Nghị luận về Sự cần thiết của việc học ngoại ngữ là tài liệu học tập bổ ích được chúng tôi biên soạn chi tiết giúp các bạn học sinh học tập thật tốt môn Ngữ văn lớp 11. Mời các bạn tham khảo!
Mục lục bài viết
1. Nghị luận xã hội về sự cần thiết của việc học ngoại ngữ hay nhất:
Ngày nay, chúng ta cần thiết phải học ngoại ngữ để trở thành công dân toàn cầu. Ngoại ngữ là tấm hộ chiếu đưa con người tới những chân trời mới.
Ngoại ngữ được hiểu là ngôn ngữ nước ngoài, khác với tiếng mẹ đẻ – ngôn ngữ dân tộc của chúng ta. Việc học và sử dụng ngoại ngữ đã có từ lâu trong lịch sử của xã hội loài người. Từ xa xưa, con người đã biết đến việc học ngoại ngữ để giao thương và trao đổi văn hóa. Theo thời gian, xã hội ngày càng phát triển nên việc học ngoại ngữ cũng ngày càng trở nên phổ biến. Ngoại ngữ đang trở thành môn học bắt buộc ở hầu hết các trường học trên thế giới.
Học ngoại ngữ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho con người. Trước hết, có thể nói ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp giữa con người với con người, nhờ có ngôn ngữ mà con người mới có thể trao đổi thông tin và truyền tải kiến thức. Có nhiều hơn một ngôn ngữ cho phép chúng ta giao tiếp với nhiều người trong xã hội. Thứ hai, trong khi tiếng mẹ đẻ của chúng ta đại diện cho bản chất văn hóa và bản sắc dân tộc thì ngoại ngữ lại đem đến cho chúng ta lượng tri thức phong phú về các quốc gia khác nhau trên thế giới. Bằng việc hiểu biết một ngôn ngữ nào đó, chúng ta sẽ có cơ hội được tìm hiểu thêm về phong tục, lối sống hay lịch sử của con người ở nơi đó. Chính bởi vậy mà con người được mở mang tầm mắt và thu thập được nhiều kinh nghiệm sống quý giá. Học ngoại ngữ còn giúp chúng ta rèn luyện tư duy và trí nhớ. Mỗi khi căng thẳng hay gặp áp lực trong công việc, nhiều người coi việc học một ngôn ngữ mới là cơ hội để làm mới bản thân, khiến cho tâm trạng của họ trở nên thoải mái và hăng hái hơn. Và hơn hết, trong xã hội ngày nay, những người biết ngoại ngữ có nhiều cơ hội việc làm hơn những người không biết ngoại ngữ. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài luôn yêu cầu các ứng viên phải có trình độ ngoại ngữ nhất định, thường là tiếng Anh. Thay vì rụt rè quay đi hay nhờ đến sự trợ giúp từ “Chị Google” khi xử lý tài liệu nước ngoài hay giao tiếp với khách quốc tế, chính kỹ năng giao tiếp một cách tự nhiên nhờ biết ngoại ngữ chính là điểm nổi bật thu hút của bạn. Vì vậy, nhiều trường đại học đã công bố lộ trình hoàn thành chuẩn ngoại ngữ đầu ra cho các sinh viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam đã nỗ lực học ngoại ngữ dù trong điều kiện khó khăn nhất. Những ngoại ngữ Bác đã học được khắp năm châu trong những năm tháng ấy đã giúp Bác rất nhiều trong công cuộc lãnh đạo cách mạng của Việt Nam. Trên bàn đàm phán hay trong các cuộc phỏng vấn với người nước ngoài, Bác đã luôn trả lời tự tin bằng ngoại ngữ. Ở Bác chính là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống cao đẹp của dân tộc với tinh hoa văn hóa thế giới.
Việc học ngoại ngữ chưa bao giờ là không cần thiết, nhưng ngày nay, giữa thời đại 4.0, vẫn có những người coi thường việc học ngoại ngữ, hoặc “phản đối” việc học ngoại ngữ. Những suy nghĩ này sẽ để lại những hậu quả khó lường. Trong thời đại toàn cầu hóa, chúng ta sẽ trở thành những người tụt hậu nếu không biết ngoại ngữ.
Vì vậy việc học ngoại ngữ là rất cần thiết để cải thiện cuộc sống của mỗi con người. Ngoại ngữ phải được tích cực phát triển mỗi ngày, bởi kiến thức không thể hình thành trong ngày một ngày hai. Tìm kiếm phương pháp học tập phù hợp, quyết tâm đạt được mục tiêu, kết hợp học ngoại ngữ với kiến thức văn hóa và phát triển kỹ năng mềm… chính là con đường đưa thế hệ trẻ đến với thành công.
2. Nghị luận xã hội về sự cần thiết của việc học ngoại ngữ ý nghĩa:
Nước Việt Nam ta đang trong quá trình hội nhập với quốc tế, đặt ra những thách thức lớn về tri thức, kỹ năng và việc thành thạo ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh – ngoại ngữ quốc tế cho các thế hệ trẻ. Việc sử dụng tiếng Anh như “tiếng mẹ đẻ” thứ hai đã trở thành yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của mỗi cá nhân trong môi trường quốc tế. Tuy nhiên, có những khác biệt quan trọng giữa người thành thạo tiếng Anh và những người không nói được tiếng Anh.
Có những người thông thạo tiếng Anh hoặc thậm chí thông thạo nhiều ngoại ngữ khác. Việc này có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Có những người có tố chất bẩm sinh, có những người mặc dù không có tố chất bẩm sinh nhưng lại chăm chỉ học hành và quyết tâm đạt được mục tiêu học ngoại ngữ đã đặt ra. Bên cạnh đó, gia đình có thể là một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích và thúc đẩy việc học ngôn ngữ của mỗi cá nhân cũng như nâng tầm nhận thức về sự quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Ngược lại, những người không biết ngoại ngữ chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong xã hội hiện đại. Kỹ năng ngôn ngữ không chỉ là kỹ năng giúp trau dồi bản thân mà còn là yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp của mỗi con người. Không biết ngoại ngữ có thể dẫn đến việc bị loại trừ cơ hội việc làm, đặc biệt là ở các doanh nghiệp, công ty quốc tế lớn. Những người này có thể phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao và hạn chế phát triển nghề nghiệp. Cho nên, ngoại ngữ là nhân tố cần thiết cho bất cứ một cá nhân nào để sống và phát triển trong xã hội ngày càng đào thải vào chọn lọc lực lượng lao động khắc nghiệt như ngày nay.
Là một học sinh, bản thân tôi đang không ngừng nỗ lực rèn luyện và học tiếng Anh. Tôi nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc tạo ra cơ hội việc làm cho bản thân và mở ra những trải nghiệm, kinh nghiệm du học khác nhau về các ngành nghề khác nhau trong tương lai. Để làm được như vậy, tôi phải lên biến việc học ngoại ngữ trở thành một thói quen, lên mục tiêu chi tiết, cụ thể, cùng có quyết tâm, động lực để hoàn thành mục tiêu ấy. Đó không chỉ là một hành trình học hỏi mà còn là một nấc thang quan trọng để chúng ta hòa mình vào thế giới đa văn hóa và đầy thử thách mà chúng ta đang sống.
3. Nghị luận xã hội về sự cần thiết của việc học ngoại ngữ ngắn gọn:
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, việc học ngoại ngữ đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục cũng như trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ngoại ngữ không chỉ là công cụ để giao tiếp, mà còn mở ra cánh cửa hiểu biết về văn hóa, lịch sử và con người của các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Học ngoại ngữ giúp chúng ta phát triển kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo, bởi khi học một ngôn ngữ mới, chúng ta phải liên tục so sánh và đối chiếu với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Qua đó, ta có thể nhận thức được những điểm tương đồng và khác biệt giữa các ngôn ngữ, từ đó phát triển khả năng linh hoạt trong giao tiếp và tư duy.
Ngoài ra, việc học ngoại ngữ còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao cơ hội nghề nghiệp. Trong môi trường làm việc quốc tế hoặc các công ty có quan hệ đối tác nước ngoài, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ là một lợi thế lớn, giúp mở rộng mạng lưới quan hệ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sự nghiệp.
Hơn nữa, việc học ngoại ngữ còn giúp chúng ta có cái nhìn rộng lớn hơn về thế giới, từ đó có thể hiểu và thông cảm với những quan điểm và cách sống khác biệt. Điều này không chỉ giúp chúng ta trở thành công dân toàn cầu có trách nhiệm mà còn góp phần vào việc xây dựng một xã hội đa dạng và hòa nhập hơn.
Vì vậy, sự cần thiết của việc học ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở việc thuần túy là học một kỹ năng mới. Đó là quá trình liên tục khám phá và hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh chúng ta cũng như vai trò của chính chúng ta trong xã hội toàn cầu.