Nghị định số 98/2014/NĐ-CP quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
NGHỊ ĐỊNH
Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội
tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế
__________________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ
Căn cứ Luật Công đoàn ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Thanh niên ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Cựu chiến binh ngày 18 tháng 10 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định thành lập tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đây viết tắt là tổ chức Đảng); các tổ chức chính trị – xã hội (gồm Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam) tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để người lao động có nhu cầu, hoặc mong muốn được thành lập và tham gia hoạt động tại các tổ chức đó khi đủ điều kiện theo quy định.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức Đảng và của các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài không đăng ký lại theo Nghị định số 101/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định về việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
3. Hợp tác xã.
4. Người quản lý doanh nghiệp và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp nêu tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 của Điều này.
Đối tượng nêu tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 của Điều này được gọi chung là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Điều 3. Nguyên tắc, điều kiện thành lập
1. Tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và theo Điều lệ Đảng, Điều lệ các tổ chức chính trị – xã hội và phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khi có đủ số người lao động là đảng viên, đoàn viên, hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ của tổ chức đó.
3. Người lao động trong doanh nghiệp có nhu cầu, hoặc mong muốn tham gia hoạt động, được cấp ủy đảng cấp trên cơ sở, tổ chức chính trị – xã hội cấp trên hướng dẫn thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp.
4. Doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thành lập và tham gia hoạt động trong tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp.