Một vấn đề được nhiều người thắc mắc đó là người làm chứng khi tham gia phiên tòa sẽ có quyền lợi gì, liệu việc nói ra sự thật có gây ảnh hưởng gì đến bản thân người làm chứng và gia đình họ hay không? Để đảm bảo quyền lợi cho người làm chứng, pháp luật Việt Nam đã quy định như thế nào về bảo vệ người làm chứng?
Mục lục bài viết
1. Quy định pháp luật về vấn đề bảo vệ người làm chứng:
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có khái niệm cụ thể về người làm chứng. Trong đó, theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Tố tụng Hành chính đều quy định về người làm chứng là người biết các tình tiết liên quan đến vụ việc, vụ án được đương sự đề nghị và Tòa án triệu tập tham gia tố tụng. Còn Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-VPQH ngày 03/12/2021 có quy định khác rằng người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
Cũng như các đương sự, người làm chứng khi tham gia tố tụng tại Tòa án cũng được hưởng các quyền lợi khác nhau được quy định tại Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 62 Văn bản hợp nhất số 30/VBHN-VPQH Luật Tố tụng Hành chính ngày 16/12/2019 và Điều 66 Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-VPQH Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 03/12/2021. Cụ thể, người làm chứng sẽ có những quyền sau:
+ Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó ảnh hưởng xấu, gây bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình. Như vậy, khi cảm thấy nếu những gì mình khai báo có thể gây ảnh hưởng xấu đến nhà nước, đương sự và những cá nhân khác thì Tòa án vẫn tôn trọng quyền được giữ im lặng của người làm chứng.
+ Có quyền yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền lợi hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng. Người làm chứng là những người đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều tra và xét xử vụ án, vì lời nói của họ là nguồn chứng cứ quan trọng trong vụ án. Chính vì vậy, có nhiều trường hợp những đối tượng vi phạm sẵn sàng đe dọa, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người làm chứng và người thân của họ. Trường hợp người làm chứng bị đe dọa đến tính mạng. sức khỏe, danh dự,… thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với mình và gia đình.
+ Có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nếu phát hiện hành vi đó vi phạm pháp luật. Điều này vừa bảo vệ được lẽ phải, vừa bảo vệ được những người bị bất lợi do hành vi vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng.
+ Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và các chi phí khác theo quy định của pháp luật. Việc người làm chứng phải thường xuyên đi đến cơ quan điều tra để phục vụ cho việc lấy lời khai cũng làm mất nhiều thời gian, công sức, chi phí đi lại của họ do đó pháp luật có quy định người làm chứng sẽ được thanh toán các chi phí cần thiết cho những việc phục vụ cho việc tham gia tố tụng.
Ngoài những quyền lợi được quy định trong luật, hầu như ở các tòa án đều có những nội quy khi tham gia phiên tòa như không được chụp ảnh, ghi âm, ghi hình nội dung phiên tòa; cách ly người làm chứng và thực hiện việc hỏi kín người làm chứng… Quy định này nhằm mục đích bảo mật thông tin cá nhân của những người làm chứng. Điều này nhằm tránh trường hợp người làm chứng sẽ bị trả thù, thậm chí gia đình của người làm chứng có thể bị xâm hại. Từ đó, sẽ tạo động lực, niềm tin cho nhiều người muốn đứng lên bảo vệ lẽ phải trong những trường hợp sau này.
2. Các biện pháp bảo vệ người làm chứng tại phiên tòa:
Khi tham gia phiên tòa, đương sự và những người tham gia tố tụng tuy có những quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau nhưng những người này đều có cùng quyền lợi được Tòa án bảo vệ tại phiên tòa. Cả đương sự và người làm chứng đều là những cá nhân quan trọng trong việc xử lý vụ án, chính vì vậy Tòa án có quy định nhiều biện pháp bảo vệ như:
+ Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ phiên tòa khỏi những tình huống bị phá rối, xâm hại đến người làm chứng hay các đương sự.
+ Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người làm chứng. Đối với những vụ án về tội danh xâm hại về tính mạng, sức khỏe, về ma túy, tham nhũng thì những nhóm đối tượng này rất có thể sẽ xâm hại những người làm chứng khi có cơ hội, không chỉ là trong quá trình xử lý vụ án. Có nhiều trường hợp sau khi kết thúc vụ án, người phạm tội hoặc người liên quan của họ tìm đến trả thù, cảnh cáo những những người làm chứng và gia đình. Chính vì vậy, việc giữ bí mật thông tin của người làm chứng cũng là biện pháp bảo vệ họ lâu dài.
+ Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhận dạnh của người làm chứng và gia đình, nếu được họ đồng ý. Dù có quy định yêu cầu giữ bí mật thông tin cho người làm chứng, nhưng thực tế cũng có nhiều trường hợp bị lộ thông tin. Do đó, các biện pháp này sẽ giúp hạn chế được những rủi ro nếu thông tin cá nhân của người làm chứng bị lộ.
+ Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm phạm người làm chứng; ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm tại Tòa án. Đây là biện pháp trực tiếp công khai bảo vệ người làm chứng tuy nhiên chỉ đem lại sự an toàn cho họ tại phiên tòa mà không có tính chất bảo vệ dài hạn.
Để bảo vệ người làm chứng tốt nhất, đảm bảo cho sự công bằng, lẽ phải được bảo vệ thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng đồng thời nhiều biện pháp bảo vệ khác nhau. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ không chỉ giúp ích cho mỗi người làm chứng, mà điều này còn góp phần xây dựng một xã hội an toàn, tốt đẹp hơn.
3. Việc áp dụng biện pháp bảo vệ người làm chứng:
Thông thường để việc xét xử vụ án diễn ra suôn sẻ, không để lại hệ quả xấu cho những người tham gia, cơ quan có thẩm quyền có thể tự thực hiện những biện pháp bảo vệ người làm chứng ngay khi có căn cứ về việc sẽ bị xâm hại trong quá trình tố giác, điều tra, xét xử vụ án…
Tuy nhiên đối với vụ án tố tụng hình sự thường có yếu tố nguy hiểm hơn các vụ án khác, pháp luật có quy định người làm chứng có quyền làm văn bản đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Nếu có trường hợp khẩn cấp, người làm chứng được quyền trực tiếp đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ sau đó mới nộp văn bản đề nghị. Sau khi kiểm tra căn cứ, tính xác thực của đề nghị, yêu cầu bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ và giải thích rõ lý do. Trường hợp đồng ý áp dụng thì cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức thực hiện ngay biện pháp bảo vệ. Sau khi xét thấy căn cứ xâm hại, đe dọa xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự,… người làm chứng không còn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ phải ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ.
Thời gian bảo vệ người làm chứng được tính từ khi áp dụng biện pháp bảo vệ cho đến khi có quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ. Trong quá trình bảo vệ, nếu xét thấy cần thiết cho người làm chứng, cơ quan có thẩm quyền có thể thay đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ khác.
THAM KHẢO THÊM: