Xu hướng tính dục khác với ba cấu thành khác của tính dục bao gồm giới tính sinh học, bản dạng giới và thể hiện giới. Có các xu hướng tính dục thường gặp là: dị tính, đồng tính, song tính, vô tính.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm người đồng tính:
Thuật ngữ “đồng tính” hay viết tắt của cụm từ “đồng tính luyến ái” (homosexual) xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến. Cụm từ này xuất hiện lần đầu trong một tiểu thuyết của nhà văn Đức Karl Maria Kertbenty xuất bản năm 1869 nhằm phản đối việc nước Phổ ban hành luật chống lại các quan hệ tình dục trái tự nhiên (sodomy law), sau đó lần lượt được sử dụng lại trong các tác phẩm Discovery of the Soul của
Gustav Jager, Psychopathia Sexualis (1886) của Richard von Krafft – Ebing, thuật ngữ này cũng được dùng để phân biệt với người dị tính và song tính. Hiện tượng đồng tính luyến ái là sự hấp dẫn tình cảm, tình dục và cảm xúc giữa những người cùng giới tính – nam với nam, nữ với nữ. Những người đồng tính luyến ái nam trong tiếng Anh được gọi là gay, còn những người đồng tính luyến ái nữ là les hay còn gọi là lesbian.
Có rất nhiều quan điểm liên quan đến đồng tính, song tính,... cho rằng đây là bệnh, là điều trái với tự nhiên, có thể chữa trị được. Tuy nhiên cũng có rất nhiều quan điểm cho rằng đồng tính là điều tự nhiên của xã hội. Để hiểu rõ hơn về đồng tính, cần tiếp cận người đồng tính dưới nhiều góc độ khác nhau như y học, xã hội, khoa học.
Dưới góc độ y học: Người đồng tính vẫn mang giới tính nam hoặc nữ và vẫn xem mình là nam hoặc nữ nhưng chỉ bị hấp dẫn bởi những người cùng giới tính. Trong một thời gian khá dài nhiều ý kiến cho rằng đồng tính là bệnh hoạn, có thể chữa trị bằng y học là một quan điểm sai lầm, bởi người đồng tính vẫn hoàn toàn mang những đặc điểm sinh học như những người dị tính khác, không có sự khiếm khuyết nào về cấu tạo sinh học.
Dưới góc độ xã hội: Với cách tiếp cận xã hội học thì đồng tính luyến ái có thể được coi là một hiện tượng lệch chuẩn. Điều này xuất phát từ việc đồng tính xuất hiện làm phá vỡ những quan điểm đạo đức xã hội, quan điểm tôn giáo cũng như pháp luật trước đó của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trái với những chuẩn mực xã hội đã tồn tại trong suốt thời gian dài trước đó. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, hiện tượng đồng tính luyến ái đã thay đổi quan niệm của rất nhiều quốc gia, dần dần được chấp nhận, được coi như người bình thường, một giới tính khác trong xã hội, thậm chí là được pháp luật chấp nhận và bảo vệ.
Dưới góc độ khoa học: Để hiểu biết rõ hơn về đồng tính, người đồng tính cũng như các thuật ngữ khác có liên quan dưới góc nhìn khoa học, trước hết cần làm rõ các thuật ngữ về tính dục và xu hướng tính dục.
Từ những năm 1970, Hội đồng giáo dục và thông tin về tình dục ở Mỹ (Sexuality Information and Education Council of the United States – SIECUS) đã đưa ra định nghĩa hiện đại về tính dục như sau:
Tính dục là tổng thể con người, bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của con trai hoặc con gái, đàn ông hoặc đàn bà và biến động suốt đời. Tính dục phản ánh tính cách con người, không phải chỉ là bản chất sinh dục.
Vì là một biểu đạt tổng thể của nhân cách, tính dục liên quan tới yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tinh thần và văn hóa của đời sống. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và mối quan hệ giữa người
với người và do đó tác động trở lại xã hội. Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (viết tắt APA) thì:
Xu hướng tính dục là một sự hấp dẫn có tính bền vững về cảm xúc hoặc về mặt tình dục của một người về phía những người khác giới, cùng giới hoặc cả hai giới.
Xu hướng tính dục khác với ba cấu thành khác của tính dục bao gồm giới tính sinh học, bản dạng giới và thể hiện giới. Có các xu hướng tính dục thường gặp là:
– Di tính – Heterosexual là hiện tượng một người bị hấp dẫn về mặt tình cảm và tình dục với người khác giới tính, cho rằng mình có giới tính trùng với giới tính sinh học mà mình được sinh ra. Đây là xu hướng tính dục dễ nhận thấy nhất, chiếm đông đảo, đa số trong xã hội.
– Đồng tính – Homosexual là hiện tượng một người bị hấp dẫn với người cùng giới tính với mình.
– Song tính – Bisexual là hiện tượng một cho rằng mình có giới tính trùng với giới tính sinh học mà mình được sinh ra và bị hấp dẫn với cả hai giới tính nam và nữ.
– Vô tính– asexual là hiện tượng một người không bị hấp dẫn bởi bất kì ai, không bị hấp dẫn bởi bất kì giới tính nào.
Hiện nay, do người dị tính chiếm đa số trong xã hội, đã hình thành nên tự tưởng về mô hình gia đình với sự kết hợp giữa một nam và một nữ chính là mô hình gia đình kiểu mẫu của xã hội, trở thành quan niệm truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới.
Do đó, người đồng tính là người bị hấp dẫn bởi một người có cùng giới tính với mình”. Những người đồng tính luyến ái nam trong tiếng Anh được gọi là gay. Còn những người đồng tính luyến ái nữ là les hay còn gọi là lesbian. Tuy nhiên, rất khó để nhận biết một người thuộc xu hướng tính dục nào, bởi không phải xu hướng nào cũng được biểu lộ ra, thậm chí là thường bị giấu kín. Xuất phát từ sự “khác biệt của người đồng tính với người dị tính, người đồng tính chiếm số ít trong xã hội, dễ bị kì thị, xa lánh nên họ thường không muốn công khai. Bản thân người đồng tính cũng rất khó khăn để chấp nhận, để hiểu bản thân của mình, nhiều người cần rất nhiều thời gia thậm chí là đến giai đoạn trưởng thành mới có thể nhận định được đầy đủ về xu hướng tính dục của mình. Trong quá trình tìm hiểu bản thân, một số người đã cố gắng để thay đổi xu hướng tính dục của bản thân từ đồng tính sang dị tính nhưng không thành công.
Cũng theo quan điểm của Hiệp hội tâm lý học Mỹ (American Psychological Association – APA) đồng tính hoàn toàn không phải là một sự rối loạn tâm sinh lý mà là một hiện tượng sinh học tự nhiên, chịu sự tác động qua lại phức tạp của các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường tử cung trong giai đoạn đầu ở thai nhi. Theo đó, có rất nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng đến xu hướng tính dục của một người như các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý, xã hội chỉ là một trong số các yếu tố phụ góp phần thể hiện rõ xu hướng của người đồng tính, yếu tố quyết định xu hướng tính dục của một cá nhân vẫn là yếu tố sinh học, điều này đồng nghĩa với việc đồng tính là một bản chất tự nhiên, vốn có của một người khi mà họ được sinh ra, người đồng tính không thể lựa chọn được xu hướng tính dục của mình.
Năm 1973, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) đã loại đồng tính luyến ái khỏi danh sách các bệnh sau một cuộc bỏ phiếu, với 58% phiếu thuận và 42% phiếu chống (chưa kể phiếu trắng), đến năm 1990 Tổ chức y khoa thế giới cũng đã công nhận đồng tính không phải là một loại bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một bộ phận không nhỏ vẫn coi đồng tính là một loại bệnh, có thể thay đổi được xu hướng tính dục này bằng các biện pháp y học. Một bộ phận khác cho rằng đồng tính do tác động về tâm lý, môi trường gây ra nên họ tìm cách khắc phục bằng việc để người đồng tính yêu, kết hôn người khác giới. Song song với đó là những quan điểm về đạo đức và tôn giáo đã gây nên cũng áp lực không hề nhỏ đối với người đồng tính, khiến họ mệt mỏi, trầm cảm, thậm chí có thể dẫn đến hành vi tự tử. Chính những áp lực này khiến cho người đồng tính không dám thể hiện bản thân, công khai xu hướng tính dục của bản thân, khiến họ cảm thấy sợ, tự phủ nhận bản thân, không thể chấp nhận được xu hướng tình dục của chính bản thân mình.
