Khi nghiên cứu về khoa học lý luận chung về nhà nước và pháp luật, một trong những nội dung quan trọng trong phạm vi “pháp luật” là nguồn của pháp luật. Khái niệm nguồn của pháp luật được đưa ra dưới nhiều quan điểm khác nhau và việc tìm ra khái niệm tổng quát nhất, đúng nhất với bản chất là điều hoàn toàn cần thiết.
Mục lục bài viết
1. Nguồn của pháp luật là gì:
Vấn đề đổi mới quan niệm, nhận thức về pháp luật, về nguồn pháp luật đã và đang được quan tâm đặc biệt ở nước ta trong những năm gần đây trên phương diện lý luận và thực tiễn. Điều này xuất phát từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người và hội nhập quốc tế. Như đã đề cập, khái niệm nguồn pháp luật nói chung và nguồn của pháp luật dân sự nói riêng rất rộng về phương diện nội dung vật chất và hình thức biểu hiện và đặc biệt trong áp dụng pháp luật.
Lý luận pháp luật tồn tại hai loại quan điểm về vấn đề mối tương quan giữa khái niệm nguồn pháp luật và hình thức pháp luật:
Quan điểm thứ nhất, khái niệm nguồn pháp luật rộng hơn khái niệm hình thức pháp luật;
Quan điểm thứ hai là quan điểm được thừa nhận chung, phổ biến hiện nay trong lý luận và thực tiễn pháp luật.
Theo nghĩa rộng, nguồn pháp luật được thể hiện trên ba phương diện, ba nghĩa cơ bản sau đây:
– Nguồn pháp luật theo nghĩa vật chất, nội dung, tức là những điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của xã hội, các hình thức sở hữu, lợi ích, nhu cầu của con người, cộng đồng và quốc gia… Diễn đạt một cách khách, nguồn pháp luật là những cơ sở, xuất xứ tạo nên các quy phạm pháp luật.
– Nguồn pháp luật trong nghĩa tư tưởng là các học thuyết pháp lý, các trường phái pháp luật, ý thức pháp luật….
– Nguồn pháp luật trong nghĩa pháp lý hình thức chính là các hình thức của pháp luật – nơi thể hiện, nơi đăng tải của pháp luật.
Cách quan niệm về nguồn pháp luật trên ba phương diện này được thịnh hành rộng rãi bởi phù hợp nhận thức, thực tiễn và lý luận. Theo một số nhà luật học trên thế giới, khái niệm nguồn pháp luật trên nhiều điểm cơ bản cũng tương đồng với khái niệm hình thức pháp luật và do vậy, nguồn pháp luật được hiểu là hình thức thể hiện chính thức các quy tắc bắt buộc chung, được ban hành bởi các cơ quan nhà nước hoặc được nhà nước thừa nhận với mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Theo cuốn từ điểm Luật học của Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, nguồn luật được tiếp cận từ hai gốc độ:
1. Nơi chứa đựng quy tắc pháp luật cần thiết cho xử sự của chủ thể pháp luật hay nơi chứa đựng quy phạm pháp luật,
2. Cơ sở hình thành nên nội dung pháp luật.
Trong cách tiếp cận thứ nhất, nguồn pháp luật đồng nghĩa với khái niệm hình thức của pháp luật, gồm tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản quy phạm pháp luật. Trong cách tiếp cận thứ hai thì khái niệm nguồn của pháp luật rộng hơn khái niệm hình thức của pháp luật, thực chất là đề cập đến phương diện nội dung của nguồn pháp luật, theo đó, nguồn pháp luật không chỉ bao gồm tập quán pháp, tiền lệ pháp, văn bản quy phạm pháp luật mà còn có học thuyết chính trị – pháp luật; đường lối chính trị của đảng cầm quyền; truyền thống văn hóa, đạo đức, điều kiện nhu cầu kinh tế, xã hội, quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức; các nguyên tắc pháp luật, công lí…
Nguồn của pháp luật là những căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật, áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế. Xét một cách cơ bản, toàn diện, nguồn của pháp luật bao gồm: nguồn nội dung và nguồn hình thức, nguồn chủ yếu và nguồn thứ yếu, tùy vào các tiêu chí xác định, phân biệt và mục đích sử dụng.
Khái niệm nguồn pháp luật được thể hiện trên phương diện nguồn nội dung và nguồn hình thức. Nguồn nội dung của pháp luật chính là xuất xứ, là căn nguyên của pháp luật, là cơ sở để nhà nước xây dựng, ban hành và giải thích pháp luật. Nguồn pháp luật theo nghĩa rộng chính là cơ sở, là các nguồn hình thành nên nội dung của pháp luật. Nếu xét về nguồn nội dung thì chính đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội là nguồn của pháp luật. Nhà làm luật căn cứ vào các nhu cầu điều chỉnh của đời sống xã hội mà xây dựng nên các quy định pháp luật (sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới..). Nguồn nội dung của pháp luật không chỉ hiện diện trong xây dựng pháp luật mà còn cả trong thực hiện, áp dụng pháp luật, trong việc đưa các quy định pháp luật, các nguyên tắc pháp luật vào từng trường hợp cụ thể.
Nguồn của pháp luật còn được hiểu là những căn cứ pháp lý mà dựa vào đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vận dụng để giải quyết các sự việc pháp lý cụ thể.
Nguồn pháp luật rất đa dạng tùy thuộc vào nhiều yếu tố của các quốc gia như truyền thống văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức và văn hóa pháp luật, quan niệm về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, vai trò, chức năng nhà nước, cách thức quản lý xã hội, mức độ ảnh hưởng của văn hóa pháp luật nước ngoài…
Theo đó, căn cứ để Tòa án giải quyết các sự việc pháp lý có thể là tiền lệ pháp, văn bản pháp luật và những loại nguồn pháp luật khác tùy theo các quốc gia khác nhau. Theo Rene David, trong hệ thống pháp luật Rô manh Giéc manh có các nguồn: luật, tập quán pháp, thực tiễn xét xử của tòa án, học thuyết pháp lý, những nguyên tắc chung của pháp luật; ở Anh có thực tiễn xét xử của tòa án, luật, tập quán pháp, học thuyết pháp lý và lý trí; ở Mỹ có thực tiễn xét xử của Tòa án, pháp luật thành văn.
Xét từ phương diện các hệ thống các truyền thống pháp luật khác nhau trên thế giới, khái niệm nguồn của pháp luật là một thuật ngữ pháp lý phức tạp và có nhiều cách hiểu, cách sử dụng khác nhau nhất định bên cạnh những nét tương đồng. Đối với hệ thống pháp luật Anh – Mỹ thì trong trường hợp không có luật thành văn, không có án lệ, không có tập quán điều chỉnh để giải quyết một vấn đề, thẩm phán hoàn toàn có quyền sáng tạo ra pháp luật – củ thể là thẩm phán có quyền sử dụng lẽ phải. Lẽ phải có thể được thể hiện bằng cách viện dẫn tập quán không có giá trị bắt buộc hoặc viện dẫn bản án không phải là án lệ, viện dẫn pháp luật nước ngoài... với tư cách là một nguồn luật chính thức để giải quyết. Tại nước Anh hiện nay, một quốc gia điển hình của hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, bên cạnh common law gắn với pháp luật tố tụng, quốc gia này còn sử dụng equity law (luật công bình) như một cấu thành trong trọng trong hệ thống pháp luật của quốc gia này, ở đó có cơ sở pháp lý để giải quyết các vụ việc là phụ thuộc hoàn toàn vào thẩm phán trên cơ sở đạo đức và lương tâm.
Khái niệm nguồn pháp luật về phương diện hình thức (nguồn hình thức) là cách thức, phương thức thể hiện của các quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc chung, là hình thức chính thức thể hiện và tồn tại của các quy phạm pháp luật.
Hình thức thông qua đó chuyển tải ý chí nhà nước (nâng ý chí nhà nước) lên thành các quy phạm pháp luật được gọi bằng một thuật ngữ là nguồn pháp luật. Theo nghĩa này, nguồn pháp luật sẽ trả lời cho câu hỏi, từ đâu mà chúng ta vận dụng các quy phạm pháp luật này hoặc quy phạm pháp luật khác để giải quyết những vụ việc cụ thể. Những quy phạm có thể lấy từ những nguồn khác nhau – từ tập quán, tù án lệ, từ văn bản quy phạm pháp luật, từ các học thuyết pháp lý, lẽ công bằng, từ các quy tắc, nguyên tắc của luật tôn giáo…
Theo nhiều nhà luật học Pháp, nguồn pháp luật (hiểu theo nghĩa pháp lý) đó là các phương pháp thiết lập các quy phạm pháp luật, tức là các cách thức và các văn bản thông qua đó các quy phạm này có thể tồn tại về mặt pháp lý...
2. Một số quan điểm về nguồn của pháp luật:
Trong khoa học pháp lý hiện nay ở Việt Nam tồn tại một số quan điểm khác nhau về nguồn của pháp luật. Chẳng hạn :
– Nguồn của pháp luật là tất cả những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, thực hiện pháp luật cũng như áp dụng để giải quyết những vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tiễn. Theo quan điểm này, nguồn của pháp luật bao gồm nguồn nội dung và nguồn hình thức. Trong đó, nguồn nội dung của pháp luật là xuất xứ, căn nguyên, chất liệu làm nên các quy định cụ thể của pháp luật. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý cũng như trong thực tiễn, vấn đề nguồn nội dung của pháp luật nhìn chung không có nhiều ý nghĩa, ngược lại nguồn hình luôn được quan tâm.
– Khi thực hiện hành vi pháp lý các cơ quan Nhà nước, chủ thể có thẩm quyền, cá nhân, tổ chức trong xã hội đều dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định. Những yếu tố chứa đựng hoặc cung cấp các căn cứ pháp lý cho hoạt động của các chủ thể được coi là nguồn của pháp luật, từ đó xuất hiện quan niệm : Nguồn của pháp luật là tất cả các yếu tố chứa đựng hoặc cung cấp căn cứ pháp lý để các chủ thể thực hiện hành vi thực tế hay nói cách khác nguồn của pháp luật là tất cả các yếu tố chứa đựng hoặc cung cấp căn cứ pháp lý cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, Nhà chức trách có thẩm quyền cũng như các chủ thể khác trong xã hội- Quan điểm được nhiều người đồng ý.
Trong quan điểm trên có thể thấy, giữa nguồn của pháp luật và hình thức bên ngoài của pháp luật có liên quan với nhau. Cũng có quan điểm cho rằng, nguồn của pháp luật đồng nhất với hình thức bên ngoài của pháp luật, và cũng có quan điểm cho rằng nguồn của pháp luật có phạm vi rộng hơn hình thức bên ngoài của pháp luật.
Trên thế giới, nguồn của pháp luật khá phong phú, bao gồm : văn bản quy phạm pháp luật ; tập quán pháp ; tiền lệ pháp ; đường lối, chính sách của lực lượng cầm quyền ; các quan điểm, tư tưởng, học thuyết pháp lý, điều ước quốc tế ; các quan niệm, chuẩn mực đạo đức xã hội ; lệ làng, hương ước của các cộng đồng dân cư, tín điều tôn giáo ; các hợp đồng dân sự, thương mại,…Trong đó văn bản quy phạm pháp luật, tập quán pháp là những nguồn cơ bản, còn các nguồn khác là nguồn bổ sung, thay thế khi không có loại nguồn cơ bản. Điều ước quốc tế cũng đang dần trở thành nguồn cơ bản của pháp luật trong điều kiện hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.
Mặc dầu còn có khá nhiều quan niệm khác nhau về nguồn pháp luật (khái niệm, phân loại) nhưng qua thực tiễn pháp luật và từ phương diện lý luận có thể nêu khái niệm chung về nguồn pháp luật như sau:
Nguồn pháp luật là những hình thức chính thức thể hiện qua quy tắc bắt buộc chung được nhà nước thừa nhận có giá trị pháp luật để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc trong thực tiễn pháp luật, là những cơ sở được sử dụng trong xây dựng, ban hành pháp luật, cơ sở hình thành nên nội dung pháp luật.
Các quy tắc bắt buộc chung không chỉ có trong các văn bản pháp luật mà còn có trong các quyết định của tòa án, các hợp đồng pháp lý, các tập quán và các loại nguồn khác. Từ trước đến nay, tuy lịch sử pháp luật nhân loại đã trải qua nhiều biến cố thằng trầm nhưng đã và đang tồn tại ba loại nguồn pháp luật cơ bản là tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia, còn có những loại nguồn pháp luật khác nhau như các quy phạm tôn giáo (pháp luật Hồi giáo, các học thuyết, tư tưởng, quan điểm pháp luật.
Xét về lịch sử và hiện tại trên phạm vi toàn thế giới, trong thực tiễn pháp luật của các quốc gia đã và đang có những loại nguồn pháp luật như: văn | bản quy phạm pháp luật, tập quán pháp, tiền lệ pháp, hợp đồng pháp luật, các nguyên tắc chung của pháp luật, các học thuyết pháp luật, các quy phạm tôn giáo, nguyên tắc công bằng, hợp lý, lẽ phải, đạo đức và một số loại nguồn pháp luật khác.
Trong bối cảnh nhà nước pháp quyền bảo vệ quyền con người và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các quy tắc, nguyên tắc, quan điểm của đạo đức ngày càng được sử dụng trong quá trình giải quyết các vấn đề pháp luật cụ thể.
Xét từ phương diện các hệ thống – các truyền thống pháp luật khác nhau trên thế giới, khái niệm nguồn của pháp luật là một thuật ngữ pháp lý phức tạp có nhiều cách hiểu, cách sử dụng khác nhau nhất định bên cạnh những nét tương đồng. Trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, hệ thống pháp luật dân sự, nguồn pháp luật còn bao gồm: luật hợp lý, luật lẽ phải, luật công bình, học thuyết, trường phái pháp lý.
3. Các loại nguồn của pháp luật Việt Nam:
3.1. Văn bản quy phạm pháp luật:
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do các chủ thể có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục, hình thức do pháp luật quy định, trong đó có chứa đựng các quy tắc xử sự chung để điều chỉnh quan hệ xã hội, được áp dụng nhiều lần trong đời sống. Văn bản quy phạm pháp luật là loại nguồn pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp xây dựng, ban hành.
Các văn bản quy phạm pháp luật thường được phân thành hai loại chính: văn bản luật và văn bản dưới luật. Tên gọi, trình tự, thủ tục ban hành và hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật không hoàn toàn giống nhau ở các quốc gia. Theo quan hệ thứ bậc về hiệu lực pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật, hiến pháp là đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, tiếp đó là các đạo luật. Tất cả các văn bản pháp luật khác phải phù hợp với hiến pháp, trong trường hợp trái, chúng sẽ bị hủy bỏ theo thủ tục nhất định.
Văn bản quy phạm pháp luật có những ưu điểm như chính xác, rõ ràng, minh bạch, có tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật, dễ phổ biến, áp dụng, vì vậy nó trở thành nguồn quan trọng hàng đầu của pháp luật Việt Nam. Tuy vậy, văn bản pháp luật cũng có một số hạn chế, khiếm khuyết nhất định như tính khát quát hóa cao, nên trong nhiều trường hợp khó vận dụng vào các tình huống của cuộc sống đa dạng, thậm chí chưa kể đến trường hợp các quy định pháp luật lạc hậu, không phù hợp thực tiễn cuộc sống.
Nguồn pháp luật chủ yếu trong hệ thống pháp luật Việt Nam là văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành theo những thủ tục, trình tự pháp lý nhất định và tồn tại trong trật tự thứ bậc về hiệu lực pháp lý. Đồng thời còn có các loại nguồn pháp luật khác nhau được sử dụng kết hợp cùng với văn bản pháp luật trên nguyên tắc phù hợp hiến pháp, các nguyên tắc pháp luật và đạo đức. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật do các chủ thể khác nhau có thẩm quyền ban hành, với hiệu lực pháp lí cao, thấp khác nhau, trong đó, văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành được gọi là văn bản luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác được gọi là văn bản dưới luật. Cũng giống như các quốc gia trên thế giới, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, sau đó là văn bản luật, tiếp đến là các văn bản quy phạm pháp luật của nguyên thủ quốc gia, các văn bản do quy phạm pháp luật do chính phủ, thủ tướng chính phủ, cuối cùng là các văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành. Trong xã hội dân chủ, pháp quyền, trước hết phải khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp với tư cách là nguồn pháp luật cao nhất của hệ thống pháp luật quốc gia.
Một số ví dụ về nguồn của pháp luật là các văn bản quy phạm pháp luật: Nguồn của Luật Dân sự là Bộ luật dân sự 2015 và các nghị định, thông tư hướng dẫn; Nguồn của Luật Hình sự là
3.2. Án lệ:
Án lệ là những bản án, quyết định của chủ thể có thẩm quyền khi giải quyết các vụ việc cụ thể, được nhà nước thừa nhận có chứa đựng khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc khác tương tự.
Án lệ vừa là nguồn vừa là hình thức của pháp luật. Đây là loại nguồn pháp luật khá phức tạp. Ưu điểm của án lệ là linh hoạt, hợp lý, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Hạn chế của án lệ là thủ tục áp dụng phức tạp, đòi hỏi người áp dụng phải có hiểu biệt pháp luật một cách thực sự sâu, rộng.
Ở Việt Nam chỉ thừa nhận án lệ do Tòa án tạo ra. Trên thực tế có hai loại án lệ, một là án lệ tạo ra quy phạm pháp luật, nguyên tắc pháp luật mới, đây là loại án lệ cơ bản, án lệ gắn với chức năng sáng tạo pháp luật của Tòa án; hai là án lệ hình thành bởi quá trình tòa án giải thích các quy định trong pháp luật thành văn.
Theo từ điển Bách khoa Việt Nam, án lệ được hiểu là Quyết định hoặc bản án của Tòa án cấp trên có giá trị bắt buộc đối với Tòa án cấp dưới; tòa phán án cũng phải tôn trọng quyết định trước đó của bản thân mình. Theo luật học, án lệ được hiểu là: Bản án đã tuyên hoặc một sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như một tiền lệ làm cơ sở để các thẩm phán sau đó có thể áp dụng trong các trường hợp tương tự.
Như vậy, án lệ là quyết định, lập luận, nguyên tắc hoặc sự giải thích pháp luật do Tòa án đưa ra khi giải quyết một vụ việc cụ thể được nhà nước thừa nhận làm mẫu hoặc làm cơ sở để tòa án dựa vào đó đưa ra quyết định hoặc lập luận để giải quyết vụ việc khác xảy ra về sau có nội dung hoặc tính tiết tương tự. Đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền đã đem đến những nhận thức mới về nguồn pháp luật trong đó có án lệ, tập quán, nguyên tắc hợp lý, án lệ, lẽ công bằng. Những năm gần đây, chúng ta đã có những cách nhìn nhận mới, khách quan hơn về tập quán pháp và án lệ.
Trước đây, án lệ cũng đã được áp dụng trong thời gian đầu của nhà nước cách mạng Việt Nam mới thành lập. Sau đó, án lệ không được coi trọng nữa, án lệ được nhìn nhận một cách hoàn toàn tiêu cực. Một thời gian dài, TANDTC vẫn thường làm công tác tổng kết việc giải quyết một số loại vụ, việc để từ đó đề ra đường lối, hướng dẫn cách giải quyết những vụ việc tương tự cho các tòa án địa phương. Các nhà luật học coi đây là một biến dạng của án lệ.
Án lệ lần đầu tiên được thừa nhận tại BLDS 2015 cùng với lẽ công bằng. Tuy nhiên, cho đến nay, bằng sự nỗ lực, quyết tâm đa dạng, phong phú nguồn luật áp dụng, Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức nghị quyết để hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, tổng kết kinh nghiệm xét xử đã mở ra tư duy pháp lý mới về nguồn pháp luật là án lệ. Trong chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật nhà nước, vấn đề nguồn pháp luật trong đó có án lệ đã được khẳng định và đang được triển khai nghiên cứu, xây dựng lộ trình và cách thức áp dụng án lệ. Án lệ đã trở thành nguồn chính thức của pháp luật dân sự và đây là một sự tiến bộ vượt bậc. Với hướng này, khi có khiếm khuyết quy định, chúng ta có thể tạo ra án lệ và áp dụng chúng nên sẽ không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật, một việc làm cần tốn rất nhiều thời gian để nghiên cứ, thảo luận trước khi được thông qua [2].
Việt Nam đã thừa nhận 39 án lệ như sau:
– Năm 2016: Án lệ số 01/2016 về vụ án Giết người; Án lệ số 02/2016 về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản; Án lệ số 03/2016 về vụ án ly hôn; Án lệ số 04/2016 về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Án lệ số 05/2016 về vụ án tranh chấp di sản thừa kế; Án lệ số 06/2016 về vụ án tranh chấp thừa kế; Án lệ số 07/2016 về công nhận hợp đồng mua bán nhà trước ngày 01/7/1991; Án lệ số 08/2016 về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm; Án lệ số 09/2016 về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại; Án lệ số 10/2016 về quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính;
– Năm 2017: Án lệ số 11/2017/AL về công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mà trên đất có tài sản không thuộc Sở hữu của bên thế chấp; Án lệ số 12/2017/AL về xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa; Án lệ số 13/2017/AL về hiệu lực thanh toán của thư tín dụng (L/C) trong trường hợp
– Năm 2018: Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm; Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội “Giết người”; Án lệ số 19/2018/AL về xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Tham ô tài sản”; Án lệ số 20/2018/AL về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc; Án lệ số 21/2018/AL về lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản; Án lệ số 22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; Án lệ số 23/2018/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm; Án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân; Án lệ số 25/2018/AL về không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan; Án lệ số 26/2018/AL về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản;
– Năm 2019: Án lệ số 27/AL/2019 về thụ lý, giải quyết vụ án hành chính liên quan đến nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991; Án lệ số 28/2019/AL về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”;
– Năm 2020: Án lệ số 29/2019/AL về tài sản bị chiếm đoạt trong tội “Cướp tài sản”.; Án lệ số 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông; Án lệ số 31/2020/AL về xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ là quyền tài sản; Án lệ số 32/2020/AL về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.; Án lệ số 33/2020/AL về trường hợp cá nhân được nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài; Án lệ số 34/2020/AL về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường; Án lệ số 35/2020/AL về người Việt Nam trước khi đi định cư ở nước ngoài giao lại đất nông nghiệp cho người ở trong nước sử dụng; Án lệ số 36/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, hủy bỏ; Án lệ số 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm, Án lệ số 38/2020/AL về việc không thụ lý yêu cầu đòi tài sản đã được phân chia bằng bản án có hiệu lực pháp luật; Án lệ số 39/2020/AL về xác định giao dịch dân sự có điều kiện vô hiệu do điều kiện không thể xảy ra.
3.3. Tập quán pháp:
Khoản 1 Điều 5 BLDS năm 2015 có nêu định nghĩa khái niệm về tập quán như sau:
Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
Theo cách hiểu phổ thông, tập quán là thói quen đã hình thành lâu trong đời sống, được mọi người tuân theo tại một địa phương trong một hoàn cảnh buộc phải chấp nhận lề thói ấy như một phần luật pháp của địa phương. Tập quán pháp là những tập quán lưu truyền trong xã hội, phù hợp về cơ bản với lợi ích nhà nước, lợi ích con người, cộng đồng, xã hội, được nhà nước thừa nhận có giá trị pháp lý, trở thành những quy tắc xử sự chung và được nhà nước đảm bảo thực hiện.
Tập quán không đơn thuần là một giải pháp tình thế trong khi còn thiếu pháp luật. Tập quán sẽ còn được sử dụng lâu dài như một tất yếu khách quan. Bởi lẽ, pháp luật dù có hoàn thiện đến đâu cũng không thể nào điều chỉnh hết mọi quan hệ xã hội và cũng không cần thiết phải điều chỉnh hết. Tập quán là những thói quen xử sự, được chuyển giao quy nhiều thế hệ, dễ được chấp nhận tự giác, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, cộng đồng dân cư.
