Thói lười nhác hay than vãn là những thói quen tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu không chỉ cho cá nhân mà còn cả xã hội. Xin mời các em học sinh cùng tham khảo bài viết sau Nghị luận về thói lười nhác, hay than vãn chọn lọc siêu hay để biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trong cuộc sống.
Mục lục bài viết
1. Nghị luận về thói lười nhác, hay than vãn chọn lọc siêu hay:
Việc lựa chọn con đường đi là điều thiết yếu mà mỗi cá nhân cần xác định rõ khi trưởng thành. Tuy nhiên, để có thể bước đi vững vàng trên con đường ấy bằng chính sức lực và nghị lực của bản thân thì cần phải trải qua một quá trình. Nếu chúng ta chăm chỉ và nỗ lực, thành công sẽ đến nhưng nếu như lười biếng thì chúng ta sẽ nhận về tay mình chỉ là sự thất bại mà thôi. Có thể nói rằng, lười biếng và hay than vãn là những thói quen xấu của con người cần phải sửa đổi.
Sự lười biếng được thể hiện qua việc không sẵn sàng làm việc, thiếu tinh thần học hỏi và nỗ lực. Những người lười biếng thường trốn tránh trách nhiệm và thụ động trong công việc. Tương tự, thói quen than vãn là biểu hiện của việc liên tục phàn nàn, đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác thay vì tự tìm giải pháp. Người hay than phiền thường chìm đắm trong sự bất mãn, tiêu cực. Họ luôn thiếu động lực để thay đổi bản thân mình. Khi lười biếng trở thành bản chất thì việc than vãn cũng dễ dàng trở thành thói quen đi kèm.
Thói quen lười biếng không chỉ cản trở sự phát triển cá nhân mà còn tạo thành một “căn bệnh” khó chữa. Thực tế, lười biếng có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ như việc không hoàn thành bài tập về nhà hay lười suy nghĩ để giải quyết các bài toán khó. Qua thời gian, những hành động này dần hình thành thành thói quen và có những ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân. Mặc dù lười biếng đôi khi có thể được coi là bản chất nhưng trong nhiều trường hợp, đó thực chất là do chúng ta tự đặt mình vào trạng thái đó. Khi lười biếng, ta thường không có ý chí cố gắng, dễ dàng nản lòng khi gặp phải khó khăn, thiếu quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Khi thiếu ý chí và dễ nản lòng, con người thường rơi vào thói quen than vãn. Thói quen này không chỉ làm lãng phí thời gian mà còn tạo ra một môi trường tiêu cực, ảnh hưởng đến tinh thần và hiệu suất làm việc của cả bản thân lẫn những người xung quanh. Hơn nữa, việc liên tục than phiền có thể làm giảm uy tín và sự tôn trọng mà người khác dành cho mình.
Chính vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận thói lười biếng và hay than vãn như những khuyết điểm cần được loại bỏ trong xã hội. Để làm được điều này, trước hết cần phải có sự nỗ lực của chính bản thân mỗi người. Để thoát khỏi được vòng luẩn quẩn của sự lười nhác, mỗi người nên đặt ra những mục tiêu đơn giản và từ những điều mà mình yêu thích. Đồng thời, hãy tự thưởng cho mình bằng những lời khen ngợi hoặc những món quà nhỏ khi hoàn thành một mục tiêu nhất định. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ những người xung quanh như cha mẹ, thầy cô và bạn bè cũng rất quan trọng trong việc giúp những cá nhân vượt qua sự lười nhác và hay than vãn của bản thân. Chẳng hạn như những sự khích lệ tinh thần hay tổ chức những buổi trò chuyện thân mật. Khi làm việc nhóm hay kể cả làm việc độc lập, hãy phân chia và nhận nhiệm vụ phù hợp với khả năng của từng người, tránh tạo ra áp lực bằng những yêu cầu quá khó khăn, có thể khiến bản thân cảm thấy chán nản và quay trở với chu kỳ than vãn, lười biếng.
Thói quen lười biếng và hay than vãn nếu không được can thiệp kịp thời sẽ trở thành mối đe dọa nguy hại cho cộng đồng và xã hội. Do đó, chúng ta cần nuôi dưỡng tư duy tích cực, hành động lành mạnh để không rơi vào những thói hư tật xấu này.
2. Nghị luận về thói lười nhác, hay than vãn chọn lọc ấn tượng:
Trong cuộc sống hiện đại, khi mọi người đều chạy đua với thời gian để phát triển bản thân và đạt được mục tiêu, vẫn có những người chọn cách sống lười nhác và hay than vãn. Đây là một vấn đề đáng lo ngại, bởi thói quen này không chỉ làm cản trở sự phát triển của cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình và xã hội.
Lười biếng, lười nhác có thể xem là thói hư tật xấu không chịu hoạt động, không chịu suy nghĩ và không có khả năng phấn đấu cũng như cố gắng. Thay vào đó, họ thích “ăn không ngồi rồi”, chỉ biết dựa dẫm vào người khác. Nhưng cũng chính những người như thế này khi gặp chuyện lại rất hay than vãn. Họ dùng những lời lẽ để kêu ca, than thở, chống đối một cách tiêu cực. Không những không hành động để giải quyết vấn đề mà họ còn liên tục phàn nàn, gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Hiện tượng này xảy ra một phần do bản tính vốn có của họ, phần khác cũng do hậu quả phụ thuộc vào khoa học, máy móc. Và nó lại càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Khi không có mục tiêu rõ ràng cùng sự tự giác, con người dễ rơi vào trạng thái trì trệ, chần chừ trong cả suy nghĩ và hành động. Thêm vào đó, sự ỷ lại và nuông chiều quá mức từ gia đình hoặc xã hội khiến nhiều người phát triển tâm lý lệ thuộc, không có ý thức chịu trách nhiệm cho chính cuộc sống của mình. Không chỉ vậy, môi trường sống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên thói quen và tính cách của một người. Nếu môi trường thiếu đi sự khích lệ, động viên, con người sẽ dễ hình thành thói quen lười biếng và thường xuyên phàn nàn bởi không tìm thấy động lực để phấn đấu. Đặc biệt, thiếu niềm tin vào bản thân là một nguyên nhân phổ biến gây ra thói lười biếng và hay phàn nàn. Những người tự ti, không tin tưởng vào khả năng của mình thường có xu hướng trốn tránh hay đổ lỗi cho hoàn cảnh thay vì hành động để thay đổi chính mình. Khi các yếu tố này cộng hưởng, chúng tạo thành một vòng luẩn quẩn tiêu cực, ngăn cản sự phát triển và hoàn thiện của mỗi cá nhân.
Dễ thấy rằng, sự lười biếng và hay than vãn mang lại rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống con người. Nó gây ra thói quen ỷ lại, làm cho bản thân trở nên trì trệ và dần dần phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Trên thực tế, không ai có một cái nhìn thiện cảm đối với những người lười nhác và hay than vãn cả. Người xưa cũng từng có câu “Nhàn cư vi bất thiện”. Khi không chịu làm việc, con người sẽ sinh ra rảnh rỗi, mà rảnh rỗi thì sẽ có những hành vi đi ngược lại với thuần phong mỹ tục hay các giá trị đạo đức của cộng đồng, từ đó càng làm tăng tỷ lệ tệ nạn, trực tiếp kéo lùi sự phát triển của xã hội.
Mang hậu quả nghiêm trọng là vậy nhưng vẫn có nhiều người cho rằng các cá nhân lười biếng, than vãn là chuyện của họ. Nếu như họ vẫn hoàn thành công việc thì chẳng có gì đáng chê trách. Đúng là việc lười nhác, than thở bắt nguồn từ họ. Nhưng nếu trong hoạt động tập thể, chỉ cần một cá nhân bị thụt lùi, tiến độ công việc của mọi người sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể đến, không ai muốn suốt ngày nghe một người than thở, chê trách cuộc đời cả. Những lời than thở ấy vô hình chung sẽ khiến tâm trạng của mọi người trở xấu đi rất nhiều.
Muốn thành công trong xã hội thì không nên sống lười nhác hay than vãn, dựa dẫm vào người khác mà phải hoàn thiện bản thân, nâng cao ý chí và tự tạo ra cơ hội cho chính mình. Cuộc sống vốn có nhiều khó khăn dễ khiến con người ta sa ngã. Để không rơi vào trạng thái lười nhác, than vãn, cần phải luôn luôn đặt mục tiêu phấn đấu và quyết tâm hoàn thành cho bằng được. Lựa chọn công việc phù hợp với khả năng, trình độ và sở thích của bản thân để say mê trong công việc. Lập thời gian biểu học tập, làm việc, thư giãn để từ đó đánh giá việc nào chưa làm và sẽ hoàn thành vào lúc nào. Tạo ra động lực, cân bằng giữa việc học tập và lao động là điều cần thiết để đạt được ước mơ của mình. Áp dụng triệt để phương châm “việc hôm nay, chớ để ngày mai”.
Hãy dừng phàn nàn và bắt đầu hành động. Cuộc sống tuy không luôn thuận lợi nhưng cách chúng ta đối mặt với khó khăn sẽ quyết định giá trị, thành công của bản thân mình. Hãy sống có trách nhiệm, trân trọng mọi cơ hội trong cuộc sống và luôn cố gắng để tạo nên sự thay đổi tích cực.
Hãy luôn nhớ rằng, thành công không đến từ sự may mắn mà là kết quả của sự nỗ lực và hành động không ngừng nghỉ. Thay vì than vãn, hãy tự hỏi: “Mình có thể làm gì để vượt qua khó khăn này?” – bởi chính bạn là người tạo nên tương lai của mình.
3. Nghị luận về thói lười nhác, hay than vãn chọn lọc ngắn gọn:
Trong cuộc sống hiện đại, xuất hiện rất nhiều những thói hư, tật xấu mới của con người. Nhưng cùng với đó là sự phát triển của những thói xấu đã có từ trước đây rất lâu, vẫn luôn len lỏi trong xã hội. Một trong số đó chính là thói lười nhác, hay than vãn.
Thói lười nhác là biểu hiện của việc không muốn lao động, không có tinh thần học hỏi hay cố gắng. Những người lười nhác thường né tránh trách nhiệm và thụ động trong công việc cũng như cuộc sống. Hay than vãn là thói quen luôn phàn nàn, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác mà không tự mình tìm cách giải quyết vấn đề. Người hay than vãn thường chìm trong những cảm giác như bất mãn, tiêu cực, không có động lực để thay đổi. Hai thói quen này thường đi liền với nhau. Người lười nhác thì không chịu hành động, khi đối mặt với khó khăn, họ chọn cách than phiền thay vì giải quyết.
Những thói xấu này không thuộc về một nhóm đối tượng cụ thể nào. Bất kỳ ai, ở độ tuổi nào, công việc nào cũng có thể mắc phải. Điều này xảy ra khi một người cần phải hoàn thành một công việc nào đó, như bài tập về nhà hay công việc ở cơ quan, thậm chí chỉ là những việc nhà cơ bản để phục vụ cho cuộc sống. Thế nhưng thay vì hoàn thành, họ lại chỉ ngồi một chỗ, không chịu làm việc hoặc làm với thái độ hời hợt, luôn than thở về hoàn cảnh và đổ lỗi cho người khác.
Nguyên nhân của loại thói xấu này chính là tâm lý lười biếng, ỷ lại, chỉ thích hưởng thụ chứ không muốn làm việc của một số cá nhân. Dù là như việc cơ bản để phục vụ cuộc sống như gấp chăn màn, quét nhà, rửa bát cho đến những việc lớn hơn như học bài, làm việc, họ đều không muốn làm. Họ chỉ muốn làm những điều mình thích, còn lại thì phó mặc cho người khác. Đây rõ ràng là biểu hiện của sự vô trách nhiệm, thiếu ý thức nặng nề. Thói quen xấu này không chỉ gây trì trệ cho chính bản thân họ, mà còn kéo theo việc chậm tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu suất của cả một tập thể. Vì vậy, chúng ta cần phải đập tan thói hư tật xấu này càng sớm càng tốt. Mà trước hết và cần thiết nhất chính là từ ý thức của mỗi người. Chúng ta cần lập ra kế hoạch học tập, làm việc cụ thể, tự đốc thúc bản thân để vượt qua bệnh lười nhác và hay than vãn. Đồng thời, luôn cố gắng hoàn thành các kế hoạch đã đặt ra và sống tích cực hơn mỗi ngày. Chỉ có như vậy, mới có thể trị được bệnh lười hay than vãn cho xã hội.
Thói lười nhác và hay than vãn không chỉ là những thói quen xấu mà còn là rào cản lớn trên con đường thành công. Mỗi người cần nhận thức rõ rằng cuộc sống không bao giờ hoàn hảo nhưng chỉ khi ta biết nỗ lực và chấp nhận trách nhiệm, ta mới có thể vượt qua thử thách và đạt được hạnh phúc đích thực. Hãy nhớ rằng, thay vì than vãn, hãy hành động. Thay vì lười nhác, hãy làm việc chăm chỉ. Thành công không bao giờ đến với những kẻ thụ động mà thuộc về những người dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi bản thân.
Cuộc sống luôn đầy rẫy những thử thách, nhưng chính thái độ và hành động của chúng ta mới quyết định nên kết quả. Loại bỏ thói lười nhác và hay than vãn không chỉ giúp mỗi người tiến bộ mà còn góp phần xây dựng một xã hội tích cực, văn minh. Hãy sống chủ động, trách nhiệm và không ngừng phấn đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
THAM KHẢO THÊM: