Nghị luận về một vấn đề đời sống xã hội là một dạng bài tập thường gặp ở nhiều kỳ thi, đặc biệt là các vấn đề về mặt trái của đời sống xã hội, trong đó tác hại của việc bỏ học là một đề tài nóng và được mọi người bàn tán rất nhiều. Dưới đây là bài viết "Nghị luận về tác hại của việc học sinh nghỉ học, bỏ học" mời độc giả tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Bài nghị luận hay nhất về tác hại của việc học sinh nghỉ học, bỏ học:
Đã có người từng nói “Học, học nữa, học mãi”. Nhận định này hoàn toàn đúng, bởi lẽ từ khi sinh ra không phải tự nhiên con người biết nói, biết viết, biết đọc mà phải trải qua một quá trình dài học và tập luyện. Có thể nói muốn biết thì phải học, thế nhưng hiện nay vẫn còn một số học sinh không nhận thức được tầm quan trọng của việc học, tình trạng học sinh bỏ học và nghỉ học vẫn còn xảy ra ở nhiều trường học trên cả nước.
Tác hại của việc nghỉ học, bỏ học được hiểu là mặt trái, những mặt xấu, tiêu cực khi học sinh bỏ học. Chúng ta đều hiểu được những mặt lợi ích của việc học mang lại. Chỉ có học mới đưa con người đến những đỉnh cao danh vọng, đưa con người chạm tay được đến giấc mơ của bản thân. Có người lại cho rằng, vẫn có người bỏ học nhưng họ vẫn thành tỉ phú, đại gia,… nhưng họ đâu biết, số lượng đó chiếm rất ít. Mọi sự thành công đều phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và khổ công rèn luyện học tập. Học tập giúp học sinh rèn luyện nhân cách, hình thành đối nhân xử thế với mọi người, giúp học sinh tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng để hòa nhập cộng đồng và xã hội. Từ xa xưa ông cha ta cũng phải học cách sinh tồn, sáng chế vũ khí để đánh giặc,… nếu học sinh không tiếp tục học sẽ không phát huy được các thành tựu của nhân loại, không có kiến thức sẽ không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội. Bên cạnh đó, nếu học sinh không có kiến thức sẽ không đóng góp được cho sự phát triển của đất nước, thậm chí, có nhiều trường hợp còn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Mọi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Vậy nguyên nhân nào khiến học sinh phải nghỉ học và bỏ học? Một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất đó là sự áp lực từ bố mẹ và gia đình. Bố mẹ luôn ép buộc con phải theo ý nguyện của bố mẹ, không cho con được học và phát huy với những thế mạnh của mình. Một nguyên nhân khác đó là học sinh bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, a dua theo nhau tham gia các hoạt động không lành mạnh. Và quan trọng nhất đó là nhận thức của từng học sinh về việc học, nhiều học sinh ham chơi, nghiện game, điện tử, tham gia các tệ nạn xã hội, chểnh mảng trong học tập dẫn đến chán nản và bỏ học. Điển hình là vụ án giết người của bị cáo Nguyễn Phạm Quốc Bình ngụ tại quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh 16 tuổi, bỏ học và nghiện game nảy sinh ý định giết bạn và lấy điện thoại nên đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 12 năm tù.
Để khắc phục được tình trạng này, cần có sự phối hợp của nhiều bên tham gia. Cha mẹ là người trực tiếp nuôi dạy con cái cần quan tâm, chăm sóc để ý đến mặt cảm xúc của con mình, tôn trọng, ủng hộ các quyết định của con trong vấn đề học tập, đồng hành cùng con trên mọi chặng đường. Ở trường, thầy cô không chỉ đóng vai trò là người truyền tải kiến thức mà còn phải đóng vai trò là người cha, người mẹ thứ hai của các em, luôn động viên, khích lệ tinh thần các em đúng lúc, giáo dục các em hoàn thiện kỹ năng sống, kỹ năng đối nhân xử thế. Và chính các em học sinh cũng phải nghiêm túc học tập và rèn luyện bản thân. Không ngừng học hỏi và phấn đấu để trở thành các công dân tốt, đóng góp cho gia đình và xã hội. Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường và địa phương tổ chức để phát triển kỹ năng xã hội, giao tiếp bên cạnh việc học kiến thức ở trường. Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi học sinh tốt là đã làm cho tế bào của xã hội tốt lên. Vì lẽ đó, học sinh cần phải học tập và trau dồi.
Như vậy, có thể thấy việc học đóng vai trò rất quan trọng với học sinh, đang trong quá trình phát triển cả nhận thức đến tư duy. Việc học chính là tiền đề quyết định đến sự tồn tại, phát triển và hòa nhập của con người. Hãy học tập khi còn có thể để “ngày hôm này các em tự hào về trường, ngày mai trường tự hào về các em”.
2. Bài nghị luận đặc sắc nhất về tác hại của việc học sinh nghỉ học, bỏ học:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…”. Qua đó, có thể thấy vai trò của học sinh đóng một phần rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Nhưng thật đáng buồn, hiện nay có một số học sinh bỏ học giữa chừng. Hiện tượng nghỉ học và bỏ học ngày càng xảy ra nhiều tại các điểm trường. Việc nghỉ học và bỏ học để lại hậu quả rất lớn không chỉ đối với bản thân học sinh mà còn cả gia đình và xã hội. Nghỉ học quá sớm, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng sống không có các em dễ xa vào các tệ nạn xã hội, không có công việc ổn định, không lo được cho bản thân mình và không đóng góp được gì cho cộng đồng và xã hội. Vậy nguyên nhân bỏ học hiện nay đến từ đâu? Do các em chưa nhận thức được việc mình đã và đang làm, chỉ muốn chứng tỏ bản thân. Nguyên nhân khách quan là do gia đình không hòa thuận làm ảnh hưởng đến tâm lý của con cái. Do ba mẹ không quan tâm hoặc nuông chiều quá mức. Do chơi với bạn xấu, bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Do thầy cô quá nghiêm khắc không tạo được hứng thú cho học sinh,...
Chính vì vậy để cải thiện tình trạng này thì các em phải nhận thức được vai trò của việc học, gia đình và nhà trường phối hợp để nắn chỉnh các em khi có hiện tượng này xảy ra. Do đang độ tuổi phát triển, tâm sinh lý cũng phát triển nên tính tình khó bảo vì vậy cần có các biện pháp thấu hiểu chứ không phải các biện pháp nặng nề. Bố mẹ cần quan tâm, để ý đến cảm xúc của các con, thầy cô bên cạnh việc dạy cũng cần chia sẻ các câu chuyện về cuộc sống để các em cảm thấy thoải mái. Đất nước có phát triển được hay không một phần rất lớn nhờ các em vì vậy là học sinh phải cố gắng hết mình để đóng góp cho sự thăng tiến của đất nước.
3. Dàn bài chi tiết về tác hại của việc học sinh nghỉ học, bỏ học:
Mở bài:
Dẫn dắt vấn đề nghị luận và giới thiệu khái quát về tác hại của việc học sinh nghỉ học, bỏ học.
Thân bài:
Giải thích tác hại là gì?
Thực trạng học sinh bỏ học và nghỉ học hiện nay của học sinh
Tầm quan trọng của việc học:
+ Giúp cá nhân môic người trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thông qua quá trình học.
+ Giúp cá nhân mỗi người hoàn thiện nhân cách, hòa nhập với cộng đồng và giao lưu với xã hội.
Tác hại của việc nghỉ học và bỏ học:
+ Không thể tiếp thu và lưu truyền được những tinh hoa tri thức của nhân loại hàng ngàn năm.
+ Lạc hậu, tách biệt với xã hội và không bao giờ đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
+ Không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết của các cơ sở làm việc và yêu cầu của xã hội.
+ Trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nguyên nhân của việc học sinh nghỉ học, bỏ học:
+ Nguyên nhân khách quan: cha mẹ áp đặt vào con cái, luôn mong muốn con mình đạt vị trí nhất định nên con cái chán nản không muốn tiếp tục học dẫn đến bỏ học. Hơn nữa, do sự rủ rê từ bạn bè đồng trang lứa, rơi vào ăn chơi, xa đà nên chán việc học và nghỉ học.
Nguyên nhân chủ quan: Ham chơi điện tử, đua đòi, tham gia các tệ nạn xã hội, bỏ bê chuyện học tập.
Chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và nghỉ học:
+ Cha mẹ cần quan tâm, để ý đến cảm xúc của con cái, cần thấu hiểu con cái, không nên áp buộc con cái học tập quá khả năng của các con.
+ Thầy cô cũng cần quan tâm đến học sinh, vừa dạy kiến thức nhưng cũng cần dạy các em kỹ năng sống cần thiết. Tuyên truyền và phổ biến các em về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục cộng đồng.
+ Chính bản thân các học sinh cần nhận thức tầm quan trọng của việc học. Chăm chỉ rèn luyện.
Kết bài:
Khẳng định lại vấn đề và rút ra bài học cho bản thâ, đưa ra thông điệp về tác hại của việc bỏ học.
THAM KHẢO THÊM: