Nghị sĩ là một khái niệm quen thuộc tại các nước theo chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, khái niệm này tại Việt Nam vẫn là khái niệm khá mới mẻ. Vậy nghị sĩ là gì? Thượng nghị sĩ là gì? Pháp luật các quốc gia quy định về nghị sĩ ra sao?
Mục lục bài viết
1. Nghị sĩ là gì?
Nghị sĩ là Thành viên của cơ quan đại diện cao nhất của một quốc gia thường được gọi là Nghị viện hay Quốc hội.
2. Thượng nghị sĩ là gì?
Thành viên của Thượng viện được gọi là Thượng nghị sĩ.
Nghị sĩ tiếng Anh là “Parliamentarian”
Thượng nghị sĩ tiếng Anh là “Senator”
3. Quy định về Nghị sĩ một số nước trên thế giới:
3.1. Chế độ, chính sách đối với nghị sĩ ở Hoa Kỳ:
Các nghị sĩ được nhận lương tương đương với thẩm phán liên bang và các quan chức cao cấp của Chính phủ. Mức lương được xem như là một phương diện thể hiện sự đánh giá về vai trò và vị trí quan trọng của nghị sĩ trong bộ máy nhà nước. Cả thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ đều nhận mức lương là 174.000 USD/ năm. Các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội được nhận mức lương cao hơn. Cụ thể, Chủ tịch Hạ viện nhận 223.500 USD/năm, lãnh đạo các đảng chính trị (phe đa số và thiểu số) nhận lương 193.400 USD/năm. Từ năm 2009 đến nay, mức lương của các nghị sĩ không tăng. Ngoài tiền lương, các thành viên của Quốc hội được hưởng trợ cấp hàng năm nhằm trang trải các chi phí liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội, bao gồm: chi phí văn phòng, nhân viên, thư tín, đi lại giữa khu vực bầu cử và Thủ đô Washington, các hàng hóa và dịch vụ khác phục vụ cho hoạt động của nghị sĩ.
Các nghị sĩ cũng được nhận các khoản thu nhập cá nhân ngoài lương nhưng không quá 15% mức lương cơ bản bậc 2 theo năm trong hệ thống lương đối với các chức vụ cao nhất trong nhánh hành pháp (năm 2016, mức thu nhập ngoài bị giới hạn là 27.495 USD). Pháp luật quy định cấm nghị sĩ được hưởng các khoản thu nhập từ thù lao của một số hoạt động cụ thể theo quy định của Đạo luật có tên “Đạo đức trong chính quyền”. Ví dụ, các nghị sĩ không được nhận thù lao bằng tiền hoặc các hiện vật có giá trị cho các bài phát biểu, bài báo hoặc cho những lần họ xuất hiện trước công chúng. Các khoản thù lao này chỉ được nhận nếu vì mục đích từ thiện.
Chi phí cho hạ nghị sĩ gồm 3 khoản:
(i) Chi phí cá nhân là 944.671 USD/ nghị sĩ cho tất cả các nghị sĩ (năm 2017);
(ii) Các chi phí văn phòng (thuê văn phòng, nhân viên, trang thiết bị, văn phòng phẩm…) rất khác nhau giữa các nghị sĩ do sự khác biệt về khoảng cách giữa Wasington DC với khu vực bầu cử, mức giá thuê văn phòng ở khu vực bầu cử…;
(iii) Chi phí thư tín được tính theo tổng số các địa chỉ thư tín của khu vực bầu cử, không bao gồm các địa chỉ kinh doanh.
Tổng chi phí cho mỗi hạ nghị sĩ giao động từ 1.251.177 – 1.433.709 USD/ năm, với mức trung bình 1.315.523 USD/hạ nghị sĩ/ năm. Mỗi nghị sĩ được thuê tối đa 18 nhân viên giúp việc riêng (không thay đổi từ năm 1975) và có thể thuê thêm 4 nhân viên bán thời gian (quy định rất rõ trường hợp được thuê bổ sung). Hạ nghị sĩ được nhận tất cả các ấn phẩm được in ấn chính thức của nhà nước. Tất cả các chi phí cho các nghị sĩ được công bố công khai trên ấn phẩm của Hạ viện xuất bản định kỳ hàng quý và đăng tải trên website của Hạ viện.
