Nghỉ việc sau khi hết thời hạn thử việc có phải thông báo không? Hết thời gian thử việc mà không được ký hợp đồng lao động?
Hiện nay, hầu hết người lao động khi đi tuyển dụng vào làm việc ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau thì cũng có yêu cầu về thử việc, quá trình thử việc để nhà tuyển dụng xem xét về người lao động có thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay, bảo vệ quyền và lợi ích cho chính mình thì người lao động, người sử dụng lao động đều phải nắm rõ về các quy định về vấn đề thử việc. Theo cách hiểu thông thường, thử việc có thể được hiểu sơ khai nhất là hoạt động của người sử dụng lao động đối với yêu cầu người lao động, cũng như sự hòa nhập của người lao động. Vậy thử việc là gì, thời gian thử việc, quyền và nghĩa vụ trong thời gian thử việc là gì? Nghỉ việc sau khi hết thời hạn thử việc có phải thông báo không?
1. Nghỉ việc sau khi hết thời hạn thử việc có phải thông báo không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào phòng luật sư, tôi có một thắc mắc muốn hỏi luật sư. Tôi vào làm việc công ty ngày 15/02/2021 thời gian thử việc 2 tháng. Đến 15/04/2021 công ty không ký hợp đồng mà yêu cầu làm thêm 3 ngày (17/04/2021 nữa rồi nghỉ nhưng tôi không đồng ý. Vậy nếu ngày 16/04/2021 tôi nghỉ thì có sai luật không? Và có được trả lương không?
Luật sư tư vấn:
Theo như quy định tại Bộ luật lao động 2019 thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử việc, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thỏa thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Thử việc là sự thỏa thuận của 2 bên nên nếu các bên thỏa thuận về sự thỏa thuận thì sẽ thực hiện, nếu không thỏa thuận thì không phải thực hiện.
Thông thường đối với các công việc yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ cao thì các nhà tuyển dụng luôn yêu cầu về vấn đề thử việc đối với người lao động khi ứng tuyển vào vị trí công việc này.
Đối với những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc theo quy định của pháp luật về lao động thì quy định này được biết đến là khá hợp lý vì người làm việc theo mua vụ thường yêu cầu công việc không cao, và vì thời gian khá ngắn nên việc thử việc thì không cần thiết.
Điều 24, 25, 26, 27
“Điều 24. Thử việc
1. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
2. Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Điều 25. Thời gian thử việc
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Điều 26. Tiền lương thử việc
Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc
1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường”.
Theo đó, thời gian thử việc đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên không quá 60 ngày. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Trong thời gian thử việc, các bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận.
Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật này, trong thời gian thử việc, người lao động có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước.
Nội dung này được Bộ luật lao động năm 2019 kế thừa từ khoản 2 Điều 29
Cùng với đó, người sử dụng lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động mà không cần báo trước nếu đang trong thời gian thử việc.
Đáng chú ý, với quy định tại BLLĐ năm 2019, người lao động khi tự ý nghỉ trong thời gian thử việc sẽ không phải bồi thường cho người sử dụng lao động. Trong khi đó, theo quy định của BLLĐ năm 2012, người lao động chỉ không phải bồi thường nếu nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận.
Do đó, đối với trường hợp của bạn ngày 15/04/2021 bạn hết thời gian thử việc, hết 15/04/2021 công ty bạn phải giao kết hợp đồng lao động với bạn. Trường hợp của bạn hết 15/04/2021 bạn không muốn giao kết hợp đồng thì 16/04/2021 bạn có quyền nghỉ mà không vi phạm pháp luật.
Người sử dụng lao động chỉ được phép thử việc đối với người lao động trong thời gian tối đa mà Bộ luật này quy định. Nếu yêu cầu thử việc quá thời gian nêu trên, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng và phải trả đủ 100% lương cho người lao động (theo điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).
2. Hết thời gian thử việc mà không được ký hợp đồng lao động
Hiện nay, việc ký hợp đồng thử việc được thực hiện phổ biến ở nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Tuy nhiên, khi hết thời gian thử việc cả người sử dụng lao động sẽ phải thực hiện những quy định bắt buộc về hợp đồng lao động.
Có hai trường hợp xảy ra khi hết thời gian thử việc không ký hợp đồng lao động:
Một là, đối với người thử việc không đạt yêu cầu người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động và chấm dứt hợp tác làm việc.
Hai là, Đối với người thử việc đạt yêu cầu người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động nhưng vẫn thông báo hợp tác làm việc.
Trường hợp người thử việc đạt yêu cầu người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động nhưng vẫn thông báo hợp tác làm việc. đang là tình trạng xảy ra ở rất nhiều doanh nghiệp. Căn cứ theo Khoản 1, Điều 27, Bộ luật lao động 2019 quy định khi kết thúc thời gian thử việc đối với người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Như vậy, theo nguyên tắc khi hết thời gian thử việc không ký hợp đồng lao động đối với người lao động thử việc đạt yêu cầu là sai. Doanh nghiệp có thể bị phạt nếu không ký kết hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 8 và Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người lao động thử việc không đạt yêu cầu, không ký hợp đồng lao động là đúng luật. Trong trường hợp này doanh nghiệp sẽ không bị phạt và không phải chịu bất cứ bồi thường nào. Khi hết thời gian thử việc (hợp đồng thử việc đã thanh lý) người lao động không giao kết hợp đồng lao động sẽ có thể phải chịu thiệt thòi. Cụ thể như: Người lao động có hợp đồng lao động được hưởng quyền lợi từ việc tham gia bảo hiểm xã hội: khi có tranh chấp liên quan đến các chế độ lương thưởng, giờ làm việc hoặc thời giờ nghỉ ngơi… không được hưởng các quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội như: Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ ốm đau, thai sản; hưu trí… không được hưởng các chế độ từ việc tham gia bảo hiểm y tế.
Như vậy đối với việc này thì hợp đồng lao động được hiểu là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Vì vậy việc ký hợp đồng lao động sẽ bảo vệ lợi ích cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động.