Hiến máu nhân đạo là một phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Xin giới thiệu các bài văn nghị luận xã hội bàn về phong trào hiến máu nhân đạo được sưu tầm tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình.
Mục lục bài viết
1. Nghị luận xã hội về phong trào hiến máu nhân đạo hay nhất:
Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một hành động tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, tình yêu thương giữa con người với con người, lòng nhân ái bao dung biết sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống. Đây có lẽ không còn là một hành động xa lạ đối với người Việt Nam.
Máu là một mô di động được tạo thành từ các thành phần có thể nhìn thấy là các tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Chức năng chính của máu là cung cấp chất dinh dưỡng và cấu trúc các cơ quan, loại bỏ chất thải trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, máu có vai trò quan trọng và là một phần thiết yếu trong cuộc sống của mỗi con người. Đó là món quà vô cùng quý giá mà mỗi chúng ta luôn phải biết trân trọng và nâng niu.
Nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là ngành y tế, nhiều loại thuốc đã được phát triển để điều trị bệnh nhưng ít có loại thuốc nào hiệu quả bằng điều trị trực tiếp bằng máu. Đó là lý do tại sao mỗi chúng ta có thể cho đi giọt máu hồng của mình và san sẻ sự sống với người khác.
Với thông điệp “Giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, đã bao trọn ý nghĩa và mục đích lớn lao trong các phong trào hiến máu nhân đạo. Mỗi giọt máu chính là biểu hiện của sự sống và là chuyển động của sự sống. Khi dòng máu chảy trong cơ thể của một người chỉ có chức năng duy trì sự sống, nhưng cũng một dòng máu ấy chảy trong cơ thể của nhiều người, nó sẽ trở thành làn sóng của tình yêu thương và phần chia sẻ quý giá nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Không chỉ vậy, hiến máu còn thể hiện tình yêu thương “Lá lành đùm lá rách” – một trong những nét đẹp, tương thân tương ái mà cha ông ta đã gây dựng và đúc kết từ bao đời. Khi hiến máu, chúng ta cơ cơ hội gìn giữ nét đẹp này của dân tộc và truyền lại cho con cháu mai sau truyền thống nhân đạo của cha ông. Cuộc sống của con người ở bất kỳ giai đoạn nào đều phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện tự nhiên và xã hội. Nhiều người rơi vào tình huống nguy hiểm do gặp phải những rủi ro và bất hạnh khó lường. Chúng ta cũng thế. Khi người khác gặp khó khăn, chúng ta giúp đỡ họ và khi chúng ta lâm nguy, những người khác cũng sẽ giúp lại chúng ta.
Ngoài việc cứu sống tính mạng con người, hiến máu còn mang lại sức khỏe cho chính người hiến máu. Khoa học đã chứng minh rằng, nếu một người mất đi 10 đến 15% lượng máu, thì không ảnh hưởng gì đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể, vì ngay lúc đó máu dự trữ sẽ được đưa ra lưu thông trong tuần hoàn máu. Khi tham gia hiến máu, máu của chúng ta được đổi mới hàng ngày, sản sinh ra lượng máu mới, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 đến 10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng cho cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3 đến 4 tuần, các thành phần trong máu sẽ phục hồi lại gần như bình thường, khi đó các thành phần trong máu được trẻ hóa, nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật. Hiến máu nhiều lần làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt và bệnh tim mạch, rất có lợi đối với người có nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc trong cơ thể.
Ngày nay, tại các trường học, địa phương, có rất nhiều tổ chức vận động hiến máu tình nguyện, trong đó có sự tham gia của rất nhiều các bạn học sinh, sinh viên – những con người trẻ tuổi tràn đầy khí thế cùng ngọn lửa nhiệt huyết đam mê. Điển hình là chương trình Trung Thu Cho Em của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương với sự tham gia của hơn 4000 tình nguyện viên từ khắp địa bàn trên Hà Nội. Chương trình đã để lại con số ấn tượng với hơn 3.000 đơn vị máu nhận về. Điều này đã tạo nên động lực lớn cho mọi người xung quanh về niềm tin vào một tương lai tươi sáng đối với những người đang gặp khó khăn, nguy kịch.
