Dưới đây là một số bài văn mẫu Nghị luận xã hội về lòng trắc ẩn chọn lọc hay nhất do Luật Dương Gia biên soạn. Kính mời quý bạn đọc tham khảo để có thêm ý tưởng cho bài viết của mình. Mong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn.
Mục lục bài viết
1. Nghị luận xã hội về lòng trắc ẩn chọn lọc hay nhất:
Trong một xã hội đầy rẫy phức tạp, nơi mà sự thật và giả dối thường khó phân biệt, mỗi người trong chúng ta cần một nguồn an ủi, một chốn bình yên để trốn tránh những cơn nắng gắt của cuộc sống. Và lẽ đó mà mọi người đều có cho mình một khu vườn cảm xúc, và lòng trắc ẩn là mầm cây luôn tồn tại đâu đó trong ngóc ngách tâm hồn và đợi người đến tưới mát mỗi ngày.
Hạt giống trắc ẩn được gieo vào chúng ta dưới nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Nó có thể biểu hiện ra qua nhiều cảm xúc: có lúc là sự phẫn nộ, lúc lại nhẹ nhàng, lúc mãnh liệt và lúc thì sáng suốt… Lòng trắc ẩn không chỉ tồn tại trong mỗi con người mà còn lan tỏa qua từng sinh vật trên trái đất này, từ những con hổ lớn cho đến những loài động vật nhỏ bé. Như một thể gen di truyền không cần cùng mạch rễ hay cùng dòng máu, trắc ẩn sinh sôi âm ỉ ở một góc nào đó trong tâm hồn và đang đợi được bộc lộ, được thức tỉnh. Một cơn đau thuở nhỏ, một biến cố cuộc đời cũng là điều kiện kích hoạt lòng trắc ẩn.
Trong xã hội hiện đại, sự phát triển của truyền thông đã khiến lòng trắc ẩn trở nên lý tưởng hóa. Những thông tin về lòng trắc ẩn thường gắn liền với hình ảnh của những người hùng, sự hy sinh, và những cái kết tốt đẹp, khiến chúng ta cảm thấy khó mở rộng tấm lòng trở nên như vậy. Những hình ảnh lý tưởng đó mở ra những giấc mơ lớn lao về lòng trắc ẩn, nhưng thường quên rằng nó cũng rất gần gũi và giản dị. Một ánh mắt cảm thông, cái siết tay dành cho những bệnh nhân hấp hối trong trại tế bần, một cái nhìn xót xa, một bàn tay nhẹ nhàng băng bó cho người phỏng nặng, một cuốc xe của cô bán xôi giúp đỡ cậu học sinh quên giấy tờ hay một người bại liệt hai chân từng bước trở thành giáo viên yoga cũng được gọi dưới cái tên trắc ẩn. Trắc ẩn cho ta và trắc ẩn cho người. Nó luôn muôn hình, vạn trạng như thế, tồn tại dưới những câu chuyện khác nhau từ đó trở thành một mắt xích trong cái vòng tròn nhiều màu của xã hội. Đừng tìm trắc ẩn ở đâu xa xôi, mà hãy cảm nhận nó từng chút một qua cuộc sống hàng ngày của bạn.
Trong bối cảnh hiện tại, sự hoàn hảo đang trở thành một tiêu chuẩn mà chúng ta sử dụng để đánh giá nhau. Khi các nguồn tin trở nên thiếu vững chắc và mạng xã hội trở thành nơi “xét xử” mọi vấn đề và cá nhân, lòng trắc ẩn cũng bị đẩy vào trạng thái lấp lửng giữa đúng và sai. Và công việc quan trọng của mỗi người là làm sao thả đúng điểm rơi cho lòng trắc ẩn. Vượt khỏi giới hạn của thương cảm, trắc ẩn của hiện tại đòi hỏi sự hiếu kỳ và rèn luyện một cái tội tò mò. Có tò mò, có suy xét bạn mới làm chủ được suy nghĩ của mình giữa một hỗn hợp tin tức đủ thể loại từ truyền thông.
