Bệnh thành tích là do những thói xấu, những khuyết điểm tồn tại trong tư tưởng mỗi người, nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước. Để đẩy lùi bệnh thành tích mỗi người trong chúng ta phải tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Để hiểu rõ hơn vấn đề này mời các bạn tham khảo bài viết: Nghị luận xã hội về bệnh thành tích trong xã hội hiện nay dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Bài nghị luận xã hội về bệnh thành tích trong xã hội hiện nay:
Sau khi đánh đuổi được hai kẻ thù xâm lăng vô cùng nguy hiểm là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, nhà nước và nhân dân ta đã không ngừng phấn đấu để đưa đất nước đi lên. Thành tựu của những nỗ lực đó là nước ta đang trên đà phát triển, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhưng tồn tại song song cùng với sự phát triển đó luôn có mặt trái, mặt tiêu cực. Trong xã hội có nhiều mặt tốt mà cũng không ít mặt xấu này, nổi bật lên là “bệnh thành tích”.
“Bệnh thành tích” là gì? Tại sao lại gọi “thành tích” là “bệnh”? Thông thường ta chỉ gọi bệnh là do vi rút, vi khuẩn làm cho trạng thái cơ thể hoặc bộ phận cơ thể hoạt động không bình thường, vậy mà có thể gọi thành tích là bệnh. Thành tích bản chất của nó là kết quả được đánh giá tốt, là cái người ta đặt ra làm mục tiêu để vươn tới. Vậy, phải chăng con người là vi khuẩn, vi rút, là “con sâu” của xã hội? Vì chính con người đã biến thành tích ấy thành cái xấu, thành một vấn nạn cứ âm ỉ mãi, khó có thể loại bỏ một cách nhanh chóng.
“Bệnh thành tích” là do những thói xấu, những khuyết điểm tồn tại trong tư tưởng mỗi người, nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước. Nước ta đặt ra mục tiêu đến năm 2010 sẽ trở thành một đất nước công nghiệp hiện đại. Nhưng “bệnh thành tích” làm con người ta cứ luôn ảo tưởng chắc như vậy đã tốt, đã cao rồi. Chính vì thế mà họ luôn ỷ lại, luôn bám vào cái “thành tích ảo” ấy mà không hề biết năng lực bản thân mình đến đâu. Nhìn bề ngoài thì mọi thứ đều tốt đẹp nhưng thực chất bên trong thì rỗng tuếch. Những năm gần đây, trên các thông tin đại chúng thường đưa tin chính phủ phát lệnh đến các địa phương, xây dựng một số công trình giúp dân thoát khỏi khó khăn như xây cầu, xây chung cư, nhưng cuối cùng ra sao?… Những công trình ấy cứ năm này qua năm khác mà vẫn chưa hoàn thành lẫn chất lượng và số lượng đúng như bản thiết kế, không chỉ làm cho dân khổ sở mà còn tốn kém tiền của của nhà nước. Dường như tất cả chỉ nằm trong giấy tờ. Và đó chỉ là thành tích mà thôi. Những “bệnh thành tích” ấy trên ban lãnh đạo nhà nước cũng đang tìm cách giải quyết, nhưng chẳng biết đến bao giờ căn bệnh ấy sẽ xóa sổ hoàn toàn bởi căn bệnh đó đang từng ngày từng giờ vẫn đang tiếp tục phát triển và lây lan, len lỏi ở khắp nơi.
“Bệnh thành tích” còn lây lan một cách trầm trọng sang giáo dục. Trong chương trình “Bạn hãy nói với tôi” của Đài tiếng nói Việt Nam có buổi phát thanh về trường THPT Đức Trọng, Lâm Đồng, vì muốn chạy theo thành tích trường chuẩn Quốc gia nên đã giảm số lớp từ sáu mươi sáu xuống còn ba mươi sáu, khiến một nghìn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không được tiếp, tục học. Chỉ vì cái danh ấy mà biết bao học sinh phải nghỉ học.
Rồi trong tháng 10- 2007 trên chương trình thời sự có đưa tin ở một số trường THCS, học sinh lớp bảy không biết đọc, biết viết. Đọc, viết là những điều cơ bản của việc học tập suốt năm năm cấp một, vậy mà không biết thì làm sao các học sinh đó có thể lên lớp, có thể tốt nghiệp cấp hai được. Tất cả cũng chỉ vì căn bệnh thành tích mà ra. Giáo viên lo cho đạt chỉ tiêu tốt nghiệp một trăm phần trăm, phụ huynh học sinh lo chạy chọt, xin điểm để lên lớp. Cứ như thế thì làm sao giáo dục có thực chất được. Ngay khi nhà nước đã ban hành chính sách “ba không” một cách quyết liệt, tình trạng ấy vẫn cứ diễn ra, và ngày càng “nặng” hơn. Hiện nay vẫn còn tình trạng thầy cô dạy thêm rồi “mắm” đề cho học sinh kiểm tra. Vì thế mặc dù những bạn học rất yếu nhưng cứ đi học thêm là điểm cao. Chính sự dễ dãi quá mức ấy đã làm cho nhiều học sinh ngày càng ù lì, ỷ lại hơn. Chính vì điều kiện “tốt đẹp” mà thầy cô đã tạo ra ấy đã đem đến cho học sinh những “thành tích ảo”. Những “thành tích ảo” ấy đã làm nhiều học sinh chọn nhầm bạn, ngồi nhầm lớp. Trước tình hình đó chúng ta phải làm gì? Làm cách nào để giải quyết căn bệnh này? Đó là một câu hỏi luôn nhức nhối. Chúng ta không thể xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, một nền giáo dục vững mạnh, sánh ngang tầm quốc tế với căn bệnh “bệnh thành tích” luôn tồn tại như thế này.
Để đẩy lùi nó, mỗi người trong chúng ta phải tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân, tự mình đẩy lùi tư tưởng muốn có “thành tích* trong khi bản thân không có thực chất. Nhà nước cần ban hành nhiều chính sách chống “bệnh thành tích” kỹ lưỡng hơn và phải theo dõi một cách gắt gao việc thực hiện để căn bệnh đó không còn là mối lo ngại của đất nước, có như vậy nhà nước mới có cơ hội sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
2. Bài nghị luận xã hội về bệnh thành tích trong xã hội hiện nay chi tiết:
Trong cuộc sống này có ai không thích thành tích tốt, mình được khen ngợi, thế nhưng bản thân mỗi người cần nhận thức được thành tích thật sự là như thế nào. Ngày nay chỉ cần có được một thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Có lẽ vì đó mà căn bệnh thành tích ngày càng lây lan và đang gây ra những tác hại không nhỏ với sự phát triển xã hội.
“Bệnh thành tích” được hiểu là con người luôn muốn mình có một thành tích tốt đẹp, bất kể có phải là thành tích thật hay không. Vì điều đó họ sẵn sàng làm mọi điều kể cả những gian lận, những việc trái với đạo lý. Nó ăn vào tâm trí họ như một căn bệnh.
Khi xã hội ngày càng phát triển thì thành tích là điều rất đáng để được công nhận. Thế nhưng cũng thật đáng buồn khi xã hội ngày càng phát triển, những nỗ lực, cố gắng để đạt một thành tích tốt đẹp của con người lại trở thành một căn bệnh đang là mối đe dọa trong xã hội.
Một biểu hiện dễ thấy nhất đó là Bệnh thành tích trong giáo dục. Các thầy cô muốn thành tích cao cho trường, cha mẹ muốn thành tích tốt cho con mình. Khi còn đương nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân đã từng nói: “ Các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao và hàng chục triệu phụ huynh, gia đình học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích”.
Phụ huynh muốn con em mình điểm cao mà sẵn sàng đưa tiền bồi dưỡng các thầy cô, thầy cô vì muốn học trò được điểm cao lấy thành tích cho trường mà mua chuộc giám thị. Chúng ta biết rằng kết quả thi cử của học sinh sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên và nhà trường. Từ đó nếu có một kết quả thi tốt của học sinh, thầy cô sẽ được khen thưởng, nâng lương. Và những phụ huynh học sinh cũng có được một bảng điểm đẹp cho con em mình. Ai cũng được lợi. Bên cạnh những phụ huynh thực sự muốn con em mình đi lên bằng chính sức lực của chúng không ít những phụ huynh vẫn đang tìm mọi cách giúp con có một bảng điểm đẹp, với hy vọng con có một tương lai tươi sáng sau này. Điều đó từ sâu xa đều xuất phát từ lòng thương con của cha mẹ. Ai mà không muốn con mình có một tương lai tốt đẹp hơn. Cứ tới mỗi kỳ thi, chúng ta lại bắt gặp những cuộc trò chuyện như “Đã lo chỗ nào chưa?”, “Đã đi thầy/cô này chưa?”. Chính tình thương quá đáng của bậc cha mẹ đã vô tình trở thành công cụ cho bệnh thành tích ngày càng lây lan rộng hơn.
