Bảo hiểm xã hội một lần là gì? Những loại hình của Bảo hiểm xã hội? Nhận bảo hiểm xã hội một lần?
Đối với mỗi người lao động làm trong một doanh nghiệp hay một tổ chức nào đó thì người lao động phải tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Vậy đối với trường hợp người lao động nghỉ việc tại doanh nghiệp thì họ có được làm thủ tục rút hết quá trình đóng bảo hiểm xã hội của mình không và trong trường hợp người lao động nghỉ việc quá lâu thì có được nhận bảo hiểm xã hội một lần không? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giải đáp cho bạn đọc.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động;
–
–
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm xã hội một lần là gì?
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp cho một phần nào đó thu nhập của người lao động trong trường hợp họ bị giảm hoặc mất thu nhập vì ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở tổng thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Có thể thấy, bảo hiểm xã hội đã góp phần lớn vào quá trình thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân.
Bảo hiểm xã hội một lần thực chất chính là chế độ thanh toán một khoản tiền tương đương với tổng quá trình mà người lao động đã tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội khi người đó không còn muốn tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội nữa. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người lao động cũng được thanh toán bảo hiểm một lần mà phải tuân thủ theo những điều kiện mà pháp luật đưa ra.
2. Những loại Bảo hiểm xã hội hiện nay?
Theo quy định của pháp luật hiện nay, bảo hiểm xã hội gồm có 02 loại đó là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2.1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Bảo hiểm xã hội bắt buộc do chính Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia. Đối với loại hình bảo hiểm xã hội này những đối tượng nào mà luật quy định phải tham gia thì người lao động và người sử dụng sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc.
Các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc: theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, hiện nay bảo hiểm xã hội bắt buộc có những chế độ sau:
– Chế độ ốm đau: khi người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp hay một tổ chức nào đó nhưng trong khoảng thời gian này người lao động bị ốm (không phải do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp) thì người lao động đó sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội về chế độ ốm đau gồm mức hưởng, thời gian nghỉ ốm đau. Điều đặc biệt là không chỉ đối với người lao động bị ốm mà trong trường hợp con dưới 07 tuổi của người lao động bị ốm thì họ vẫn được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật.
– Chế độ thai sản: là một khoản tiền đảm bảo thu nhập cho người lao động nữ khi họ mang thai, sinh con, nuôi con nuôi, làm các phương pháp tránh thai. Không chỉ với đối tượng là nữ, nam giới cũng được hưởng chế độ thai sản nếu họ thực hiện biện pháp triệt sản hoặc có vợ sinh con.
– Chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp:
+ Tai nạn lao động: được hiểu là trong quá trình làm việc người lao động bị tai nạn dẫn đến tổn thương cho một bộ phận, chức năng nào đó của cơ thể hoặc gây đến cái chết cho người lao động.
+ Bệnh nghề nghiệp: được hiểu là nguyên nhân dẫn đến bệnh là do điều kiện có hại của nghề nghiệp của người lao động.
Khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng các chế độ này nếu đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật đưa ra như điều kiện về đối tượng, danh mục bệnh nghề nghiệp, mức suy giảm khả năng lao động,…
– Chế độ hưu trí: là chế độ đảm bảo thu nhập cho những đối tượng là người lao động đã hết tuổi lao động. Mục đích của chế độ hưu trí đó là đảm bảo cho nhu cầu sống và sức khoẻ cho những đối tượng đó.
– Chế độ tử tuất: chính là một phần bù đắp về kinh tế cho thân nhân của người tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội khi người đó mất đi.
Các chế độ người lao động được hưởng trong bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật đã góp phần đảm bảo về nguồn thu nhập cũng như khích lệ về mặt tinh thần đối với người lao động tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội.
2.2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Cũng giống như loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng do chính Nhà nước tổ chức, tuy nhiên đối với loại hình này, người tham gia được tự do lựa chọn mức đóng, phương thức đóng sao cho phù hợp với thu nhập của mình (có giới hạn về mức đóng tối thiểu và tối đa) và Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia.
