Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về việc in, phát hành, sử dụng hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (sau đây gọi chung là hoá đơn); xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc in, phát hành, sử dụng hoá đơn; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc in, phát hành, sử dụng hoá đơn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, gồm:
a) Tổ chức, cá nhân Việt Nam kinh doanh bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi chung là bán hàng hoá, dịch vụ) tại Việt Nam hoặc bán ra nước ngoài;
b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh bán hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam hoặc sản xuất kinh doanh ở Việt Nam bán hàng ra nước ngoài;
c) Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài không kinh doanh nhưng có bán hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam.
2. Tổ chức nhận in hoá đơn.
3. Tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, dịch vụ.
4. Cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc in, phát hành, sử dụng hoá đơn.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Hoá đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
2. Tạo hoá đơn là hoạt động làm ra hoá đơn để sử dụng cho mục đích bán hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, gồm: tự in từ các máy móc, thiết bị tại doanh nghiệp; đặt các doanh nghiệp đủ điều kiện in hoá đơn; khởi tạo hoá đơn điện tử theo Luật Giao dịch điện tử.
3. Lập hoá đơn là việc ghi đầy đủ nội dung của hoá đơn theo quy định khi bán hàng hoá, dịch vụ.
4. Hoá đơn hợp pháp là hoá đơn đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định tại Nghị định này.
5. Hoá đơn giả là hoá đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hoá đơn.
6. Hoá đơn chưa có giá trị sử dụng là hoá đơn đã được in, khởi tạo theo quy định tại Nghị định này, nhưng chưa hoàn thành việc
7. Hoá đơn hết giá trị sử dụng là hoá đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành
8. Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; hoặc sử dụng hoá đơn của tổ chức, cá nhân khác (trừ hoá đơn do cơ quan thuế phát hành) để lập khi bán hàng hoá, dịch vụ, để hạch toán kế toán, khai thuế, thanh toán vốn ngân sách.
9. Sử dụng bất hợp pháp hoá đơn là việc lập khống hoá đơn; cho hoặc bán hoá đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hoá, dịch vụ; cho hoặc bán hoá đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hoá đơn không ghi đầy đủ các nội dung; lập hoá đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hoá đơn của hàng hoá, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hoá, dịch vụ khác; dùng hoá đơn quay vòng khi vận chuyển hàng hoá trong khâu lưu thông.
10. Hoá đơn lập khống là hoá đơn được lập nhưng nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
Điều 4. Loại, hình thức và nội dung hoá đơn
1. Hoá đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:
a) Hoá đơn xuất khẩu là hoá đơn dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài, xuất vào khu phi thuế quan;
b) Hoá đơn giá trị gia tăng là hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ;
c) Hoá đơn bán hàng là hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp;
d) Các loại hoá đơn khác, gồm: vé, thẻ hoặc các chứng từ có tên gọi khác nhưng có hình thức và nội dung quy định tại các khoản 2, 3 Điều này.
2. Hoá đơn được thể hiện bằng các hình thức sau:
a) Hoá đơn tự in là hoá đơn do các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hoá, dịch vụ;
b) Hoá đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành;
c) Hoá đơn đặt in là hoá đơn do các tổ chức, cá nhân kinh doanh đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, hoặc do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán cho các tổ chức, cá nhân.
3. Hoá đơn phải có các nội dung sau:
a) Tên hoá đơn, ký hiệu hoá đơn, số hoá đơn, tên liên hoá đơn. Đối với hoá đơn đặt in còn phải ghi tên tổ chức đã nhận in hoá đơn;
b) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
c) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;
d) Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, số tiền thuế giá trị gia tăng trong trường hợp là hoá đơn giá trị gia tăng;
đ) Tổng số tiền thanh toán, chữ ký người mua, chữ ký người bán, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hoá đơn.
Bộ Tài chính quy định cụ thể đối với hoá đơn không cần thiết phải có đủ những nội dung quy định tại khoản này.
4. Hoá đơn được thể hiện bằng chữ Việt. Hoá đơn xuất khẩu hoặc các loại hoá đơn cần kèm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng chữ Việt và có kích cỡ nhỏ hơn kích cỡ chữ Việt.
5. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về nội dung và hình thức hoá đơn khác với quy định tại các khoản 2, 3 Điều này thì thực hiện theo quy định tại điều ước quốc tế đó.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Chương 2.
TẠO VÀ PHÁT HÀNH HÓA ĐƠN
Điều 5. Nguyên tắc tạo và phát hành hóa đơn
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định này được tự in hóa đơn hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử để sử dụng trong việc bán hàng hóa, dịch vụ.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có mã số thuế nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải đặt in hóa đơn để phục vụ cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ của bản thân tổ chức, cá nhân.
3. Cơ quan thuế cấp tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Cục Thuế) đặt in, phát hành hóa đơn để cấp, bán cho các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
4. Doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định này được nhận in hóa đơn cho các tổ chức, cá nhân khác.
5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau. Nhà nước khuyến khích hình thức hóa đơn điện tử.
6. Tổ chức, cá nhân khi in hóa đơn không được in trùng số trong những hóa đơn có cùng ký hiệu
7. Tổ chức, cá nhân trước khi sử dụng hóa đơn cho việc bán hàng hóa, dịch vụ phải thông báo phát hành theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định này.
Điều 6. Hóa đơn tự in
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao; doanh nghiệp có mức vốn điều lệ theo quy định của Bộ Tài chính; các đơn vị sự nghiệp công lập có sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật được tự in hóa đơn kể từ khi có mã số thuế.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng hóa, dịch vụ nếu có đủ các điều kiện sau:
a) Đã được cấp mã số thuế;
b) Có doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ;
c) Không bị xử phạt về các hành vi vi phạm pháp luật về thuế theo mức do Bộ Tài chính quy định trong 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày liên tục tính đến ngày thông báo phát hành hóa đơn tự in;
d) Có hệ thống thiết bị đảm bảo cho việc in và lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ;
đ) Là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán và có phần mềm bán hàng hóa, dịch vụ gắn liền với phần mềm kế toán, đảm bảo việc in và lập hóa đơn chỉ được thực hiện khi nghiệp vụ kế toán phát sinh.
3. Hóa đơn tự in đảm bảo nguyên tắc mỗi số hóa đơn chỉ được lập một lần. Số lượng liên hóa đơn được in căn cứ vào yêu cầu sử dụng cụ thể của nghiệp vụ bán hàng. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tự quy định bằng văn bản về số lượng liên hóa đơn.
Điều 7. Hóa đơn điện tử
1. Hóa đơn điện tử được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các Bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
2. Hóa đơn điện tử được sử dụng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Điều 8. Hóa đơn đặt in
1. Hóa đơn đặt in được in ra dưới dạng mẫu in sẵn có nội dung quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này. Riêng hóa đơn do các Cục Thuế đặt in phải có tên Cục Thuế ở góc trên bên trái của tờ hóa đơn.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có mã số thuế được đặt in hóa đơn để sử dụng cho các hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ.
3. Cục Thuế đặt in hóa đơn để bán, cấp cho các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
Tất cả các đơn vị trực thuộc Cục Thuế bán, cấp cùng một loại hóa đơn do Cục Thuế phát hành.