oan khuất khủng khiếp, chua xót. Sự phát hiện vĩ của tác giả cũng chính là sự phát hiện về thân phận đau đớn của con người trong xã hội phong kiến suy tàn.
b, Tình yêu thương con người
Tình yêu thương con người là biểu hiện chủ yếu của tinh thần nhân đạo. Nguyễn Du đã dành tình cảm đặc biệt cho nàng Kiều, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn với phẩm chất cao quý tốt đẹp của mình nhưng lại có số phận lận đận, phải chịu một kiếp truân chuyên, lênh đênh. Xuyên xuốt tác phẩm luôn có giọng điệu tôn trọng và đồng cảm của tác giả đối với nhân vật Thúy Kiều. Ngòi bút thi nhân tài tình của Nguyễn Du luôn đi sâu vào tâm trạng của nhân vật, với những nỗi đau đớn được phát hiện và miêu tả thật cảm động nhưng không kém phần chua xót. Tác giả thương xót cho một số phận tài hoa nhưng bản thân lại bị biến thành một món đồ:
“Đắn đo cân sắc cân tài
Ép cung cầm nguyệt thử tài quạt thơ
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu.
Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?
Cò kè bớt một thêm hai”
Bởi vì thế mà tình yêu thương con người của tác giả đã được rộng mở ra, đó là những tiếng khóc xót thương cho những người phụ nữ là nạn nhân của chế độ phong kiến. Bằng trái tim của người đã từng phải trải qua bao khó khăn Nguyễn Du đặc biệt yêu thương nàng Thúy Kiều, chỉ có ông mới có thể đồng cảm với nỗi đau nhân vật của mình nhân vật. Ông hiểu rõ về diễn biến tâm lý nhân vật, để mà xót xa, yêu thương.
c, Ca ngợi vẻ đẹp của con người
Nguyễn Du vẫn tìm được vẻ đẹp của con người để ông ca ngợi và bảo vệ khi xã hội hiện thực lúc bấy giờ chỉ toàn những kẻ chỉ cậy đến quyền thế và tiền tài, một xã hội đầy đau đớn và bất công. Nguyễn Du ca ngợi Thúy Kiều bằng vẻ đẹp ngoại hình của nàng:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So về tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Vẻ đẹp của Kiều đã vượt xa những chuẩn mực của thiên nhiên. Thủ pháp ước lệ đã được Nguyễn Du để miêu tả chân dung nhân vật Thúy Kiều, đối với ông vẻ đẹp của con người thâm chí vượt qua cả thiên nhiên. Nguyễn Du hác so hơn các nhà thơ thời Trung Đại khác khi ông đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ ở vẻ đẹp tài năng, Thúy Kiều được ông xây dựng là một người đa tài và xuất sắc ở mọi khía cạnh:
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”
Nguyễn Du ca ngợi vẻ đẹp của Thúy Kiều ở mọi phương diện ngoại hình, phẩm chất, tính cách, tài năng bằng một giọng điệu tôn trọng và tự hào. Ông luôn dành sự tôn trọng của mình đối với người phụ nữ và xây dựng một vẻ đẹp kiên cường trong họ. Ngoài việc đề cao vẻ đẹp con người từ hình thức, ông còn rất đề cao con người ở vẻ đẹp phẩm chất và nhân cách của họ. Đại diện là nhân vật Thúy Kiều, nàng là người có lòng hiếu thảo với cha mẹ và đối với người mình yêu nàng là người thủy chung son sắc. Khi gia đình gặp sóng gió, cha nàng vị bắt và để báo ơn cha mẹ, nàng đã quyết định bán mình để chuộc cha.
Đồng thời tác giả cũng thể hiện niềm mong ước về một thế giới công bằng, thể hiện những hi vọng của mình về mong muốn xã hội sự thay đổi để tốt đẹp hơn. Tinh thần nhân đạo được Nguyễn Du thể hiện xuyên suốt trong Truyện Kiều. Bằng tình yêu thương và trân trọng con người nhất là người phụ nữ, Nguyễn Du đã viết nên nột kiệt tác để đời và in sâu mãi trong lòng người đọc, khó có tác phẩm nào vượt qua được.