Mọi bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án cần phải được tuân thủ đầy đủ. Khi các chủ thể phải thi hành án nhưng cố tình không tự nguyện thi hành thì tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy người thi hành án trả nợ bỏ trốn thì phải xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Người thi hành án trả nợ bỏ trốn thì phải làm như thế nào?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về vấn đề tự nguyện và cưỡng chế thi hành án. Cụ thể như sau:
– Nhà nước khuyến khích các đương sự tự nguyện thi hành án;
– Người phải thi hành án khi có đủ điều kiện để thi hành án tự nhiên không tự nguyện thi hành án trên thực tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
Theo đó thì có thể nói, thi hành án dân sự là khái niệm để chỉ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự đã được xác định cụ thể trong bản án hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù tự nguyện thi hành án là biện pháp ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp, người phải thi hành án trốn tránh quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu người phải thi hành án có hành vi trốn tránh hoặc chỉ hoãn quá trình thực hiện bản án, cơ quan thi hành án sẽ cần phải có các biện pháp phù hợp, thậm chí có quyền ra các quyết định cưỡng chế đối với các đối tượng không tự nguyện thi hành án.
Căn cứ theo quy định tại Điều 71 của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Có thể kể đến các biện pháp như sau:
– Khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án phải thu hồi và xử lý tiền hoặc các loại giấy tờ có giá của người phải thi hành án;
– Khấu trừ vào thu nhập hàng tháng của người phải thi hành án;
– Kê biên tài sản, xử lý tài sản của người phải thi hành án, trong đó bao gồm cả các loại tài sản đang do người thứ ba giữ và quản lý;
– Khai thác tài sản của người phải thi hành án;
– Bắt buộc phải chuyển giao quyền tài sản, chuyển giao vật, chuyển giao các loại giấy tờ có giá;
– Bắt buộc người phải thi hành án thực hiện một công việc hoặc không thực hiện một công việc nhất định.
Tiếp theo, căn cứ theo quy định tại Điều 43 của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về vấn đề thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể như sau:
– Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật sẽ chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc chỉ được thực hiện khi đương sự có yêu cầu;
– Trong trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đường sự cư trú, thì việc thông báo cần phải được thực hiện trên báo ngày trong 02 số báo liên tiếp, hoặc thực hiện trên đài phát thanh truyền hình của tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương của địa phương đó hai lần trong khoảng thời gian 02 ngày liên tiếp;
– Trong trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đường sự đó cư trú, thì việc thông báo cần phải được thực hiện trên báo ngày trong 02 số báo liên tiếp hoặc thực hiện hoạt động thông báo trên đài phát thanh truyền hình cấp trung ương hai lần trong khoảng thời gian 02 ngày liên tiếp;
– Ngày thực hiện hoạt động thông báo lần 02 trên các phương tiện thông tin đại chúng là ngày được thông báo hợp lệ.
Theo điều luật phân tích nêu trên thì có thể nói, người thi hành án trả nợ nếu có đầy đủ điều kiện để thi hành án thì cần phải tự nguyện thi hành, nếu người thi hành án trả nợ mặc dù có đầy đủ điều kiện để thi hành tuy nhiên không tự nguyện thi hành, không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình thì sẽ bị cưỡng chế thi hành căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022.
Vì vậy, khi người thi hành án trả nợ bỏ trốn, không tự nguyện thi hành án, người được thi hành án có thể làm đơn gửi tới cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền đề nghị thực hiện hoạt động cưỡng chế thi hành bản án. Đồng thời, nếu trong trường hợp xác định người phải thi hành án trả nợ không có mặt tại địa phương nơi cư trú thì chỉ cần thực hiện hoạt động thông báo trên báo chí trong 02 số báo liên tiếp hoặc thông báo trên các đài phát thanh truyền hình của trung ương 02 lần trong khoảng thời gian hai ngày liên tục. Sau khi thực hiện hoạt động thông báo đó, người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên tài sản để đảm bảo cho quyền lợi hợp pháp của mình.
Nhìn chung, quyết định cưỡng chế thi hành án đối với người không tự nguyện thi hành án sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Hết thời hạn 10 ngày được tính kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ về quyết định thi hành án, tuy nhiên người đó vẫn không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế.
Bước 2: Lập kế hoạch cưỡng chế. Kế hoạch cưỡng chế cần phải bao gồm các nội dung cơ bản như sau: tên của người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, biện pháp cưỡng chế cụ thể được áp dụng, thời gian áp dụng, địa điểm cưỡng chế, phương pháp tiến hành hoạt động cưỡng chế, yêu cầu về lực lượng chức năng tham gia hoạt động cưỡng chế, chi phí phục vụ cho hoạt động cưỡng chế.
Bước 3: Gửi quyết định cưỡng chế thi hành án. Trong khoảng thời gian ba ngày làm việc được tính kể từ ngày ra quyết định, quyết định cưỡng chế thi hành án cần phải được gửi cho viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức hoạt động cưỡng chế thi hành án, các cơ quan và tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục cưỡng chế.
Bước 4: Thông báo về việc cưỡng chế thi hành án, sau đó thực hiện hoạt động thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án.
Bước 5: Tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với các đối tượng không tự nguyện thi hành bản án.
2. Người thi hành án trả nợ bỏ trốn có thể phạm tội gì?
Theo quy định của pháp luật, người phải thi hành án cần phải có nghĩa vụ thi hành đầy đủ, kịp thời bản án khi bản án đó có hiệu lực pháp luật. Người phải thi hành án trả nợ tuy nhiên có hành vi bỏ trốn hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án căn cứ theo quy định tại Điều 380 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Chủ thể của tội phạm này được quy định là người có nghĩa vụ bắt buộc phải chấp hành các bản án hoặc quyết định có hiệu lực của tòa án. Họ có thể là bị cáo trong vụ án hình sự hoặc là các đương sự trong vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động … Lỗi của người phạm tội trong trường hợp này được xác định là lỗi cố ý. Tức là người phạm tội biết mình có nghĩa vụ phải chấp hành bản án, có nghĩa vụ phải trả nợ, có nghĩa vụ phải chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời họ biết đã có biện pháp cưỡng chế cần thiết được áp dụng để bắt buộc họ phải chấp hành bản án hoặc quyết định có hiệu lực của tòa án tuy nhiên vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật, có thái độ để mặc cho hậu quả xảy ra.
Điều 380 của Bộ luật hình sự năm 2015 hiện nay quy định 02 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm, được áp dụng cho trường hợp chủ thể đã có hành vi chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ (để ngăn cản việc thi hành án) hoặc đã tẩu tán tài sản hoặc có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (là thủ đoạn có tính gian dối cao, gây khó khăn lớn cho cơ quan thi hành án). Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là hình phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Theo đó, người có nghĩa vụ phải thi hành án trả nợ, mặc dù có đầy đủ điều kiện để trả nợ tuy nhiên bỏ trốn, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất là 05 năm tù.
3. Quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7a của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án. Theo đó, người phải thi hành án sẽ có các quyền cơ bản như sau:
– Có quyền tự nguyện thi hành án, thỏa thuận với người được thi hành án và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về thời gian thực hiện phải địa điểm thực hiện, phương thức thực hiện, nội dung thi hành án, tự nguyện giao tài sản để thi hành án;
– Tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thi hành án;
– Được quyền thông báo về nội dung thi hành án;
– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án giải thích đầy đủ những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả, số liệu sai sót, khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến tài sản thi hành án;
– Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho người khác theo quy định của pháp luật;
– Yêu cầu thay đổi chấp hành viên trong trường hợp có đầy đủ căn cứ cho rằng chấp hành viên không vô tư khách quan khi làm nhiệm vụ;
– Được miễn nghĩa vụ hoặc giảm nghĩa vụ thi hành án, được xét miễn hoặc giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án phải được quyền thực hiện hoạt động khiếu nại hoặc tố cáo về thi hành án.
Bên cạnh đó, người phải thi hành án còn có các nghĩa vụ cơ bản sau đây:
– Tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, tuân thủ đầy đủ và kịp thời nội dung của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật;
– Kê khai trung thực các nội dung liên quan đến tài sản, điều kiện thi hành án của bản thân, cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ và tài liệu có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai;
– Thực hiện đầy đủ các quyết định và yêu cầu của các chấp hành viên, thông báo cho cơ quan thi hành án khi có sự thay đổi về địa chỉ nơi cư trú;
– Chịu chi phí thi hành án theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH 2022 Luật Thi hành án dân sự;
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
THAM KHẢO THÊM: