Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 5 năm 2016 quy định về các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Đường dây nóng
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG SẮT
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
2. Các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Người có thẩm quyền xử phạt.
3. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Lĩnh vực giao thông đường bộ:
a) Máy kéo là loại xe gồm phần đầu máy tự di chuyển, được lái bằng càng hoặc vô lăng và rơ moóc được kéo theo (có thể tháo rời với phần đầu kéo);
b) Các loại xe tương tự xe ô tô là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục, bốn bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng (nếu có) lắp trên cùng một xát xi (kể cả loại xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện);
c) Các loại xe tương tự xe mô tô là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh, có dung tích làm việc của động cơ từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg;
d) Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h;
đ) Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h, trừ các xe quy định tại Điểm e Khoản này;
e) Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hom 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).
Lĩnh vực giao thông đường sắt:
a) Dốc gù là hệ thống thiết bị phục vụ công tác dồn tàu mà khi đầu máy đẩy đoàn toa xe đến đỉnh dốc, sẽ tiến hành tác nghiệp cắt nối toa xe để các toa xe lợi dụng thế năng của đỉnh dốc tự chạy vào các đường trong bãi dồn;
b) Dồn phóng là phương pháp lợi dụng động năng của đoàn dồn để phóng toa xe hoặc cụm toa xe vào các đường trong bãi dồn;
c) Thả trôi là phương pháp lợi dụng thế năng của đường dồn tàu để thả cho toa xe hoặc cụm toa xe tự chạy vào các đường trong bãi dồn;
d) Cắt hớt là phương pháp cắt cụm toa xe khi đoàn dồn đang dịch chuyển;
đ) Chế độ hô đáp là quy định bắt buộc mà người được quy định hô các mệnh lệnh, thực hiện các biểu thị và người chấp hành các mệnh lệnh, biểu thị phải đáp lại đúng nội dung đã nhận được;
e) Cấp cảnh báo là thông báo bằng văn bản cho các nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu liên quan về tình trạng bất bình thường của kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt và các trường hợp cần thiết khác, kèm theo các biện pháp thực hiện nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu;
g) Khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc đường sắt là khoảng không gian dọc theo đường sắt đủ để tàu chạy qua không bị va quệt;
h) Phạm vi đường ngang là đoạn đường bộ đi qua đường sắt nằm giữa hai cần chắn, giàn chắn (bao gồm cả cần chắn, giàn chắn) hoặc nằm giữa hai ray chính ngoài cùng và hai bên đường sắt cách má ray ngoài cùng trở ra 06 m nơi không có chắn;
i) Phạm vi cầu chung là phạm vi giữa hai cần chắn, giàn chắn (bao gồm cả cần chắn, giàn chắn) hoặc phạm vi từ mép trong của mố (giáp đầu dầm) hai đầu cầu trở ra mỗi bên 10 m ở nơi không có cần chắn, giàn chắn.
Điều 4. Các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng
Các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt bao gồm:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
c) Buộc thực hiện biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;
d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất phương tiện;
đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính;
e) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác được quy định tại Chương II và Chương III của Nghị định này.
Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chương II
HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Mục 1. VI PHẠM QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm g, Điểm h, Điểm i, Điểm k, Điểm l Khoản 2; Điểm a, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm k Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm h, Điểm i Khoản 4; Điểm a Khoản 5; Điểm b, Điểm c, Điểm đ Khoản 6; Điểm a, Điểm c Khoản 7; Điểm a, Điểm đ Khoản 8 Điều này;
b) Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ;
c) Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ;
d) Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
đ) Khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều này và trường hợp đỗ xe tại vị trí quy định được phép đỗ xe;
e) Không gắn biển báo hiệu ở phía trước xe kéo, phía sau xe được kéo; điều khiển xe kéo rơ moóc không có biển báo hiệu theo quy định;
g) Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm h Khoản 4 Điều này;
h) Không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 2 Điều này;
i) Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;
k) Không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy;
l) Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm h Khoản 4 Điều này;
b) Điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy, trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định;
c) Chở người trên buồng lái quá số lượng quy định;
d) Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính;
đ) Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;
e) Xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định;
g) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn;
h) Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe; đỗ xe; dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều này;
i) Quay đầu xe trái quy định trong khu dân cư;
k) Quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo “Cấm quay đầu xe”;
l) Lùi xe ở đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất; lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;
m) Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều này.