Các chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có hai chế độ đó là chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều là những đối tượng không bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trên thực tế, đa phần những đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện để nhằm mục đích khi đủ điều kiện về hưu sẽ có một khoản tiền để cải thiện nguồn thu nhập.
3. Nhận bảo hiểm xã hội một lần:
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề người tham gia bảo hiểm xã hội có mong muốn và yêu cầu hưởng tiền bảo hiểm xã hội một lần có rất nhiều lý do, nhưng đa phần nguyên nhân dẫn đến vấn đề đó là do người lao động cần một khoản tiền để lo trang trải cuộc sống khi chưa biết phải xoay xở khoản tiền đó ở đâu, khi đó người lao động sẽ nghĩ ngay đến khoản tiền bảo hiểm xã hội của mình. Một nguyên nhân chính nữa mà làm cho tỷ lệ người lao động ồ ạt thực hiện rút bảo hiểm một lần là do hiện nay độ tuổi nghỉ hưu tăng dần theo năm và chính sách hưởng bảo hiểm cũng thay đổi.
Những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện đều có quyền ngang nhau trong việc nhận bảo hiểm xã hội một lần, chỉ cần tuân thủ đúng những điều kiện mà pháp luật đưa ra. Điều kiện cụ thể như sau:
– Người yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần phải nghỉ việc tối thiểu là 01 năm đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc 01 năm kể từ khi dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và tổng quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người đó phải chưa đủ 20 năm
– Đủ tuổi để nhận lương hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đối với người lao động bình thường và 15 năm đối với người lao động là nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn đồng thời không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
– Chuyển sang nước ngoài định cư
– Người yêu cầu bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến chính tính mạng cụ thể như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế ban hành
– Công an, bộ đội trong trường hợp họ phục viên, xuất ngũ, thôi việc nhưng họ không đủ điều kiện để nhận lương hưu.
Như thế, người yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần phải nghỉ việc ít nhất là một năm và tổng quá trình đóng phải dưới 20 năm bảo hiểm xã hội, sau một năm người yêu cầu mới đủ điều kiện để nộp hồ sơ tới cơ quan bảo hiểm xã hội làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, có những trường hợp vẫn được nhận bảo hiểm xã hội một lần sớm hơn so với thời gian quy định cũng như điều kiện đối với số năm tham gia bảo hiểm xã hội trong điều kiện bình thường như trường hợp đủ tuổi nhận lương hưu nhưng không đóng đủ số năm bảo hiểm xã hội; sang nước ngoài định cư; bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế; công an, bộ đội không đủ điều kiện để nhận lương hưu.
Khoản 1 điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định rõ “Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần”.
Điều này quy định rõ ràng về thời gian tối đa đóng bảo hiểm xã hội (dưới 20 năm), thời gian tối thiểu nghỉ việc để được nhận bảo hiểm xã hội một lần (01 năm), trong điều luật này không quy định giới hạn tối đa về số năm nghỉ việc để làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần vì vậy kể cả đối với trường hợp người lao động nghỉ việc quá lâu thì hoàn toàn vẫn được làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần, chỉ cần tuân thủ về số năm đóng bảo hiểm xã hội và thời gian tối thiểu nghỉ việc.
Tuy nhiên, trên thực tế đối với những trường hợp người lao động nghỉ việc nhưng không quan tâm đến vấn đề nhận sổ bảo hiểm xã hội về, công ty chưa làm thủ tục chốt quá trình bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc người lao động nghỉ việc trong thời gian khá là dài mà không biết công ty đó đã làm thủ tục chốt quá trình cho mình chưa dẫn đến hậu quả là họ có muốn đi làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội nhưng chưa có sổ bảo hiểm xã hội cũng như quá trình tham gia bảo hiểm xã hội thì dù có đủ điều kiện làm thủ tục đi chăng nữa cũng chưa đủ về giấy tờ, hồ sơ để làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Bảo hiểm xã hội được coi như là “của để dành” của người lao động để phòng trừ trường hợp gặp khó khăn về kinh tế, vì thế khi người lao động có ý định nhận bảo hiểm xã hội một lần thì cũng nên cân nhắc kỹ.