Dưới đây là một số bài văn Nghị luận xã hội về lòng tham lam hay nhất - Văn mẫu 9, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều thông tin bổ ích, hiểu rõ những tác hại, hệ lụy mà lòng tham gây ra cho con người.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý nghị luận xã hội về lòng tham lam hay nhất:
1. Mở bài:
– Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề nghị luận: Lòng tham lam.
2. Thân bài:
a, Giải thích:
– Lòng tham là sự khát khao vượt mức bình thường về một điều gì đó: tiền bạc, của cải, địa vị, quyền lực,…
– Lòng tham tồn tại trong mọi thời kì phát triển của nhân loại.
b, Biểu hiện của lòng tham:
– Luôn muốn nhiều hơn, không biết đủ.
– Những sự việc đau lòng xảy ra do tranh chấp tài sản.
– Những vụ tham ô, hối lộ của quan chức cấp cao.
c, Tác hại của lòng tham
– Khiến con người mất đi lí trí, không phân biệt được đúng – sai.
– Khiến con người mất dần nhân tính, rơi vào “vòng xoáy tội ác”.
– Để lại nhiều hậu quả cho bản thân và cộng đồng.
d, Bài học nhận thức:
– Rèn luyện bản thân về cả đạo đức, tri thức.
– Tránh xa thói sân si, đua đòi, kìm hãm nhu cầu của bản thân.
– Lan tỏa sự tích cực, sẻ chia đến cộng đồng.
e, Liên hệ thực tế:
– Có nhiều người có lối sống giản dị, bình yên, xứng đáng để học tập và noi theo.
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
2. Bài Mẫu nghị luận xã hội về lòng tham lam ngắn gọn:
Xã hội ngày càng phát triển, tuy mang đến nhiều thành tựu cho nhân loại nhưng cũng đồng thời ẩn chứa nhiều mặt tiêu cực. Một trong số đó chính là thói tham lam. Không chỉ gây nên sự thụt lùi về mặt đạo đức, nó còn biến xã hội của chúng ta trở nên bất ổn và hỗn loạn vô cùng.
Trước hết, ta hiểu lòng tham lam là sự ham muốn vượt mức bình thường của con người về một điều gì đó. Đó là tiền tài, danh vọng, của cải, cũng có thể là địa vị, quyền lực, sự thống trị,… Tất cả chúng đều nhằm một mục đích: làm lợi cho bản thân, coi bản thân như trung tâm.
Trong một cuốn tiểu thuyết có câu: “Mọi người ai cũng tham, đơn giản là tham cái gì thôi”. Quả thật, một đứa trẻ con muốn có nhiều kẹo hơn bạn bè nó là tham. Một người muốn giàu có hơn những phú hào nhà cao cửa rộng là tham. Một kẻ quyền thế muốn có thêm chức, thêm quyền để thu về nhiều tiền hơn cũng là tham. Lòng tham hiện hữu ngay xung quanh chúng ta, chỉ khác về mức độ và hậu quả nó đem lại. Rất dễ thấy trong xã hội dù xưa hay nay đều có những sự việc đáng tiếc xảy ra do tranh chấp tài sản, hay những vụ tham ô, hối lộ của các quan chức nhà nước gây nhiễu loạn lòng dân. Đó đều là sự tham lam mang tính tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cộng đồng.
Lòng tham khiến con người thay đổi rất nhiều theo chiều hướng đi xuống. Nó ăn mòn tâm trí con người, khiến họ không còn phân biệt được phải – trái, đúng – sai. Từ đó, những hành động cực đoan rất dễ xảy ra, gây nên hậu quả nặng nề cho xã hội. Anh em trong nhà hãm hại nhau vì quyền thừa kế, con đánh cha, cháu lừa bà vì tài sản, bao vụ án bị lấp liếm vì ăn hối lộ,… Con người cứ như vậy mà rơi vào vòng xoáy của tội lỗi, chìm trong “vũng bùn nhơ nhuốc” của những tệ nạn.
Để có thể loại trừ sự tiêu cực ấy, mỗi người cần tự mình rèn luyện rất nhiều cả về tri thức và đạo đức. Hãy tránh xa sự đua đòi, tranh giành bên ngoài, tập trung phát triển bản thân, phấn đấu để đạt được những thành tựu cho riêng mình. Việc kìm hãm nhu cầu cá nhân cũng là cách giúp ta rèn luyện tính kiên nhẫn và tinh thần cầu tiến trong công việc, học tập. Ngoài ra, việc lan tỏa sự tích cực, sẻ chia đến mọi người cũng là một cách giúp cộng đồng cùng phát triển.
Trên thực tế, có rất nhiều người mang lối sống tự do, lành mạnh không bị gò bó bởi tiền bạc, địa vị. Đó là những cá nhân xuất sắc, đáng để học tập và noi theo. Nếu ai cũng sống tích cực như vậy thì cộng đồng sẽ ngày một vững mạnh, văn minh hơn rất nhiều.
Nhìn chung, lòng tham đã tồn tại từ bao đời nay. Hãy tự mình thay đổi bản thân, phát triển nhận thức cộng đồng để mọi người loại bỏ sự tiêu cực ấy ra khỏi cuộc sống con người.
3. Bài Mẫu nghị luận xã hội về lòng tham lam ấn tượng:
Lòng tham của con người giống như cái túi không có đáy, cái túi không có đáy thì dù có đựng bao nhiêu vàng bạc của quý cũng không thể nào đầy được. Cũng vậy, lòng tham của con người thì vô độ nên không có điểm dừng, không có giới hạn, mà lại vô hạn… Chính vì vậy con người mãi chạy theo dục lạc để tận hưởng, không bao giờ biết dừng. Giống như con thiêu thân lao mình vào ánh đèn mà không thể nào biết rằng nó sẽ bị nguy hiểm biết dường nào và nó không thể nào biết được khi lao vào bóng đèn thì nó sẽ chết ngay.
Con người không thấy được sự nguy hiểm của lòng tham dục, cho nên càng tham muốn càng khổ nhiều. Lòng tham này được thể hiện dưới mọi hình thức khác nhau.
Có người vì lòng tham mà cố gắng lo làm ăn bằng những nghề nghiệp nuôi sống khác nhau: như làm công cho nhà nước, như làm công ty, như làm ruộng, như buôn bán, như nuôi gia súc gia cầm…vv. Ngày đêm thức khuya dậy sớm làm lụm vất vả dành dụm để tạo dựng sự nghiệp sinh sống cho mình và gia đình. Nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, khi có được tài sản thì luôn luôn ưu tư suy nghĩ sợ bị mất, sợ bị ăn trộm.
Người giàu sang có tiền của tài sản cũng bị khổ là phải bo bo giữ gìn. Nếu như lỡ may bị trộm cướp, bị lấy cắp, bị tịch thu, bị hỏa hoạn đốt cháy hoặc lỡ bị lũ lụt cuốn trôi thì than van khóc lóc, đấm ngực, mê man bất tỉnh, thì sự nổ lực vất vả cố gắng gầy công để được giàu có, tài sản nhiều đó cũng hoài công vô ích và không có kết quả gì.
Có người vì lòng tham mà không còn lương tâm lương tri ăn của hối lộ, ăn xén ăn bớt của cải mồ hôi công sức của người khác. Có người vì lòng tham mà phải cờ bạc, cá độ để mong được giàu sang có được tài sản, rốt cuộc giàu sang không thấy mà lại cho một kết quả bi thảm đó là tán gia bại sản, của cải không còn, nhà cửa bị tịch thu…
Có người vì lòng tham mà mua vé số, đánh số đề cầu mong trúng số độc đắc để có được nhiều tiền giàu có, kết quả rồi cũng trắng tay tan nhà nát cửa, nợ nần chồng chất… Có người vì lòng tham mới đầu có chiếc xe đạp, khi có được chiếc xe đạp rồi lại mong muốn có chiếc xe honda, khi có chiếc xe honda rồi lại mong muốn có được chiếc xe hơi…Cho nên, lòng tham không có giới hạn là như vậy.
Khi có được tài sản nhiều thì thường xảy ra mâu thuẫn với nhau. Như dòng họ tranh chấp với nhau, chồng vợ tranh chấp, cha con tranh chấp, mẹ con tranh chấp, anh em tranh chấp, chị em tranh chấp, bạn bè tranh chấp… Con người vì nhu cầu vật chất, tiền bạc, tài sản mà đeo đuổi theo lòng tham lam, ích kỷ cho riêng mình.
Cho nên chuyện đổ vỡ xung đột gia đình đánh mất hạnh phúc cũng xảy ra từ đây. Nguyên do cũng chính bởi lòng tham này nên không còn thương yêu nhau, đùm bọc nhau nữa, thường xuyên xảy ra chiến tranh, tranh đoạt, tranh chấp với nhau.
Tất cả những lòng tham nêu trên đều mang một kết cục là khổ đau, cho dù lòng tham muốn để được tài sản giàu có, được tạo nên bởi mọi hình thức nào cũng đều mang lại sự thiệt hại, nguy hiểm cho chính mình, cho người thân và cho cả xã hội. Chúng đều là hành nghiệp của ác pháp, của bất thiện được thể hiện trên thân hành, khẩu hành, ý hành của chính mình.
Vì trong ý hành thường nghĩ đến chuyện muốn được giàu sang hơn người khác, cho nên thân hành và khẩu hành phải hành động làm hại mình, làm hại người và làm hại chúng sanh.