Căn cứ xác định mức cấp dưỡng sau khi ly hôn? Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn? Cách để thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn? Thủ tục khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn? Quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con?
Mục lục bài viết
- 1 1. Có quyền yêu cầu trợ cấp nuôi con sau ly hôn không?
- 2 2. Quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con
- 3 3. Khởi kiện yêu cầu trợ cấp nuôi con hàng tháng
- 4 4. Thủ tục khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn
- 5 5. Mức cấp dưỡng nuôi con khi không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
- 6 6. Cách để thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
- 7 7. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn
- 8 8. Căn cứ xác định mức cấp dưỡng sau khi ly hôn
1. Có quyền yêu cầu trợ cấp nuôi con sau ly hôn không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật Dương Gia, tôi có một vấn đề cần tư vấn như sau: Tôi đã kết hôn được 5 năm và ly hôn được hai năm nay rồi. Chúng tôi đã làm đơn yêu cầu ly hôn lên Tòa án và đã được giải quyết rồi. Tôi là mẹ nên được quyền nuôi con có quyết định của Tòa án cụ thể, tôi yêu cầu người chồng tôi cấp dưỡng cho con tôi phụ cấp trong khoảng thời gian tôi đang khó khăn một chút nhưng chồng tôi không chịu cấp, tôi yêu cầu đã từ chối luôn. Vậy cho tôi hỏi anh ta làm vậy có được hay không vì anh ta kinh tế ổn định có gia đình mới và nuôi con riêng được nhưng không trợ cấp cho con trước. Tôi phải làm gì, có được yêu cầu ai giải quyết giúp hay không ạ !
Luật sư tư vấn:
Đối với trường hợp của bạn pháp luật có quy định:
Tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định
“Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”
Hơn nữa quy định tại
“Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.”
Mặt khác người này còn có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi của mình như sau:
“Điều 54. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật.
2. Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, bạn có thể yêu cầu Tòa án đã ra phán quyết trước đó thực hiện các biện pháp yêu cầu người chồng thực hiện nghĩa vụ của mình, đồng thời còn bị xử phạt theo Nghị định 167/2013/NĐ – CP.
2. Quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con
Tóm tắt câu hỏi:
Cuộc sống hôn nhân của tôi không mang lại hiệu quả như mong muốn, chính vì vậy tôi và chồng đã quyết định ly hôn. Trong khoảng thời gian chung sống với nhau, chúng tôi có 1 cô con gái năm nay 7 tuổi, sau khi ly hôn tôi được quyền nuôi con. Vậy xin hỏi luật sư, tôi – người trực tiếp nuôi con và chồng tôi – người không trực tiếp nuôi con có những quyền và nghĩa vụ gì? Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Điều 82 và Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ người không trực tiếp nuôi con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ người trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
– Đối với trường hợp chồng của bạn – người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình. Cụ thể như sau:
+ Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
+ Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
+ Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
– Đối với trường hợp của bạn – người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình. Cụ thể như sau:
+ Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
+ Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Khởi kiện yêu cầu trợ cấp nuôi con hàng tháng
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi và chồng ly hôn năm 2014 và tôi được Tòa quyết định cho nuôi con vì con tôi mới 8 tháng (thời điểm đó), lúc đó tôi không yêu cầu cấp dưỡng nhưng giờ con tôi được 3 tuổi khoản chi phí từ lương hàng tháng của tôi không đủ chi tiêu cho hai mẹ con. Tôi muốn hỏi tôi có thể làm đơn yêu cầu Tòa án cấp thị xã nơi tôi đang sinh sống giải quyết yêu cầu cha cháu cấp dưỡng hàng tháng được không ạ? Tôi tha thiết mong thư hồi âm của luật sư..xin cảm ơn luật sư rất nhiều….?
Luật sư tư vấn:
Theo căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định như sau:
“Điều 56. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn
Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.”
Trường hợp bên chồng cũ của chị cố tình không thực hiện cấp dưỡng thì chị có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Và Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của chồng cũ của chị.
Đơn khởi kiện nộp cho Tòa án gồm những nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
4. Thủ tục khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi văn phòng Luật Dương Gia! Xin cho tôi hỏi sau khi ly hôn hơn 1 năm nay tôi có thể gửi đơn ra tòa yêu cầu chồng cũ phụ cấp cho con được không? Hiện tại tôi nuôi 2 con và không phụ cấp vì lúc ra tòa tôi có yêu cầu trong đơn (tôi đơn phương gửi đơn) nhưng chồng tôi không chịu vào tòa ký đơn dù Mẹ chồng có vào và làm giấy cam kết cho tôi nuôi dưỡng 2 con vì chồng tôi không thể chăm các bé.
Nay, sau hơn 1 năm li hôn và tôi muốn yêu cầu chồng cũ phải có trách nhiệm với các con của mình vì nay chồng tôi đã có đủ diều kiện để có thể phụ cấp cho các con của tôi. Vậy tôi cần phải làm những thủ tục gì, giấy tờ gì để có thể đòi quyền lợi cho con mình. Tôi xin chân thành cảm ơn Luật Dương Gia đã giúp đỡ hổ trợ tư vấn giúp.
Luật sư tư vấn:
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con như sau:
“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Theo quy định trên, cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động. Như vậy, khi bạn và chồng bạn ly hôn, trong bản án ly hôn không yêu cầu cha cấp dưỡng cho các con do không có điều kiện nay chồng cũ của bạn có khả năng về kinh tế thì bạn có quyền khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng.
Trước tiên, bạn có thể thỏa thuận với người chồng để yêu cầu cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo quy định tại Điều 39
Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:
“Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Về mức cấp dưỡng, bạn có thể yêu cầu người chồng cũ cấp dưỡng dựa trên khả năng kinh tế và nhu cầu thiết yếu của con bạn.
Về phương thức cấp dưỡng, có thể thực hiện định kỳ một tháng một lần, một quý một lần hoặc một năm một lần, hoặc lựa chọn phương thức cấp dưỡng một lần duy nhất, điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của người cha. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, việc việc cấp dưỡng sẽ chấm dứt khi con của bạn đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi sống mình.
5. Mức cấp dưỡng nuôi con khi không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình
Tại Điều 82 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Về mức cấp dưỡng nuôi con của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 116 Luật hôn nhân gia đình 2014
“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Ngoài ra, Tại mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý…”.
Như vậy theo quy định nêu trên thì cha mẹ có thể tự thỏa thuận về mức cấp dưỡng nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét đến điều kiện để đảm bảo cho con chung được phát triển đầy đủ về vật chất điều kiện ăn học, sinh hoạt…đồng thời cân nhắc mức thu nhập của hai bên cha mẹ
Hiện nay, chưa có bất kỳ một văn bản nào quy định cụ thể về số tiền cấp dưỡng nuôi con là bao nhiêu bởi lẽ mỗi hoàn cảnh khác nhau, trong môi trường và điều kiện khác nhau, mức thu nhập của người không trực tiếp nuôi con là khác nhau nên mức cấp dưỡng sẽ là khác nhau.
6. Cách để thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Em và chồng em ly hôn đã 1 năm nay, tại bản án Tòa án tuyên thì chồng tôi cấp dưỡng cho con gái 1 triệu đồng/1 tháng. Nhưng nay con gái tôi đã đi học và khả năng thu nhập của tôi sẽ khó đảm bảo chi phí học hành của cháu. Nay tôi phải làm thế nào để có thể thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con.
Luật sư tư vấn:
Về hồ sơ xin thay đổi mức cấp dưỡng:
Bạn hoàn toàn có thể làm đơn gửi Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi chồng bạn cư trú, làm việc để được giải quyết. Thành phần hồ sơ bao gồm:
– Đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con.
– Bản án hoặc quyết định của Tòa án đã giải quyết cho vợ chồng bạn ly hôn.
– Bản sao sổ hộ khẩu hoặc CMND của bạn.
– Giấy tờ chứng minh về thu nhập của anh ấy (nếu có).
Như vậy, Tòa án sẽ căn cứ vào khả năng kinh tế, mức thu nhập, điều kiện sống của anh ấy và mức sinh hoạt thực tế tại địa phương…để giải quyết có chấp nhận yêu cầu của bạn buộc anh ấy nâng mức cấp dưỡng lên hay không và nâng đến mức nào.
Tuy nhiên, nội dung đơn xin yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng là vô cùng quan trọng, bạn cần trình bày được rõ ràng, cụ thể cũng như có được những căn cứ mang tính thuyết phục đối với Tòa án về yêu cầu của bạn.
7. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đã ly hôn với chồng cũ của tôi từ năm 2008, vì lý do chồng cũ của tôi đi tù từ năm 2006. Khi viết đơn ly hôn tôi không yêu cầu chồng cũ tôi cấp dưỡng nuôi con hàng tháng vì tôi nghĩ anh ấy thụ án 11 năm. Nhưng được 5 năm thì anh ấy ra trại (ngày 31/8/2011 anh ấy ra trại). Từ khi ra trại anh ấy cũng chưa có trách nhiệm chu cấp hỗ trợ nuôi con hàng tháng. Hiện nay tôi đã đi bước nữa và chuẩn bị sinh con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Hiện tại con của tôi và chồng cũ cũ đang học lớp 3 và đang ở với vợ chồng tôi. Nay tôi muốn làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết cho chồng cũ của tôi cấp dưỡng nuôi con hàng tháng có được không? Cần những thủ tục gì? Tôi xin chân thành cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Tại khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 có quy định
“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”
Bên cạnh đó, tại Điều 56
“Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”
Thêm vào đó tại mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của
“Khi áp dụng quy định tại Điều 92 cần chú ý một số điểm sau đây:
a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn, tính từ thời điểm bạn và chồng cũ của bạn ly hôn thì nghĩa vụ cấp dưỡng của chồng bạn với con của bạn đã tự động phát sinh bất kể chồng bạn ở đâu, làm gì và điều kiện kinh tế của bạn ra sao. Đến thời điểm hiện tại (con của bạn và chồng cũ mới được 3 tuổi – chưa thành niên) thì chồng cũ của bạn vẫn phải có nghĩa vụ và trách nhiệm cấp dưỡng cho con của bạn.
Theo đó, cũng tại điều này có quy định: “Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.” và Điều 17 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình: “Người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thoả thuận với nhau về việc cấp dưỡng. Thỏa thuận về việc cấp dưỡng có thể bằng miệng hoặc lập thành văn bản, nêu rõ ngày người có nghĩa vụ cấp dưỡng bắt đầu thực hiện nghĩa vụ, mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, các thỏa thuận khác về việc thay đổi mức hoặc phương thức cấp dưỡng”
Vì thế, đến thời điểm hiện tại, bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận với chồng về việc cấp dưỡng cho con, và theo quy định pháp luật ở trên thì hình thức, thỏa thuận khác có liên quan đến việc cấp dưỡng hàng tháng cho con là do bố mẹ tự thỏa thuận. Trong trường hợp bạn và chồng cũ không thể thỏa thuận được về việc cấp dưỡng hoặc chồng cũ của bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung của 2 người thì bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa theo quy định pháp Luật Hôn nhân và gia đình 2000 nói trên và điều 20 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình:
“1. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình mà không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thì theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình, Toà án ra quyết định buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì thời điểm đó được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định của Toà án.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Toà án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình, thì người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định của Toà án.
3. Theo quyết định của Toà án, cơ quan, tổ chức trả tiền lương, tiền công lao động, các thu nhập thường xuyên khác cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng có trách nhiệm thực hiện việc khấu trừ khoản cấp dưỡng để chuyển trả cho người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo đúng mức và phương thức cấp dưỡng do người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và người có nghĩa vụ cấp dưỡng thoả thuận hoặc theo mức và phương thức cấp dưỡng do Toà án quyết định.”
Hơn nữa, mặc dù Tòa án đã giải quyết vụ án ly hôn của bạn bằng một bản án có hiệu lực pháp luật và bạn không yêu cầu chồng cũ phải cấp dưỡng tại thời điểm ly hôn (năm 2008). Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nộp đơn khởi kiện đề nghị cấp dưỡng cho con theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 do văn phòng Quốc Hội ban hành ngày 25/11/2015.
Thủ tục khởi kiện như sau:
– Đơn khởi kiện (theo mẫu);
– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp, trong trường hợp của bạn là để chứng minh con của bạn ở độ tuổi chưa thành niên và có quan hệ huyết thống với chồng cũ của bạn, mối quan hệ vợ chồng trước đây của hai bạn (ví dụ: Giấy khai sinh của con; chứng nhận ly hôn…)
– Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực)
– Các giấy tờ liên quan khác (bản sao có chứng thực) (nếu có)
– Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao).
8. Căn cứ xác định mức cấp dưỡng sau khi ly hôn
Điều 71, 82 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Giải quyết cấp dưỡng cho con
Mức cấp dưỡng nuôi con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Mức cấp dưỡng nuôi con có thể căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình).
Trong trường hợp do chi phí tối thiểu cho sinh hoạt, học tập của con cái tăng lên và khả năng thực tế của một trong các bên khó đáp ứng được, các bên có thể thỏa thuận thay đổi mức cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì có thể gửi đơn đến tòa án để được giải quyết.
Về cách xác định thu nhập của người chồng/vợ để xác định mức cấp dưỡng mới
Hiện nay, chưa có quy định nào hướng dẫn chi tiết về cách xác định thu nhập cũng như khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu các bên không tự thỏa thuận được thì Tòa án sẽ tiến hành xác minh trên cơ sở: lấy lời khai của đương sự, căn cứ tình hình thực tế của các bên (ngành nghề công việc, vị trí công tác, điều kiện vật chất …).
Muốn xác định mức thu nhập chính xác có thể căn cứ vào bảng lương chính xác của bên còn lại (có thể thông qua cơ quan nơi người có nghĩa vụ cấp dưỡng để biết hoặc thông qua Ngân hàng nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng được trả lương/thu nhập qua Ngân hàng). Trong trường hợp một bên yêu cầu bên còn lại tăng mức cấp dưỡng có thể yêu cầu tòa án giải quyết bằng cách cung cấp bằng chứng liên quan đến thu nhập của bên phải cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.