Một thực tế ai cũng biết là tuổi trẻ của bất kỳ quốc gia nào cũng là một tài sản lớn. Dưới đây là bài viết tham khảo về Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước kèm dàn ý chi tiết.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý bài Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước:
a) Mở bài:
– Dẫn dắt về vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước.
b) Thân bài:
- Giải thích thế nào là tuổi trẻ?
– Tuổi trẻ là lứa tuổi thanh thiếu niên. Đây là giai đoạn học hành, trang bị kiến thức, rèn luyện đạo đức và sức khỏe, chuẩn bị cho việc vào đời và làm chủ xã hội tương lai.
– Tuổi trẻ là động lực giúp cho xã hội phát triển. Nhiệm vụ quan trọng nhất của tuổi trẻ chính là học tập.
- Vì sao thế hệ trẻ lại ảnh hưởng đến tương lai đất nước?
– Thanh niên sẽ là thế hệ tiếp tục bảo vệ, xây dựng đất nước sau này.
– Vốn tri thức và nền tảng đạo đức là yếu tố quan trọng, cơ bản để tiếp tục học cao, học rộng, áp dụng vào thực tế khi trưởng thành.
– Một thế hệ trẻ giỏi giang và có đạo đức sẽ hứa hẹn một lớp công dân tốt trong tương lai gần.
- Thực tế đã chứng minh, việc học tập của tuổi trẻ tác động lớn đến tương lai đất nước.
– Những người chăm chỉ học tập khi còn trẻ thì sau này đều có những cống hiến quan trọng cho đất nước:
– Ngày xưa: Những người tài như Lý Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi từ thời trẻ đã chăm chỉ luyện rèn, trưởng thành lập những chiến công làm rạng danh đất nước.
– Ngày nay: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng. Các nhà khoa học xã hội có nhiều đóng góp cho đất nước trong mọi lĩnh vực như nhà bác học Lương Định Của, tiến sĩ Tạ Quang Bửu, anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa.
– Từ xưa đến nay, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó khăn, hy sinh: Các thanh niên xung phong, Các thanh niên tình nguyện…
– Các thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay đã gặt hái được nhiều thành công
- Làm thế nào để phát huy được vai trò của tuổi trẻ?
– Cần có những chính sách ưu tiên hơn nữa.
– Đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ về tài và đức.
c) Kết bài:
– Khẳng định vai trò quan trọng của việc học tập, rèn luyện đới với thế hệ trẻ trong sự nghiệp tương lai của đất nước.
2. Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước hay nhất:
Người ta thường nói: “tre già măng mọc” hay “con hơn cha là nhà có phúc”. Truyền thống là mạch ngầm trong lòng dân tộc, là sức sống mạnh mẽ trong hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Cha ông ta đã trao lại cho con cháu ngọn lửa thiêng liêng của văn hóa và văn hiến và thế hệ trẻ ngày nay có sứ mệnh thắp sáng hơn, đưa ngọn lửa đó đến đài vinh quang trong tương lai.
Dù thời đại nào, dù dân tộc nào, tuổi trẻ luôn là nguồn tài nguyên vô giá và là nhân vật chính tạo nên sự thịnh vượng và vị thế cho Tổ quốc. Tuổi trẻ là thế hệ măng đã sắp thành tre là những con người đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận thức vai trò của mình đối với bản thân và xã hội.
Tuổi trẻ của đất nước hôm nay chính là bạn, là những anh chị đang học tập và hoạt động tại các giảng đường Đại học, Cao đẳng cống hiến hết mình với sự đam mê, nhiệt huyết và quyết tâm.
Nhiệm vụ của tuổi trẻ trong bất kỳ thời kỳ nào cũng có những mục tiêu cụ thể. Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, hàng triệu thanh niên đã hy sinh để đem lại độc lập, tự do cho đất nước. Hiện nay, hàng triệu thanh niên Việt Nam cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Học tập tốt, lao động tốt”.
Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Bác đã quan tâm đến việc diệt giặc dốt. Bác coi giặc này còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Với kinh nghiệm và hiểu biết về nhiều nền văn minh khác nhau trên thế giới, Bác đã hiểu rằng: “Một dân tộc dốt nát, dân trí thấp thì trước sau cũng chỉ là nô lệ cho thế lực bên ngoài”.
Tuổi trẻ là phải học tập. Tuy nhiên, có người coi việc học như một gánh nặng, là sự thúc ép của cha mẹ, của thầy cô. Việc học không tự giác dẫn đến lười biếng, cẩu thả. Họ tự đầu độc mình bằng việc học. Trong khi nhiều người coi học tập là ngày hội, thì một số khác lại xem đó là nỗi nhọc nhằn phải chịu đựng. Kiến thức các bộ môn giống như cỏ rơm mà con người phải nhai lại.
Có người coi việc học tập và thi cử chỉ là hình thức, bởi họ cần bằng cấp chứ không cần kiến thức. Có bằng cấp, họ lại được “sắp xếp” vào những vị trí mong muốn, thậm chí theo ý muốn của cha mẹ. Vị trí của họ sớm đã được xác định, dẫn đến một bộ phận thanh niên không cống hiến hết tài sức. Lối học cơ hội này sẽ tạo nên những nhân cách cơ hội, phương cách làm giàu “kiểu chụp giật may rủi” không những không đưa đất nước sánh vai với các cường quốc mà còn khiến dân tộc ta tụt hậu.
Trong thời đại tri thức và công nghệ, ai nắm vững tri thức công nghệ sẽ nắm chiếc đũa thần tạo bước đi thần diệu cho đất nước. Nhiệm vụ của tuổi trẻ là phải sở hữu chiếc đũa thần ấy. Bất cứ ai ở tuổi học tập, phải tạo mọi điều kiện tiếp cận với tri thức. Chỉ có tri thức dồi dào, đạo đức trong sáng và khát vọng cống hiến mãnh liệt mới giúp tương lai của dân tộc rạng rỡ.
Chúng ta phải học tập với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Phải coi chuyện học tập hằng ngày của chúng ta là những chiến công. Tôi, bạn hãy cố gắng nỗ lực hết mình để Việt Nam mãi trường tồn với thời gian, vĩnh cửu trên thế giới.
3. Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước ngắn gọn nhất:
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và phát triển tương lai, tổ chức UNESCO đã đưa ra câu khẩu hiệu: “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Thái độ này cũng được Bác Hồ thể hiện qua lời căn dặn trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập hơn sáu mươi năm trước: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trải qua nhiều thập kỷ, câu nói của Bác vẫn giữ nguyên giá trị đối với học sinh chúng ta.
Từ những lời dặn dò của Bác, ta thấy rõ sự kỳ vọng của một vị lãnh tụ đối với học sinh. Bác đã trao cho thế hệ trẻ trách nhiệm nặng nề nhưng đầy vinh quang. Đó là kế tục sự nghiệp của cha ông để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Để gánh vác trách nhiệm này, học sinh cần cố gắng học tập, rèn đức luyện tài, không ngừng phấn đấu cả trong hiện tại và tương lai.
Vậy tại sao Bác khẳng định tương lai đất nước phụ thuộc vào công học tập của lớp trẻ? Điều này xuất phát từ thực trạng đất nước những ngày đầu giành độc lập từ thực dân Pháp. Ngoài nạn đói, giặc dốt cũng hoành hành. Hơn 90% dân số Việt Nam không biết chữ.
Một đất nước có trình độ dân trí thấp luôn gắn liền với đói nghèo và lạc hậu. Vì thế, ngoài việc chống đói, Bác còn quan tâm đến phong trào diệt giặc dốt. Để đất nước có một tương lai xán lạn cần có những con người có trình độ, học thức, tài năng và đạo đức. Điều này cần được chú trọng ngay từ bây giờ và học sinh chính là những người thực hiện trách nhiệm vinh quang ấy vì vận mệnh đất nước sau này phụ thuộc vào thế hệ mai sau.
Một đất nước muốn thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, muốn phát triển sánh vai với các nước lớn cần có đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật giỏi để áp dụng công nghệ tiên tiến vào xây dựng và phát triển. Cần những người có học vấn cao, đầu óc nhạy bén, tầm nhìn xa để định hướng đất nước vượt qua giông bão thời đại, tiến tới bến bờ thành công. Nếu học sinh không chăm chỉ học tập, không chuyên tâm rèn luyện, phấn đấu thì liệu có thể gánh vác và xây dựng đất nước hay không?
Học sinh luôn được Bác Hồ yêu thương quan tâm nhiều nhất. Chúng ta phải biết vâng lời Bác, tự xây dựng cho mình phương pháp học tập hiệu quả nhất. Đầu tiên, cần xác định mục tiêu học tập đúng đắn, ý thức trách nhiệm quan trọng của mình là xây dựng Tổ quốc. Mục đích học tập càng cao đẹp, động cơ học tập càng mãnh liệt.
Nhưng thế là vẫn chưa đủ. Chúng ta cần có nội dung học tập vừng chắc. Thêm vào đó, cần học các môn thể dục để rèn luyện sức khỏe vì “một đầu óc minh mẫn chỉ có trong một thân thể cường tráng”.
Việc tu dưỡng phẩm chất đạo đức theo năm điều Bác dạy cũng là phương pháp học tập. Một con người hoàn hảo phải hội tụ hai yếu tố tài năng và phẩm chất đạo đức.
Qua lời căn dặn trong bức thư gửi học sinh, Bác khẳng định vai trò quan trọng của việc học đối với tương lai đất nước. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng học hành, rèn đức luyện tài để đưa đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu, đáp lại lời mong mỏi của Bác.