Tập quán pháp là những tập quán của cộng đồng được nhà nước thừa nhân, nâng lên thành pháp luật. Từ năm 1995, khi nhà nước ban hành bộ luật dân sự đầu tiên thì cũng là lúc Việt Nam chính thức thừa nhận tập quán pháp là một loại nguồn của pháp luật. Ở nước ta có hai con đường dẫn đến sự tồn tại của tập quán pháp:
– Những tập quán được dẫn chiếu trong các điều, khoản của một văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, ví du như bồi thường thiệt hại do súc vật thả rông gây ra trong lĩnh vực dân sự.
– Những tập quán được áp dụng để giải quyết những vụ việc cụ thể, ví dụ như trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình: trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận thì áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với những nguyên tắc cơ bản và không vi phạm điều cấm đã được quy định trong văn bản đó.
Sự đa dạng của tập quán được hình thành một cách tự phát từ cuộc sống, nó mang đậm dấu ấn của môi trường nơi mà nó được sinh ra và tương ứng với tính cách của con người nơi đó. Môi trường, con người khác nhau có đặc điểm, tính cách không giống nhau. Bởi vậy, tập quán rất đa dạng, ngay trong lĩnh vực dân sự được kể đến như: tập quán phổ quát, tập quán chung, tập quán địa phương, tập quán nghề nghiệp, quy ước...
Bên cạnh các nguồn trên, pháp luật Việt Nam còn thừa nhân điều ước quốc tế là một loại nguồn quan trọng, buộc phải nội luật hóa các quy định hoặc có thể áp dụng trực tiếp; hoặc quan niệm, quan điểm đạo đức xã hội; hợp đồng. pháp luật nước ngoài đều là những nguồn có ý nghĩa bố sung cho nguồn pháp luật chính.
3.4. Thỏa thuận:
Khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015 quy định:
Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Có thể thấy, nguồn quan trọng nhất của pháp luật Dân sự là sự tự do thỏa thuận. Trước khi áp dụng các loại nguồn khác để giải quyết xung đột, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận với nhau. Điều này được thể hiện rõ và khẳng định tại Điều 5, Điều 6 BLDS năm 2015 khi hướng dẫn áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật. Theo đó, trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán. Và Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
Điều 5 BLTTDS năm 2015 quy định:
Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Tiếp đến tại điểm a khoản 2 Điều 205 BLTTDS năm 2015 quy định về nguyên tắc hòa giải, theo đó, các đương sự phải “tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình”.
Xuất phát từ bản chất của quan hệ dân sự, các bên bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ. Đương sự được tự do đưa ra những quyết định về những vấn đề, sự việc theo ý chí, nhận thức của mình mà không bị ai ngăn cản, hạn chế hoặc ràng buộc nào từ bên ngoài và ý chí thoả thuận đó hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, đương sự chỉ có thể định đoạt đối với những gì thuộc quyền hạn tuyệt đối của mình, chứ không được quyền định đoạt thay người khác. Không ai có quyền lừa dối, đe dọa, uy hiếp sự tự nguyện thoả thuận của người khác, bởi lẽ đây cũng là một hình thức xâm hại đến quyền tự do của con người.
Ngoài ra, pháp luật quy định việc Tòa án tiến hành hòa giải và công nhận sự thỏa thuận của các đương sự phải xuất phát từ sự tự nguyện thực sự của đương sự. Sự tự nguyện này được thể hiện ở các nội dung sau: Tự nguyện tham gia hòa giải; Tự nguyện thỏa thuận nội dung giải quyết vụ án; và Tòa án phải tôn trọng và ghi nhận những thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện của các đương sự về việc giải quyết các tranh chấp dân sự.
Như vậy là Tòa án không được can thiệp vào nội dung sự thỏa thuận của các đương sự, ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự bằng một văn bản có giá trị pháp lý. Để đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự, Tòa án chỉ được ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận trên cơ sở những nội dung, những vấn đề mà các đương sự đã tự nguyện đồng ý sau khi thảo luận, thương lượng, cân nhắc và quyết định.
