Nhắc tới tố tụng cạnh tranh là nhắc tới vai trò của người tiến hành tố tụng cạnh tranh, những chủ thể được nhà nước, pháp luật trao quyền, nhiệm vụ thực hiện các hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Để hiểu rõ hơn về các chủ thể này, hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu và phân tích cụ thể hơn trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
- 1 1. Người tiến hành tố tụng cạnh tranh là gì?
- 2 2. Người tiến hành tố tụng cạnh tranh theo Luật cạnh tranh:
- 2.1 2.1. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia:
- 2.2 2.2. Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh:
- 2.3 2.3. Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh:
- 2.4 2.4. Thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh:
- 2.5 2.5 Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh:
- 2.6 2.6. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh:
- 2.7 2.7. Thư ký phiên điều trần:
1. Người tiến hành tố tụng cạnh tranh là gì?
Tố tụng cạnh tranh là một bộ phận của các hoạt động hành chính- kinh tế liên quan đến cạnh tranh và thực thi
Người tiến hành tố tụng cạnh tranh là những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định, với chức danh và thẩm quyền nhất định tham gia vào tố tụng cạnh tranh tại các cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh.
2. Người tiến hành tố tụng cạnh tranh theo Luật cạnh tranh:
Theo Điều 58 Luật Canh tranh, người tiến hành tố tụng cạnh tranh gồm có 7 chủ thể như sau:
2.1. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia:
Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức, hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. (Điều 47). Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thành viên Ủy ban cạnh tranh quốc gia được quy định tại Điều 49 Luật Cạnh tranh. Nhiệm vu, quyền hạn mà pháp luật trao cho Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng xuất phát từ vị trí, địa vị pháp lý của chủ thể này. Theo đó, tại Điều 59 Luật Cạnh tranh nêu rõ, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia có một số nhiệm vụ, quyền hạn sau:
– Quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh để giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh và chỉ định thư ký phiên điều trần trong số công chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh hoạt động không thường trực, chỉ được thành lập để giải quyết xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh cụ thể và sau đó chấm dứt hoạt động và tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, nếu xét về thứ bậc trong hoạt động, thì Ủy ban cạnh tranh quốc gia cao hơn so với Hội đồng cạnh tranh, đồng thời Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia được quyền quyết định thành lập Hội đồng là điều dễ hiểu.
– Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác. (Khoản 6, Điều 3, Luật Cạnh tranh). Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện theo quy định tại Điều 90 Luật Cạnh tranh.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia còn có các nhiệm vụ, quyền hạn khác, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ nêu ra những nhiệm vụ, quyền hạn tiêu biểu.
2.2. Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh:
Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh là thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh được Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định phân công làm người đứng đầu. Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh là cơ quan không thường trực, hoạt động theo vụ việc, do đó, chức danh Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh cũng không gắn liền với một cá nhân trong một thời gian cố định.
Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh cũng được lựa chọn trong thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, do đó, họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn thành viên tại Điều 49 Luật Cạnh tranh. Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Khoản 2, Điều 61, cụ thể:
– Tổ chức xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Đây là nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng nhất của Chủ tịch Hội đồng, là nhiệm vụ làm phát sinh tất cả các hoạt động tố tụng cạnh tranh, để đi tới kết quả cuối cùng là xử lý thành công vụ việc hạn chế cạnh tranh.
– Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Cuộc họp của Hội đồng cần có người triệu tập và chủ trì để cuộc họp được diễn ra thông suốt, hiệu quả, được điều phối, hướng dẫn nhanh chóng, chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. Do vậy, với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch phải là người nắm rõ được tinh thần và sẵn sàng triệu tập cuộc họp khi cần thiết.
– Ký văn bản của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Quyền hạn này là điều hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý với tư cách là đại diện, người đứng đầu của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.