Phong trào hiến máu nhân đạo là một hành động đẹp, giàu tính nhân văn và có giá trị to lớn đối với xã hội. Mỗi người, dù già hay trẻ, nếu đủ điều kiện sức khỏe, hãy tự nguyện tham gia hiến máu, bởi đây không chỉ là nghĩa cử cao đẹp mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. Hãy để những giọt máu quý giá của chúng ta mang lại sự sống, niềm vui và hạnh phúc cho những người kém may mắn. Như thông điệp ý nghĩa trong các chiến dịch hiến máu đã từng khẳng định: “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại.”
2. Nghị luận xã hội về phong trào hiến máu nhân đạo 10 điểm:
Máu là nguồn sống quý giá của con người, nhưng không phải ai cũng may mắn có đủ máu để duy trì sự sống trong những tình huống khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, phong trào hiến máu nhân đạo ra đời, trở thành một hành động cao cả, mang đậm tính nhân văn. Đây không chỉ là nghĩa cử giúp đỡ đồng loại mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội.
Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, một hành động thiết thực, trực tiếp giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Người hiến nhận thấy mình đủ các chỉ tiêu về sức khỏe thì có thể đăng ký tham gia hiến một phần nhỏ lượng máu của cơ thể cho các tổ chức y tế. Việc hiến máu hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, tương thân tương ái, không bị ép buộc hay vì chạy theo thành tích. Lượng máu sau khi hiến sẽ được đem đi sàng lọc, nếu đạt chuẩn sẽ được đưa vào kho dự trữ để lấy ra sử dụng khi có bệnh nhân cần đến. Những người bị tai nạn giao thông, mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư máu, thiếu máu hay cần phẫu thuật đều rất cần máu để duy trì sự sống. Một giọt máu cho đi có thể mang lại cơ hội sống cho nhiều người, mang lại niềm hy vọng cho các gia đình đang trong cảnh ngặt nghèo.
Máu vốn là một sản phẩm thiết yếu và kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người và các sinh vật trên trái đất. Máu lưu thông khắp cơ thể, mang theo oxy và các chất dinh dưỡng để nuôi sống và điều hòa các chức năng của cơ thể. Không ai có thể sống nếu không có dòng máu đỏ quý giá chảy trong cơ thể mình. Hiện nay, y học ngày càng phát triển, các nhà khoa học đang tiến tới nghiên cứu các sản phẩm bên trong cơ thể con người. Nhiều loại sản phẩm y tế, sinh học khác nhau có thể được tạo ra từ enzyme, gen, protein nhưng hoàn toàn chưa có công trình khoa học nào có thể tạo ra nguồn máu nhân tạo, thay thế hoàn toàn nguồn máu tự nhiên của con người. Điều này nêu bật lên tính độc đáo và tầm quan trọng của ngân hàng máu và hoạt động hiến máu tình nguyện trong cộng đồng.
Từ xa xưa đến nay, nhân dân ta luôn tự hào trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một trong những truyền thống ấy chính là tinh thần tương thân tương ái, cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp. Việc cứu giúp lẫn nhau trong cuộc sống vốn đã trở thành đạo lý cơ bản nhất, là việc làm cao đẹp, thể hiện tấm lòng nhân ái, tư cách đạo đức và lối sống nhân nghĩa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của con người. Hiến máu nhân đạo chính là một trong những hành động như thế. Việc cho đi những giọt máu của mình vừa là nghĩa cử cao đẹp của cá nhân, vừa là động lực khuyến khích các cá nhân khác học hỏi, tình nguyện tham gia các hoạt động hiến máu cứu người, giúp xã hội ngày một trở nên văn minh, con người sống với nhau bằng tình nghĩa và sự đoàn kết, đùm bọc.
Cho đến nay, hằng năm, các đội hiến máu vẫn liên tục được tổ chức, số lượng người tham gia ngày càng đông. Nhưng việc đáp ứng nhu cầu máu vẫn dừng lại ở mức xấp xỉ với nhu cầu, thậm chí có lúc với những ca cấp cứu nặng, khẩn cấp, nguồn máu vẫn không thể đáp ứng được. Khi chúng ta tham gia nhiệt tình vào công tác hiến máu, không chỉ là cứu giúp người khác mà còn để lại cho mình một con đường lui cần thiết, lưu giữ lại cho chính bản thân và người thân của mình những giọt máu quý giá, đề phòng những tình huống bất chấp có thể xảy ra trong cuộc sống.