Trắc ẩn không đồng nghĩa với lòng thương hại, cũng không phải là sự áp đặt của những quy chuẩn đạo đức hoàn hảo khiến ta phải xúc phạm người khác hay sợ hãi trước những điều tiếng. Sự hoàn hảo càng nêu cao đồng nghĩa đang làm cả thế giới tê liệt bởi nỗi sợ hãi, một sự việc với hàng trăm ý kiến khiến chúng ta không biết đâu là đúng, là sai và bào mòn đi tính cảm thông của mỗi người. Nhiều người cho rằng đặt lòng trắc ẩn quá nhiều sẽ làm chúng ta kiệt sức trong xã hội đầy rẫy những xấu xí và loạn ngôn. Chúng ta chọn cách co lại khi đối mặt với chất độc tinh thần và thể chất – thứ chất độc xã hội tiêm vào người ta mỗi ngày qua trang mạng, qua các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, thực tế là lòng trắc ẩn lại có khả năng kích thích sự miễn dịch, trở thành một lớp bảo vệ an toàn đồng thời là nguồn năng lượng tích cực cho mỗi người. Hãy dùng cái đầu lý trí để dẫn dắt trắc ẩn qua những tò mò, hiếu kỳ và thả được điểm rơi vào đúng vị trí của nó.
2. Nghị luận xã hội về lòng trắc ẩn chọn lọc ý nghĩa nhất:
Một mảnh ghép khác tạo nên lòng trắc ẩn chính là ý nghĩa của việc thiện nguyện. Ý nghĩa sẽ cung cấp bối cảnh cho mối quan hệ của bạn. Bạn càng chia sẻ với người khác, bạn sẽ nhận thấy mối quan hệ đó sẽ trở nên muôn màu hơn. Tôi muốn chúng ta ngắm nhìn chiêm ngưỡng hình ảnh cảm động về một cô bé đã cõng bạn mình lên năm tầng để dự thi, hình ảnh đang lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian gần đây, mang lại niềm tin vào lòng trắc ẩn trong cuộc sống. Cũng giống như việc một đứa trẻ bắt đầu bập bẹ tập nói, sau đó nói được trôi chảy thì tập ca hát và làm thơ, lòng trắc ẩn cần phải được mài giũa qua thời gian. Mỗi con người chúng ta ai cũng có lòng trắc ẩn, mặc dù đôi khi nó bị vùi lấp dưới thành kiến và sự ích kỉ. Hãy vượt qua những rào cản tiêu cực và bắt đầu làm phong phú tâm hồn để lòng trắc ẩn có thể tỏa sáng, mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của chính ta và những người xung quanh.
3. Nghị luận xã hội về lòng trắc ẩn chọn lọc ngắn gọn nhất:
Lòng trắc ẩn có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Vậy lòng trắc ẩn là gì? Nó tác động ra sao đến cuộc sống của chúng ta? Lòng trắc ẩn là khả năng khơi dậy sự thương xót, đồng cảm và thấu hiểu giữa con người với con người; là khía cạnh quan trọng nhất của tình yêu đích thực. Giữa những guồng quay chóng mặt của cơm – áo – gạo – tiền, đôi khi sẽ thật khó để ta có thể dành thời gian quan tâm, nhận ra những nỗi buồn, sự vất vả của những người xung quanh. Khi ấy, nếu chẳng thể khơi lên lòng trắc ẩn, chúng ta sẽ ngày một xa nhau, trở nên cô độc và lạnh lẽo. Ngược lại, nếu có được lòng trắc ẩn, con đường mà chúng ta đi sẽ trở nên sáng sủa hơn, những khó khăn sẽ nhẹ nhàng hơn khi có người đồng hành, và những ước mơ sẽ thêm phần tươi đẹp khi có ai đó cùng chia sẻ và xây dựng… Có thể nói, lòng trắc ẩn tạo nên phần “người” cho mỗi người, khiến cuộc sống này trở nên đẹp đẽ hơn. Vậy nhưng, vẫn có không ít kẻ vẫn giữ cho mình thói vô cảm, thờ ơ với cảm xúc của những người xung quanh và thậm chí là tạo ra những hành vi phi nhân tính như lái xe tải ở Nam Định cố kéo lê nạn nhân sau tai nạn. Hay một người Thái Lan đã chết khi rơi xuống sông mà những người qua đường không ai chịu cứu… Tóm lại, mỗi chúng ta cần nuôi dưỡng lòng trắc ẩn trong bản thân thông qua những hành động hàng ngày như dành thời gian trò chuyện với người thân; giúp đỡ những người già, khuyết tật qua đường; gấp cẩn thận một đồng tiền và đưa nó cho một người hành khất… Bởi đúng như Albert Schweitzer từng nói: “Lòng trắc ẩn chính là cội nguồn của mọi đạo đức”.