2.3. Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh:
Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh là các cá nhân được Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định lựa chọn trong số các thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để thực hiện hoạt động xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh cụ thể. Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh phải đáp ứng các tiêu chuẩn tại Điều 49 Luật Cạnh tranh. Khoản 3, Điều 61 Luật Cạnh tranh quy định, Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Tham gia đầy đủ phiên họp của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Nếu như Chủ tịch Hội đồng có quyền triệu tập và chủ trị phiên họp thì trách nhiệm của thành viên là phải tham gia đầy đủ phiên họp, thực tế, đây không phải là nhiệm vụ quá khó khăn bởi Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh chỉ có từ 03 đến 05 thành viên, việc tham gia đầy đủ là trách nhiệm nhằm nắm bắt được tất cả nội dung, yêu cầu đối với hoạt động của Hội đồng.
– Thảo luận và biểu quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Nguyên tắc khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh là “Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.” Chính vì theo nguyên tắc này và việc quyết định theo đa số phải thông qua biểu quyết do đó số lượng thành viên của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh thường là số lẻ.
2.4. Thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh:
Thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và tất cả các thành viên khác của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trừ các thành viên đã tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh (Điểm a, Khoản 1, Điều 100 Luật Cạnh tranh).
Hoạt động của Hội đồng thực chất là việc xem xét lại các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị cá nhân, tổ chức khiếu nại khi họ cho rằng quyết định đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chính mình. Hoạt động của thành viên hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là hoạt động không thường trực, chỉ phát sinh khi sau thụ lý đơn khiếu nại.
2.5 Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh:
Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh là người đứng đầu cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan điều tra vụ việc cạnh trong khi tiến hành tố tụng cạnh tranh được quy định tại Điều 63 Luật Cạnh tranh, ví dụ:
– Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trên cơ sở chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Đây là quyết định có ý nghĩa quan trọng mở đầu cho hoạt động tố tụng cạnh tranh của cơ quan điều tra và cũng là cơ sở đầu tiên để thực hiện hoạt động xử lý vụ việc cạnh tranh. Chính vì ý nghĩa đó, Thủ trưởng với tư cách là người đứng đầu phải tiến hành xem xét, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia để được chấp thuận và thực hiện quyết định điều tra.
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, thông tin, đồ vật và giải trình liên quan đến nội dung vụ việc theo đề nghị của điều tra viên vụ việc cạnh tranh. Đây là quyền hạn quan trọng, tác động tới quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, do đó, việc cũng cấp tài liệu, thông tin, đồ vật hay giải trình phải thực sự cần thiết và liên quan đến nội dung vụ việc cạnh tranh.
– Kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, kết thúc quá trình điều tra, mở đầu cho hoạt động của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức xử lý vụ việc cạnh tranh.
Ngoài ra, Thủ trưởng cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh còn có nhiều nhiệm vụ, quyền hạn khác phụ hợp với địa vị pháp lý mà họ đang có.
2.6. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh:
Điều tra viên vụ việc cạnh tranh là thành viên của cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm. Điều tra viên vụ việc cạnh tranh phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 53 Luật cạnh tranh, trong đó đáng chú ý là tiêu chuẩn về việc có tổng thời gian công tác thực tế ít nhất là 05 năm trong một hoặc một số lĩnh vực luật, kinh tế, tài chính và công nghệ thông tin.
Nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên xuất phát từ sự phân công của Chủ tịch cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và là các chủ thể trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên khi tiến hành tố tụng cạnh tranh được quy định tại Điều 63 Luật Cạnh tranh.
2.7. Thư ký phiên điều trần:
Phiên điều trần được hiểu như một “phiên tòa” giải quyết vụ việc cạnh tranh. Thư ký phiên điều trần là chủ thể bắt buộc phải tham gia phiên điều trần. Thư ký phiên điều trần do Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia chỉ định và cũng do chủ thể này thay đổi nếu đáp ứng các điều kiện luật định.
Thư lý phiên điều trần được trao các quyền hạn và phải thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 64 Luật Cạnh tranh. Các nhiệm vụ, quyền hạn này gắn với phiên điều trần, chuẩn bị cho phiên điều trần, thực hiện một số hoạt động liên quan đến phiên điều trần, giúp cho phiên điều trần được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.
Cơ sở pháp lý: Luật Canh tranh năm 2018.