Trong thời đại hiện nay, chuyện vợ chồng ngoại tình dẫn đến hiện tượng ly hôn không phải là điều hiếm gặp. Vậy, những người có hành vi ngoại tình có gặp bất lợi khi chia tài sản ly hôn hay không?
Mục lục bài viết
1. Người ngoại tình có gặp bất lợi khi chia tài sản ly hôn không?
Ngoại tình là một trong những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong đời sống hôn nhân gia đình. Tuy nhiên pháp luật hiện nay chưa có bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra khái niệm cụ thể về ngoại tình. Ngoại tình thường được dùng trong đời sống để chỉ những người vợ hoặc những người chồng có những mối quan hệ trái pháp luật với người khác trong thời kỳ hôn nhân mà không phải là vợ hoặc chồng của mình. Vì thế, đây được coi là thuật ngữ cuộc sống hằng ngày chứ không phải là thuật ngữ pháp lý. Căn cứ theo quy định tại Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì có thể nói, hành vi chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ bị coi là trái pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì chung sống như vợ chồng là khái niệm để chỉ quá trình nam nữ tổ chức cuộc chung sống với nhau, trong quá trình chung sống thì họ coi nhau như vợ chồng thực sự. Qua tìm hiểu được biết, theo Điều 59 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về các nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng trong quá trình ly hôn như sau:
– Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì sẽ phải được giải quyết phù hợp với sự thỏa thuận của các bên, nếu như các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Tòa án nhân dân giải quyết;
– Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản trong quá trình ly hôn sẽ phải được áp dụng theo thỏa thuận của cả hai bên vợ chồng, nếu xét thấy thỏa thuận không đầy đủ và rõ ràng hoặc thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội thì sẽ áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết;
– Tài sản chung của vợ chồng theo nguyên tắc sẽ được chia đôi có tính đến các yếu tố cơ bản sau:
+ Hoàn cảnh của gia đình và hoàn cảnh của vợ chồng trên thực tế;
+ Công sức đóng góp của vợ chồng trong quá trình duy trì và phát triển khối tài sản chung đó, lao động của vợ chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong quá trình sản xuất và hoạt động nghề nghiệp để các bên có thể có điều kiện thuận lợi tiếp tục lao động tạo ra thu nhập cho bản thân;
+ Xem xét đến lỗi của mỗi bên trong việc vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
– Tài sản chung của vợ chồng phải được chia bằng hiện vật, nếu như tài sản đó không được chia bằng hiện vật thì phải chia theo giá trị, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần tài sản mà mình vốn dĩ được thường thì sẽ phải thanh toán cho bên còn lại phần chênh lệch;
– Tài sản riêng của vợ chồng sẽ thuộc quyền sở hữu riêng của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2014;
Bên cạnh đó, Điều 19 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 cũng có quy định về tình nghĩa vợ chồng, cụ thể như sau:
– Vợ chồng sẽ phải có nghĩa vụ yêu thương và chung thủy với nhau, tôn trọng và quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, chia sẻ và thực hiện các công việc trong gia đình dựa trên phương thức tự nguyện hướng đến một gia đình hạnh phúc;
– Vợ chồng có nghĩa vụ chung sống với nhau tự nguyện và không trái quy định của pháp luật, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu và tính chất của nghề nghiệp, do quá trình công tác hoặc học tập, tham gia vào các hoạt động chính trị văn hóa xã hội hoặc những lý do chính đáng khác.
Vì vậy có thể nói, pháp luật không quy định cụ thể thế nào là hành vi ngoại tình. Tuy nhiên pháp luật có quy định cụ thể về nghĩa vụ chung sống với nhau của vợ chồng, tức là hai người phải yêu thương và chung thủy với nhau trong thời kỳ hôn nhân, trong trường hợp người vợ hoặc người chồng vi phạm những điều nêu trên (trong đó có ngoại tình) thì sẽ bị xem là có lỗi, và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ vợ chồng khiến cho cuộc hôn nhân không thể hàn gắn. Trong trường hợp ly hôn, về phần tài sản trước hết thì tòa án sẽ tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Nếu như các bên không thỏa thuận được hoặc không thỏa thuận thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc thì tài sản chung của vợ chồng trước hết sẽ được chia đôi và có tính đến một số yếu tố cơ bản. Theo đó thì có thể nói, tại Điều 59 luật hôn nhân gia đình năm 2014 như đã phân tích ở trên thì việc phân chia tài sản chung của vợ chồng có xét đến yếu tố “lỗi của mỗi bên trong việc vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng”. Do vậy có thể đánh giá, người nào ngoại tình trong cuộc hôn nhân có thể gặp bất lợi trong trường hợp phân chia tài sản theo luật định trong quá trình ly hôn.
Theo đó, khi một bên ngoại tình và không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, vi phạm nghĩa vụ chung thủy và yêu thương lẫn nhau theo như phân tích ở trên, thì có thể gặp một số bất lợi khi thực hiện thủ tục ly hôn như sau:
Thứ nhất, bất lợi khi chia tài sản. Theo quy định của pháp luật thì về bản chất tài sản chia đôi trong quá trình ly hôn. Tuy nhiên nếu một trong hai bên ngoại tình thì sẽ có thiệt thòi hơn so với bên còn lại vì khi đó, người có hành vi ngoại tình sẽ bị coi là có lỗi, vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Thứ hai, bất lợi khi giành quyền nuôi con. Bên cạnh việc thiếu đi lợi thế trong quá trình phân chia tài sản khi ly hôn, nếu một trong hai bên ngoại tình thì con phải gặp bất lợi trong quá trình giành quyền nuôi con. Bởi nếu như các bên không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án sẽ phải giải quyết căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân gia đình năm 2014. Theo đó, thì vợ chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, có quyền thỏa thuận về nghĩa vụ của mỗi bên trong quá trình ly hôn đối với con. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi trong việc phát triển mọi mặt của đứa trẻ, nếu đứa trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên thì sẽ phải xem xét nguyện vọng của đứa trẻ đó. Do đó, nếu một trong hai bên ngoại tình và bên còn lại có đầy đủ chứng cứ về hành vi ngoại tình này thì có thể coi là một trong những bất lợi khi dành quyền nuôi con. Bởi vì hành vi ngoại tình sẽ được xác định là vi phạm nghĩa vụ chung thủy vợ chồng và không có thời gian để dành ra chăm sóc con cái, hơn nữa thì đứa trẻ chung sống với những người có hành vi ngoại tình sẽ không đảm bảo cho khả năng phát triển của trẻ sau này về mặt đạo đức.
Tóm lại, người có hành vi ngoại tình khi xem xét giành quyền nuôi con hoặc chia tài sản chung trong quá trình ly hôn đều cũng sẽ gặp bất lợi.
2. Cách thức ly hôn khi một bên ngoại tình:
Thông thường khi một bên ngoại tình trong thời kỳ hôn nhân thì đó là điều khó có thể tha thứ. Bên còn lại sẽ chọn cách ly hôn để giải thoát cho cả hai. Tuy nhiên trong quá trình ly hôn, các bên thường tập hợp những bằng chứng chứng cứ chứng minh bên kia đã ngoại tình để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mình theo như phân tích ở trên. Khi có đầy đủ chứng cứ đó thì một bên vợ chồng hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu ly hôn đơn phương hoặc thỏa thuận ly hôn thuận tình tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, ly hôn thuận tình khi một bên ngoại tình. Việc ly hôn thuận tình sẽ được áp dụng khi hai vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, phân chia tài sản và ai là người trực tiếp nuôi con. Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì tòa án sẽ ra quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn trong trường hợp vợ chồng cùng có yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện li hôn và đã thỏa thuận về các vấn đề khác có liên quan thì tòa án sẽ công nhận quá trình thuận tình ly hôn đó, nếu như các bên không thỏa thuận được hoặc chưa có thỏa thuận, thỏa thuận nhưng không đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giải quyết quá trình ly hôn theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong trường hợp ly hôn thuận tình do một bên ngoại tình thì tòa án sẽ không xem xét lý do hai vợ chồng ly hôn là gì mà chỉ đặt ra điều kiện để công nhận ly hôn thuận tình đó là hai vợ chồng đã cùng nhau tự nguyện li hôn và có những thỏa thuận xoay quanh vấn đề ly hôn. Do đó nếu như phát hiện một trong hai bên ngoại tình thì một bên còn lại có thể thỏa thuận về việc ly hôn, và hai vợ chồng có thể sử dụng biện pháp ly hôn thuận tình để chấm dứt quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên vì bên ngoại tỉnh được xác định là có lỗi trong mối quan hệ vợ chồng, vì vậy các bên có thể thỏa thuận người không có lỗi được hưởng quyền lợi cao hơn.
Thứ hai, ly hôn đơn phương khi một bên ngoại tình. Không giống như ly hôn thuận tình, ly hôn đơn phương là yêu cầu của một. Khi phát hiện ra vợ hoặc chồng đang ngoại tình, tuy nhiên vợ chồng lại không muốn ly hôn, do đó khi muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân và để được đảm bảo quyền lợi cao hơn, thì bên còn lại cần phải chuẩn bị bằng chứng chứng minh việc ngoại tình của bên vợ chồng. Sau khi có bằng chứng thì sẽ nộp cùng với đơn yêu cầu ly hôn tại tòa án.
3. Mức xử phạt hành vi ngoại tình trong thời kì hôn nhân:
Căn cứ theo quy định tại Điều 59 của
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định pháp luật sau đây:
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng trên thực tế nhưng kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có vợ hoặc đang có chồng;
– Đang có vợ hoặc đang có chồng nhưng lại có hành vi chung sống như vợ chồng với người khác;
– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng, tuy nhiên lại có hành vi chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ hoặc đang có chồng;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng trái quy định của pháp luật với người đã từng được xác định là cha mẹ nuôi, giữa cha chồng với con dâu, rữa mẹ vợ với con rể, giữa cha dượng với con riêng của vợ mẹ kế với con riêng của chồng trái luân thường đạo lý;
– Có hành vi cản trở kết hôn dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc có hành vi đưa ra những yêu sách của cải trong quá trình kết hôn, có hành vi cản trở ly hôn tự nguyện.
Như vậy thì có thể nói, nếu có hành vi ngoại tình, chung sống với người khác như vợ chồng trong thời kì hôn nhân nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.