Rất khó khăn để người đồng tính công khai xu hướng tình dục của bản thân. Việc công khai của người đồng tính cho thấy họ muốn thể hiện xu hướng tính dục của bản thân với cộng đồng, xã hội, dù cho họ có thể gặp nhiều vấn đề về sự kì thị, bị bạo hành, ngược đãi, ... Điều này cũng thể hiện người đồng tính muốn được xã hội công nhận xu hướng tính dục của mình, muốn được xã hội công nhận quyền, bảo vệ quyền, và hơn hết là khao khát được thực hiện quyền của chính người đồng tính.
2. Quyền của người đồng tính trong hôn nhân và gia đình là gì:
2. 1. Quyền của người đồng tính:
a) Quyền của người đồng tính có bản chất là quyền tự nhiên của con người
Trước hết, quyền tự nhiên là những quyền được cho là quan trọng cho mọi con người, loài động vật hoặc thậm chí là mọi sinh vật. Những người theo học thuyết về quyền tự nhiên cho rằng quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra đều được hưởng chỉ đơn giản bởi họ là thành viên của gia đình nhân loại. Các quyền con người, do đó, không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào.
Theo Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ năm 1776, cũng như Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 các quyền tự nhiên được bao gồm: “quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Cũng trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Quyền tự nhiên của người đồng tính được thể hiện qua các quyền chủ yếu như:
– Quyền được sống và tự do:
Cũng như tất cả các cá nhân khác trong xã hội, người đồng tính sinh ra đã có một quyền cơ bản, quyền được sống, được bảo đảm an toàn về thân thể, bảo đảm về sức khỏe, người đồng tính cũng có quyền hưởng những quyền này một cách bình đẳng và ngang bằng như những người khác.
Quyền tự nhiên cũng cho rằng “con người sinh ra tự do”, tự do là khả năng tự quyết, khả năng làm những điều mình mong muốn mà không gặp bất kì một cản trở nào trong trường hợp nó không ảnh hưởng đến quyền của người khác. Có thể thấy, quyền được công khai xu hướng tính dục, sống theo xu hướng tình dục cũng là một trong số những biểu hiện tiêu biểu của quyền tự do. Tuy nhiên, trên thực tế, khi người đồng tính công khai xu hướng tính dục của mình lại gặp phải rất nhiều những cản trở của xã hội, những quan điểm sai lầm này làm ảnh hưởng đến quyền được thoải mái, tự do công khai và sống với đúng bản thân của người đồng tính, kiến họ không thể thực hiện “quyền tự do” của mình. Bên cạnh đó, khi người đồng tính công khai và sống theo xu hướng tính dục của mình không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của người nào khác, không ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội thì quyền này của người đồng tính cần được công nhận và bảo vệ.
– Quyền mưu cầu hạnh phúc Có thể hiểu mưu cầu hạnh phúc là việc con người ước muốn và cố gắng làm mọi điều để tìm kiếm, đạt được hạnh phúc cho bản thân. Đối với người đồng tính sự mưu cầu hạnh phúc có thể chỉ đơn giản là quyền được sống với đúng xu hướng tính dục của mình, tìm kiếm và sống hết mình với giá trị của bản thân, được xã hội tôn trọng và thừa nhận. Tuy nhiên, với tư tưởng, quan điểm chung của xã hội hiện nay, rất khó để người đồng tính được thực hiện quyền này của bản thân.
b) Quyền của người đồng tính bị hạn chế hơn so với quyền của các chủ thể khác trong xã hội
Quyền của người đồng tính là quyền tự nhiên, quyền con người tuy nhiên, quyền này của người đồng tính bị hạn chế hơn rất nhiều so với những chủ thể khác trong xã hội. Trong các quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, người đồng tính có mong muốn được kết hôn, được lập gia đình, được thực hiện các quyền hôn nhân và gia đình, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ các quyền đó. Tuy nhiên, quyền của người đồng tính nói riêng và quyền của người LGBTI nói chung đều rất khó để thực hiện trên thực tế. Ví dụ điển hình là người dị tính hoàn toàn được thoải mái trong việc công khai giới tính, sống với xu hướng tính dục của bản thân, được pháp luật công nhận và bảo vệ, không bị người khác kì thị. Nhưng người đồng tính và người LGBTI rất khó để thực hiện quyền này, họ luôn bị hạn chế những quyền này bởi các quy định của pháp luật, bởi các quy định của tôn giáo, và bởi cả quan điểm truyền thống của xã hội.