Chi phí cho thượng nghị sĩ (số liệu dự tính năm 2018): Tổng chi phí hoạt động cá nhân sơ bộ của thượng nghị sĩ khoảng từ 3.192.760 USD đến 5.052.317 USD/ nghị sĩ/ năm; trung bình là 3.467.971 USD/nghị sĩ/năm
Chi phí gồm 3 khoản chính:
(i) Chi phí nhân viên giúp việc hành chính và thư ký là 2.587.374 USD/nghị sĩ/ năm (ở các bang có ít hơn 5 triệu dân) đến 4.112.084 USD/ nghị sĩ/ năm (ở các bang có từ 28 triệu dân trở lên);
(ii) Thuê chuyên gia tư vấn lập pháp, áp dụng chung cho các thượng nghị sĩ với mức là 482.958 USD/ nghị sĩ/ năm;
(iii) Chi phí hành chính (văn phòng, đi lại, thư tín) dao động từ 122.428 USD/nghị sĩ/ năm đến 457.275 USD/ nghị sĩ/ năm, phụ thuộc vào dân số, khoảng cách giữa Wasington DC và khu vực bầu cử, số địa chỉ thư tín của bang.
Mỗi thượng nghị sĩ được sở hữu một văn phòng của tiểu bang tại tòa nhà thuộc sở hữu liên bang ở các bang. Trường hợp không có văn phòng thích hợp thì có thể được bố trí một văn phòng ở địa điểm khác nhưng mức giá thuê không vượt quá quy định của Cơ quan quản lý dịch vụ (GSA). Các thượng nghị sĩ được thuê không giới hạn số lượng các văn phòng ở bang mà họ đại diện. Tuy nhiên, tổng diện tích văn phòng cho thượng nghị sĩ không quá khoảng 5.000 ft2 (464 m2) đối với thượng nghị sĩ đại diện cho bang có dưới 3 triệu dân đến 8.200 ft2 (762 m2) đối với thượng nghị sĩ đại diện cho bang có từ 17 triệu dân trở lên. Văn phòng ở Thủ đô Washington được trang bị nội thất theo quy định từ cơ quan có thẩm quyền và thượng nghị sĩ có thể trang bị thêm nhưng phải trả chi phí. Đối với các văn phòng ở các bang được trang bị nội thất giá trị tới 40.000 USD cho các văn phòng địa phương có tổng diện tích dưới 5.000 ft2 và tăng 1.000 USD cho 200 ft2 (18,5 m2) tăng thêm. Trang thiết bị văn phòng của Thượng nghị sĩ ở thủ đô và ở các bang được trang bị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thuộc Thượng viện và căn cứ vào dân số bang.
Ngoài ra, Thượng nghị sĩ được nhận các ấn phẩm chính thức của nhà nước. Tất cả chi phí cho Thượng nghị sĩ được công bố công khai trong báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm, được đăng tải công khai trên Website của Thượng viện.
3.2. Chế độ, chính sách đối với nghị sĩ Canada:
Trong niên độ tài chính 2018-2019, mức lương của nghị sĩ Canada là 175.600 CAD/năm. Đây cũng là mức lương cơ bản cho các chức vụ chính trị trong chính quyền. Theo quy định của pháp luật, mức lương của nghị sĩ sẽ được tăng lên theo mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và áp dụng mức lương mới từ ngày 01 tháng 4 hàng năm. Lương được trả định kỳ 2 tuần một lần. Ngoài tiền lương cơ bản, các chức danh trong nghị viện được nhận lương bổ sung tùy vào vị trí đảm nhiệm tính trên phần trăm lương cơ bản, nếu một cá nhân đảm nhiệm nhiều chức vụ thì chỉ nhận mức lương bổ sung cao nhất. Lương bổ sung của Chủ tịch Hạ viện là 84.000 CAD (50% lương cơ bản); Phó Chủ tịch, chủ nhiệm các Ủy ban là 43.400 (35% lương cơ bản)…
Về các chi phí văn phòng, mỗi nghị sĩ được nhận một mức cố định là 358.200 CAD/năm để trang trải cho các khoản lương nhân viên giúp việc, hợp đồng dịch vụ, liên hệ với khu vực bầu cử, đi lại và các khoản chi phí khác có liên quan. Ngoài ra, chi phí văn phòng được bổ sung đối với các nghị sĩ ở các khu vực bầu cử rộng, số cử tri đông theo các mức diện tích và số cử tri khác nhau, giá dịch vụ internet, hoặc các khu vực ứng cử đặc biệt như các địa hạt ngoài lãnh thổ. Nghị sĩ cũng được thanh toán 30.240 CAD/ năm chi phí đi lại, ăn nghỉ và các khoản chi phí phát sinh khác để thực hiện nhiệm vụ; được di chuyển đến những địa điểm làm việc hoặc du lịch cùng người thân (tối đa 64 địa điểm); được thanh toán bổ sung tối đa 3% chi phí văn phòng cho tiền quà tặng, 10% cho việc quảng bá, giữ mối liên hệ với cử tri. Nghị sĩ Canada không có nhà ở trong khu vực thủ đô sẽ được nhận trợ cấp về nhà ở tạm thời thứ hai để thực hiện các nhiệm vụ nghị sĩ. Mức trợ cấp tùy thuộc vào loại nhà ở, khu vực thuê/mua nhà.
Ở một số nước khác như Pháp, một nghị sĩ được hưởng khoảng 11.000 euro/tháng, trong khi lương của Thị trưởng Paris, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố chỉ nhận khoảng 4.500 euro/tháng. Thu nhập trung bình của các nghị sĩ Nhật Bản trong tài khóa 2008 là 24,82 triệu yên/năm (khoảng 250.000 USD). Ở Singapore, nghị sĩ hoạt động theo chế độ bán thời gian nên được quyền có công việc bên ngoài nhưng phải độc lập với vai trò nghị sĩ và được hưởng thù lao, thu nhập từ công việc đó. Do vậy, nghị sĩ chỉ được nhận phụ cấp khi thực hiện các nhiệm vụ nghị sĩ, tham gia các hoạt động của nghị viện.
Theo kết quả khảo sát của IPU về lương và các khoản phụ cấp cho nghị sĩ vào năm 2013 cho thấy: Về tiền lương cơ bản, mức lương trung bình năm 2012 là 62.075 USD/năm cho mỗi nghị sĩ (số liệu trung bình của 110 nghị viện). Ở 110 nghị viện có số liệu thống kê, có 50% quốc gia có lương nghị sĩ dưới 50.000 USD/năm; có 14% quốc gia có lương nghị sĩ trên 100.000 USD/năm. Nếu tính cả trợ cấp thì mức trung bình của nghị sĩ là 81.207 USD/ năm (theo số liệu bình quân của 107 nghị viện). Mức lương trung bình và phụ cấp của Chủ tịch Quốc hội là 104.639 USD/ năm (số liệu bình quân ở 92 quốc gia), trong đó có 13% nhận được hơn 200.000 USD/năm. Nhiều quốc gia, nghị sĩ được hưởng các loại phụ cấp, chi phí khác nhau như: phụ cấp dự họp, sinh hoạt phí (do sống xa gia đình), đi lại, nghỉ dưỡng, thông tin – liên lạc, văn phòng ở thủ đô và ở khu vực bầu cử, chi phí thuê nhân viên giúp việc, chi phí đào tạo nhân viên….
3.3. Chế độ, chính sách đối với nghị sĩ Vương quốc Anh:
Từ tháng 5/2015, lương của nghị sĩ là 74.000 bảng/năm và sẽ được thay đổi theo mức thu nhập trung bình của khu vực công. Mức lương hiện tại năm 2018 là 77.379 bảng/năm. Bên cạnh mức lương chính, những nghị sĩ đảm nhận thêm các công việc khác được hưởng lương bổ sung. Mức lương bổ sung cho người đứng đầu các Ủy ban là 14.582 bảng/năm, của Chủ tịch Hạ viện là 68.827 bảng/năm (số liệu năm 2011)… Từ năm 2005, các thành viên trong Ban thường trực (Panel of Chairs) cũng được nhận mức lương bổ sung theo bốn mức tùy theo thời gian mà họ cống hiến, cao nhất bằng mức lương của Chủ tịch Ủy ban. Lương bổ sung được tăng lên hàng năm tương ứng với tỷ lệ tăng lương của nghị sĩ. Tuy nhiên, từ năm 2016, quy định này đã được thay đổi theo hướng, các thành viên được nhận một mức lương bổ sung như nhau là 15.025 bảng/năm.
Các nghị sĩ còn được nhận phụ cấp và các chi phí bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, phụ cấp về nhà ở (nếu không có nhà ở London) tối đa là 20.610 bảng/ năm thuê nhà ở khu vực London, từ 10.410 – 15.660 bảng/ năm với 5 mức khác nhau khi thuê nhà ở khu vực bên ngoài. Những nghị sĩ có nhà riêng, không thuê nhà, được hưởng phụ cấp 8.850 bảng/năm. Phụ cấp lưu trú được quy định là 150 bảng/đêm ở London và 120 bảng/ đêm ở những nơi khác. Nghị sĩ không yêu cầu được thanh toán các khoản về nhà ở có thể yêu cầu thanh toán phí sinh hoạt lên tới 3.760 bảng/năm ở khu vực trung tâm London, 1.330 bảng/năm đối với khu vực ngoại ô. Tiền thuê văn phòng ở đơn vị bầu cử tối đa là 26.100 bảng/năm ở London và 23.450 bảng/năm ở những khu vực khác (bao gồm chi phí thuê, trang thiết bị, văn phòng phẩm và vận hành văn phòng). Tiền thuê nhân viên tối đa là 148.000 bảng/ năm đối với nghị sĩ ở London và 141.400 bảng/năm đối với các nghị sĩ khác. Phụ cấp hết nhiệm kỳ nếu đại biểu không tái cử 46.500 bảng cho các nghị sĩ sống ở London và 45.500 bảng cho các nghị sĩ ở các địa phương khác và một khoản trợ cấp tái định cư được tính theo số năm phục vụ Nghị viện, mỗi năm được nhận một tháng lương nhưng không quá sáu tháng. Ngoài ra, các nghị sĩ còn có hỗ trợ chi phí chữa bệnh, an ninh, bảo hiểm, nuôi người phụ thuộc và các khoản thanh toán dự phòng…
Để bảo đảm các khoản chi theo đúng quy định của Nghị viện, từ sau vụ bê bối tài chính năm 2009, Cơ quan độc lập về quy chuẩn nghị viện (IPSA) được thành lập có chức năng tham mưu cho Nghị viện, xác định, hướng dẫn định mức và thực hiện chi trả các khoản chi phí đối với nghị sĩ. Các nghị sĩ có quyền yêu cầu IPSA thanh toán lương và các khoản chi phí theo hóa đơn yêu cầu để bảo đảm hoạt động theo quy định. Số liệu chi phí cho từng cá nhân nghị sĩ cùng với các chứng từ có liên quan được công khai với công chúng trên Website của nghị viện để bảo đảm tính minh bạch. Cử tri có thể trực tiếp giám sát mức chi tiêu tài chính của từng nghị sĩ, nhất là nghị sĩ đại diện ở khu vực bầu cử.