Bài viết dưới đây cung cấp cho các bạn học sinh, các bậc phụ huynh và các thầy, cô giáo Dàn ý và Mẫu bài văn Nghị luận về giữ gìn bản sắc dân tộc chọn lọc hay nhất. Mong bài viết này giúp các bạn học sinh hoàn thành tốt bài tập và đạt kết quả cao.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý Nghị luận về giữ gìn bản sắc dân tộc chọn lọc hay nhất:
a. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: việc giữ gìn bản sắc dân tộc.
b. Thân bài
– Giải thích khái niệm:
+ Bản sắc văn hóa dân tộc là gì?
Bản sắc văn hóa dân tộc là những nét văn hóa đã có từ lâu đời của mỗi dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã trở thành những phong tục tập quán, những đặc trưng của dân tộc đó, đặc trưng vùng miền của cả đất nước ta.
– Tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc:
Bản sắc văn hóa dân tộc mang đặc trưng dân tộc, vùng miền nên là nơi để con người giao lưu văn hóa, gắn kết với nhau, cùng nhau tôn vinh vẻ đẹp của quê hương mình.
Bản sắc văn hóa dân tộc là những đặc trưng của quốc gia riêng, chính là những giá trị tạo nên sự khác biệt giữa các quốc gia, tạo nên sự phong phú trong lối sống, sinh hoạt tập thể của con người và tạo nên sự đa dạng màu sắc cho cuộc sống.
– Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc:
Mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh chúng ta phải tìm hiểu những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, tích cực trau dồi hiểu biết của mình về những giá trị văn hóa tốt đẹp của nước nhà, giữ gìn và phát huy những giá trị đó với bạn bè năm châu.
Nhà trường, địa phương cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động để tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức về bản sắc văn hóa dân tộc.
c. Kết bài
Khẳng định lại tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời rút ra bài học cho bản thân.
2. Bài văn Nghị luận về giữ gìn bản sắc dân tộc chọn lọc hay nhất:
Mỗi quốc gia bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, để đứng vững và phát triển xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước thì đều phải coi trọng việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của mỗi một dân tộc. Điều này đặt ra vấn đề đối với mỗi người dân đặc biệt là thế hệ trẻ còn được gọi là những chủ nhân tương lai của đất nước có nhiệm vụ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Bản sắc văn hóa dân tộc là những nét văn hóa đã có từ lâu đời của mỗi dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã trở thành những phong tục tập quán, những đặc trưng của dân tộc đó, đặc trưng vùng miền của cả đất nước ta. Bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành và được vun đắp song song với quá trình dựng nước và giữ nước theo cả chiều đồng đại và lịch đại. Vì vậy đây là điều cốt lõi mang tính đặc trưng, màu sắc riêng của mỗi một quốc gia, dân tộc. Những bản sắc văn hóa dân tộc có thể là những giá trị về vật chất, cũng có thể là những giá trị văn hóa về tinh thần như phong tục tập quán, truyền thống văn hóa,…. Đối với dân tộc Việt Nam từ trước đến nay, những giá trị đó vẫn luôn bền vững, trường tồn theo thời gian như nền văn minh lúa nước, trống đồng Đông Sơn, tinh thần yêu nước mạnh mẽ, bền bỉ như sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dân tộc, tinh thần “tương thân tương ái” giàu giá trị nhân văn, hay truyền thống đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, “ân nghĩa thủy chung”,….
Đối với mỗi một quốc gia, dân tộc, bản sắc văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn, sâu sắc. Trước hết, bản sắc chính là cái gốc, cái bản chất cốt lõi khẳng định sự tồn tại của mỗi một quốc gia, dân tộc. Không chỉ dừng lại ở đó, bản sắc gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của mỗi quốc gia nên nó tồn tại trong ý chí của mỗi người dân trưởng thành trên đất nước ấy, là cái nôi nuôi dưỡng ý thức về quyền độc lập và ý thức gìn giữ non sông, đất nước đối với mỗi một con người. Mỗi quốc gia tồn tại độc lập, bình đẳng với nhau trên thế giới như một bức tranh đa dạng và muôn màu sắc, bản sắc mà mỗi một màu trong số ấy đặc trưng cho một quốc gai riêng, không thể hòa lẫn, hợp nhất giữa các đất nước.
Ngày nay, trong bối cảnh hòa nhập vào nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế, vai trò và vị trí của bản sắc văn hóa dân tộc càng phải được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa và gắn bó mật thiết với trách nhiệm của các thế hệ trẻ. Để đất nước có thể hòa nhập mà không hòa tan, vẫn mamg một đặc trưng riêng giữa một tập thể. Trách nhiệm khẳng định vị thế và giữ gìn của bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với thế hệ thanh thiếu niên học sinh Việt Nam bằng những việc làm tích cực. Mặc dù có sự du nhập và tác động từ văn hóa nước ngoài nhưng không ít bạn trẻ vẫn tìm về với những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như những trò chơi dân gian, những loại hình văn hóa dân gian như ca trù, nhã nhạc cung đình,…, đặc biệt là không ngần ngại quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những thanh niên với lối sống “sính ngoại”. Họ coi trọng những điều mới mẻ khi được tiếp xúc với văn hóa mới mà ngày càng xa rời bản sắc dân tộc. Họ thờ ơ với những giá trị truyền thống được cho là đã “cũ kỹ” ở cả vật chất cũng như tinh thần. Chẳng hạn như việc các bạn trẻ vô tư sử dụng những ngôn từ nước ngoài xen kẽ vào tiếng Việt, điều này không những tạo nên những cách diễn đạt khó hiểu mà còn làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Những hành động đó đã vô tình làm ảnh hưởng không tốt đến bản sắc văn hóa dân tộc và việc việc duy trì, phát huy nền văn hóa dân tộc.
Vì vậy, mỗi người dân dặc biệt là thế hệ trẻ cần ý thức được vai trò, ý nghĩa của bản sắc dân tộc để nâng cao tinh thần gìn giữ những giá trị tốt đẹp này. Cần rèn luyện lối sống tích cực, có những hành động phù hợp với những truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc, có tinh thần giữ gìn, phát huy những giá trị riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời chúng ta còn cần lên án, phê bình những hành vi làm mai một bản sắc dân tộc, những thái độ “xem thường” bản sắc văn hóa dân tộc và có thái độ đấu tranh mạnh mẽ để bài trừ và tẩy chay những hoạt động văn hóa không lành mạnh đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trong xã hội hiện nay.
Như vậy, bản sắc văn hóa dân tộc là hồn của mỗi quốc gia, thế hệ trẻ là tầng lớp có vai trò, ý nghĩa lớn nhất trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Là những học sinh được sinh ra và lớn lên trong cái nôi của bản sắc dân tộc, chúng ta cần nỗ lực, cố gắng trong học tập, lao động để trở thành những công dân tốt, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
3. Bài văn Nghị luận về giữ gìn bản sắc dân tộc chọn lọc ngắn nhất:
Ngày này, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.9, thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế. Thế hệ học sinh chúng ta là thế hệ có nhiều cơ hội để được tiếc xúc và trau dồi kiến thức hiện đại, mở mang tầm hiểu biết và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, để hoàn thiện bản thân mình hơn trong cách sống cũng như tâm hồn, chúng ta cần phải tích cực tìm hiểu, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của chính quốc gia mà chúng ta sinh ra và lớn lên.
Thực trạng diễn ra trong bối cảnh ngày nay, con người đang dần hòa nhập, cởi mở hơn với những nền văn hóa mới lạ của nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta đã vô tình quên đi những nét đẹp truyền thống văn hóa của chính dân tộc, đất nước mà chúng ta sinh ra, lớn lên. Ngày nay, nhiều bản sắc đã bị mai một, đang được cố gắng bảo tồn do giới trẻ ngày càng ít quan tâm và tìm hiểu về những truyền thống, bản sắc đó.
Từ sự vô tư có chút vô tâm đó mà những giá trị truyền thống tốt đẹp được cho là “hồn” của dân tộc đang ngày càng bị mai một dần đi, nhiều bản sắc đã và đang dần mất đi, chỉ còn được biết đến ở thế hệ các cụ, các ông, các bà. Những lễ hội truyền thống, những cuộc thi dân gian không còn nhận được nhiều sự quan tâm của người dân hoặc chỉ được diễn ra mang dáng dấp hình thức để cố gắng lưu giữ truyền thống. Đối với những bạn trẻ được sống trong thời đại hội nhập và phát triển ngày nay, họ đang có xu hướng đến những thứ hướng ngoại hơn, mới mẻ hơn, hiện đại hơn. Chính những điều này đã làm con người đánh mất đi giá trị cốt lõi của dân tộc, đất nước mình.
Trong thời đại hội nhập muôn màu muôn vẻ này, bản sắc văn hóa dân tộc là những đặc trưng của quốc gia riêng, chính là những giá trị tạo nên sự khác biệt giữa các quốc gia, tạo nên sự phong phú trong lối sống, sinh hoạt tập thể của con người và tạo nên sự đa dạng màu sắc cho cuộc sống. Vì vậy, chúng ta cần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và việc này gắn liền với mỗi cá nhân, đặc biệt là học sinh chúng ta phải tìm hiểu những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường và địa phương cũng cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động để tuyên truyền, mang đến cho học sinh, giới trẻ nguồn tri thức về bản sắc văn hóa dân tộc.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm chung của tất cả những con người Việt Nam mang dòng máu đỏ da vàng chúng ta. Chính vì thế, ta cần có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống đó để nó ngày càng đẹp đẽ và phát triển rộng rãi hơn.