Ở một số quốc gia Hồi giáo, quan hệ đồng tính là bất hợp pháp, người vi phạm có thể đi tù và nặng nhất là tử hình. Việc tử hình thường có bốn loại: cả dân làng cùng ném đá đến chết; bị treo cổ; bị chặt đầu; hoặc được gột rửa bằng phương pháp đẩy từ một tầng cao của một công trình kiến trúc. Như điều luật Sharia, cho rằng việc đồng tính luyến ái là một tội ác, kẻ gian, và cái chết thường là hình phạt cho những người phạm tội. Ở Nigeria, luật liên bang của nước này coi hành động quan hệ tình dục giữa 2 người đồng tính là trọng tội phải bị phạt tù. Ở một số tiểu bang có sử dụng luật Hồi giáo, những người đàn ông vi phạm điều này sẽ phải chịu tội chết. Ngoài ra, hồi tháng 1.2016, nước này còn ban hành một luật cấm những người đồng tính nam trên cả nước tham gia các buổi tụ tập hay lập hội nhóm. Điều này cho thấy người đồng tính đang bị hạn chế quyền rất nhiều so với người dị tính.
Việc thực hiện các quyền này của người đồng tính phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như các giá trị truyền thống, chính trị, tôn giáo, pháp luật, ... tại mỗi quốc gia, khu vực khác nhau.
c) Quyền của người đồng tính cần được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật
Người đồng tính luôn được coi là đối tượng yếu thế, là nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Mặc dù không có định nghĩa chính thức chung nào được đưa ra về các nhóm người dễ bị tổn thương, tuy nhiên có thể hiểu rằng khái niệm này chỉ những nhóm, cộng đồng có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay bị vi phạm các quyền con người, và bởi vậy, họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác. Nhóm người này bao gồm lao động tình dục, phụ nữ nhập cư, người tiêm chích ma túy, người có H và nhóm thiểu số về giới và tính dục. Người đồng tính được coi là người thiểu số về giới và tính dục.
Hiện nay, có rất nhiều quyền được coi là cần thiết của người đồng tính vẫn chưa được pháp luật ghi nhận và bảo vệ như: quyền kết hôn cùng giới tính, quyền nuôi con nuôi của các cặp đồng tính, ... Việc ghi nhận và bảo vệ quyền của các đối tượng này góp phần làm giảm đi tính “dễ bị tổn thương” của nhóm đối tượng này với các cá nhân khác trong xã hội, để người đồng tính được ghi nhận quyền, tiếp cận quyền, thực hiện quyền, bảo vệ quyền, ... được công bằng so với các chủ thể khác.
Khi ghi nhận quyền của người đồng tính cần ghi nhận quyền của người đồng tính dưới góc độ là quyền con người nói chung, là quyền vốn có khi người đó được sinh ra. Người đồng tính cũng là một công dân hoàn toàn bình thường trong xã hội, họ phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm như những công dân khác, nên họ hoàn toàn có quyền như những công dân khác. Do đó, cần phải sử dụng quyền con người để thừa nhận và bảo vệ các quyền lợi của người đồng tính.
Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc đã ghi nhận:
Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác. Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền (Điều 2).
Bên cạnh một số quyền cơ bản khác, người đồng tính cần được hưởng đầy đủ các quyền sau:
– Quyền được tôn trọng về phẩm giá của mỗi cá nhân: mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền (Điều 1);
– Quyền tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền, quyền sống, tự do và an toàn cá nhân; quyền được thừa nhận tư cách là con người trước pháp luật ở khắp mọi nơi, bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ như nhau, không có bất kỳ sự phân biệt nào; quyền tự do với cuộc sống riêng tư, quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm; quyền làm việc, tự do làm việc, hưởng các điều kiện làm việc như nhau và không bị phân biệt đối xử (các Điều 1, 3, 6, 7, 12, 19 và 23);
– Quyền được bảo vệ, không bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm, được bảo vệ chống lại mọi hành vi, hình thức phân biệt đối xử hoặc xúi giục phân biệt đối xử; quyền được pháp luật bảo vệ chống lại các hành vi can thiệp hoặc xâm phạm đời sống riêng tư, gia đình, nơi ở, danh dự và uy tín, gia đình được nhà nước và xã hội bảo vệ (các Điều 5, 7, 12 và 16);
– Quyền kết hôn và xây dựng gia đình: nam và nữ khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình, không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch và tôn giáo. Họ được hưởng mọi quyền bình đẳng như nhau khi kết hôn, trong thời gian chung sống và sau khi ly hôn (Điều 16);
– Quyền bình đẳng trong việc hưởng các dịch vụ xã hội (Điều 21);
Tóm lại, quyền của người đồng tính là một biểu hiện cụ thể của quyền tự nhiên, có tính chất xã hội, các quyền lợi đó chỉ được bảo đảm trên thực tế khi được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật.
2. 2. Quyền của người đồng tính trong hôn nhân và gia đình:
a) Quan điểm về hôn nhân và gia đình:
Trước hết, hôn nhân và gia đình là những yếu tố liên quan đến kết hôn, ly hôn, quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con,... và những vấn đề khác có liên quan.
Các quan niệm hiện nay đều cho rằng, hôn nhân là một sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà, được gọi là vợ chồng. Hôn nhân tạo ra quyền lợi và nghĩa vụ giữa họ, cũng như giữa họ và con cái của họ, và giữa họ và gia đình của người kia. Các cá nhân có thể kết hôn vì một số lý do, bao gồm các mục đích pháp lý, xã hội, tự nguyện, tình cảm, tài chính, tinh thần và tôn giáo, Hôn nhân có thể được công nhận bởi một nhà nước, một tổ chức, một cơ quan tôn giáo, một nhóm bộ lạc, một cộng đồng địa phương.
Định nghĩa về hôn nhân khác nhau trên khắp thế giới, tùy vào đặc điểm văn hóa, chính trị, tôn giáo, ... của mỗi quốc gia, khu vực khác nhau.
Theo Viện Từ Điển Học và Bách Khoa Thư Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Hôn nhân là sự kết hợp giữa hai cá nhân thuộc hai giới tính khác nhau thông qua các bước với những nghi thức nhất định để thành lập gia đình, thực hiện các chức năng chủ yếu là tái sản xuất nòi giống, giáo dục con cái và sản xuất kinh tế”.
Hôn nhân theo luật dân sự La Mã là liên minh suốt đời giữa người đàn ông và người đàn bà cùng chung những quyền của con người và Thượng đế. Hồi giáo coi kết hôn là việc làm cần thiết để xây dựng, gắn kết gia đình, trao đổi yêu thương, thanh lọc bản thân khỏi những điều ô uế, cân bằng nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người một cách hợp lý và đạo đức. Bên cạnh đó kết hôn là cách tốt nhất để sinh con, duy trì nòi giống, để giữ gìn, bảo vệ dòng tộc, huyết thống và tránh được nhiều bệnh tật nguy hiểm. Kết hôn mang lại sự bình yên, an lành và thanh thản trong tâm hồn, giúp mỗi cá nhân trở thành người chồng, người vợ, người cha, người mẹ thanh khiết và cao quý.
Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng.
Gia đình được coi là một phạm trù đặc biệt trong xã hội học, người ta xem xét gia đình như một nhóm xã hội nhỏ, đồng thời như một thiết chế xã hội mà có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xã hội hóa con người. Theo Liên hợp quốc, gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người.
Như vậy, hầu hết các quan điểm về hôn nhân và gia đình đều cho rằng hôn nhân là một quan hệ giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, là tiền đề xây dựng gia đình.
Nhìn từ góc độ của người đồng tính, có thể thấy những quan điểm này đã giới hạn đi quyền của người đồng tính, những người có cùng giới tính, rất khó có khả năng có một quan hệ hôn nhân được thừa nhận, kéo theo đó là những giới hạn về quyền hôn nhân và gia đình. Điều này đã hạn chế đi quyền của người đồng tính quy định trong Điều 16 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc: “Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hồn thủ cũng như khi ly hôn”.
b) Quyền của người đồng tính trong hôn nhân và gia đình:
Quyền của người đồng tính trong hôn nhân và gia đình được thể hiện chủ yếu qua một số quyền tiêu biểu như:
– Quyền kết hôn, lập gia đình:
Khi hầu hết quan điểm của các quốc gia đều không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người có cùng giới tính, thì có 2 hình thức khác phát sinh nhằm đảm bảo quyền của người đồng tính đó là chế định “ kết hợp dân sự” và “sống chung như vợ chồng”, cả 2 chế định này đều được coi như tiền đề của quy định về kết hôn của người đồng tính.
Kết hợp dân sự là chung sống có đăng ký cho các cặp đôi cùng giới tính, một hình thức gần tương tự như hôn nhân, áp dụng riêng cho các cặp đôi cùng giới. Các cặp đôi này đăng ký với cơ quan nhà nước để hợp pháp hóa việc chung sống với nhau và hưởng các quyền, nghĩa vụ tương tự như hôn nhân của các cặp khác giới.
Sống chung như vợ chồng cũng là một chế định được tạo ra để mở rộng quyền cho các cặp chưa kết hôn, chưa đăng kí sống với nhau và coi nhau như vợ chồng bao gồm (nhưng không nhất thiết giới hạn ở) các cặp đồng giới. Quan hệ sống chung như vợ chồng thường hạn chế về quyền hơn so với chế định “kết hợp dân sự”.
– Quyền nuôi con nuôi và nhận con nuôi:
Quyền nuôi con là quyền tự nhiên của bất kì một cha mẹ nào, cha mẹ hoàn toàn có quyền nuôi dưỡng và chung sống với con cái của mình, không phụ thuộc vào giới tính, xu hướng tính dục của cha mẹ đó, cha mẹ chỉ có thể bị cách ly với đứa trẻ khi việc cách ly là cần thiết theo quy định quốc gia đó. Khác với quyền nuôi con nuôi nói chung, quyền nuôi con nuôi của người đồng tính nói riêng được coi là quyền pháp định, nó chỉ được thừa nhận bởi quy định pháp luật của các quốc gia. Việc quy định về quyền nuôi con nuôi của người đồng tính bị giới hạn bởi quy định của mỗi quốc gia khác nhau, bị ảnh hưởng bởi phong tục tập quán, truyền thống văn hoá xã hội, tôn giáo,... ở mỗi quốc gia đó. Điều này cho thấy, quyền nuôi con nuôi nói riêng không được coi là quyền tự nhiên của con người mà chỉ được coi là hợp pháp khi được công nhận và bảo vệ, Chỉ khi được pháp luật thừa nhận, người đồng tính mới có đầy đủ quyền khi nuôi con của mình mà không bị hạn chế so với các cá nhân khác.
Người đồng tính khi nhận con nuôi dưới tư cách là cá nhân nhận nuôi con nuôi thì hầu hết đều có thể nhận nuôi một cách bình thường theo pháp luật quốc gia, khu vực người đó sống. Tuy nhiên, đa số các cặp đôi đồng tính lại chưa thể tiếp cận các quyền này do những quan điểm về hôn nhân truyền thống, quy định pháp luật mỗi quốc gia, và những lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của cặp đôi đồng tính gây ra đối với trẻ được nhận nuôi.
Có thể thấy, tuy quy định các quyền của mọi cá nhân là bình đẳng, không phân biệt giữa giới tính, xu hướng tính dục, nhưng trên thực tế các quyền này của người đồng tính nói riêng và người LGBTI nói chung luôn bị hạn chế hơn so với các chủ thể khác trong xã hội; các quyền hết sức bình thường như kết hôn, nhận nuôi con lại trở thành mơ ước, mong muốn của người đồng tính. Các quyền tiêu biểu này có tính tương quan và phụ thuộc lẫn nhau, sự tiến bộ và bảo đảm quyền này chính là điều kiện cho sự tiến bộ những quyền khác; sự vi phạm một quyền sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm các quyền khác. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền của người đồng tính trong hôn nhân và gia đình, cần bảo đảm một cách đồng bộ, tiến bộ tất cả các quyền của người đồng tính trong các quan hệ hôn nhân và gia đình đó.