Mỗi con người chúng ta cần phải có ý thức đúng đắn về việc hiến máu cứu người, có tấm lòng tự nguyện hy sinh, tham gia tích cực vào các hoạt động hiến máu nhân đạo. Đồng thời, hăng hái tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện nghĩa cử cao đẹp này để phong trào được nhân rộng hơn nữa, đáp ứng nhu cầu máu trong công tác y tế hàng ngày.
3. Nghị luận xã hội về phong trào hiến máu nhân đạo ngắn gọn:
Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta, là hành động giúp đỡ những người bệnh đang cần những giọt máu quý giá nhằm duy trì sự sống. Một phong trào hiến máu và kêu gọi hiến máu nhân đạo đang diễn ra rất sôi nổi trên khắp nước ta, đặc biệt là ở các cơ quan, trường học.
Khẩu hiệu: ”Một giọt máu cho đi – Một cuộc đời ở lại”. Chỉ qua đó thôi chúng ta có thể thấy được vai trò to lớn của hành động mang tính nhân văn sâu sắc này. Từ đó càng phải công nhận, góp phần giúp cho hành động hiến máu cao đẹp này phát triển mạnh mẽ tại cộng đồng.
Hiến máu là hành động cho đi những giọt máu trong cơ thể chúng ta một cách tự nguyện nhằm giúp đỡ những người cần đến nó. Tuy chỉ là một phần nhỏ, nhưng những giọt máu ấy sẽ đem lại hy vọng cho những người cần máu gấp như các bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, các ca ghép tạng hay có thể duy trì sự sống cho những em bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh,…
Phong trào hiến máu nhân đạo chính là một biểu hiện rõ ràng của tinh thần tương thân tương ái – một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Khi tham gia hiến máu, mỗi người không chỉ góp phần cứu người mà còn lan tỏa giá trị nhân đạo, làm gương cho cộng đồng. Bởi thế, phong trào góp phần thành công trong việc kết nối con người, tạo nên một xã hội biết quan tâm và chia sẻ. Không chỉ mang lại lợi ích cho người nhận, hiến máu cũng có những tác động tích cực đến sức khỏe người hiến. Quá trình hiến máu giúp kích thích sản sinh các tế bào máu mới trong cơ thể người hiến, làm giảm nguy cơ ứ đọng sắt và bệnh tim mạch, rất có lợi đối với người có nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc trong cơ thể. Việc tham gia hiến máu còn giúp bổ sung nguồn máu dự trữ cho các bệnh viện, giảm áp lực trong những tình huống cấp bách như thiên tai, dịch bệnh hay tai nạn hàng loạt. Nhờ đó, hệ thống y tế có thể chủ động hơn trong công tác cứu chữa bệnh nhân.
Dù mang lại nhiều ý nghĩa, phong trào hiến máu nhân đạo vẫn gặp không ít khó khăn. Một số người còn e ngại về tác động của việc hiến máu đối với sức khỏe, thiếu thông tin hoặc chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nghĩa cử này. Ngoài ra, ở một số địa phương, điều kiện tổ chức hiến máu còn hạn chế, khiến phong trào chưa thực sự lan rộng.
Để phong trào hiến máu nhân đạo trở thành một hoạt động phổ biến, cần có sự chung tay của nhiều tổ chức và cá nhân. Cần tăng cường các chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và lợi ích của việc hiến máu. Xây dựng nhiều chiến dịch hiến máu quy mô lớn, thuận tiện cho người dân tham gia cũng như ghi nhận, tôn vinh những cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực để tạo động lực lan tỏa.
Ca dao có câu:
“Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người”
Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một hành động mang tính nhân văn sâu sắc, là một trong những biểu hiện của truyền thống yêu thương nhân nghĩa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chúng ta hãy chung tay nhân rộng và phát triển nghĩa cử cao đẹp này rộng khắp nơi, góp phần giúp cho cuộc sống tươi đẹp này tràn đầy tình yêu thương.
THAM KHẢO THÊM: