Hiện nay, trong một bộ phận giới trẻ, dặc biệt các các bạn học sinh đang tồn tại hiện tượng về ý thức chào hỏi xuống cấp của học sinh, dấy lên những lo ngại, nghi vấn cho tình trạng trên cùng các giải pháp giải quyết. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn viết bài nghị luận xã hội về ý thức chào hỏi của học sinh ngày nay.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý chi tiết cho bài nghị luận về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay
1.1. Mở bài:
– Dẫn dắt tới vấn đề cần nghị luận trong bài: “ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay”.
– Ví dụ mở bài: Dân tộc Việt Nam từ thuở sơ khai luôn đề cao lời chào hỏi bởi đó như một nền tảng cơ bản để rèn luyện nhân cách mỗi người. Để răn dạy con cháu đời sau hiểu được giá trị của việc chào hỏi, ông cha ta đã truyền lại rất nhiều những câu tục ngữ, thành ngữ về lời chào hỏi như: “lời chào cao hơn mâm cỗ”, “đi hỏi về chào”, “đi thưa về báo”… Đáng lẽ theo đà phát triển của xã hội thì văn hóa chào hỏi cũng cần được phát triển, thế nhưng văn hóa chào hỏi ấy đang dần bị lãng quên đặc biệt là ở độ tuổi các bạn học sinh.
1.2. Thân bài:
– Em hiểu như thế nào về ý thức chào hỏi? (Ý thức chào hỏi là khả năng và sự nhận thức của một người đối với việc chào hỏi và tương tác với mọi người xung quanh bằng thái độ tích cực và tôn trọng.)
– Vai trò, ý nghĩa của việc chào hỏi đối với học sinh. (Tạo ấn tượng tốt với đối phương, là điều cần thiết để bắt đầu một mối quan hệ, thể hiện thái độ tôn trọng và quan tâm của người chào hỏi,….)
– Đưa ra thực trạng, nguyên nhân về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay. (Thiếu ý thức chào hỏi ở học sinh. Học sinh hiện nay thường có không hay chào hỏi và ít lắng nghe người nói. Nguyên nhân có thể là do thiết bị di động và mạng xã hội có thể làm phân tán sự tập trung việc phát triển các mối quan hệ thực tế với người xung quanh; Áp lực học tập và các hoạt động thể gây ra tâm lý căng thẳng; Sự cạnh tranh và so sánh khả năng cá nhân có thể tạo ra tư duy “tự cho mình là nhất” hoặc “tự ti mình không là gì cả” khiến các bạn không muốn cởi mở và chia sẻ các mối quan hệ.)
– Mở rộng vấn đề: Không phải bạn nào cũng quên lời chào hỏi. Một số bạn chào hỏi với thái độ qua loa, chào cho có lệ.
– Bài học bản thân: Lên án những người không biết chào hỏi; học cách chào hỏi mọi người bằng sự tôn trọng và chào hỏi với thái độ tích cực.
1.3 Kết bài:
– Khẳng định một lần nữa vấn đề cần nghị luận.
– Ví dụ kết bài: Có thể thấy rằng từ lời chào và thông qua lời chào phản ánh được rất nhiều điều ở người chào hỏi. Việc trang bị cho mình kỹ năng chào hỏi còn luôn được đánh giá cao, thể hiện thái độ chuyên nghiệp, lịch sự, duyên dáng, văn minh của con người trong cách ứng xử và cũng là nét đẹp trong thuần phong mỹ tục của Việt Nam và toàn thế giới… Bằng cách cải thiện ý thức chào hỏi , nhất là lứa tuổi các bạn học sinh, chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng học tập tích cực, góp phần nâng cao hình tượng học sinh Việt Nam với truyền thống “lời chào cao hơn mâm cỗ” ra ngoài thế giới.
2. Viết bài văn nghị luận về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay:
Tổ tiên người Việt Nam chúng ta từ xưa đến nay luôn xem trọng truyền thống “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Mỗi lần gặp gỡ một ai đó chúng ta thường chào họ để họ biết mình nhận ra họ mà khi chúng ta chào thường đi kèm với hỏi thăm. Như vậy, điều đó thể hiện chúng ta là một người lịch sự, có văn hóa. Việc nói ra những lời chào hỏi còn giúp cho các mối quan hệ giữa người với người trở lên gần gũi hơn. Những điều tưởng chứng đơn giản nhưng lại trở thành một vấn đề đáng suy ngẫm với thế hệ học sinh bây giờ, dường như việc thể hiện lời chào hỏi ở lứa tuổi học sinh đang trở nên khá khó khăn.
Có không ít người vẫn đặt ra câu hỏi thắc mắc với bản thân mình rằng “Thế nào là chào hỏi không?” hay “Chào hỏi có lợi ích gì?”. Những câu hỏi tưởng chững rất hiển nhiên, đơn giản nhưng chúng ta luôn bỏ qua nó. Vì thế, khi mà xã hội càng đi lên thì việc chào hỏi lại dần bị mai một trong các thế hệ học sinh bây giờ. Vậy chúng ta cùng nhìn lại định nghĩa như thế nào là chào hỏi để hoàn thiện bản thân hơn. Chào hỏi chính là một hình thức giao tiếp giữa hai người hoặc nhiều người với nhau, chúng ta có thể chào hỏi nhau bằng lời nói, cử chỉ hay hành động. Và để chào hỏi được đánh giá cao, chúng ta cần có ý thức trong việc chào hỏi? Vậy ý thức chào hỏi là gì? Ý thức chào hỏi là khả năng và sự nhận thức của một người đối với việc chào hỏi và tương tác với mọi người xung quanh bằng thái độ tích cực và tôn trọng. Đối với từng hoàn cảnh khác nhau chúng ta nên lựa chọn những hình thức khác nhau cho phù hợp.
Việc nói lời chào một cách có ý thức cho thấy được sự nhận thức về tầm quan trọng khi giao tiếp lịch sự và sự tôn trọng mối quan hệ xã hội.Việc chào hỏi không chỉ là một hành động tinh tế trong giao tiếp hàng ngày mà còn mang theo những vai trò và ý nghĩa sâu sắc trong xã hội. Chào hỏi giúp làm dịu bớt căng thẳng nào và tạo ra bầu không gian để bắt đầu một cuộc trò chuyện. Việc chào hỏi cho đối phương thấy sự tôn trọng và quan tâm của người chào hỏi. Để xây dựng hay bắt đầu bất cứ một mối quan hệ nào, cũng luôn cần đến lời chào hỏi, nó tạo cho chúng ta cơ hội để có được sự kết nối giữa người với người, đặt nền móng cho mối quan hệ xã hội. Khi chúng ta chào hỏi một với một thái độ tích cực và tôn trọng, sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đối phương, từ đó việc trao đổi thông tin, ý kiến sẽ được dễ dàng hơn. Như vậy, chào hỏi không chỉ là một thói quen, mà còn là một thái độ sống thể hiện văn hóa, sự tôn trọng và tạo ra một môi trường sống tích cực. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối con người và tạo ra một cộng đồng tương thân tương ái, sẵn sàng sẻ chia. Nếu việc chào hỏi đã đem lại lợi ích, vai trò lớn đến vậy thì tại sao hiện nay nó lại trở thành vấn đề nhức nhối trong lứa tuổi các bạn học sinh?
Đó cũng là một thực trạng đáng suy ngẫm hiện nay đó chính là một bộ phận học sinh không có ý thức chào hỏi. Các bạn học sinh thời nay có tâm lý rất lạ. Nếu trong đám đông học sinh không chào hỏi mà có một bạn học sinh bỗng chào người lớn hay thầy cô đi qua thì ngay lập tức những bạn bên cạnh sẽ thì thầm với nhau rằng đứa kia giả tạo, nịnh nọt lấy lòng người lớn rồi đạo đức giả. Điều đó thật buồn, không ai mong muốn mình trở thành tâm điểm của sự bàn tán, rồi các bạn cũng sợ vì lời chào hỏi của mình sẽ khiến bản thân bị cô lập, quãng thời gian học tập rồi sẽ phải tự thân một mình, nghĩ đến đây ai chẳng giật mình sợ hãi. Vậy là các bạn có ý thức chào hỏi cũng sẽ dần hòa mình vào đám đông, trở thành những người không có ý thức chào hỏi.
Các bạn nên nhớ rằng xã hội nơi chúng ta đang sống, học tập và phát triển là một xã hội văn minh, trọng lễ nghĩa. Chào hỏi là biểu hiện cơ bản của một người văn minh, có lễ nghĩa. Và ngược lại, việc không chào hỏi sẽ khiến bản thân bạn trong mắt mọi người thành một người vô lễ, không biết cách chào hỏi biến mình thành một người không biết cách tôn trọng người khác. Chỉ là một hành động nhỏ thôi nhưng hậu quả nó mang lại ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của mỗi người. Hậu quả không chỉ ở việc bạn không chào hỏi, người ta không quan tâm, mà việc không chào hỏi hay không biết cách chào hỏi để lại cho đối phương những ấn tượng và định kiến không mấy tốt đẹp về bạn, có thể khiến tình cảm vốn có của hai bên trở nên tệ hơn.
Lời chào hỏi rất cần thiết và quan trọng trong cuộc sống này. Thế nên, mỗi người nhất là giới trẻ những chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta cần tự tạo cho mình một kỹ năng chào hỏi. Để nó là hành trang bên mình khi còn là học sinh, lời chào có thể xây dựng nên một tình bạn đẹp, tình thầy trò gắn bó. Khi ra ngoài xã hội sẽ được mọi người tôn trọng. Chẳng gì tuyệt vời hơn khi chúng ta là một người có văn hóa, có lịch sự, chúng ta được mọi người yêu mến kính trọng.
3. Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về lời chào hỏi:
Hiện nay, trong một bộ phận học sinh, việc thể hiện lời chào hỏi của cac em đang có xu hướng giảm dần đi, một số bạn học sinh ngày càng lì lợm và kiệm lời. Câu chuyện về ý thức chào hỏi dần trở thành vấn đề đang được dư luận bàn tán và đáng lo ngại với mọi người. Chúng ta sẽ thấy rất rõ một người có ý thức chào hỏi thì người đó luôn nhận được sự quan tâm và yêu quý của mọi người. Chào hỏi tuy chỉ là một câu nói, một hành động rất nhỏ thế nhưng nó lại thể hiện được ý thức của con người. Chào hỏi người khác giúp ta tạo được ấn tượng ban đầu tốt với mọi người là cơ sở tồn tại của mọi mối quan hệ. Chào hỏi còn thể hiện lối sống văn minh lịch sự, thể hiện bản thân là một người lễ phép, hòa đồng, biết tôn ti phép tắc. Chào hỏi đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta và chẳng phải là việc làm khó khăn gì tại sao nhiều bạn học sinh lại khó để mở miệng ra chào một câu đến thế? Có người cho rằng vấn đề nằm ở môi trường sống và cách thức giáo dục các em đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của học sinh trong việc chào hỏi khi gặp người lớn không chào, có thái độ không đúng mực với người lớn tuổi, không tôn trọng người khác, không biết cư xử chừng mực, học sinh vô lễ với giáo viên đã trở thành những đề tài quen thuộc với mọi người. Bỏ ngoài tai những bài học, những lời răn dạy của người lớn, của cha mẹ, thầy cô, học sinh vẫn cứ túm năm tụm ba ngồi tán với nhau nhưng trở nên “tê liệt” mỗi lúc giáo viên đi qua, học sinh gặp người lớn trên đường không chào, bạn bè nói chuyện suồng sã chấp vặt, ganh nhau thậm chí đánh nhau. Đạo đức và nề nếp của một bộ phận thuộc tầng lớp học sinh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và cần phải có biện pháp để khắc phục. Trong sự phát triển của công nghệ hiện nay, ý thức chào hỏi của học sinh không chỉ hiểu đơn giản là ở trong cuộc sống thực mà nó cũng nên được đề cập trong khía cạnh “đời sống ảo”, các mạng xã hội. Hiện nay mạng xã hội đang có xu hướng trẻ hóa lượng người dùng và sử dụng trong các lứa tuổi học sinh. Nó đang dần trở thành một phần không thể thiếu của giới trẻ. Tiktok, Facebook, Youtube,.. Thật không khó để tìm các video vi phạm chuẩn mực, sử dụng ngôn từ thiếu văn hóa, xúc phạm người khác. Cũng chính sự lan truyền giữa các mạng xã hội mà học sinh học được cách nói năng vô lễ, nói tục chửi bậy dường như đã trở nên “bình thường hóa” khi chúng ta xem mạng xã hội bây giờ. Cũng bởi từ sự phổ biến và lan truyền của mạng xã hội mà nhiều từ ngữ mang nghĩa không mấy tốt đẹp được lan truyền rộng rãi hơn, thậm chí việc sử dụng tiếng lóng cũng trở thành hiện tượng nhất thời với đông đảo giới học sinh. Là bạn bè với nhau nhưng thay vì chào hỏi nhau thật thân thiện thì lại có những hành động suồng sã, không tôn trọng nhau. Chào hỏi, một hành động nghe chừng có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Là một học sinh, bên cạnh nghĩa vụ học tập thì chúng ta cũng cần phải tự tu dưỡng đạo đức cá nhân, trau dồi rèn luyện bản thân không ngừng nghỉ để trở thành một con người hoàn thiện hơn, xứng đáng trở thành chủ nhân tương lai của đất nước đưa đất nước ngày càng phát triển.