3.5. Áp dụng tương tự pháp luật:
Các vấn đề về dân sự rất phức tạp và đa dạng nên đôi khi chưa có quy định áp dụng trực tiếp cho một số vấn đề nhưng đã có hướng áp dụng cho hoàn cảnh tương tự. Từ đó, pháp luật dân sự theo hướng ghi nhận khả năng áp dụng tương tự. Khái niệm áp dụng tương tự pháp luật biết đến tại BLDS 2005, tại Điều 3 có quy định rằng: trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự pháp luật. Tập quán và quy định tương tự pháp luật không được trái với những quy tắc quy định trong Bộ luật này.
BLDS hiện hành quy định việc áp dụng tương tự pháp luật theo hướng: trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
So với BLDS 2005, BLDS 2015 có những điểm mới quy định về áp dụng tương tự pháp luật. Thứ nhất, BLDS 2015 không dùng cụm từ áp dụng quy định tương tự của pháp luật mà thay vào đó là cụm từ áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Hướng của BLDS 2015 có nhiều điểm thuyết phục hơn vì áp dụng quy định tương tự của pháp luật như BLDS 2005 quy định là không phù hợp vì chúng ta đang trong tình trạng pháp luật không quy định. ở đây, cái tương tự không phải là quy định mà cái tương tự là hoàn cảnh, hoàn cảnh tương tự chứ không phải quy định tương tự. Thứ hai, BLDS 2015 không dùng cụm từ nếu không có tập quán mà dùng cụm từ và không có tập quán được áp dụng khi đặt ra điều kiện để áp dụng tương tự. BLTTDS 2015 cũng có những quy định làm rõ khái niệm trên với nội dung: khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của những vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
3.6. Lẽ công bằng:
Khái niệm lẽ công bằng lần đầu tiên được xuất hiện trong BLDS 2015 và được coi là một nguồn của pháp luật dân sự Việt Nam. Tuy nhiên, lẽ công bằng vẫn còn là khái niệm rất mơ hồ và chưa được nhìn nhận rõ nét. Mặc dù được công nhận là một trong những loại nguồn của pháp luật Dân sự, nhưng lẽ công bằng chỉ được sử dụng khi không thể áp dụng các loại nguồn khác. Vì thế, thực tiễn áp dụng lẽ công bằng chưa được phổ biến rộng rãi, nhất là văn bản quy phạm pháp luật vẫn là một trong những nguồn pháp luật được sử dụng chủ yếu tại Việt Nam. Là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ vì vậy các nghiên cứu về lẽ công bằng còn rất ít, thực tiễn áp dụng cũng chưa được thống kê chính xác.
Khái niệm “Lẽ công bằng” có nguồn gốc từ chữ equitas trong tiếng La tinh, có nghĩa là sự bình đẳng. Nhưng khi trở thành tiếng Pháp (équité) và tiếng Anh (equity) thì lại mang ý nghĩa là Lẽ công bằng. Cũng như vấn đề nguồn gốc của luật pháp, ý niệm về Lẽ công bằng đã được nhiều triết gia, học giả trên thế giới đề cập từ rất sớm, và cho đến nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về Lẽ công bằng. Trong tác phẩm “Nền luân lý lớn” Aristote cho rằng: “Lẽ công bằng là một nền công lý tốt hơn, nó sửa sai nền công lý bằng pháp luật trong trường hợp đặc biệt, khi nền công lý bằng pháp luật này dẫn đến những kết quả bất công vì những câu chữ tổng quát của một đạo luật không dự liệu tất cả”.
Như vậy, Lẽ công bằng theo quan niệm của Aristote có chiều hướng gần với các nguyên lý của Luật tự nhiên, và sự tồn tại của nó bên cạnh hệ thống pháp luật thành văn là để khắc phục những bất cập mà hệ thống pháp luật này (do tính cách tổng quát của nó) không thể nào thực hiện được. Thế nhưng, không phải ai cũng đồng ý với quan niệm trên của Aristote về Lẽ công bằng