Nghị định 48/2018/NĐ-CP được ban hành nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và xổ số, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn. Nghị định này chủ yếu tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2013/NĐ-CP, tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tóm tắt nội dung Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/03/2018:
- 2 2. Thuộc tính văn bản Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/03/2018:
- 3 3. Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/03/2018 có còn hiệu lực không?
- 4 4. Các văn bản có liên quan đến Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/03/2018:
- 5 5. Toàn văn nội dung Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/03/2018 của Chính phủ:
1. Tóm tắt nội dung Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/03/2018:
Những điểm chính của Nghị định:
- Mở rộng phạm vi điều chỉnh: Nghị định bổ sung một số hành vi vi phạm mới, đặc biệt là các hành vi liên quan đến kinh doanh bảo hiểm trực tuyến, bảo hiểm vi mô và xổ số điện tử.
- Tăng mức xử phạt: Nhiều hành vi vi phạm bị xử phạt nặng hơn so với quy định trước đây, nhằm răn đe và giảm thiểu các hành vi vi phạm.
- Cụ thể hóa các quy định: Nghị định làm rõ một số khái niệm, quy định về thủ tục xử phạt, góp phần tăng tính minh bạch và dễ hiểu cho các tổ chức, cá nhân.
- Nâng cao hiệu quả quản lý: Nghị định tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm và xổ số.
Ý nghĩa của Nghị định:
- Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: Giảm thiểu các hành vi lừa đảo, ép buộc trong kinh doanh bảo hiểm.
- Nâng cao tính minh bạch của thị trường: Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, xổ số.
- Phát triển bền vững thị trường bảo hiểm và xổ số: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động đúng quy định.
Tóm lại: Nghị định 48/2018/NĐ-CP được ban hành nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và xổ số, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn. Nghị định này chủ yếu tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của
2. Thuộc tính văn bản Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/03/2018:
Số hiệu: | 48/2018/NĐ-CP |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Ngày ban hành: | 21/03/2018 |
Ngày công báo: | 30/03/2018 |
Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Loại văn bản: | Nghị định |
Ngày hiệu lực: | 10/05/2018 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/03/2018 có còn hiệu lực không?
Nghị định 48/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 21/03/2018, có hiệu lực từ ngày 10/05/2018. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/03/2018:
Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số;
Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTC năm 2018 hợp nhất Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số do Bộ Tài chính ban hành;
Văn bản hợp nhất 11/VBHN-BTC năm 2020 hợp nhất Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số do Bộ Tài chính ban hành;
Nghị định 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
5. Toàn văn nội dung Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/03/2018 của Chính phủ:
CHÍNH PHỦ ——– | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 48/2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 98/2013/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM, KINH DOANH XỔ SỐ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ
Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số như sau:
1. Khoản 1 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số quy định tại Nghị định này.
Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số theo quy định của Nghị định này bao gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, đại lý bảo hiểm là tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh xổ số, đại lý xổ số là tổ chức và các tổ chức khác có liên quan quy định tại Nghị định này”.
2. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
a) Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không thực hiện đăng báo hàng ngày trong 05 số báo liên tiếp về những nội dung phải công bố theo quy định của pháp luật.
b) Công bố không đúng thời hạn một trong những nội dung trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép đặt Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật.
c) Không công bố các nội dung hoặc nội dung sửa đổi, bổ sung tại Giấy phép đặt Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật”.
b) Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 7 như sau:
“4a. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm đối với trường hợp vi phạm tại điểm c khoản 2 Điều này”.
3. Khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
a) Điểm d khoản 2 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“d) Bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu của quá một (01) chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoặc các bộ phận nghiệp vụ. Bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc của chi nhánh nước ngoài kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu của quá một (01) bộ phận nghiệp vụ của chi nhánh đó.”
b) Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 Điều 9 như sau:
“đ) Bổ nhiệm chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài đồng thời kiêm nhiệm các chức danh Tổng Giám đốc (Giám đốc), kế toán trưởng”.
c) Điểm a khoản 3 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Bổ nhiệm các Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), chuyên gia tính toán, Giám đốc Chi nhánh, Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên, Trưởng Ban kiểm toán nội bộ, người đứng đầu các bộ phận nghiệp vụ, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật”.
d) Điểm a, điểm b khoản 4 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty), Tổng Giám đốc (Giám đốc), Chuyên gia tính toán, Chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật;
b) Không bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị (Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty), Tổng Giám đốc (Giám đốc), Chuyên gia tính toán, Chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật;”
4. Khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe không thực hiện theo quy định của pháp luật một trong các nhiệm vụ sau:
a) Tính toán phí bảo hiểm và tham gia xây dựng quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm; xác nhận phí bảo hiểm;
b) Hàng năm đánh giá chênh lệch giữa các giả định tính phí với thực tế triển khai của từng sản phẩm;
c) Đánh giá chương trình tái bảo hiểm và các hợp đồng tái bảo hiểm trước khi trình Tổng Giám đốc, Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty) phê duyệt;
d) Báo cáo trực tiếp Bộ Tài chính trong trường hợp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi của chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không thực hiện theo quy định của pháp luật một trong các nhiệm vụ sau:
a) Tính toán phí bảo hiểm và tham gia xây dựng quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm, tái bảo hiểm; xác nhận phí bảo hiểm;
b) Đánh giá tình hình chi bồi thường;
c) Đánh giá chương trình tái bảo hiểm và các hợp đồng tái bảo hiểm trước khi trình Tổng Giám đốc, Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty) phê duyệt;
d) Báo cáo trực tiếp Bộ Tài chính trong trường hợp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
4. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi của chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe không thực hiện theo quy định của pháp luật một trong các nhiệm vụ sau:
a) Tính toán việc trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm;
b) Tham gia thực hiện việc tách quỹ và tính toán phân chia thặng dư hàng năm của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm;
c) Định kỳ hàng tháng, đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe và xác nhận vào báo cáo khả năng thanh toán gửi Bộ Tài chính.
5. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi của chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không thực hiện theo quy định của pháp luật một trong các nhiệm vụ sau:
a) Tính toán việc trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm;
b) Tham gia thực hiện tách nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm phù hợp với quy định pháp luật;
c) Định kỳ hàng quý tính toán khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài và xác nhận vào báo cáo khả năng thanh toán gửi Bộ Tài chính.”
5. Điểm b khoản 2 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Giữ lại mức trách nhiệm tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ quá 10% vốn chủ sở hữu.”
6. Khoản 3 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm mà số tiền chiếm đoạt dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 50.000.000 đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác”.
7. Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 Điều 17 như sau:
“đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức”.
8. Khoản 2, khoản 3 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không báo cáo danh sách các sản phẩm mới được triển khai trong tháng trước liền kề;
b) Công bố không đúng thời hạn các sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai theo quy định của pháp luật;
c) Công bố không đầy đủ các nội dung của sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Triển khai quy tắc, điều khoản, biểu phí các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trước khi đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận;
b) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn;
c) Không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã đăng ký với Bộ Tài chính;
d) Không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn;
đ) Sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính;
e) Không báo cáo Bộ Tài chính sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ trong trường hợp sản phẩm không bảo đảm an toàn tài chính theo quy định của pháp luật.”
9. Khoản 5 Điều 24 được bổ sung như sau:
“5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ đại lý bảo hiểm của cá nhân từ 02 tháng đến 03 tháng, đình chỉ hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức từ 02 tháng đến 03 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
b) Buộc đình chỉ hoạt động đào tạo đại lý của cơ sở đào tạo đại lý từ 01 tháng đến 03 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này”.
10. Điểm a khoản 1 Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định theo quy định pháp luật;”
11. Khoản 2 Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Đầu tư ngoài các nguồn vốn được phép đầu tư theo quy định của pháp luật;
b) Đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ không theo quy định của pháp luật;
c) Đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một tập đoàn hay một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau theo quy định của pháp luật;
d) Đầu tư từ nguồn vốn chủ sở hữu không theo quy định của pháp luật”.
12. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:
a) Tên Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 31. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tách nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm, phân chia thặng dư”
b) Khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không đăng ký với Bộ Tài chính các nguyên tắc phân bổ tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí chung liên quan đến cả quỹ chủ sở hữu và quỹ chủ hợp đồng trước khi áp dụng của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài theo quy định của pháp luật;
b) Áp dụng phương pháp phân chia thặng dư của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi điều chuyển tài sản và bù đắp thâm hụt của quỹ chủ hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Tách nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không theo quy định của pháp luật;
b) Phân chia thặng dư của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không theo quy định của pháp luật”.
Điều 2. Bãi bỏ quy định tại một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số như sau:
1. Bãi bỏ khoản 1 Điều 9.
2. Bãi bỏ điểm b khoản 2 Điều 14.
3. Bãi bỏ điểm a khoản 3 Điều 23.
4. Bãi bỏ điểm d khoản 6 Điều 24.
5. Bãi bỏ điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 26.
Điều 3. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện:
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 5 năm 2018.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đối tượng áp dụng của Nghị định chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc