Như chúng ta đã biết thì di chúc thể hiện ý chí định đoạt tài sản của người đã chết để lại tài sản đó cho người còn sống, Tài sản trong di chúc là tài sản thuộc quyền sở hữu của người lập di chúc đó. Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu nội dung về người lập di chúc là gì? Quyền của người lập di chúc?
Mục lục bài viết
1. Người lập di chúc là gì?
Theo quy định của pháp luật tại Điều 624. Di chúc
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”
Căn cứ theo đó có thể hiểu rằng người lập di chúc là người thể hiện ý chí của mình nhằm định đoạt tài sản và quyền tài sản thuộc sở hữu của mình sau khi chết bằng việc lập di chúc bằng văn bản. Người lập di chúc phải là người đã thành niên có năng lực hành vi dân sự, chủ sở hữu những tài sản và quyền tài sản thuộc sở hữu của người đó theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, pháp luật còn có quy định đối với người lập di chúc đó là họ sẽ chỉ định một hoặc nhiều người trong di chúc và cho họ hưởng một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình. Nếu trong di chúc có nhiều người, mỗi người được hưởng bao nhiêu phụ thuộc vào ý chí của người có tài sản. Người có tài sản thể hiện ý chí của mình, nhưng ý chí đó có được thực hiện hay không phụ thuộc vào hình thức biểu lộ ý chí.
2. Quyền của người lập di chúc:
Tại Điều 626. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Trường hợp người lập di chúc có năng lực hành vi một phần ( từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi) khi lập di chúc phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Những người ở độ tuổi này thường chưa nhận thức đầy đủ hậu quả của hành vi lập di chúc, vì vậy, pháp luật quy định cần phải có sự kiểm soát của người đại diện hoặc người giám hộ.
Người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện. Tự nguyện theo nghĩa khái quát là việc thực hiện theo ý mình, do mình mong muốn, không phụ thuộc vào bất cứ một chủ thể nào khác. Về mặt bản chất, tự nguyện của người lập di chúc là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của họ. Sự thống nhất trên chính là sự thống nhất giữa mong muốn chủ quan, mong muốn bên trong của người lập di chúc với hình thức thể hiện ra bên ngoài sự mong muốn đó.
Vì vậy, việc phá vỡ sự thống nhất giữa mong muốn bên trong và thể hiện ra bên ngoài làm mất đi tính tự nguyện của người lập di chúc. Sự thống nhất này có thể bị phá vỡ trong những trường hợp người lập di chúc bị cưỡng ép, đe dọa hoặc di chúc do họ lập trên cơ sở bị lừa dối,…đều là nguyên nhân làm mất đi tính trung thực trong việc định đoạt của người lập di chúc, dẫn đến sự vô hiệu của di chúc để lại thừa kế.
Như vậy có thể đưa ra một vài nhận định về quyền của ngườ lập di chúc khi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự đó là:
Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế: Người lập di chúc có quyền để lại di sản cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào.Người được nhận di sản có thể là cá nhân trong hay ngoài diện thừa kế theo quy định của pháp luật hoặc cũng có thể là nhà nước,tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội… Quyền định đoạt của người lập di chúc còn được thể hiện thông qua việc họ có thể truất quyền hưởng di sản của người thừa kế theo pháp luật như: (cha,mẹ, vợ, chồng, con, anh, em ruột…) mà không nhất thiết phải nêu lí do,người lập di chúc có thể chỉ định một hay nhiều người thừa kế theo pháp luật không được hưởng di sản thừa kế của mình.
Ngoài ra người lập di chúc còn có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế, Việc phân định di sản cho người thừa kế trong trường hợp có nhiều người cùng được thừa kế. Người lập di chúc có quyền phân chia di sản cho mỗi người không nhất thiết phải ngang bằng nhau và không cần phải nêu lí do nếu không phân định.
Người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng được hiểu đó là người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản của mình để thực hiện việc di tặng hay thờ cúng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó người lập di chúc còn có các quyền như giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản có nghĩa là người lập di chúc có quyền giao nghĩa vụ cụ thể cho người thừa kế( như giao cho người thừa kế được hưởng một căn nhà nhưng phải để cho một người bạn thân tàn tật mà trước đây vẫn sống nương nhờ vào người để lại di sản hoặc ở nhờ một phần căn nhà cho đến khi người đó chết hoặc giao cho người thừa kế phải trả một món nợ mà người để lại di sản chưa trả. Người lập di chúc có thể giao cho nghĩa vụ cho người mà không cho họ hưởng di sản. Trong trường hợp này không bắt buộc người được giao nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó. Trong trường hợp giao nghĩa vụ và cho hưởng di sản thì người được giao nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản được hưởng đó theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó họ còn có quyền như chỉ định người giữ di chúc, người quản lí di sản, người phân chia di sản theo quy định tại bộ luật dân sự 2015 quy định người lập di chúc có quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lí di sản, người phân chia di sản. Việc chỉ định những người giữ di chúc, người quản lí di sản, người phân chia di sản là hoàn toàn theo ý chí tự nguyện của người lập di chúc. Người lập di chúc có thể cử một người vừa giữ di chúc, đồng thời vừa quản lí di sản và phân chia di sản. Nhưng người lập di chúc vẫn có thể cử nhiều người mỗi người làm một việc riêng. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, người được chỉ định có thực hiện hay không tùy thuộc vào ý chí chủ quan của họ. Đây không phải là nghĩa vụ pháp lí mà nó biểu hiện tinh thần tự nguyện, đoàn kết giúp đỡ người khác.
3. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc không?
Người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy di chúc, theo đó sửa đổi di chúc là việc mà người lập di chúc thay thế một phần quyết định cũ của mình đối với các phần trong di chúc trước đó. Thông thường sự sửa đổi di chúc đã lập biểu hiện ở những mặt sau cụ thể như sửa đổi người được hưởng thừa kế, sửa đổi về quyền và nghĩa vụ cho người thừa kế, sửa đổi về câu chữ và bổ sung di chúc có nghĩa là người lập di chúc có quyền “ bổ sung” di chúc đã lập. Phần bổ sung là phần thêm vào nội dung của di chúc. Cũng như việc sửa đổi di chúc, phần bổ sung cũng có thể không hợp pháp nếu như lúc bổ sung di chúc người đó không còn minh mẫn hoặc nội dung của nó trái với pháp luật, đạo đức xã hội.
Theo những điề chúng tôi đã phân tích thì có thể thấy nếu người lập di chúc bổ sung di chúc, mà phần di chúc bổ sung vẫn hợp pháp thì di chúc đã lập và phần di chúc bổ sung đều có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, có những trường hợp “Nếu phần di chúc đã lập và phần di chúc bổ sung mâu thuẫn với nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật”.
Theo đó đối với các trường hợp như thay thế di chúc có thể hiểu là việc người để lại di sản lập di chúc khác thay thế cho di chúc cũ vì họ cho rằng những quyết định của mình trong di chúc trước không còn phù hợp với ý chí của họ nữa. Do đó, di chúc trước coi như không có, vì chính người lập di chúc hủy bỏ nếu như việc thay thế di chúc trong lúc hốc minh mẫn sáng suốt. Nên một người lập nhiều di chúc vào các thời điểm khác nhau mà nội dung của các di chúc không phủ định lẫn nhau trong trường hợp này tất cả di chúc đều có hiệu lực. Ngược lại, nếu nội dung phủ định nhau thì coi đó là thay thế di chúc.
Việc hủy bỏ di chúc có thể hiểu là việc người để lại thừa kế từ bỏ di chúc của mình bằng cách không công nhận di chúc do mình lập ra là có giá trị. Trường hợp này được coi là không có di chúc. Do vậy, di sản thừa kế sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc hủy bỏ di chúc có thể được thực hiện dưới các hình thức như người lập di chúc tự tiêu hủy tất cả di chúc đã lập và người lập di chúc lập một di chúc khác tuyên bố hủy di chúc đã lập.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Bộ Luật Dân Sự 2015.