Chúng ta hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đọc được những bản tin như học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh lớp 6 vẫn chưa thuộc hết bảng cửu chương, chưa đọc thông viết thạo vậy mà các em vẫn được lên lớp đều đều. Chúng ta hẳn thấy thật chua xót khi sau mỗi năm thi đại học, cao đẳng lại xuất hiện những bài thi được chép kín những mặt giấy nhưng hoàn toàn không đúng nội dung đề bài. Sau mỗi ngày thi, sân trường phủ kín bằng phao trắng xóa. Hình ảnh thật xót xa.
Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở thành một căn bệnh khó chữa. Nó không chỉ là căn bệnh của ngành giáo dục mà nó còn xuất hiện trong các lĩnh vực khác của xã hội nữa. Bệnh thành tích không còn giới hạn ở một con người cụ thể, một lĩnh vực riêng lẻ nào. Nhớ trước đây số xã nghèo ở nước ta chỉ khoảng 1700. Sau khi có các chương trình của Chính phủ, hỗ trợ tiền để xóa nghèo thì rất nhiều địa phương đã đăng ký thoát nghèo. Để rồi khi báo chí vào cuộc phanh phui thì vẫn có hàng trăm hộ trong tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà đã được thoát nghèo. Âu cũng là bệnh thành tích mà ra.
Cấp trên thích nghe thành tích tất nhiên sẽ có cấp dưới tạo ra những thành tích ảo. Từ nhỏ thành lớn, từ ít đến nhiều, căn bệnh thành tích từ đó ngày càng lây lan rộng. Những câu chuyện về những công trình, dự án trên giấy, vấn đề giải quyết việc làm, câu chuyện xóa đói giảm nghèo, với những báo cáo xa rời thực tế là vấn đề muôn thuở.
Bệnh thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Bệnh thành tích sẽ làm mất đi sự trung thực, niềm tin và sự phát triển của xã hội. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự. Trong cuộc sống hiện đại nếu bạn không có năng lực thực sự thì sẽ không thể có một chỗ đứng. Căn bệnh thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Một tập thể mắc bệnh thành tích sẽ cho ra những sản phẩm không có giá trị. Bệnh thành tích khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.
Người xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Căn bệnh thành tích ngày nay đã đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp ấy, đã phá vỡ đi những truyền thống văn hóa của dân tộc. Căn bệnh ấy sẽ khiến những cá nhân tự mãn về bản thân, cho mình luôn giỏi giang nhưng thực chất là không phải. Và ảo tưởng thì thường sẽ không có thật, không thể tồn tại lâu dài.
Do đó chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người cần tránh xa và đẩy lùi căn bệnh này. Thiết nghĩ rằng dù nó là căn bệnh có tính lây lan nhưng có để mình bị lây hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Chúng ta cần phải là những người có lòng tự trọng, có nhân cách và đó mới là điều cần lan tỏa trong xã hội này.
Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Nhưng không thể vì điều đó mà bất chấp để có thành tích. Chúng ta cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân mình. Chắc chắn đó không phải là một điều quá khó khăn nếu như chúng ta luôn có tự trọng và giữ đúng nhân cách của mình.
3. Dàn ý bài nghị luận xã hội về bệnh thành tích trong xã hội hiện nay:
* Mở bài:
– Có thể thuật kể sơ lược một tin tức của đài, báo, truyền hình có liên quan đến “bệnh thành tích”.
– Giới thiệu chủ đề bài viết.
* Thân bài:
Khái niệm và biểu hiện của “bệnh thành tích”:
– Khái niệm.
– Phân biệt bệnh thành tích với ý thức phấn đấu để đạt những thành tích chính đáng.
– Biểu hiện của bệnh thành tích.
Nguyên nhân của bệnh thành tích:
– Nguyên nhân khách quan.
– Nguyên nhân chủ quan.
Hậu quả của bệnh thành tích:
– Với sự phát triển nhân cách con người.
– Với môi trường xã hội và sự phát triển của đất nước
Giải pháp khắc phục bệnh thành tích:
– Đối với người quản lí và chính sách quản lí.
– Đối với mỗi cá nhân. Kết bài:
– Sự cần thiết của việc chống bệnh thành tích.
– Suy nghĩ về việc xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh và thực sự phát triển.
* Kết bài:
– Sự cần thiết của việc chống bệnh thành tích. – Suy nghĩ về việc xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh và thực sự phát triển.
THAM KHẢO THÊM: