Bài nghị luận về âm nhạc trong cuộc sống dưới đây giúp các bạn, tham khảo, nâng cao và củng cố khả năng viết văn nghị luận, từ đó làm nền tảng để các bạn học môn Ngữ văn tốt hơn, đạt điểm cao trong các kỳ thi. Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây!
Mục lục bài viết
1. Nghị luận về tầm quan trọng của âm nhạc trong cuộc sống:
Âm nhạc chính là cội nguồn của ngôn ngữ và mãi mãi là một thứ ngôn ngữ chung của toàn nhân loại, được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Âm nhạc mang đến cho cuộc sống rất nhiều giá trị lớn lao về cả vật chất lẫn tinh thần
Âm nhạc là một môn nghệ thuật dùng chất giọng, âm thanh để diễn đạt các cung bậc cảm xúc, tình cảm của con người, của bài hát. Âm nhạc gồm hai thể loại chính là thanh nhạc và khí nhạc. Thanh nhạc: Âm nhạc dựa trên lời bài hát để diễn tả, thể hiện ý tưởng, cảm xúc, tâm tư tình cảm. Khí nhạc: Âm nhạc dựa trên các âm thanh thuần túy của những loại nhạc cụ. Thanh nhạc khá trừu tượng, gây cảm xúc và sự liên tưởng cho người nghe. Bản quyền âm nhạc là một trong các lĩnh vực phức tạp liên quan đến luật pháp. Mặc dù bản quyền âm nhạc phức tạp nhưng nếu nắm rõ được thì người làm nghệ thuật sẽ tránh được những rắc rối không mong muốn.
Âm nhạc đem đến cho con người các cảm xúc về thẩm mỹ và sự tinh tế. Tác dụng của âm nhạc trong cuộc sống là giải trí, sự hình thành, phát triển của con người. Hiện nay âm nhạc là một trong những nguồn giải trí tối ưu và không thể thiếu của con người. Đặc biệt, âm nhạc còn có thể tác động lớn đến quá trình hình thành phát triển của con người. Chính vì thế, lời khuyên được đưa ra: Phụ nữ mang thai nên cho bé nghe nhạc ngay từ trong bụng mẹ để bé hình thành và phát triển tư duy tốt hơn. Âm nhạc có tác dụng phản ánh trí tuệ, tư tưởng, cũng như tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến cảm xúc của con người. Nó làm rung động tình cảm lắng đọng trong tâm hồn, chắp cánh cho sức tưởng tượng được bay bổng. Nó còn giúp mọi người nhận thức, yêu đời và yêu cuộc sống hơn, đem lại cho con người các cảm xúc về thẩm mỹ và sự tinh tế, là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người
Âm nhạc có ý nghĩa quan trọng đối với hạnh phúc của con người. Nó giúp xua tan nỗi đau khổ, mang lại niềm vui sướng, sự tươi trẻ, tràn đầy sức sống. Thưởng thức những ca khúc yêu thích giúp con người thư thái và có rất nhiều trải nghiệm thú vị. Lựa chọn những bản nhạc phù hợp như nhạc piano, nhạc cổ điển,… giúp con người tập trung, tăng khả năng ghi nhớ,… Nhờ vậy chúng ta có thể tập trung ghi nhớ tốt hơn trong học tập và làm việc. Đôi khi, chúng ta yêu thích một ca khúc nào đó không chỉ vì giai điệu, ca từ mà còn bởi cảm giác mà bài hát đó mang lại. Ta có thể chìm đắm vào bài hát như kể lại câu chuyện cuộc đời mà ta đã từng trải qua. Hòa mình trong những giai điệu, ca từ của bản nhạc cũng sẽ giúp xoa dịu được những nỗi buồn, vương vấn của mình trong cuộc sống, đây là phương diện truyền tải cảm xúc trọn vẹn và tuyệt vời nhất.
Có rất nhiều các thể loại âm nhạc khác nhau. Những câu hò lời ru, hát dặm, dân ca cổ truyền thuộc các dân tộc đã đi vào lòng người dân lao động, đời xưa và đời nay, chúng ta thấy rõ các thể loại, hình thức âm nhạc rất phong phú và đa dạng, là món ăn tinh thần cho tất cả mọi người.
2. Nghị luận về tầm quan trọng của âm nhạc trong cuộc sống hay nhất:
Một trong những món ăn không thể thiếu cho tâm hồn chúng ta chính là âm nhạc. Âm nhạc khác với các cách giải trí khác bởi ai cũng có thể nghe, ai cũng có thể rung cảm bất kể tầng lớp, độ tuổi. Âm nhạc gắn liền với cuộc sống, là liều thuốc chữa lành tâm hồn.
Âm nhạc là những thanh âm đơn sắc, kết hợp với nhau tạo thành giai điệu trầm bổng, có nhịp điệu, có cao trào, có sâu lắng. Âm nhạc có thể không có lời mà nội dung thông điệp mà tác giả muốn truyền tải vẫn có thể được cảm nhận sâu sắc. Có nhiều thể loại âm nhạc như nhạc giao hưởng, nhạc cổ điển, nhạc trữ tình, nhạc hiện đại,… Âm nhạc được tạo nên bởi những loại nhạc cụ như đàn piano, đàn guitar, sáo, trống,… Trong âm nhạc, ta tìm thấy những xúc cảm chân thực và đời thường, tình yêu nam nữ mặn nồng, tình cha tình mẹ thiêng liêng, cao cả, niềm tự hào về con người, đất nước,… Tất cả các phương diện cuộc sống đều được đưa vào âm nhạc với ca từ phù hợp, thể hiện lối tư duy cũng như trình độ phát triển của dân tộc, đất nước.
Âm nhạc phản ánh một cách khách quan mong ước, tâm trạng, cảm xúc của con người. Giai điệu dễ nhớ, âm nhạc thể hiện mong ước của nhân dân qua những bản anh hùng ca, nói nên nỗi niềm yêu thương qua những bản tình ca lãng mạn. Ở Việt Nam, những bạn thiếu nhi thích nghe những bản nhạc vui nhộn, tươi sáng, những bài hát dễ thuộc, dễ nghe. Qua đó, các bé có thể bước đầu tiếp nhận những bài học nhân cách, lời hay ý đẹp của cuộc sống. Người lớn tuổi thích nghe những ca khúc trữ tình, những bài hát Cách mạng hào hùng để tưởng nhớ về một thời xa xưa,… Âm nhạc vô hình nhưng lại bao quát tất cả, nuôi dưỡng tâm hồn cho con người. Âm nhạc có khả năng tác động tới tâm lý con người, chính vì vậy, âm nhạc được coi là một cách trị bệnh hoặc tăng cường phát triển trí tuệ. Đứa trẻ trong bụng mẹ được cho nghe nhạc giao hưởng vì nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu người mẹ nghe nhạc và thư giãn, con sẽ thông minh hơn. Cho trẻ con học đàn, đặc biệt là đàn piano giúp phát triển đồng đều não bộ hai bên, rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Có tác dụng tuần hoàn máu, xoa dịu tâm trạng và giảm stress, âm nhạc đang ngày càng được áp dụng phổ biến vào y học, giúp con người giảm lo âu, căng thẳng mệt mỏi, mở rộng thế giới quan và phục hồi những tổn thương tinh thần hiệu quả.
Âm nhạc dù được sáng tác ở thời đại nào, quốc gia nào, ngôn ngữ nào nhưng giai điệu mới là yếu tố quyết định, những người có cùng gu âm nhạc có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ để tiến tới đồng cảm. Một bài hát hay được yêu thích toàn thế giới, chưa chắc tất cả những người nghe đều có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa của ca từ, nhưng, giữa họ có một sợi dây cảm xúc vô hình, khiến họ nhìn thấy mình trong bài hát, yêu thích và thuộc lòng bài hát đó. Cái hay của nghệ thuật là ở chỗ không cần nói nên lời, người ta cũng có thể hiểu được thông điệp gửi gắm. Với những ưu điểm tích cực đó, âm nhạc được cho là gắn liền với cuộc sống con người. Tuy nhiên, chính vì có sức ảnh hưởng tới định hình tư tưởng và tâm lý, lợi dụng khía cạnh đó, âm nhạc đã và đang trở thành công cụ để khiến cho sự tư duy kém lành mạnh ở một bộ phận công dân, đặc biệt là giới trẻ… Những bài hát mang ca từ không phù hợp hoặc tác động xấu tới nhận thức con người, những bài hát không phù hợp với độ tuổi hoặc nội dung vô bổ, cổ súy cho những hành động trái với luân thường đạo lý đang được lan truyền và gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng. Gia đình cần để tâm tới con em, lựa chọn và định hướng những loại âm nhạc phù hợp, hỗ trợ phát triển trí tuệ toàn diện, cảm thụ âm nhạc thực thụ, đồng thời lưu ý sở thích âm nhạc của con em mình để thấu hiểu tính cách của con.
Cá nhân mỗi người đều có một sở thích, một gu âm nhạc riêng, hãy bồi dưỡng cho tâm hồn phong phú bằng những bản nhạc ý nghĩa, hãy chọn lọc những bản nhạc hay và có giá trị để tăng khả năng nhận thức của bản thân.
3. Nghị luận về tầm quan trọng của âm nhạc trong cuộc sống đạt điểm cao:
Âm nhạc là một liều thuốc tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Âm nhạc có thể phần nào giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, đưa con người về quá khứ, tìm lại tuổi thơ yêu dấu, sống dậy lòng tự hào dân tộc,… Âm nhạc đã được ra đời từ rất lâu rồi, cùng với đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất của các cộng đồng người xưa. Kể từ đó, âm nhạc đã không ngừng được phát triển và hoàn thiện cùng năm tháng.
Âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn đến con người, đến sự hình thành và phát triển nhân cách nơi mỗi người. Như các loại hình nghệ thuật khác, nội dung âm nhạc cũng phản ánh hiện thực của cuộc sống. Âm nhạc mô tả các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, thể thể hiện quan điểm sống, truyền tải tư tưởng. Tùy theo khả năng và đặc điểm tâm lý, quan điểm, sở thích, kinh nghiệm sống, trình độ văn hóa… của mỗi người mà ở họ có sự cảm nhận khác nhau về nội dung của cùng một bản nhạc. Với sự phối hợp nhuần nhuyễn, hài hoà giữa ca từ, nhịp điệu, tiết tấu bản nhạc, âm nhạc đã tác động lớn đến người nghe.
Trước hết, âm nhạc tác động lên phương diện sinh lý của con người. Âm nhạc có ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và đến những khía cạnh khác trong cơ thể người. Âm nhạc có thể khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu, cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái. Âm nhạc còn tác động đến cảm xúc và tư tưởng của con người. Tác động trực tiếp, mạnh mẽ nhất của âm nhạc đối với con người là trong lĩnh vực tình cảm và tâm trạng của con người. Có một vai trò của âm nhạc mà không ai có thể phủ nhận được, đó là sự tham gia và hỗ trợ trong các dịp lễ hội và giải trí cộng đồng. Chính vì âm nhạc tác động lên mặt xúc cảm và tư tưởng nên âm nhạc đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ. Có thể thông qua âm nhạc để giáo dục tư tưởng, đạo đức cho người nghe. Những tác phẩm âm nhạc diễn tả những tư tưởng, tình cảm đạo đức cao đẹp như tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình bạn, tình yêu,… luôn đóng một vai trò giáo dục đặc biệt có ý nghĩa. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, có những loại âm nhạc có thể tác động tiêu cực đến con người. Những ca khúc trữ tình chứa đựng những tình cảm không lành mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến đạo đức con người. Có những bản nhạc mà khi nghe nó thì người nghe cảm thấy buồn hoặc phấn khích quá độ, trở nên cuồng nhiệt, không làm chủ được hành vi của mình.
Bởi âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn cho nên ngay trong nhà trường, trong các sinh hoạt tập thể nên lựa chọn những loại âm nhạc có nội dung lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi. Trong gia đình, các bậc phụ huynh nên định hướng cho con em mình lựa chọn âm nhạc để nghe, hướng dẫn cho các em biết cách cảm thụ âm nhạc. Cần tìm hiểu sở thích âm nhạc của các em trong giáo dục. Qua sở thích về âm nhạc của các em, chúng ta có thể biết được phần nào tính khí và phẩm chất đạo đức của các em.
Cuộc sống không có âm nhạc thì sẽ trở nên rất tẻ nhạt và trầm lắng. Âm nhạc có giá trị nâng con người, làm con người cao quý hơn, củng cố phẩm chất, củng cố niềm tin vào sức mạnh bên trong của bản thân, vào sứ mệnh lớn lao của mình