Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp được quy định tại Điều 17 Luật Viên chức 2010. Những điều viên chức không được làm.
Về nội dung nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp,
1. Khái niệm hoạt động nghề nghiệp của viên chức
Viên chức là chủ thể cơ bản của pháp luật hành chính, do đó, khi xem xét quy chế pháp luật hành chính của họ nói chung và nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp của họ nói riêng là một nội dung cơ bản luật hành chính. Nhưng ở nước ta, viên chức còn là đội ngũ nhân sự chủ yếu của tất cả các đơn vị sự nghiệp của các cơ quan của Đảng và các tổ chức chính trị – xã hội. Do vậy, khi xem xét quy chế pháp luật hành chánh của viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật hành chính, tất yếu sẽ có nhiều nội dung động chạm đến viên chức nói chung.
Qua định nghĩa này, chúng ta có mấy nhận xét:
Một là, định nghĩa đã nêu được nơi viên chức làm việc là các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó, chữ ‘công lập’ có nghĩa bao gồm cả đơn vị sự nghiệp nhà nước và cả Đảng và các tổ chức chính trị – xã hội.
Hai là, cum từ ‘hoạt động nghề nghiệp của viên chức’ đã nêu lên ngay tính chất hoạt động của viên chức mang tính chất nghề nghiệp, là việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ. Hoạt động mang tính chất nghề nghiệp của viên chức khác với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, nhưng đoạn giải thích ‘có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ’ thì không hẳn là cán bộ, công chức không cần.
Bà là, chưa nêu được bản chất hoạt động của viên chức là ‘thực hiện dịch vụ công và phục vụ quản lý nhà nước hay phục vụ hoạt động của Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội’. Nó khác hoàn toàn với tính chính trị của hoạt động công vụ của cán bộ, công chức nói chung, hoặc tính quyền lực – pháp lý của hoạt động của cán bộ, công chức nhà nước.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp
‘Điều 17. Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp
1. Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.
2. Phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.
3. Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.
4. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải tuân thủ các quy định sau:
a) Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân;
b) Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn;
c) Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân;
d) Chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
6. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
7. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.’
Nội dung nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp được quy định tại mục 2 Chương II
Điều 16. Nghĩa vụ chung của viên chức
1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước.
2. Có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
3. Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Bảo vệ bí mật nhà nước; giữ gìn và bảo vệ của công, sử dụng hiệu quả tiết kiệm tài sản được giao.
5. Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức
Trong Điều 17 ‘Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp’ có quy định đáng chú ý ở khoản 5 về phục vụ nhân dân: Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân; Có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn; Không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân; Chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
Ngoài các nghĩa vụ quy định tại 2 điều trên, viên chức quản lý còn có các nghĩa vụ theo Điều 18 như sau:
– Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị theo đúng chức trách, thẩm quyền được giao;
– Thực hiện dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức nghề nghiệp trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách;
– Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp của viên chức thuộc quyền quản lý, phụ trách;
– Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài chính trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách;
– Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
3. Những điều viên chức không được làm
‘Điều 19. Những việc viên chức không được làm
1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.’
Theo quy định Điều 19 quy định những việc viên chức không được làm. Nhưng ngoài những quy định cấm khá chung, chỉ có quy định đáng chú ý là cấm tham gia đình công và những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Ở đây lại gặp dẫn chiếu chung chung mà không chỉ rõ điều nào cụ thể của văn bản cụ thể nào như quy định tương ứng của Luật cán bộ, công chức năm 2008.
Cần lưu ý rằng, ngoài các văn bản kể trên, những quy định cụ thể về viên chức nhà nước và hoạt động của họ, tức là của quy chế pháp luật hành chính của viên chức nhà nước, còn nằm trong các luật về tổ chức nhà nước, các luật chuyên ngành và nhiều văn bản khác.
Luật viên chức năm 2010 quy định các nghĩa vụ trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức, nhưng các nội dung không đáng chú ý vì là đương nhiên. Nghĩa vụ khi phục vụ nhân dân, viên chức phải chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Theo khoản 2 Điều 3 Luật viên chức năm 2010 quy định: Đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định. Mà đạo đức nghề nghiệp thông thường sẽ đi liền với quy tắc ứng xử: Quy tắc ứng xử là các chuẩn mực xử sự của viên chức trong thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, phù hợp với đặc thù công việc trong từng lĩnh vực hoạt động và được công khai để nhân dân giám sát việc chấp hành.
Những quy định mới về đạo đức nghề nghiệp của viên chức được ban hành tùy theo từng ngành, từng lĩnh vực. Những nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp càng làm tăng tính pháp lý và có sự tương đồng với các nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức mà cụ thể như sau:
– Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
– Tận tụy phục vụ nhân dân.
– Tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử.
– Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và của nhân dân.
Trong những nghĩa vụ của viên chức có những nghĩa vụ chung cho mọi viên chức và những nghĩa vụ riêng, đặc thù của từng loại viên chức được quy định trong các văn bản dưới luật, văn bản pháp luật chuyên ngành và các văn bản khác. Đối với viên chức quản lý trách nhiệm còn nhiều hơn với viên chức không giữ chức vụ quản lý bởi vì viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.